3-Ông Đình Tây

24 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 33038)
3-Ông Đình Tây

Ông Đình Tây, nguyên danh là Bùi văn Tây. Ông có hai đời vợ. Vợ trước sanh một trai ở Năng gù. Còn vợ sau sanh được ba gái ở làng Thới Sơn. Chính cô gái thứ ba cất giữ mấy báu vật mà Đức Phật Thầy trao cho ông Đình Tây để sau nầy bắt con sấu năm giò mà người đời gọi là ông năm chèo. Các con ông đều qua đời, chỉ còn một ông rể, năm nay đã quá 80 tuổi.

Ông Đình Tây, tướng người cao lớn, nhưng khi về già thì lưng còm và mình trổ đồi mồi.

Cũng như các đệ tử khác của Đức Phật Thầy, ông đạt phép thần thông và giỏi tài trị bịnh. Cách chữa bịnh của ông cũng lạ hơn người ta. Bất cứ đau bịnh gì, ông chỉ dùng miểng sành cắt cho thì hết bịnh. Trước nhà ông hồi đó có một đống miểng sành ngùn ngụt lối 4, 5 chục giạ lúa.

Về việc ông thả ông năm chèo, trong quyển “Tận Thế và Hội Long Hoa” có đoạn nói rằng:

Một hôm ông Đình Tây một môn đệ của Đức Phật Thầy Tây An, được lịnh Thầy đi xuống vùng Láng, gặp lúc vợ tên Xinh chuyển bụng đẻ mà không có chồng ở nhà. Ông Đình Tây thấy vậy chạy lo làm giường và rước mụ giùm. Khi tên Xinh đi bắt rắn bắt rùa ở ngoài đồng về nghe rõ tự dự thì hết sức cám ơn ông Đình Tây. Ông này thấy trong giỏ của Xinh có một con sấu con, mũi đỏ có năm giò, thì rất thích bèn nài nỉ hỏi mua. Nhưng vì thọ ơn ông Đình Tây mới vừa giúp vợ mình sanh đẻ nên Xinh vui lòng biếu con sấu ấy cho ông. Được con sấu ấy, ông Đình đem khoe với Thầy. Té ra Thầy biết đó là loại sấu Thần, nên có bảo ông Đình Tây đem giết, để trừ hậu hoạn. Đã không nghe lời Thầy, ông Đình Tây lén nuôi con sấu ấy. Được ba năm, con sấu ấy một hôm bò đi mất. Không dám giấu giếm, ông liền đem việc ấy bạch lại với Đức Phật Thầy thì Ngài chắc lưỡi, rồi cắt nghĩa cho ông Đình Tây biết sau này con sấu ấy sẽ nhiễu hai dân chúng không biết bao nhiêu mà kể”.

Bởi con sấu ấy sau này sẽ gây thành một mối “thảm sầu thiết tha”, nên tuy chắc lưỡi hối tiếc cho việc đã dĩ lỡ ra rồi, nhưng Đức Phật Thầy không thể bỏ qua không nghĩ đến phương pháp trừ nó.

Ngài cho rèn một lưỡi câu, một lưỡi mun, hai cây lao và đánh một sợi dây rồi trao cho ông Đình Tây cất giữ, để về sau này có trừ con “nghiệt súc” ấy.

Lưỡi câu cũng như lưỡi mun, đều rèn bằng sắt, ở phía đít có chừa lổ để tra cán vào chớ không phải để cột dây. Hai cây lao thì có lưỡi nhọn, dài chừng năm tất cắm vào cán từ mũi chí đít độ hai thước rưỡi. Còn sợi dây thì bằng tơ se lại, cỡ mút đủa, dài 16 thước.

Nếu đứng về thực tế thì mấy món này không làm gì cho xuể con “nghiệt súc” ấy. Nhưng đây là phép mầu.

Mà đã là phép mầu thì vô cùng huyền diệu, huyền diệu cho đến đổi sợi dây ấy có lần ông Đình Tây cất nó trong nhà mà khi nhà bị phát hỏa, cháy sạch không còn món gì, thế mà sợi dây không hề hấn gì cả.

Từ ngày ông Đình Tây vưng lịnh Đức Phật Thầy cất giữ mấy bửu vật ấy, đã có lần đem dùng qua, nhưng chừng như, khi con “nghiệt súc” nghe ông đem dây, mun, lưỡi câu và lao đến thì nó biến mất.

Lần ấy gặp lúc mùa nước lên, ông năm chèo trườn lên vùng Láng Linh phá xóm phá làng, người ta đi mời ông đến. Kịp khi ông đến nó lại biến mất. Ông Đình Tây được dân làng lưu lại ít ngày coi “ông năm chèo” có trở lại hay không thì trót tuần chờ đón mà ông năm chèo vẫn bặt tăm biệt dạng. Rồi kịp khi ông Đình Tây ôm nóp mang gói ra về thì ít ngày sau ông năm chèo lại xuất hiện phá xóm làng như trước. Ba lần cút bắt như vậy mà không ai gặp ai. Đến lần chót, ông Đình Tây ở lại mười ngày cũng không gặp thì có nguyện rằng:

-Nếu phần số mi phải lọt về tay ta hôm nay thì mi cũng nên tuân theo số Trời để cho ta làm tròn phân sự của Đức Phật Thầy giao phó. Còn như mi chưa tới số hì mi đừng trở lại phá khuấy dân chúng nữa.

Từ ấy trở về sau không còn nghe tin tức gì về ông năm chèo nữa. Có người phỏng đoán ông ở chỗ này, có người định vẹo ông ở chỗ nọ, nhưng thật ra không ai biết rõ ông ở nơi nào?

Ông Đình Tây thọ 88 tuổi. Đến năm Canh dần (1890) ngày 23 tháng hai thì tịch. Mộ ông và mộ bà nằm gần nhau, cách mộ ông Tăng không xa. (xem hình số 13).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn