Khải Ngôn

26 Tháng Sáu 200212:00 SA(Xem: 41862)
Khải Ngôn
pghh_btstu_1975-content
Ban Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại Thánh Địa, trước 1975

Từ tháng 5 năm Kỷ-Mảo (1939), sau khi mở Đạo, Đức Giáo-Chủ đứng ra chữa bịnh độ đời. Tuy Ngài không có để tâm nghiên-cứu Đông-y cũng như chẳng hề học Lỗ-ban phù-thủy, nhưng bằng phương-pháp chữa trị thật giản-đơn như giấy vàng, nước lã, lá xoài, lá ổi, lá bưởi, lá mít, bông trang, mà trị được hằng vạn chứng hiểm-nghèo như bịnh tà, bịnh suyễn, bịnh phong, bịnh dịch, bịnh dư ruột, v.v... cho nên quần-chúng ngưỡng-mộ, theo về tấp nập. Người ta do đó mà bắt đầu tin tưởng Phật Trời, nghe Pháp và quy-y.

Đồng thời với công việc chữa bịnh, Đức Giáo-Chủ đứng ra thuyết-pháp để truyền giáo. Lời giảng của Ngài thao thao bất tuyệt suốt cả ngày đêm. Nhiều thi-sĩ, văn-gia hoặc luật-sư bác-sĩ đến chất-vấn, bắt bẻ, đều nhận Ngài là bậc đại-giác đại-ngộ, không thể suy-bì. Ai đã từng dõi gót theo Ngài trong cuộc khuyến-nông năm 1945, trong vòng 2 tháng với không biết bao nhiêu lý-luận khác nhau, đều phải công nhận Ngài là bậc « mồm sông bút sấm ».

Những cuộc thuyết-pháp nói chung, nếu cộng với 107 lần chu-du khuyến-nông vừa kể, chúng ta có thể nói Ngài đã trải qua hơn một ngàn lần khuyến-thuyết quan-trọng với hằng ngàn đề-tài khác biệt.

Nhờ những cuộc thuyết-pháp như trên, người mộ đạo quy-căn, ngày càng đông thêm không xiết nói.

Nhưng công-đức vĩ-đại nhất của Đức Giáo-Chủ trong việc truyền-giáo là việc viết ra Kệ Giảng. Nhờ những Kệ Giảng đó mới được phổ-truyền một cách sâu rộng chủ-trương canh-tân Phật-Giáo của Ngài, và nhờ đó mà hằng triệu người ngộ đạo đã quay về với chân-tính, tự tâm.

Nếu kiểm điểm lại con số Kệ Giảng đã ấn-loát và phát-hành từ năm 1939 đến nay, ta sẽ phải ngạc-nhiên chẳng ít, sách đã được tái bản trên 300 lần và mỗi quyển được in ra tối-thiểu cũng trên 800.000 quyển.
Nội-dung các tác-phẩm đó chứa đựng những gì ? Cách lập-giáo ra sao ? Và văn-thể văn-từ như thế nào ? Đó là điều mà trong lần tái-bản nầy, chúng tôi xin trình bày đại-cương để chư quí vị độc-giả đạo tâm bốn phương đồng lãm.

 OOO

Những tác-phẩm mà Đức Giáo-Chủ viết ra, phần nhiều thuộc về văn vần.

Một điều đặc-biệt đáng chú ý là trong khi cầm bút, dù tản-văn hay vận-văn, Ngài luôn luôn viết thẳng một mạch không vấp không ngưng, không dùng giấy nháp và không hề bôi xóa, cắt xén như các văn sĩ thường làm. Người ta cho rằng Ngài viết mau lẹ và dễ-dàng hơn Ông Alcyone Krisnhamurti khi viết quyển Aux pieds du Maitre.

Có thể kể theo thứ-tự thời-gian những tác-phẩm trường thiên sau đây của Đức Giáo-Chủ.

1.- SẤM GIẢNG KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU-NIỆM (tức quyển nhứt, văn lục bát, dài 912 câu, xuất-bản lần đầu năm 1939).

Ngài viết xong trước đệ nhị thế chiến, tại làng Hòa-Hảo, Sấm Giảng nầy khởi đầu bằng câu :
Hạ-Nguơn nay đã hết đời,
và chấm dứt bởi câu :
Tới đây cũng lần ngừng lại bút nghiên.

Nội-dung, Đức Giáo-Chủ đánh thức quần-chúng bằng cách tiên-tri những cảnh lầm-than khốn-khổ mà nhân-loại sẽ phải trải qua trong thời-đại nhiễu-nhương.

Chẳng hạn, Ngài nói trước các năm từ lúc xảy ra cho đến khi chấm dứt đệ-nhị thế-chiến :

Mèo kêu bá-tánh lao-xao,
Đến chừng Rồng, Rắn máu đào chỉn ghê.
Con Ngựa lại đá con Dê,
Khắp trong trần hạ nhiều bề gian lao.
Khỉ kia cũng bị xáo-xào,
Canh khuya Gà gáy máu đào mới ngưng.


Người ta đã thấy đúng trăm phần trăm từ khởi đầu cuộc chiến-tranh thế-giới lần thứ hai (Mèo kêu,1939) cho đến khi hai quả bom nguyên-tử của Đồng-Minh bỏ xuống nước Nhựt để chấm dứt chiến cuộc (Gà gáy, 1945), không sai một mảy.

Cuộc giết chóc ghê tởm của chiến-tranh tuy ngưng từ năm Gà, nhưng theo Đức Giáo-Chủ, nó sẽ còn tái diễn tại Việt-Nam, và sẽ lan-diễn khắp nơi :

Đời cùng còn chẳng mấy năm,
Khắp trong các nước thây nằm bằng non.
Cha thì chẳng thấy mặt con,
Vợ thì chồng chẳng được còn tại gia !


Trong tác-phẩm nầy, Đức Giáo-Chủ cũng tường-thuật việc Ngài hóa-hiện ra đui cùi, buôn bán, khi già, lúc trẻ dạo khắp « lục châu » để thử lòng trăm họ, giác tỉnh mọi người, gọi họ theo về đường ngay, nẻo Đạo.

2. – KỆ DÂN CỦA NGƯỜI KHÙNG (tức quyển nhì, văn thất ngôn trường thiên, dài 846 câu, xuất-bản lần đầu năm 1939).

Ngài viết tại làng Hòa-Hảo ngày 12 tháng 9 năm Kỷ-Mão Kệ nầy khởi đầu bằng câu :

Ngồi Khùng trí đoái nhìn cuộc thế,
và chấm dứt bởi câu :
Ta ra sức dắt dìu bá tánh.

Cũng như trong quyển nhứt, ở đây Đức Giáo-Chủ vừa tiên-tri tai nàn sắp xảy đến cho nhân dân, vừa khuyên mọi người làm lành lánh dữ.
Chẳng hạn như :

Đến chừng đó bốn phương có giặc,
Khắp hoàn-cầu thiết-thiết tha-tha.
Vậy sớm mau kiếm chữ ma-ha,
Thì Phật cứu khỏi nơi khói lửa.
...
Trung với hiếu ta nên trau sửa,
Hiền với lương bổn đạo rèn lòng.
Thường nguyện cầu siêu-độ Tổ-tông,
Với bá tánh vạn dân vô sự.


Rồi Ngài không ngần-ngại, đánh đổ những mê-tín dị-đoan, những âm-thanh sắc tướng, những sự dối tu, lòe đời :

Theo Thần-Tú tạo nhiều chuông mõ,
Mà xưa nay có mấy ai thành !

. . .
Làm hiền-lành hơn tụng hơ-hà,
Hãy tưởng Phật hay hơn ó ré.

. . .
Những giấy tiền vàng bạc cũng thôi,
Chớ có đốt tốn tiền vô lý.

. . .
Tu vô-vi chớ cúng chè xôi,
Phật chẳng muốn chúng sanh lo-lót.

3. – SÁM GIẢNG (tức quyển ba, văn lục bát, dài 612 câu, xuất bản lần đầu năm 1939).

Ngài cũng viết tại làng Hòa-Hảo năm Kỷ-mão, khởi đầu bằng câu :

Ngồi trên đảnh núi liên-đài,
và chấm dứt bởi câu :
Chúc cho bá-tánh muôn sầu tiêu tan.

Trong quyển nầy, Đức Giáo-Chủ dạy tu nhân-đạo, Ngài viết :

Tu cầu cha mẹ thảnh-thơi,
Quốc-vương thủy thổ chiều mơi phản hồi.
Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.


Đối với hạng thanh-niên nam nữ, thường dễ bị văn-minh vật-chất hoặc dục-vọng lôi cuốn đến bờ trụy lạc, Ngài kêu gọi :

Nghiêm-đường chịu lịnh cho an,
Loạn luân cang kỷ hổ mang tiếng đời.

Hoặc là :
Nghe lời cha mẹ cân-phân,
Tam tùng vẹn giữ lập thân buổi nầy.


Và Ngài cũng cực-lực đả-phá những hủ-tục, bài xích những thói xa-hoa, đàng-điếm. Chẳng hạn :

Chết rồi cũng bớt cóc ken,
Trống đờn lễ nhạc tế xen ích gì !
Đàn nhu thầy lễ cũng kỳ,
Mắc phải chuyện gì phủ-phục bình hưng?


Hay là :
Văn-minh sửa mặt sửa mày , 
Áo
quần láng mướt ngày rày ăn chơi.
Dọn xem hình vóc lả-lơi,
Ra đường ăn nói những lời nguyệt-hoa.


Nếu chịu vẹn gìn theo lời chỉ giáo trong quyển SÁM GIẢNG nầy, thì nhân đạo của ta ắt có thể coi là hoàn bị lắm.

4. – GIÁC MÊ TÂM KỆ (tức quyển tư, văn thất ngôn trường thiên, dài 846 câu, xuất-bản lần đầu năm 1939).
Đức Giáo-Chủ viết tại Hòa-Hảo ngày 20 tháng 10 năm Kỷ-mão. Kệ nầy khởi đầu bằng câu :

Khai ngọn đuốc từ-bi chí thiện,

và chấm dứt bởi câu :
Mong bá-tánh vạn dân giải-thoát.

Nơi đây, Đức Giáo-Chủ có nói trước những tai-họa hãi-hùng mà chúng sanh sẽ phải trải qua trong thời Hạ-nguơn mạt kiếp :

Khổ với thảm ngày nay có mấy,
Sợ mai sau dòm thấy bay hồn.
Trừ tà gian còn thiện chỉ tồn,
Cảnh sông máu núi xương tha thiết.


Ngài lại còn giảng rõ thế nào là tứ đổ tường, tứ khổ, ngũ uẩn, lục căn, lục trần, tứ diệu đế, bát chánh và bát nhẫn.

Còn gì đáng coi là nhẫn-nhục, hỷ-xả hơn những câu dưới đây :

Ai chưởi mắng thì ta giả điếc,
Đợi cho người hết giận ta khuyên.
Chữ nhẫn hòa ta để đầu tiên,
Thì đâu có mang câu thù oán.


5. – KHUYẾN-THIỆN (tức cuốn thứ năm, đoạn đầu và đoạn chót viết bằng lối văn lục bát, đoạn giữa viết bằng lối thất ngôn, gồm 756 câu, xuất bản lần đầu năm 1942).

Ngài viết tại nhà thương Chợ Quán năm 1941. Tác-phẩm nầy khởi đầu bằng câu:

Băng tâm ngẫu hứng thừa nhàn,
và chấm dứt bởi câu :
Rán trau đức-hạnh ngày sau sẽ tường.

Nội-dung, Đức Giáo-Chủ nhắc tiểu-sử Đức Thích-Ca và luận giảng về tám sự khổ trong cõi Ta-bà, về pháp môn tịnh độ, về cách diệt ngũ-trược, trừ thập ác và hành thập thiện.

6. – CÁCH TU HIỀN VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT NGƯỜI BỔN ĐẠO. Quyển nầy viết bằng văn xuôi, hồi tháng 5 dl 1945 tại Saigon và xuất-bản lần đầu cũng trong năm ấy. Tuy văn xuôi, quyển nầy có một đặc-sắc là giản-dị và lưu loát, âm-hưởng du-dương, nhịp-nhàng.

Nơi đây, Đức Giáo-Chủ minh-giải về tứ ân, tam-nghiệp thập-ác và bát-chánh. Ngài còn giảng dạy về cách thờ-phượng, cúng lạy, nghi-thức cử-hành tang-lễ, giá-thú, cách đối xử với tôn-giáo bạn, với các tăng-sư, v.v...

Ngoài sáu quyển vừa kể, Đức Giáo-Chủ còn viết ra rất nhiều bài thi, bài văn mà trước đây 13 năm, một nhóm tín-đồ tại Thánh-Địa Hòa-Hảo đã gom góp để in thành một quyển, nhan đề SƯU TẬP THI VĂN GIÁO-LÝ CỦA ĐỨC HUỲNH GIÁO-CHỦ.

Sách dày trên 300 trang, nội dung gồm có gần đủ loại thơ ca : thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục bát, thất ngôn trường thiên, song thất lục bát, tứ ngôn và một số bài biến thể. Trong đây, Đức Gíao-Chủ hoặc viết để dạy riêng một người hay đáp họa với một người khác, hoặc viết để cảnh-giác, hoặc viết để khuyến tu... Tựu trung, nhứt nhứt đều có bao-hàm một giáo-nghĩa thâm-huyền mà cho dẫu không phải người trong cuộc, đọc đến cũng đều có lợi-ích cho sự tu-hành.

Riêng phần văn-từ, nói chung toàn bộ, Ngài chủ-trương:

Quyết dạy trần nên nói lời thường,
Cho sanh-chúng đời nay dễ biết.

Hoặc là :
Dạy bổn-đạo lấy câu trung đẳng,
Chẳng nói cao vì sắp rốt đời.


Cho nên, với những lời văn vô cùng giản-dị nhưng ngọt-ngào và óng-chuốt. Đức Giáo-Chủ dụng tâm làm cho hạng bình-dân dễ thuộc dễ theo, để sớm đưa họ tiến tới con đường lành mà Ngài đã vạch ra và đã nhất tâm phát-nguyện :

Quyết đưa chúng về nơi non Thứu,
Tạo Lư-bồng ngõ hội Quần Tiên.

Hoặc :
Nếu chúng-sanh còn chốn mê-tân,
Thì ta chẳng an vui cực-lạc.

Hay là :
Biết làm sao gieo đạo khắp đại-đồng,
Đưa nhân-loại đi vào vòng hạnh-phúc.


Như đã nói ở đoạn đầu, những Kệ Giảng nêu trên, mỗi quyển được in ra từ trước đến nay, ít nhất cũng trên 800.000 quyển.

Tuy nhiên, sách càng được in ra nhiều chừng nào, thì cái bịnh tam-sao thất bổn càng trầm-trọng thêm chừng nấy. Bởi một lẽ rất giản-dị là suốt trong thời thực-dân thống-trị cho đến hồi độc-tài phong-kiến, vì thời- cuộc, đoàn-thể Phật-Giáo Hòa-Hảo không mấy lúc được yên-lành. Cho nên công việc phát-hành Kệ Giảng phần nhiều do các đồng-đạo có nhiệt-tâm đứng ra ấn-loát chớ ít được dịp do một cơ-quan nào trong Giáo-Hội theo dõi việc in. Cái bịnh tam-sao thất bổn vốn đã sẵn có, tự thuở còn được truyền-bá bằng cách chép tay, nay lại càng sai thêm với biết bao nhiêu lần in thiếu người có khả-năng chuyên-môn xem sóc.. .

Chính vì những sự sai lầm đáng tiếc đó mà ngay từ khi Ban Trị-Sự Trung-Ương Giáo-Hội Phật-Giáo Hòa-Hảo Nhiệm-kỳ đầu tiên (18-11-1964) được tái-lập sau một thời-gian dài gián-đoạn, Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Trung-Ương chúng tôi đã ghi ngay vào hàng đầu của Chương-trình hoạt-động, công-tác đính-chánh Kệ Giảng hệ-trọng nầy, và bắt tay vào việc ngay sau phiên đại-hội toàn quốc về Phổ-Thông Giáo-Lý ngày 27 tháng 12 năm 1964.

Ngày 8-3-1965, một Chỉ-thị số 233/TƯTV/19-GL gởi các cấp Phổ-Thông Giáo-Lý Tỉnh, Quận và Xã để tham-khảo ý-kiến toàn-thể Trị-Sự-viên và tất cả đồng-đạo nào có để tâm nghiên-cứu về những câu, những chữ cần bổ khuyết hay đính-chánh trong Kệ Giảng.

Theo thời-gian-biểu của chúng tôi, thì công-việc tham-khảo các cấp nầy kéo dài một tháng rưởi kể từ 15-3-1965, đến 30-4-1965, và sau đó, chúng tôi mới cẩn-thận làm bản đúc-kết lại các đề-nghị để trình ra hội nghị, hầu tham-khảo một lần tối-hậu để lấy biểu-quyết những chỗ đáng sửa đổi.

Ngày 17-5-1965, một hội-nghị được khai-mạc tại Văn-phòng Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Trung-Ương (Thánh-Địa Hòa-Hảo) trong sự chứng minh của ông Út Huỳnh-Văn-Quốc, bào-đệ của Đức ông và dưới quyền Chủ-tọa của ông Lương-Trọng-Tường, Hội-Trưởng Ban-Trị-Sự Trung-Ương.

Ông Nguyễn-Văn-Hầu, Trưởng-Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Trung-Ương giữ nhiệm-vụ Thuyết-trình-viên và ông Trần-Minh-Quang, Thư-Ký Ban Phổ-thông Giáo-Lý Trung-Ương làm Thư-Ký phiên hội.

Thành phần tham-dự hội-nghị gồm có :
- Ô. Dật-Sĩ Trần-Văn-Nhựt, Cố-Vấn Ban Trị-Sự Trung-Ương kiêm Trưởng-Ban Nghiên-Cứu và Biên-Tập trong Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Trung-Ương.
- Trí-Viễn Lê-Hòa-Nhựt, Cố Vấn Ban Trị-Sự Trung-Ương Kiêm Cố-Vấn Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Trung-Ương.
- Huỳnh-Công-Kỷ, Trưởng-Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Tỉnh An-giang.
- Phạm-Văn-Tốt, Trưởng-Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Tỉnh Kiến-Phong.
- Bùi-Văn-Triệu, Trưởng-Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Tỉnh Châu-Đốc.
- Lê-Thanh-Quang, Trưởng-Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Tỉnh Phong-Dinh.
- Lâm-Văn-Trung, Kiểm-Soát B.T.S. Tỉnh Châu-Đốc.
- Nguyễn-Chi-Diệp, Cố-Vấn B.T.S. Thánh-Địa Hòa-Hảo.
- Huỳnh-Hữu-Phỉ, Nhân-sĩ kỳ-cựu P.G.H.H.
- Trần-Văn-Mành, Trưởng-Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Thánh-Địa Hòa-Hảo, xã Hưng-Nhơn.
- Ngô-Minh-Chí Phó Đặc-Ban Biên-Tập và Xướng-ngôn Đài Phát-Thanh, thuộc Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Trung-Ương.
- Đào-Văn-Đạm, Quản-Lý Nguyệt-san Đuốc Từ-Bi, thuộc Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Trung-Ương.
- Trịnh-Công-Dung, Hội-Trưởng B.T.S. Quận Châu-Phú.
- Lê-Văn-Phú, Trưởng-Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Quận Châu-Phú.
- Đặng-Thành-Tựu, trưởng-Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Quận Chơ-Mới.
- Trường-Thi, Hội-Trưởng B.T.S. Quận Thốt-Nốt.
- Nguyễn –Văn-Nam, Trưởng-Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Quận Châu-Thành (An Giang).
- Phạm-Hữu-Vỹ, Trưởng-Ban Tiếp-Tân tại Tây-An Cổ-Tự (Long-Kiến).
- Nguyễn-Văn-Bửu, Đặc-Viên Ấn-Loát Phát-hành, thuộc Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Trung-Ương.
- Nguyễn-Anh-Kiệt, Đặc-Viên Huấn-Luyện Truyền-Bá thuộc Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Trung-Ương.

Hội-nghị nầy đã làm việc một cách tận-tụy và say mê, đã đính-chánh và bổ-khuyết được nhiều điều quan-trọng mà kết-quả là quyển Sấm Giảng Thi-Văn toàn-bộ được in ra hôm nay.

Sách chia làm hai phần, phần đầu gồm sáu quyển với các loại Sấm, Kệ, Văn.. . mệnh danh : Phần thứ nhất : Sấm Giảng Giáo-Lý và phần sau gồm hàng trăm bài Thi, Ca, Văn, Chú.. . mệnh danh. Phần thứ hai : Thi –Văn Giáo-Lý. Trong các bài Thi-Văn Sấm Kệ kể trên, chúng tôi cố-gắng sắp theo thứ-tự thời-gian để Chư quý độc-giả đạo-tâm tiện bề theo dõi.

Với mục-đích « đính- chánh những điều tam-sao thất-bổn hoặc nghe lầm nhớ lộn đã làm sai biệt hẳn nguyên-văn về chân ý của Đức Thầy trong Kệ Giảng » chúng tôi làm việc theo sáu nguyên tắc dưới đây :

1) Nổ-lực sưu-tầm trong các đồng-đạo kỳ-cựu nào còn giữ được bản chánh do chính Đức Giáo-Chủ viết ra để dò từng chữ mà sửa lại những chỗ in sai.
2) Những tác-phẩm nào kiếm không ra được bản chánh, thì hội-nghị mới xét tới các đề-nghị của các cấp mỗi khi gặp những chữ cần đính-chánh.
3) Các đề-nghị đính-chánh của các cấp đồng-đạo cũng như của hội-nghị là phải trưng ra bằng cớ cụ-thể là « Tại sao phải sửa lại như thế » :
- do chính tai họ nghe Đức-Thầy đính-chánh trước đây cùng với sự hiện diện của ai, hồi nào ?..
- do họ là những người đã ngồi bên cạnh Đức Thầy, sao chép những bổn Kệ Giảng để phát ra cho dân-chúng trong buổi đầu mở đạo ?...
- do những bản in cũ từ buổi đầu và xét ra hữu lý ?.. .
4/ Hội-nghị chỉ nhắm vào công-tác đính-chánh chứ không có thẩm-quyền thêm bớt nếu không có bằng cớ xác đáng.
5/ Ghi vào biên-bản hẵn-hòi những chữ, những câu và những lý do nào cần bổ-khuyết hay sửa đổi để lưu-trữ tại Văn-Phòng Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Trung-Ương hầu làm tài liệu tham-khảo cho những ai còn thắc-mắc.
6/ Tất cả những-đề nghị sửa đổi, người đề-nghị quả-quyết nhận trách-nhiệm trước Đức Thầy, trước các Đấng Thiêng-liêng là họ đã nói đúng, nghe đúng và nghĩ đúng.

Một vài thí-dụ sau đây để được sáng-tỏ thêm việc làm của hội-nghị :
- Những bài dò theo bản chánh do Đức Thầy viết ra, hội-nghị đồng ý phải cho ghi ở cuối bài là bản đó do ai còn giữ được.
- Trong bài Sứ-mạng của Đức Thầy, lâu nay đã in « tuy có phải chuyển kiếp luân-hồi ở nơi hải-ngoại... » và «kẻ xa-xuôi từ nan chẳng tới... » ; nay ông Dật-sĩ xác-nhận rằng chính Oâng đã thấy tận mắt trong một bản chánh hồi ông còn ở Bạc-Liêu là « tùy cơ-pháp chuyển kiếp luân-hồi ở nơi hải-ngoại... » và « kẻ xa-xôi từ-văn chẳng tới... » chớ không phải như các bản đã lưu-hành trước đây.

Xét ra, Đức Thầy viết bài nầy tại Bạc-Liêu năm 1942 và ông Dật-Sĩ trong thời-gian ấy cũng đang làm việc tại đó, vả lại ý nghĩa rất hợp nên hội-nghị đồng ý sửa đổi.

- Ngoài nhiều bản chánh mà ông Nguyễn-Chi-Diệp còn giữ được để hội-nghị dùng làm tài-liệu khảo-sát, ông Diệp còn cải chánh sự in sai trong Sám Giảng quyển ba mà ông đã nghe biết rõ-ràng từ khi Đức Thầy còn ở tại Thánh-Địa :

« Tu hành tầm đạo một mai cứu đời »
chớ không phải :
« Tu hành tâm đạo một mai cứu đời ».
- Ông Huỳnh-Hữu-Phỉ trình-bày trước hội-nghị rằng trong bài Sa-Đéc chính Đức Thầy có sửa một bản do Ông dâng lên. Câu đầu bài đó chép :
« Nhìn cuộc thế bốn-bề sóng dậy »,
Đức Thầy đã sửa lại :
« Nhìn cuộc thế bộn-bề sóng dậy »
và cũng theo ông Phỉ câu đầu trong bài « Nang thơ cẩm tú » có hai chữ thanh-bạch và thanh-lặng đã gây bất nhất giữa anh em tín đồ, kẻ đọc thanh lặng, người cãi là thanh-bạch, cho nên lúc Đức Thầy ở tại Saigon, đường Lefèbvre, ông có trình lên thỉnh ý. Và Đức Thầy xác-nhận :
« Trời thanh-lặng gió đưa hiu hắt »
- Ông Lâm-Văn-Trung quả-quyết : Trong bài « Viếng làng Mỹ-Hội-Đông », Đức Thầy không hề viết bốn câu đầu, từ « Buông mành thả lá... » đến « ...máy huyền sâu », nên đề-nghị bỏ. Hội-nghị xét ông Trung là người Mỹ-Hội-Đông, mà ông cũng được gần gũi bên Thầy trong buổi viết bài nầy, nên đồng ý xóa mấy câu đó trong bản in trước.

Phải có những chứng-tích dẫn giải rành mạch và trách-nhiệm phân-minh như thế, hội-nghị mới đồng-thanh chấp-nhận và đính-chánh lại những chỗ sai lầm.

oOo

Tuy đã thận-trọng như trên, nhưng sau khi hội-nghị bế-mạc, công việc nầy còn phải kéo dài thêm một thời-gian làm việc nữa. Đó là công việc dò kỹ từng chữ, từng câu để sửa lại từng dấu, từng nét. Qúy Ông Cố-Vấn Dật-Sĩ, Thơ-Ký Trần-Minh-Quang, Quản-Lý Đào-Văn-Đạm và Phát-Hành-viên Nguyễn-Văn-Bửu đều đã thiết-thực góp tay với ông Trưởng-Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Trung-Ương Nguyễn-Văn-Hầu trong công việc nầy.

Sau hết, một vấn-đề không kém quan-trọng là việc sửa ấn-cảo. Nếu ấn cảo mà không được người có khả-năng xem sóc thì bao nhiêu công-trình từ trước sẽ không được bảo-đảm nếu không nói là hỏng đi. Ông Nguyễn Long Thành Nam, Đệ-Nhất Phó Thơ-Ký Ban Trị-Sự Trung-Ương đã phát-tâm hoan-hỉ đảm-nhận công-tác nầy.

Hôm nay, quyển Sấm Giảng Thị-Văn toàn-bộ của Đức Huỳnh Giáo- Chủ được đến trong tay Quý-vị độc-giả đạo-tâm, là kết-quả của bao nhiêu công việc vừa trình-bày trên đây với suốt một thời-gian dài trên 10 tháng.
Đã hiểu rằng « Nhân thân nan đắc, Phật Pháp nan văn » cho nên , làm công việc này chúng tôi không có cao vọng gì hơn là muốn chính-xác-hóa những chỗ in lầm trong Giáo-Pháp của Đức Huỳnh Giáo-Chủ – một Giáo-Pháp nhiệm-mầu và thực-tế – hầu có quảng-bá một cách sâu rộng hơn nữa trong quảng-đại quần-sanh, để những người có cơ-duyên sẽ do đó mà bước lên con đường cùng tu cùng tiến.

Nếu Kinh Pháp-Hoa chép : « Phật vị nhất đại sự nhân-duyên xuất-hiện ư thế » (Phật vì một nhân-duyên lớn mà có mặt trên đời) thì nơi đây, chúng tôi cũng dám xin nguyện cầu Chư Phật và Đức Thầy gia-hộ cho người người được rộng mở nhân-duyên, xem SẤM KINH nầy mà phát-tâm thiện-nguyện.

Được như thế, chúng tôi tưởng không có nguồn vui nào hơn.

NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT
Thánh-Địa Hòa-Hảo, ngày rằm tháng bảy Ất-Tỵ (1965)
Ban Phổ-Thông Giáo-Lý Trung-Ương
(nhiệm-kỳ I, 1964-1966)
Cẩn khải

(Kiểm bài 20-9-2010)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn