2-Về hậu lai và chuyển kiếp

24 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 29166)
2-Về hậu lai và chuyển kiếp

 

Ngoài việc mách trước về những tai biến trong ngày đổi đời và miêu tả xã hội vị lai của cõi đời Thượng Nguơn, Đức Phật Thầy còn tiên tri nhiều điều để cho môn nhơn đệ tử của Ngài dõi theo đó mà nhận định huyền cơ.

Cứ theo môn nhơn đệ tử của Ngài kể lại thì Ngài có tánh điềm tĩnh ít khi nói, nhưng mỗi khi thốt ra lời nào thì lời ấy, nếu không phải là lời khuyến thiện cũng là lời mách cho biết trước một điều sắp xảy ra hay sẽ thực hiện sau này.

Bởi thế môn đệ của Ngài rất đặc biệt chú ý, mỗi khi Ngài thốt. Và mỗi lời Ngài nói ra, đều được ghi chép. Nhờ đó người ta mới thấy chỗ ứng nghiệm của những lời tiên tri của Ngài.

Và đây là một vài mẫu chuyện mà các môn nhơn đệ tử của Ngài kể lại, đến nay ai cũng còn nhớ và đã thấy thực hiện rõ ràng.

 ***

Có một hôm, Ngài cùng môn đệ đi đến Cái Tre ở thôn Bình Thành, nằm trên tả ngạn Tiền giang ngó xéo qua Chợ mới. Ngài ngó qua cù lao Ông Chưởng mà nói rành: Chừng nào ngó thấy Mặc cần dưng thì tới đời. Ở vào thời kỳ Đức Phật Thầy cách nay trên 150 năm, lời nói ấy không thể tin được, vì rằng từ Cái Tre ở tả ngạn Tiền giang mà ngó qua Mặc cần dưng ở hữu ngạn Hậu giang, cách nhau một cái cù lao Ông Chưởng, bề ngang có trên 20 ngàn thước, thì làm sao mà trông thấy cho được. Vả lại lúc bấy giờ, đất địa một phần lớn còn hoang vu, đầy đồng cỏ rậm cây cao, từ nhà này trông lại nhà kia còn không thấy, có đâu giữa một khoảng cách nhau hằng 20 ngàn thước, xa nhau cả một cái cù lao với hai con sông lớn thì có tài nào trông thấy nhau được.

Thế mà lời tiên tri ấy đã thực hiện vào khoảng năm 1946, trong lúc binh biến, cây cối ở miệt Chợ Thủ đều bị đốn sạch. Người ta đứng ở Cái Tre ngó ngan cù lao Ông Chưởng đều thấy lồng lộng những lằn khói đen của nhà máy xây lúa ở Mặc cần dưng xông lên.

Phải chăng đây là điềm báo rằng đời đã tới, đúng như lời Phật Thầy đã nói từ lâu?

 

 ***

Có một lần nọ, Đức Phật Thầy cùng môn nhơn đệ tử đi đến Vàm Cống, cách châu thành Long Xuyên độ tám ngàn thước. Ngài đứng ngó qua bờ sông bên kia, rồi bỗng nhiên nói rằng: Về sau chừng nào chỗ này nổi lên hai con sấu đưa người qua lại con sông này thì chừng đó sắp tới đời.

Các môn nhơn đệ tử đều cho đó là lời nói cơ, vì rằng Đức Phật Thầy cho biết trong lúc tới đời, có nhiều loài thú kỳ dị xuất hiện, giết hại sanh linh, như dưới sông thì có sấu tha còn trên bờ thì có hùm bắt, không còn đường nào chạy cho thoát.

Nay nghe Đức Phật Thầy nói sau này ở tại Vàm Cống có hai con sấu nổi lên đưa người qua lại, chi cho khỏi chẳng tưởng rằng chừng đời tới sẽ có thứ sấu mà Đức Phật Thầy nói đó nổi lên. Mà loài sấu là loài hung dữ, thường tha người chớ đâu lại có thứ đưa người qua sông. Có lẻ là loại sấu linh nổi lên đưa người hiền đức.

Người ta cứ vẫn in trí như vậy. Chớ có ai ngờ Đức Phật Thầy nói về hai chiếc đò máy (bắc) mà ngày nay chúng ta thấy đưa xe hơi, hễ chiếc này từ bên này đưa qua thì chiếc kia từ bên nọ đưa lại. Hai chiếc đò ấy từ xa trông chẳng khác hình con sấu. Cái bàn quây trước mũi của nó có khác nào cái mỏ của con sấu đưa ra đâu!

Nhưng có điều nên biết là theo lời Đức Phật Thầy, khi nào hai con sấu ấy nổi lên đưa người qua sông thì điềm báo trước rằng đời đã cận.

 

 ***

Và có một hôm Đức Phật thầy thấy đàn bà may vá rất vất vả, còn đàn ông thì kéo lửa rất khó nhọc, Ngài mới thốt ra rằng: Bây giờ thì đàn bà may vá cho đàn ông mặc, đã chậm mà lại vất vả nữa. Về sau, khi người da trắng sang đây thì đàn bà trở lại sung sướng. Đàn ông sẽ may cho họ mặc. Chừng đên đó thì đàn ông khỏi cần phải kéo lửa mà không cần vùi lửa trong tro nữa. Chừng đó đàn bà đem vùi lửa trên nóc mùng. Người ta sẽ trở nên sung sướng: Đi xe thì kỏi kéo, còn đi ghe thì khỏi chèo. Chừng đó người ta đi đâu cũng đi bằng tàu: Có thứ chạy dưới nước, có thứ chạy trên bờ, lại có thứ chạy trên trời nữa. Và chừng nào có tàu chạy trên trời thì đời tới.

Nên hiểu rằng lời của Đức Phật Thầy thốt ra trước ngày người Pháp vào chiếm Nam Kỳ có trên mười năm, bởi thế nên Ngài nói sau này có người da trắng đến xứ ta. Đối với người đồng thời, những điều Đức Phật Thầy nói đó, đã là một điều lạ, mà càng lạ hơn nữa là đi xe khỏi kéo, đi ghe khỏi chèo, lại có nhiều thứ tàu, lớp chạy dưới nước, lớp chạy trên bờ, lớp chạy trên trời nữa.

Nhưng những đều lạ lùng ấy đều được thực hiện từ ngày người Pháp để chơn lên đất nước Việt Nam. Ngày nay không còn ai phải lấy làm lạ khi thấy đàn ông may quần áo cho đàn bà, như hầu hết các tiệm may đều do người đàn ông may cắt, hay khi thấy đàn ba vùi hộp quẹt trên nóc mùng để ban đêm dậy lấy cho dễ. Còn lạ gì, ngày nay khi cất bước ra đi, dưới sông thì có tàu thủy, trên bờ thì có tàu hỏa, còn trên trời thì có tàu bay.

Chớ người ở thời Đức Phật Thầy mà nghe nói đàn ông may quần áo cho đàn bà, chi cho khỏi họ chê đàn bà thời nay hư hèn không biết may mà mặc, còn đàn ông thì khiếp nhược đến hạ mình may quần áo cho đàn bà.

Nhưng họ có biết đâu đó là sự thật và lời tiên tri của Đức Phật Thầy thực hiện không sai.

 

 *** 

Ngoài những lời tiên tri về cuộc đời, Ngài còn cho biết đến sự chuyển kiếp của Ngài nữa. Ngài không nói rõ năm nào, nhưng Ngài chỉ cho biết đại lược rằng:

Chừng nào trâu rống dưới sông,

Lòng Ông bảy chợ thì ông trở về.

Cũng có nơi truyền lại câu này như vầy:

Chừng nào trâu rống dưới sông,

Lòng Ông bảy chợ hết mong sự đời.

Câu trước ý nói về chuyển kiếp của Đức Phật Thầy còn câu sau thì nói về cuộc đổi đời. Mặc dầu mỗi đàng mỗi ý nghĩa khác nhau, nhưng tựu trung thì sự “hết mong sự đời” hay việc “ông trở về” sẽ xãy ra khi mà “trâu rống dưới sông” và “lòng Ông bảy chợ”.

Nhưng lời tiên tri ấy được thực hiện chăng? Và thế nào là “trâu rống dưới sông”, “lòng Ông bảy chợ”?

Đã từ lâu, người ta cũng không biết thế nào là trâu rống dưới sông, cho nên bẳng đi một thời gian khá lâu, người ta không quan tâm đến lời tiên tri ấy. Nhưng bỗng một lúc nọ, độ vào khoảng 1939 – 1940 ở miệt Hậu giang nhứt là trong hai tỉnh Châu đốc và Long xuyên, trong lúc đường giao thông trở nên bất tiện vì các chiếc đò máy thiếu dầu xăng, thì nổi lên một phong trào đưa đò bằng ghe chèo. Dưới sông rạch dập dều những ghe đò chèo ba bốn bổ, ngày này qua ngày nọ đưa hành khách từ thôn quê ra chợ, rồi từ chợ cở khách và hàng hóa về thôn quê. Thay vì gọi khách bằng súp lê hay kèn như các tàu hay ghe máy, người đưa đò dùng ống tù và mà túc inh ỏi ở dưới sông. Mà ống tù và làm bằng sừng trâu, cho nên vì đó mà người ta mỉa mai gọi là trâu rống.

Việc ghe đò dùng ống tù và mà túc, gợi cho người ta nhớ lại câu tiên tri “trâu rống dưới sông” của Đức Phật Thầy. Và càng làm cho người ta quả quyết hơn nữa, là cái hiện tượng túc tù và ấy ăn nhịp với lòng Ông dựng lên bảy chợ. Lòng Ông đây là nói lòng rạch Ông Chưởng là con rạch chạy từ Chợ mới bên Tiền giang qua Chưn đùn bên Hậu giang.

Trong lúc Đức Phật Thầy đến làng Long kiến dựng lên cái cốc ở Xẻo Môn và phát ra lời tiên tri trên kia thì hai bên lòng Ông vẫn còn là những làng mạc hẻo lánh, phần nhiều là đất bỏ lâm, dân cư thưa thớt. Hồi có chỉ có độc một cái chợ Ông Chưởng mà bây giờ gọi là Chợ mới đó. Từ mấy mươi năm lại đây, dân làng trở nên đông đúc, người ta hợp nhau làm chỗ buôn bán. Sau dần mấy chỗ ấy dựng lên chợ. Cho đến khoảng 1939 – 1940, nghĩa là lúc mà người ta ngày ngày nghe “trâu rống dưới sông” thì lòng Ông có được bảy chợ. Bắt từ Chợ mới bên Tiền giang kể suốt qua Hậu giang thì lòng Ông có được bảy chợ là: Chợ mới, chợ Mương lớn, chợ Cái xoài, chợ Bà Vệ, chợ Cà Mau, chợ Sóc chéc và chợ Cái Hố.

Và từ đó đến nay vẫn còn bấy nhiêu chợ, chớ không thêm không bớt. Gần đây dân làng có dựng thêm một cái chợ ở Mương Tịnh ở thôn Long kiến, nhưng có điều kỳ lạ là cái chợ ấy hễ dựng lên thì chẳng bao lâu lại bị cháy. Theo lời người ta kể lại thì cái chợ ấy đã ba lần dựng lên và cả ba lần đều bị cháy cả. Cho đến nay cũng chưa dựng lại được.

Nhưng khi biết rằng “trâu rống dưới sông” và “ lòng Ông bảy chợ’ đã thực hiện, phải chăng đã đến thời kỳ “Ông trở về” và “hết mong sự đời”?

Về việc “hết mong sự đời” thì còn phải chờ thời gian xác nhận, chớ còn việc “Ông trở về” thì người ta có thể kiểm điểm được, mà chúng tôi sẽ xét trong chương sau.

Về vấn đề chuyển kiếp, ngoài câu đã kể trên, Đức Phật Thầy còn cho biết trong một câu khác nữa.

Một hôm, Ngài còn ở cái cốc làng Long kiến, Ngài đi ra vào ngâm lên hai câu thơ này:

Chừng nào gốc mục lên chồi,

Ta vưng sắc lịnh tái hồi trần gian.

Câu nầy thốt ra trong lúc chùa Tây An Cổ Tự chưa trồng bốn cây dầu. Trải qua thời gian, khi đặt tên chùa, người ta trồng ba cây dầu ở phía sau và một cây dầu ở trước chùa. Năm 1918, cây dầu này bị đốn. Chỉ còn ba cây dầu ở sau chùa. Năm 1927 ba cây dầu này, vì chùa bị phát hỏa, nên chết. Rồi mãi đến năm 1938, nơi gốc dầu bị đốn ấy mọc lên một cái chồi, như đã thuật ở chương trước nói về Tây An Cổ Tự.

Nay gốc mục đã lên chồi, thế mà Ngài đã “tái hồi trần gian” Nhưng Ngài chuyển kiếp ở đâu và với hình thức nào?

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn