Cuộc chiến không tạo thảm họa! Cuộc chiến đăng đẳng, đa diện và khủng khiếp tại Việt Nam còn gây nhiều bi đát hơn nữa!
Xã hội Việt Nam xác xơ vì chiến tranh, đọa lạc vì mất niềm tin, băng họai vì sự du nhập của những thế lực “phi dân tộc”. Đó là chưa kể đến những thiên tai, nhân nạn liên tục diễn ra trên những phần đất nghèo nàn, heo hút.
Vậy mà, vì hòan cảnh chiến tranh, vì những lý do nội tại khiến tình trạng an sinh của những người bất hạnh chưa được giải quyết ổn thỏa và phải trông chờ ở các đoàn thể tư nhân, nhiều hộ từ thiện …, ở sự đóng góp bất thường của những người còn giàu từ tâm …
Những hình ảnh bi thương ngày ngày diễn ra trên khắp cùng đất nước đã trở thành những ám ảnh, những xót xa, ray rứt tâm tư và thôi thúc chúng tôi dấn thân vào ngành xã hội học với hoài bảo nối tiếp công việc của những người đi trước để được đóng góp cổ phần thiện chí và kiến thức khiêm nhường vào mọi công trình nghiên cứu, cải tạo xã hội; ngoài những lý do nhu cầu kiến thức, vì sự thực tế, hữu dụng của ngành học nầy.
Trong những bước đầu dọ dẫm, chúng tôi đã chọn đề tài thuộc ngành “Tôn giáo xã-hội-học” dù rằng tôn giáo là một họat động mà yếu tố thiên liêng hay bất khả xâm phạm phủ trùm; và dù rằng trong quá khứ có lúc ngành học nầy đã bị hạn chế vì sự e dè của giáo dân hay thiên kiến của kẻ thù tôn giáo.
Tôn giáo là một hiện tượng căn bản và chi phối các xã hội bán khai. Diễn trình tiến hóa của lịch sử nhân lọai nhất là từ thời Trung-Cổ đến cận đại khẳng định rằng tôn giáo đã đóng góp một phần không nhỏ trong mọi sinh họat quốc gia, đã tạo nên những mối tương qua sâu đậm đối với uy quyền chánh trị trong mỗi giai đoạn lịch sử. Và mỗi chặn đường mang những sắc thái đặc thù khác nhau.
Riêng trong bối cảnh lịch sử Việt Nam, tôn giáo đã đóng vai trò quan trọng trong mỗi bước chuyển đi của đà lịch sử từ thời Thượng-Cổ, qua các triều Lê, Lý, Trần; nhất là sau cách mạng 1-11-1963, tôn giáo đã làm sống lại thời kỳ ngự trị của thần quyền trên những chế độ chánh trị thời xa xưa.
Khi ấy, quần chúng miền Nam Việt Nam vì vốn đã bị đau khổ và hy sinh quá nhiều cho cuộc chiến tranh ý thức hệ dai dẳng và đang sống âm thầm nên phần lớn đặt niềm tin vào tôn giáo để tự tìm nguồn an ủi!
Tuy nhiên, tại miền Nam, trong các tôn giáo lớn đã, đang và sẽ giữ vai trò hệ trọng trong mọi sinh họat quốc gia, chúng tôi đã chọn Phật Giáo Hòa Hảo làm đối tượng cho khảo hướng, bởi vì:
1)- Thứ nhứt, chúng tôi là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, sanh ra và trưởng thành trong vùng ảnh hưởng của tôn giáo nầy. Hằng ngày, chúng tôi nghe, thấy, nhận định về lực lượng, về những ưu tư, khát khao của những tín đồ nông dân “Đạo Phật thờ Trần Dà”. Hẳn nhiên, sự ưu ái đặc biệt của các cấp lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo, và sự thương yêu chân thật của các tín đồ cũng giúp dễ dàng khi thực hiện khảo luận. Dù vậy, chúng tôi không thể chủ quan bởi lẽ khi nghiên cứu, chúng tôi đã làm việc với tinh thần của một tín đồ trẻ, với tinh thần khoa học và phương pháp tiến bộ khách quan của ngành khoa học xã hội.
2)- Thứ đến, Phật Giáo Hòa Hảo là một đoàn thể có ảnh hưởng rõ rệt trên khối tín đồ nông dân thuần nhứt và đoàn kết, đang chiếm giữ một vị trí kinh tế và địa điểm chiến lược trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Xa hơn, Phật Giáo Hòa Hảo vừa là một tôn giáo nhập thế, vừa đã có một lực lượng quân sự, một đảng chánh trị. Và cho đến hôm nay, đoàn thể nầy vẫn là một trong những lực lượng chống cộng hăng say, tích cực nhứt tại miền Nam Việt Nam.
Cũng chính từ đó, Phật Giáo Hòa Hảo lần lượt bị các lực lượng thù nghịch liên tiếp hoặc đầu độc, xuyên tạc, hoặc đàn áp, hoặc lợi dụng, chia rẻ… để tạo sự nghi kỵ hầu phá vở hậu thuẩn mạnh mẽ của đoàn thể nầy… Vì vậy, dư luận đã thiếu vô tư và đã tạo nên những mặc cảm tự ti cho đa số tín đồ khiến khối nhân sự miến Tây bị đánh mất niềm tin và trở nên thụ động.
Dĩ vãng đã bị “ngộ nhận” vậy mà, hiện tại Phật Giáo Hòa Hảo vẫn chưa tạo dựng lại được niềm tin. Trái lại một thiểu số người thừa kế đang tiếp tục làm tiêu hao, “phá sản” gia tài của vị Giáo Chủ và các chiến sĩ Hòa Hảo - Dân Xã đã dày công tạo dựng.
Ngoài ra, Phật Giáo Hòa Hảo còn đóng góp công lao rất nhiều trong mọi lãnh vực từ những ngày tháng tăm tối nhứt của lịch sử Việt Nam trong thập niên bốn mươi đến nay. Nhưng sự hy sinh đó cho đến bây giờ vẫn còn bị cố tình lãng quên. Quả thật là một thiệt thòi lớn lao cho lực lượng.
3)- Và, hiện tại, vì lý do nầy hay vì lý do khác, tài liệu về Phật Giáo Hòa Hảo còn quá ít hoặc nếu có thì ít nhiều cũng bị lệch lạc vì chủ quan, vì thành kiến.
Với những lý do đó, cộng thêm với những ưu tư và hăng say của lớp người mới lớn, chúng tôi đã xin phép vị Giáo Sư khả kính - Bà Phạm-Thị-Tự - để được sưu tầm, tra cứu và thực hiện một phần tài liệu về Phật Giáo Hòa Hảo, hầu có thể được đóng góp một phần vào công cuộc làm giàu cho thư tịch quốc gia, cho những ai muốn tìm hiểu sự thật về tôn giáo nầy.
Căn cứ vào những lời chỉ dạy qúi báu của các bậc Thầy về những điều kiện cần thiết của Tiểu luận Cao-học, tin tưởng mãnh liệt vào sự hướng dẫn tận tình của quí Thầy nhất là vị Giáo sư bảo trợ, cùng tư thế sẵn có, chúng tôi cố gắng bằng mọi cách thực hiện niềm ước mơ nho nhỏ nầy. Hy vọng với những phương pháp khách quan của ngành khoa học xã hội sẽ được trình bày ở phần kế tiếp, khảo luận có thể giúp định đúng vị thế chân xác của lực lượng trong cộng đồng quốc gia.