Giác Mê Tâm Kệ - Đoạn 4

27 Tháng Sáu 200212:00 SA(Xem: 32004)
Giác Mê Tâm Kệ - Đoạn 4

Làm đủ cách xuống lên tha-thiết,

Ở ngoài đường nó biết tên mình.

Tin cùng không thì cũng mặc tình,

Chớ Ta lắm công trình dạy-dỗ.

Hồi thuở trước Thích-Ca Phật-Tổ,

Ngồi tham-thiền bị nó ghẹo hoài.

Mà cũng không rúng động đặng Ngài,

Nên cố oán phá đời mãi mãi.

Trong bổn-đạo cùng là sư vãi,

Rán bền lòng cho được hiền từ.

Hết khổ lao thì đến vui cười,

Chừng đó mới phỉ tình nguyện ước.

Bọn gái mới ra đường tha-thướt,

Bỏ hết trơn nề-nếp ông cha.

Khác tánh-tình người cổ nước ta,

Nên phải chịu đớn-đau đủ cách.

Trai với gái rán coi sử sách,

Đứng trung thần với kẻ tiết-trinh.

Dọn bề trong mới gọi đẹp xinh,

Chớ mang lốt bề ngoài chẳng tốt.

Dạy chẳng đặng lòng như lửa đốt,

Khắp dương-gian chưa đặng ba phần.

Kể từ nay Tiên, Phật, Thánh, Thần,

Lo dạy-dỗ dương-trần chẳng xiết.

Đức Thượng-Đế ngự đền Ngọc-Khuyết,

Nhìn dương-gian cũng luống thở dài.

Thấy chúng- sanh trau-trỉa mặt mày,

Chớ chẳng chịu trau tâm trỉa tánh.

Kẻ đói khó người sang hay lánh,

Bước lại gần chê lủ tanh-hôi.

Cõi ta-bà Ta thấy hỡi ôi ! 

Sầu bá-tánh quá nên kiêu-cách.

Người tàn-tật đui-cùi đói-rách,

Ít có ai để mắt nhìn vào.

Chuộng những người dù võng sắc màu,

Cậu với mợ, ông-thầy, cô-bác.

Thị kẻ khó như rơm như rác,

Ta quá rầu đài-các văn-minh.

Mấy ai mà giữ dạ sắt đinh,

Theo Tông-Tổ của mình thuở trước ?

Đầu với tóc áo quần láng-mướt,

Chữ lanh khôn của quỉ của ma.

Chớ nó không có giống người ta,

Ma với quỉ sanh người hung ác.

Lo tâp luyện những câu đờn hát,

Chớ chẳng lo dạy-dỗ ngu-khờ.

Để cái tâm yên-lặng như tờ,

Coi Ta nói câu nào bất chánh ?

Rán bắt chước làm theo Phật Thánh,

Nếu thiệt người thì biết thương người.

Thấy kẻ khờ quê dốt ngạo cười,

Nào có lấy lời chi chỉ bảo.

Ta thương xót lo tần lo tảo,

Chẳng thấy ai rể thảo dâu hiền.

Làm cho người Thượng-Cổ thêm phiền,

Rất đau xót cho nòi cho giống.

Biết chừng nào được qui nhứt thống,

Khắp hoàn-cầu dân biết thương nhau.

Nhắc ra thì dạ ngọc đớn-đau,

Không nhắc đến biết đâu dân sửa.

Cơm được chín ta nhờ có lửa,

Dân được vui nhờ lúc khải-hoàn.

Phật Như-Lai cho phép Khùng troàn,

Cho bổn-đạo khắp nơi đặng biết. 

Ai chửi mắng thì ta giả điếc,

Đợi cho người hết giận ta khuyên.

Chữ nhẫn-hòa ta để đầu tiên,

Thì đâu có mang câu thù-oán.

Việc hung-ác hễ vừa thấp-thoáng,

Chữ từ-bi ta diệt nó liền.

Sự oán-thù đáp lại chữ hiền,

Thì thù-oán tiêu-tan mất hết.

Chữ bạn tác dầu cho đến chết,

Cũng keo-sơn gắn chặt mới là.

Bước ra đường ăn nói thiệt-thà,

Dầu khôn-khéo cũng là giả dại.

Nếu tranh-đương ắt ta bị hại,

Thêm sa-cơ lại bị xích-xiềng.

Vì đời nay chúng nó dụng tiền,

Ít ai dụng chữ nhơn chữ nghĩa.

Theo học Đạo mặc ai mai-mỉa,

Ta cũng đừng gây-gổ với người.

Được mấy điều thì đáng vàng mười,

Thiệt hiền-đức có ai mắng chửi.

Xưa đức Thánh luận bàn cái lưỡi,

Ngài nói rằng các việc tại mầy.

Thuận với hòa hay ghét với rầy,

Cũng cái lưỡi làm thầy các việc.

Phải kiếm cách đặng ta trừ tuyệt,

Lấy tâm thần làm chủ mới mầu.

Cũng chẳng nên theo tánh Võ-hầu,

Thấy chẳng nói mà nhăn mà nhướng.

Hãy liệu sức chớ nên nói bướng,

Dầu việc chi liệu lượng mà làm.

Điên Khùng nầy chẳng có nói xàm,

Nói những chuyện từ-bi bác-ái.

Nếu bổn-đạo còn ai làm sái,

Coi kệ nầy mình sửa lấy mình.

Ta không tranh mà cũng không kình,

Cho bá-tánh gièm-pha thỏa chí.

Ai làm phước in ra mà thí,

Thì được nhiều hạnh-phúc sau nầy.

Chốn non xanh dạy-dỗ cáo-cầy,

Xuống trần-thế ra tay dắt chúng.

Tới với Ta chớ đem đồ cúng,

Chỉ đem theo hai chữ thành-lòng.

Chẳng có cần trà, quả, hương nồng,

Mong sanh-chúng từ-lòng hối-ngộ.

Kẻ xa-xuôi có lòng ái mộ,

Xem Kệ nầy tu tỉnh tại nhà.

Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà,

Phật chẳng chấp chẳng nài thời khắc.

Chay bốn bữa ấy là quy-tắc,

Của kẻ Khùng chỉ dắt chúng-sanh.

Con Phật thì chẳng có khôn lanh,

Đời văn-vật khôn ma khôn quỉ.

Lo trang-sức kim-thời huê mỹ,

Rồi phụ-phàng tục cổ nước nhà.

Trong tâm thì chứa chữ gian-tà,

Chớ chẳng chứa tấm lòng bác-ái.

Học chữ nghĩa cho thông cho thái,

Đặng xuê-xang đài-các xe-tàu.

Tiếng chào mừng cửa miệng làm màu,

Trong tâm-ý mưu-mô đủ thế.

Ta còn mắc phiêu-lưu dương-thế,

Dạo Lục-Châu đặng cứu bá-gia.

Mặc tình ai xem kệ ngâm-nga,

Hay sửa đổi tùy lòng hưu-hỷ.

Thương sanh-chúng tỏ bày quá kỹ,

Hỡi dương trần nên sớm quày đầu.

Đặng sau xem Phật-pháp nhiệm-mầu,

Với báu quí đài-lầu tươi-tốt.

Xác Ta vốn là người quê dốt,

Nên mở mang chưa được mấy rành.

Khắp dương-gian như sợi chỉ mành,

Mong bổn-đạo tâm thành trở lại.

Dầu cực-khổ thân nầy chẳng nại,

Chẳng cần ai bái lạy khẩn-cầu.

Bỏ dị-đoan mới thấy Đạo-mầu,

Bớt giả-dối gặp Người Thượng-Cổ.

Gốc thuở trước của Tông của Tổ,

Đâu có bày dối-mị như vầy.

Những sấm truyền xưa của Phật Thầy,

Dân rán kiếm mà truy thì biết.

Xưa để lại nhiều câu thảm-thiết,

Mà nào ai có biết để lòng.

Chuyện Thiên-Cơ nói rất não-nồng,

Câu hữu lý bá tòng khó sánh.

Chốn tựu hội chớ nên léo hánh,

Vì lời xưa có dặn rạch-ròi.

Dân chớ nên phụ bạc giống nòi,

Thì lao-lý tấm thân vô ích. 

Phải nhẫn-nhục chờ Người Cổ Tích,

Phật với Trời phân định cho Ta.

Người xưa tuy ít chữ nôm-na,

Chớ chơn-chất người ta ngay thẳng.

Dạy bổn-đạo lấy câu trung đẳng,

Chẳng nói cao vì sắp rốt đời.

 Đấng nam-nhi ẩn-nhẫn tùy thời,
 
Vậy mới gọi khôn-ngoan hữu chí.


(Kiểm bài ngày 21-9-2010)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn