Hình Ảnh Liên Hệ

28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 18956)
Hình Ảnh Liên Hệ

 

Sau đây là các hình ảnh có liên hệ đến Bửu Sơn Kỳ Hương. Mỗi hình ảnh đều có một xuất xứ riêng biệt, do đó cần dẫn giải để độc giả tiện việc theo dõi.

 

  • Tấm trần điều

tran_dieu_pt_de_lai-content

Tấm trần điều do Đức Phật Thầy để lại, cách đây 124 năm

 

Đó là một bức vải màu đỏ, ngang chừng 7 tấc, dài hơn 1 thước, hai đầu có may muông dùng căng thẳng ra để treo lên trên bàn thờ Tam Bảo.

 

Thay vì tượng cốt hoặc hình vẽ Đức Phật, Đức Phật Thầy Tây An chủ trương theo đúng tinh thần vô vi, không tạo nên hình tướng mà chỉ thờ một bức trần điều. Dầu cho ở tại nhà hay tại chùa, Ngài cũng dạy chỉ nên thờ như vậy.

 

Bức trần điều được in sau, là một căn tích đầu tiên mà chúng ta được thấy đề cập trong một chương trước. Chính Đức Phật Thầy đã để bảo vật này trong một mo nang cùng với một bổn Sấm Truyền và một “cây thẻ năm ông”. Ngài dạy thượng bức trần điều này lên để thờ, dùng quyển Sấm truyền để làm giáo pháp tu hành; còn cây thẻ Năm ông, tức cây cờ ngũ sắc, thì để chữa bịnh.

 

Như chúng ta sẽ thấy trong ảnh, bức trần vì trải qua trên 100 năm, nên màu đã bạc, có lủng rách nhiều chỗ, nhưng luôn luôn được gói kín, cất giữ cẩn thận.

 

Năm 1951, ông Trần Văn soái, Tổng tư lịnh quân đội PGHH đến hành hương tại đình Tòng Sơn. Ông có xin phép được xem qua của thiêng ấy. Nhìn vật cũ rồi nhớ tới căn tích xa xưa và công đức hoằng hóa của Đức Thầy, bất giác ông Tổng tư lịnh chạnh lòng rơi lệ. Ông phát tâm hiến cúng một cái hộp dài bằng gổ quí để dùng đựng tấm trần điều này.

 

Hiện báo vật nói trên được tôn quý tại Đại Hùng Bảo điện của ngôi cổ tự Tòng Sơn.

 

  • Mớ tóc của Đức Phật Thầy.

 

toc_pt_thi_phat-content

Mớ tóc của Đức Phật Thầy sau khi Ngài thế phát


Lúc ở tại Tòng Sơn, Đức Phật Thầy có đi xuồng qua rạch Cái Dứa, thôn Tân Phước và Bình Đức để hóa độ. Nơi đây Ngài có thâu nhận mấy vị đệ tử là ông Chánh bái Nguyễn Văn Duyên và ông Nguyễn Văn Kỉnh đạo hiệu Thần Tự Kỉnh. Những vị này tu niệm chí tâm, được Đức Phật Thầy cấp cho lòng phái và có cho chép kinh để tu học.

 

Khi Phật Thầy vân du đến Xẻo Môn rồi bị bắt về An Giang, kế được lịnh xuống tóc, thì các vị này vẫn không đổi ý, cứ một mực trung thành với đạo.

 

Để khuyến khích họ tinh tấn tu hành, Đức Phật Thầy đã gởi cho hai vị kể trên mỗi người một mớ tóc. Ngày nay miêu duệ ông Duyên không thấy còn ai, không biết mớ tóc đó về đâu. Còn ông Kỉnh thì lưu truyền được đến bây giờ. Hiện cháu huyền tôn của ông là thiếu tá Nguyễn Ngọc Chơi còn giữ. Ông Chơi đã phát tâm cúng hiến về ngôi Tòng Sơn cổ tự một nửa mớ tóc, còn một nửa thì dành làm gia bảo truyền đời.

 

Mớ tóc của Đức Phật Thầy được chụp ảnh in sau là phần nguyên vẹn trước ngày Ban Quản Tự Tòng Sơn cổ tự làm lễ thỉnh về thờ tại chùa Tòng Sơn (1)


Rằm tháng 10 Quý Sửu (1973), nhân ngày đản sinh Đức Phật Thầy, một cuộc lễ Cung Nghinh Bảo Phát đã được cữ hành trọng thể để rước mớ tóc này từ Thánh Địa về ngôi cỗ tự Tòng Sơn.

 

 

  • Bổn Sấm truyền
sam_truyen_do_truong_sao_chep-content
Bổn Sấm truyền căn gốc do chính tay ông Đồ Trương sao chép từ năm Kỷ Dậu

 

ben_trong_ban_goc_sam_truyen-content

Bổn Sấm truyền căn gốc, được lật ra bên trang trong


Được ông “Đồ Trương” sao chép lại từ năm Kỷ Dậu, ngày 27 tháng 2 nhuần. Gốc tích của bổn giảng xưa này đã được nói rõ trong chương Nguyên lai.

 

Tuy bổn Sấm Truyền được chép trên giấy bạch, một thứ giấy rất dẻo dai và bền bĩ, nhưng bởi xưa kia từng trải qua nhiều người xem đọc, nên vật cổ ấy có mòi dễ dàng rách rã nếu chúng ta lật mạnh.

 

Sau khi tôi nghiên cứu, chụp ảnh và phiên âm quốc ngữ, bổn Sấm Truyền hiện được giao hoàn cho Ban Quản Tự Tòng Sơn để lưu trữ tại chùa.

 

  • Mộ Phật mẫu
07_phia_truoc_mo_ba_o_cai_nai-content

Phía trước mộ Đức Phật Mẫu ở Cái Nai


08_phia_sau_mo_ba_o_cai_nai-content

 Phía sau mộ Đức Phật Mẫu ở Cái Nai

 

Mộ phần của thân mẫu Đức Phật Thầy hiện còn ở rạch Cái Nai, được dân chúng tôn xưng là mộ Phật mẫu. Từ Tòng Sơn cổ tự đến đó, cách xa chừng 10 cây số.

 

Theo con đường trải đá trước chùa Tòng Sơn, rẽ về tay mặt, đi thẳng đến chợ Cái Tàu Thượng, rồi tiến theo hữu ngạn của con rạch Cái Tàu mà đến Cái Nai.

 

Truyền rằng khi chưa có người coi giữ mộ này, mộ vẫn không bị trâu bò phá phách hay chuột rắn làm hang ổ như các mộ phần khác. Nhiều mục đồng cho trâu ăn khuya, có lúc lạc đường đến gần phần mộ, thì trâu giựt mình, ngó nghinh một chút rồi thụt lùi bỏ chạy, chừng như nó bị ai chận đuổi. Cũng theo tương truyền, nhờ vậy mà cho tới bây giờ, trải qua cả trăm năm, vùng mộ vẫn là một khu đất gò cao, không bị sụp lở.

 

Cũng theo căn tích Bửu Sơn Kỳ Hương, mộ không làm nấm mà chỉ khỏa bằng. Cạnh mộ có nhà thờ, khói hương không tắt.

 

Tiếc vì xưa không làm mộ chí, nên không rõ năm sanh và năm mất của Phật mẫu.

 

  • Mộ Phật Thầy

Sau Tây An Tự núi Sam, về phía đông, là ngôi mộ của Đức Phật Thầy. Ngày xưa trước khi viên tịch, Đức Phật Thầy có di giáo các đệ tử sau khi chôn xác Ngài, thì đừng đắp nấm. Đó là một biểu lộ khác nữa trong tinh thần vô vi của Bửu Sơn Kỳ Hương.

 

Về sau, để tỏ lòng sùng kính, và để bảo vệ cho một khu vực bất khả xâm, thiện tín đã góp tay xây đúc một vòng thành rộng 5m45 bề dài, 4m75 bề ngang, nằm cao trên chín nấc gạch làm thang lên.

 

Trước mộ có bi ký, nhờ vậy mà chúng ta biết chắc Đức Phật Thầy họ Đoàn, tên húy là Huyên, sanh năm Đinh Mão, tháng 10, ngày rằm, giờ ngọ; và Ngài viên tịch năm Bính Thìn, tháng 8, ngày 12, cũng giờ ngọ.

 

  • Tấm biển Đoàn Phật Sư

 

05_chu_doan_phat_su_ta__chanh_dien_chua_tong_son-content

Tấm biển Đoàn Phật Sư


Tấm biển thờ tại đình Tòng Sơn được bao bọc bằng một chiếc khánh, chạm trổ bằng cây thao lao, sơn son thếp vàng mỹ thuật.

