THAY LỜI TỰA
Trong sách Thiền uyển kế đăng lục có chép lịch-sử các vị tổ Việt-Nam cho đến triều vua Tự-Đức, chỉ thấy gọi danh-hiệu là thiền-sư hay hòa-thượng chớ chưa thấy xưng tụng một vị nào là Phật cả.
Thế mà trong vòng một trăm năm mươi năm trở lại đây, ở miền Nam nước Việt có một vị siêu-phàm ra đời, hoằng pháp lợi sanh, gây nên một phong-trào đạo-hạnh chưa từng thấy. Vị siêu phàm ấy được thế nhân xưng tụng là Đức Phật-Thầy.
Phải chăng sách Thiền uyển kế đăng lục chỉ kể những vị cao tăng từ triều Tự-Đức trở về trước và từ vùng Bình-Thuận trở lên, cho nên chưa đề-cập đến các bực tu-hành từ triều Tự-Đức trở về sau và từ Bình-Thuận trở xuống miền Nam đó chăng?
Nếu thế, thì đây là một tài-liệu về Đức Phật-Thầy Tây-An mà chúng tôi xin cung-hiến để góp một phần nào vào lịch-sử Phật-giáo Việt-Nam.
Sở-dĩ vị siêu-phàm ấy được xưng tụng là Phật-Thầy, là bởi Ngài đã đạt được quả vị đẳng-giác, thấu rõ cơ-huyền, vưng lịnh Phật-Tổ xuống độ dân cứu thế, mà ngay trong sám giảng của Ngài, người ta được thấy lắm lời phát-lộ.
Như trong sám giảng của Đức Phật-Trùm, một chuyển kiếp của Ngài có nói:
Tuy là phần xác của Mên,
Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời.
Hay trong Sám-giảng của ông Sư-Vải Bán-Khoai, cũng một chuyển- kiếp của Ngài, có nói:
Ta nay phần cốt ở trần,
Phần hồn Phật khiến xa gần phải đi.
Hay trong Sám-giảng của Đức-Huỳnh Giáo-chủ, cũng một chuyển- kiếp của Ngài có nói:
Ta thừa vưng sắc lịnh Thế-Tôn,
Khắp hạ-giái truyền khi đạo pháp.
Với sự hoằng-hóa của Ngài, trên thì nói Phật-pháp cho kẻ có lòng mộ đạo qui căn, dưới dùng phép huệ-linh độ bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh, mà Ngài đã gây nên một tôn phái: phái Phật-Thầy Tây-An cũng gọi là phái Bửu-Sơn Kỳ-Hương, có mười hai vị đại đệ-tử liểu ngộ và có phép thần-thông với hàng vạn tín đồ qui-ngưỡng, kể ra không kém hai phái Lâm-Tế và Tào-Động như hiện nay còn thấy lưu-truyền ở Trung Bắc.
Đã gây nên một phong-trào đạo-hạnh dường ấy, đã nên danh một tôn phái như thế, nhưng nếu có ai hỏi phong-trào đạo-hạnh ấy thế nào và phái Phật-Thầy Tây-An ra làm sao thì cơ-hồ không biết phải dựa vào đâu để kê-cứu cho đúng.
Có người giới-thiệu cho bộ Giảng Tòng-Sơn như đã thấy cốt truyện đăng trên mặt báo một độ nọ, nhưng đến khi khảo-sát lại thì những tài-liệu trong bộ giảng ấy không đúng sự thật.
Ngoài bộ Giảng Tòng-Sơn, còn nhiều Sám-giảng mà chúng tôi được dịp đọc đến, nhưng tựu-trung cũng không khác bộ Giảng Tòng-Sơn kia, đã mất hẳn tánh-chất thực-tế mà lại còn không phù-hợp nhau giữa tài-liệu của quyển nầy với quyển khác.
Trang-thái bất-nhứt ấy sở-dĩ có, cùng do nhiều nguyên-do:
1- Noi theo giáo-pháp vô-vi của Phật Thích-Ca, Đức Phật-Thầy không chịu làm việc gì có tánh-cách hữu-vi. Cũng như Phật Thích-Ca, Ngài chỉ thuyết chớ không viết. Ngay như ngôi mộ của Ngài, trước khi tịch Ngài cũng dạy sau nầy để bằng cho người trồng tỉa.
2- Phần nhiều Sám-giảng được lưu-truyền là do môn-đệ của Ngài chép lại sau khi nghe Ngài thuyết hay lấy ý của Ngài mà viết lại. Do đó mà người đời nay thường nhận lầm là của môn-đệ viết, như mười bài thơ liên-hoàn đăng ở phần Phụ-lục mà nhiều người cho là của cậu hai Lãnh tục danh cậu hai Gò-sặc sáng tác, nhưng thật ra, cậu hai Gò-sặc chỉ thừa lịnh chép lại mà thôi.
3- Ở miền Nam nước Việt không có cái lệ làm gia-phả. Bởi thế, nếu cần khảo-cứu một nhơn-vật lịch-sử nào thì con cháu của vị ấy, mỗi người theo ký-ức của mình hay do theo lời truyền-khẩu của tiền-nhơn mà kể lại mỗi người mỗi cách khác nhau.
Đứng trước tình-trạng hỗn-độn ấy, muốn khảo-cứu lich-sử về Đức Phật-Thầy Tây-An là một việc hết sức khó-khăn.
Muốn cho không xa sự thực, chúng tôi phải làm lại công việc của nhà khảo-cổ hay địa-chất-học, tự đi đến chỗ tìm lại dấu vết xưa, như bi-ký, mộ-bia, sắc chỉ... Chúng tôi phải mất nhiều thì giờ đi đến những nơi mà Đức Phật-Thầy và môn đệ của Ngài còn để di-tích lại, như chùa Tây-An Cổ-tự ở Long-kiến, chùa Tây-An ở núi Sam, trại ruộng ở Thới-sơn, Bửu-Hương-Các ở Láng. Ngoài ra chúng tôi còn phải đi đến chùa Bồng-Lai ở Bài-bài của ông Đạo-Lập chùa Bửu-Hương-Tự ở Láng của ông cố Quản Thành và cậu Hai Nhu, chùa Long-Châu-Thới ở Cái-dầu của ông Đạo Xuyến... để tìm di-tích của các ông Đạo, môn đệ của Phật-Thầy, cho được tận tai nghe, tận mắt quan-sát.
Nhưng biết đâu chẳng còn có chỗ sai-siễn.
Xưa kia, Phật tịch-diệt không bao lâu đã có người đọc sai bài kệ trong kinh Pháp-cú như vầy:
Nhược nhơn sanh bách tuế,
Bất kiến thủy-lão-hạc.
Bất như sanh nhứt nhựt,
Nhi đắc kiến liễu chi.
Có nghĩa:
Nếu người sống trăm tuổi,
Mà không thấy con thủy-lão-hạc:
Chẳng bằng sống một ngày,
Mà được thấy rõ vậy.
Thật ra thì bài kệ ấy như vầy:
Nhược nhơn sanh bách tuế,
Bất kiến sanh diệt pháp:
Bất như sanh nhứt nhựt,
Nhi đắc kiến liễu chi.
Có nghĩa:
Nếu người sống trăm tuổi,
Chẳng thấy pháp sanh diệt:
Không bằng sống một ngày,
Mà được thấy rõ vậy.
Ông A-Nan khi đi ngang qua nghe tụng sai như vậy thì than rằng: Chánh-pháp của Phật sao mà dứt sớm quá vậy!
Cách Phật tịch-diệt chẳng bao lâu mà còn truyền tụng sai như thế, huống hồ là cách xa Đức Phật-Thầy Tây-An gần một trăm năm mươi năm thì sự sai lạc mới biết bao nhiêu nữa.
Mong rằng các thức-giả nhận thấy chỗ sai-siễn mà chỉ-giáo, thì không còn chi quí hóa bằng.
Thượng-tuần tháng trọng-hạ năm Quí-Tỵ.
(Kiểm bài ngày 22-9-2010)