Phản ảnh giáo thuyết, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo có đời sống tinh thần giản dị nhưng phức tạp luôn đề cao giá trị tinh thần và cổ truyền.
Vốn là những nông dân mà nếp sống cổ truyền chưa bị phá hủy hoàn toàn lại được “giáo dục” qua những lời “khuyến thiện”, tín đồ đa số rất thành thực, bộc trực nhưng ôn hòa. (Trừ thiểu số quá khích khiến dư luận đồn đại về bản chất hung bạo của tập thể). Tuy nhiên, họ cũng phản kháng mãnh liệt khi bị áp bức (1). Tín đồ thường tỏ ra khoan dung (những cuộc thanh toán, cáo giác giữa các khối Phật Giáo Hòa Hảo vào cuối năm 1973, đầu năm 1974 không tiêu biểu cho đoàn thể mà chỉ phản ảnh quan điểm cá nhân ?). Chuộng lễ nghĩa, tình thương, dựng chùa, đúc chuông… cũng là đặc điểm tinh thần của tín đồ dù rằng họ là cư sĩ tại gia.
Sự giản dị còn được thể hiện qua tang lễ, chỉ cầu nguyện giữa trời rồi yên lặng đi chôn cất mà không rước thầy đám, đốt phướng xá, lầu kho … qua hôn lễ, không còn lệ thách giá, đòi tiền, đòi lễ vật (còn khoảng 2 %). Thông gia không gây phiền toái, không phân biệt gia cấp và cũng không bày tiệc lễ linh đình.
Làm bất cứ điều gì, tín đồ pháp môn “Học Phật Tu Nhân” cũng đều suy nghĩ về tội ác, đắn đo về hậu quả cho con cháu họ sau nầy.
Sự bình đẳng tôn giáo cũng được tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tôn trọng. Họ luôn luôn dành sự ngưỡng phục không những cho các chức sắc điều hành tôn giáo họ, mà còn cho các nhà tu Công Giáo, các nhà Sư Phật Giáo … Tinh thần kỳ thị tôn giáo cũng bị bài xích trong vùng Phật Giáo Hòa Hảo (trừ trường hợp Đạo Ba Bốn hệ phái Đức Hoài Sanh).
Tín đồ nông dân miền Tây coi việc trau giồi kiến thức là điều cần thiết, là học chữ quốc ngữ, và tỏ ra rất quan tâm đến những chương trình phát thanh trên các hệ thống vô tuyến quốc gia và đã giải tỏa một phần mặc cảm tự ti về tôn giáo.
Số tín đồ theo dõi chương trình “Tiếng Từ Bi” hơn 95 % đối với thành phần cao niên và tỷ lệ đó cũng giảm dần đối với thành phần trẻ.
Trong lãnh vực nghề nghiệp, tinh thần đạo đức và luật nhân quả chi phối rất nhiều trong việc chọn nghề. Vì vậy, đa số tín đồ lớn tuổi (90 %) hoạt động trong khu vực thứ nhứt, các tín đồ trẻ dù có khuynh hướng chọn hoạt động Đệ Tam Đẳng nhưng cũng ít nhiều bị ràng buộc bởi gia đình và truyền thống.
Tóm lại, trong phương diện tinh thần, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo còn giữ lại được ít nhiều nếp sống và truyền thống dân tộc, đồng thời cố gắng loại trừ những hủ tục làm ngăn cản bước tiến. Tinh thần đạo đức luôn được tuyên dương, nguyên tắc bình đẳng được chọn làm phương châm hành động, và giáo điều vẫn được coi là “khuôn vàng thước ngọc” ít nhứt cũng cho hơn 80 % tín đồ lớn tuổi và 65 % tín đồ trẻ. Vì vậy, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo không thể bị coi là một tập thể cuồng tín, hung bạo. Điều ngộ nhận về họ chỉ phản ảnh qua thiểu số, và dĩ nhiên cần xét lại để tránh mặc cảm tự ti cho khối nông dân vĩ đại miền Tây, khôi nhân sự cần được giúp đỡ để tạo bầu khí cởi mở giúp đoàn kết quốc gia, tạo phúc lợi cho dân tộc.
***
Chú thích :
(1) Đại Hội PGHH tại Thánh Địa Hòa Hảo, tại Cái Sắn vào những tháng cuối năm 1973, đầu năm 1974 để phản đối chánh quyền về vấn đề Tuyên úy PGHH, Tổng đoàn Bảo An, hoản dịch vân vân.