 

Đây cũng là một cổ vật lưu truyền từ xưa, nó nói lên được căn gốc Phật Thầy sanh trưởng tại Tòng Sơn và xác nhận được Đức Phật Thầy họ Đoàn, phù hợp với lời khắc trong mộ chí của Ngài tại núi Sam.

 

Biển thờ đề đại tự:

 

Đoàn Phật Sư

(Phật Thầy họ Đoàn)

 

Và một đôi câu đối:

 

Tòng Sơn đắc ngộ Phật,

Tây An quả giác Sư.

(Làng Tòng Sơn được hiện Phật,

Chùa Tây An chứng quả Thầy)

 

Tấm biển và chiếc khánh thờ hiện được thỉnh từ đình thần làng Tòng Sơn sang Tòng Sơn cổ tự để làm nơi chánh vị thờ Đức Phật Thầy.

 

  • Cây da
03cay_da_chua_tong_son-content

Cây da chùa Tòng Sơn

 

Cách đình Tòng Sơn chừng 150 thước và kế cận bên hành lang của chùa Tòng Sơn. Xưa, cây da cũ rất to, đường kính rộng trên 3 thước. Trong ruột có một bộng to, chứa hàng chục người mỗi khi có việc cần ẩn trốn nào đó. Nó có một lịch sử đáng nhớ.

 

Lúc Đức Phật Thầy về ngụ trọ tại mái hiên đình, thì chính Ngài đã quét lá da khôn của cây da này để đêm đêm đốt làm ánh sáng và cũng dùng nó để đun nước uống. Đình lúc đó nghèo, lợp bằng cỏ tranh. Ông từ lo sợ hỏa hoạn có thể gây ra do sinh hoạt đó của Phật Thầy, nên có lần ngăn cản. Nhưng Đức Phật Thầy đã đoan chắc không sao đâu.

 

Từ khi Đức Phật Thầy ra đi về sau, thì cây da thường bị lửa cháy lan. Rồi có lúc nó lại bị cho lịnh triệt hạ.

 

Nguyên là năm 1947, lúc Pháp trở lại, Việt Minh ra lịnh dỡ các nhà lớn, đồng thời triệt hạ các cây to vì sợ quân Pháp dò hiểu các mục tiêu. Vì vậy họ cho bán đấu giá cây da làm củi. Trong làng có hai ông, tên là Xiệng và Ký, hùn nhau mua với giá 200 đồng. Nhưng hai người chỉ hạ được có ít nhánh da thì cùng phát bịnh thổ huyết và rồi cùng chết cả hai. Do đó mà cây da vẫn còn sừng sững giữa làng.

 

Những chuyện kỳ bí, linh ứng luôn luôn được bao trùm cây da. Dân làng kính trọng cây da ấy ngang hàng với sự kính trọng ông thần làng. Đứa trẻ ấm đầu, người ta sợ nó chơi nghịch, khuấy phá dưới gốc cây da; vợ ông từ đau nặng, kéo dằn dai nhiều năm tháng mà không mạnh, người ta sợ bà đã có những cử chỉ vô ý nào đó với cây da. Và rồi lư hương, bệ thờ được đặt đầy trên cháng hai, cháng ba của cây da.

 

Nhưng bỗng đến khoảng cuối năm 1968 thì cây da đổ lá, trơ cành. Người ta tưởng nó thay lá rồi trở lại sum xuê như trước. Nào ngờ lá không mọc lại. Cây da chết mòn từng nhánh rồi gãy lần đến sát gốc. Và lạ thay, dưới gốc mục của cây da hiện nay một chồi nhỏ được mọc lên, sum xuê tươi tốt...

 

Người ta thì thầm, nhẩm đọc lời tiên tri của Đức Phật Thầy:

 

Chừng nào gốc mục đâm chồi,

Ta vưng sắc lịnh tái hồi trần gian.

 

Và người ta trông đợi sự tái hồi của Đức Huỳnh Giáo Chủ với một sắc thân nguyên vẹn xưa kia.

 

  • Những hột lúa
hot_lua-content
Những Hột lúa, lấy ra từ trong ruột củ khoai rạng

 

Năm 1963, lúc Tòng Sơn cổ tự được cây cất tại khuôn viên di tích của Đức Phật Thầy, thì một dân phu làm công quả tên là Sáu Câu, đã bắt gặp một củ khoai rạng ( một thứ khoai rừng tựa như củ khoai mì), nằm giữa một gốc sung mục, bề sâu xuống đất trên một thước tây. Trong củ khoai rạng kia có điều khác thường là nó không có ruột. Lắc mạnh thì nghe tiếng sột soạt. Ông Sáu Câu, người gốc ở kinh Cái Sắn, liền lấy xuổng xắn ra cho biết những gì ở trong. Bỗng ông thấy bên trong toàn là lúa hột, mùi thơm như lúa mới chín được gặt về.

 

Người ta thử lấy vài hột ương ra, thì lúa lên tươi tốt, rồi trổ bông sai oằn. Trong bông lúa đó khi được bóc ra thành gạo thì có hột đỏ, hột trắng, có nếp, có gạo và do đó mà không ai xác định được là nó thuộc vào thứ nào trong các giống nàng tây, nàng rừng, nàng chô, nàng tri...

 

Hiện những hột lúa xuất phát từ củ khoai rạng còn được giữ kỹ tại chùa.

 

  • Chùa Tòng Sơn
01chua_tong_son_o_dong_thap-content

Chùa Tòng Sơn

 

Tòng sơn cổ tự nằm ở đầu làng Tòng Sơn ngày xưa. Xưa kia đây chỉ có đình và Đức Phật Thầy hằng ngày nương ngụ tại đó.

 

Năm 1963, thập phương thiện tín muốn có một ngôi chùa cho phân biệt với đình, nên cũng trên khuôn viên khu đất mang vết chân của Đức Phật Thầy, người ta dựng lên một ngôi chùa, có sự đóng góp của thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ, để làm chỗ thờ Tam bảo và phụng tự Ngài.

Từ năm 1918, làng Tòng Sơn được tháp nhập với làng Mỹ An Hưng. Do đó, địa chỉ của Tòng Sơn cổ tự ngày nay là xã Mỹ An Hưng, quận Lấp Vò tỉnh Sa Đéc.

 

  • Bản đồ chùa

 vi_tri_tong_son_co_tu-content

Vị Trí Tòng Sơn Cổ Tự

 

Chùa nằm trên một vị trí sông ngòi chằng chịt, đường sá quanh co, vườn tược sầm uất. Trước mặt chùa là vườn cây, bên hông trái của chùa là đường vào chùa, rồi cầu, lộ đất, lộ đá, lưu thông Chợ Mới, Long Xuyên, Sa Đéc, Sài gòn.

 

Hiện chùa được phát động một cuộc xây cất mở rộng theo một qui mô được ghi trên bản đồ in sau, do Nguyễn Thành Gia vẽ.

 

  • Bản sao lại bổn Sấm Tuyền
sam_truyen_do_truong_sao_chep-content
Bản sao lại bổn Sấm Truyền

 

Để lưu giữ nguyên tác bổn Sấm Truyền bằng chữ Nôm, tôi có ý định chụp ảnh tất cả các trang sách để in vào đây. Nhưng có hai điều trở ngại đáng tiếc khiến không thể thực hiện:

 

1) Bổn Sấm Truyền do ông “Đồ Trương” sao chép đã quá cũ, chữ mực với màu giấy có nhiều chỗ gần muốn tiệp nhau, khiến độc giả không tài nào nhận nổi mặt chữ qua bản kẽm in lại.

 

2) Theo khổ giấy bạch cũ thì bề ngang ngắn lối một nửa bề dài, khiến bản sách trồng vào ốm nhom như lá sớ, đem in vào đây sẽ bỏ trống giấy khá nhiều, mất thẩm mỹ và số trang cũng bị kéo dài, tốn kém lắm mà vẫn không dùng nghiên cứu được.

 

Bởi đó mà bắt buộc phải sao y lại để in ra. Bản chép này là do “thủ bút của ông Thái Văn Ý phụng tả”, không thêm bớt chữ nào, không thay đổi cách Nôm, mặc dù chúng tôi biết chắc chắn trong bản cũ có chữ chép thừa, Nôm sai cách và chép sai vận.

(Các trang sau đây là toàn bộ gồm 14 bản sao)

 

Kiểm tra bài ngày 9-2-2012

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn