Giác Mê Tâm Kệ - Đoạn 2

27 Tháng Sáu 200212:00 SA(Xem: 25695)
Giác Mê Tâm Kệ - Đoạn 2

Ham công-danh quên chữ sanh-thành,

Mến phú-quí quên câu dưỡng-dục.

Rán kiếm chỗ tầm Tiên lánh tục,

Người ở đời phải được lòng trong.

Biển hồng-trần sớm gội cho xong,

Ngày lập hội mới mong trở lại.

Chữ bần-tiện khuyên dân đừng nại,

Miễn cho ta trở lại ngay đàng.

Chữ vinh-hoa giờ chớ có màng,

Bởi giả tạm của đời Nguơn-hạ.

Gắng công tu xem nhiều phép lạ,

Của Thần-Tiên trừ lũ hung-đồ.,

Nào lụa là, lãnh nhiễu, tố sô,

Chớ ham mến mà sau lao-lý.

Ngày tiêu-diệt từ năm Bính-Tý,

Đến năm nay hao hớt đã nhiều.

Các ngoại bang đà nhuộm máu điều,

Sao trần-thế không toan chẳng liệu.

Để đến việc dang lưng mà chịu,

Chớ Phật đâu cứu kịp cho người.

Khuyên chúng-sanh bỏ tánh biếng lười,

Phải sốt-sắng làm ăn cần-thiết.

Nghèo với đói từ đây sẽ biết,

Hàng ngoại bang bố-thiết ta hoài.

Nên bá-gia hãy rán miệt-mài,

Dầu rách rưới cũng mau cần-kiệm.

Lời Ta dạy hãy nên suy-nghiệm,

Phải phá tan Ngũ-Uẩn trong mình. 

Chữ Tham trong ý muốn mặc tình,

Rán định tánh trừ cho nó tuyệt.

Chữ gây-gổ là Sân hãy diệt,

Cho nó đừng thấp-thoáng trong lòng.

Thêm chữ Si thiệt quá lòng-dòng,

Nên tỉnh trí tìm nơi dụt tắt.

Chữ Nhơn Ngã cũng là quá gắt,

Ta chớ nên phân biệt với người.

Dẹp năm tên được mới mừng cười,

Vô pháp-tướng mới là thiệt tướng.

Người tu hành phải trừ nghiệp-chướng,

Với bốn ma mới đặng an nhàn.

Tửu nhiễm vào thân thể bất an,

Sắc mến nó ngày kia lao khổ.

Ta nghiệm xét từ đời Bàn-Cổ,

Có ai dùng mà đặng thành Tiên.

Mà đời nay theo nó liên-miên,

Chữ Tài của khổ riêng một kiếp.

Bị tội cướp nào ai có tiếp,

Mà đời nay nó cứ mãi làm.

Chữ Khí hùng khuyên chớ có ham,

Mà lao-lý tấm thân trần-thế.

Kẻ nhứt dạ thường sanh ba kế,

Để gạt người làm thế cho mình.

Ngày sau nầy lắm nỗi tội tình,

Sao sanh-chúng chẳng lo cải sửa.

Bịnh ôn-dịch thường hay ói mửa,

Mà dương-trần chẳng chịu kiêng-dè.

Qua năm Dê đến lúc mùa hè,

Trong bá-tánh biết ai hữu chí.

Ta chịu lịnh Tây-Phương thọ ký,

 Gìn Nghiệt-Long đặng cứu dương-trần.

Nên ra đời dạy-dỗ ân-cần,

Khuyên bá-tánh vạn dân liệu lấy.

Khổ với thảm ngày nay có mấy,

Sợ mai sau dòm thấy bay hồn.

Trừ tà-gian còn thiện chỉ tồn,

Cảnh sông máu núi xương tha-thiết.

Trần với thế bây giờ nào biết,

Chừng nhìn xem hư thiệt mới tường.

Ta bây giờ tu niệm tầm thường,

Sau danh thể xạ hương khắp chốn. 

Nhà giàu có xài không sợ tốn,

Phải để tiền cho kẻ nghèo nàn.

Lo ăn xài trà rượu xình-xoàng,

Chừng khổ não phàn-nàn căn số.

Lời truyền sấm như bài toán đố,

Ai biết tầm thì đặng hưởng nhờ.

Ta khuyên tu dân cứ mãi ngờ,

Sợ gạt chúng kiếm xu kiếm cắc.

Bị ngoại quốc bán hàng quá gắt,

Nên dân ta chịu chữ cơ-hàn.

Ta Khùng Điên của cải chẳng màng,

Miễn lê-thứ được câu hạnh-phúc.

Cờ thế-giới ngày nay gần thúc,

Nên Phật Tiên phải xuống hồng-trần.

Chừng lao-xao ác thú non Tần,

Thì Nam-Quốc lương dân mới biết.

Nay dạy thế cậy cùng ngòi viết,

Với xác trần du-thuyết ít hàng.

Ai nói chi Ta cũng chẳng màng,

Sau biết đặng dân đừng có tiếc.

Con phù-du hẫng-hờ nào biết,

Thấy bóng đèn thì quyết chun vô.

Thảm thương thay chết héo chết khô,

Nhìn đèn nọ thấy mồ phù-dũ.

Kệ khuyên trần đã mãn mùa thu,

Đeo danh-lợi như con vật ấy.

Giống xe cát biển Đông thường thấy,

Tên dã-tràng rất uổng công-trình.

Khi nước ròng nhờ lúc bình-minh,

Lúc nước lớn cát kia tan rã.

Trần phú-quí thì trần thong-thả,

Chớ còn Ta cứ khổ lao hoài.

Viết kệ-cơ giảng dạy ít bài,

Mặc lê-thứ làm không tự ý.

Coi rồi phải nhận cho hiểu lý,

Câu huyền sâu của kẻ Khùng nầy.

Bởi chữ Khùng của Phật của Thầy,

Chớ chẳng phải của người lãng-trí.

Mê với tỉnh nhận ra là lý,

Thấy dương-trần ngủ mãi ngủ hoài.

Thức dậy mà tầm Đạo kiếm bài,

Để thi-cử khỏi mang tiếng rớt.

Sách khuyến-thiện miệng kêu không ngớt,

Mà nào ai có thức dậy tầm.

Ta nghĩ suy cũng bắt hổ thầm,

Nên than-thở cùng trần ít tiếng.

Tâm sáng suốt như đài nguyệt-kiến,

Tánh trong như nước bích mùa xuân.

Nếu không tu chừng khổ cũng ưng,

Đừng có trách sao không chỉ bảo. 

Từ nhỏ tuổi đến người trưởng lão,

Mắc trong vòng sanh tử luân hồi.

Xuống Diêm-Đình thấy tội hỡi ôi ! 

Đó mới biết có nơi địa-ngục.

Kỳ xá tội nay còn một lúc,

Sao chẳng tu đặng có hưởng nhờ.

Gặp giảng kinh trần cứ làm ngơ,

Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy. 

Địa-ngục cũng tại Tâm làm quấy,

Về thiên-đàng Tâm ấy tạo ra.

Cái chữ Tâm là Quỉ hay Ma,

Tiên hay Phật cũng là tại nó.

Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,

Nếu lặng Tâm tỏ-ngộ Đạo mầu.

Cảnh dương-gian muôn thảm ngàn sầu,

Ngó vạn vật đài lầu chẳng có.

Sông với núi trước kia mắt ngó,

Khi chết rồi thấy nó đặng nào.

Ai biết đường hãy sớm tẩu-đào,

Kiếm Đạo-lý mà nhờ mà nhõi.

Chịu cay-đắng tu hành mới giỏi,

Ta thương đời len-lỏi xuống trần.

Đạo vô-vi của Phật ân-cần,

Nối theo chí Thích-Ca ngày trước.

Câu phú-quí Ngài không màng-ước,

Chữ bồ-đề như cội bá-tòng.

Rán dưỡng-nuôi chữ đó trong lòng,

Thì là được định chừng diệu-quả.

Lời thuyết-pháp chẳng vì nhơn-ngã,

Người nào đâu có Phật-tánh là.

Xem kệ nầy như ngọc như ngà,

Phải nảy nở như cơn mưa thuận.

Hạp mùa tiết giống kia bất luận,

Thảy mọc mầm trổ lá mới mầu.

Trông chúng-sanh nghĩ tận đuôi đầu,

Về Cực-Lạc mới là hết khổ.

Đạo với lý từ đây nhiều chỗ,

Phải lọc-lừa cho kỹ mà nhờ.

 Chọn nơi nào đạo chánh phượng thờ,
 
Thì mới được thân sau cao-quí.

(Kiểm bài 21-9-2010)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn