Nguyên Lai Quyển Sấm Truyền Của Tông Phái Phật Thầy Vừa Tìm Được

28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 18203)
Nguyên Lai Quyển Sấm Truyền Của Tông Phái Phật Thầy Vừa Tìm Được

 

Như chúng ta đọc thấy ở chương trước, Sấm truyền Bửu Sơn Kỳ Hương hiện nay còn được lưu hành thật quá hiếm hoi và chắc rằng trong số còn lại đó phần lớn bị sai chạy quá nhiều. Sai chạy từ việc không đúng nguyên tác cho đến việc lẫn lộn tác giả.

 

Một lẽ giản dị để hiểu lý do sai chạy nguyên tác là vì tất cả kinh kệ ấy đều không được khắc in mà chỉ được chép tay. Người ta đã tam sao thất bổn từ các bản Hán, bản Nôm dẫn cho đến lúc được phiên âm quốc ngữ. Vấn đề chính tả quốc ngữ còn thêm một lần nữa làm cách cội xa nguồn nếu người phiên âm không có một trình độ kiến thức khả quan. Còn về việc lẫn lộn tác giả thì thường do thông lệ cữ tên. Người ta vì kính trọng người lớn, muốn húy tên người lớn. Vả lại với quan niệm thông thường ngày xưa là một tác phẩm chép tay dù có truyền bá rộng đến đâu thì ắt “những người chuyền tay nhau chép cũng đã biết tên tác giả rồi”, vậy cần gì phải phô trương để có thể đưa đến ít nhiều hậu quả này nọ...

 

Đã sai chạy văn từ trên nguyên tác, lại cũng không biết tác giả là ai, tác phẩm còn dễ bị mai một bởi công việc chép tay thì số lượng phổ biến rất giới hạn, chúng chịu đựng làm sao nổi trước những biến cố của thiên tai, chiến họa, của những lần pháp nạn và của mối mọt làm tàn hoại lần hồi. Đó là một lí do khác khiến tác phẩm hiện nay còn lại rất hiếm hoi.

 

Trong số những quyển Sấm Giảng bị thất truyền mà chúng ta đoán rằng khá nhiều đó, có một quyển chúng tôi vừa may mắn tìm được. Nó có một lịch sử lâu dài ngót cả trăm năm kể từ lúc được khai sanh cho đến ngày châu về hiệp phố. Xin phép được trần thuật nguyên lai.

 

Độc giả hẳn còn nhớ, xưa kia, khi Đức Phật Thầy Tây An rời Tòng Sơn đến Trà Bư, thì dân chúng Tòng Sơn rất bối rối vì chứng bịnh thời khí tại đó càng lúc thêm nhiều. Ông Đoàn Văn Điểu cùng với hương chức làng đã phải đến Trà Bư để thỉnh Đức Phật Thầy trở lại. Nhưng Đức Phật Thầy không về Tòng Sơn, Ngài chỉ mách cho họ một cái mo nang để lại tại đình mà trong đó có bức trần đỏ, có một quyển Sấm Truyền và có một cây cờ ngũ sắc. Theo lời thuật đích xác của Ban quản tự Tòng Sơn cổ tự cũng như nhiều bô lão trong vùng, thì chính quyển Sấm Truyền đó được dân chúng chuyền tay nhau đọc và rồi thì vẫn đem về trả lại để trân tàng tại bàn Phật tại đình Tòng Sơn. Cũng theo lời các bô lão ấy kế tiếp, đó là một truyền thống lưu liên tại đây từ xưa.

 

Đến thời ông Võ Văn Đống làm Hương cả (1) thì quyển Sấm truyền này được sao chép ra và được truyền về thôn Mỹ Chánh một bổn. Bổn còn lại lần hồi cũng được chép lại bởi quá cũ vì trao tay quá nhiều người.

 

Trải qua biết bao nhiêu biến cố, nào khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây (1867) dân Tòng Sơn phải chịu nhiều khốn đốn; rồi tiếp đến những cuộc nổi dậy của các phong trào bình Tây sát tả, dân chúng tự vệ, nhất là cuộc kháng chiến của Quản cơ Thành (tức Đức Cố Quản) từ những năm 1868 đến 1873. Vì nghe theo tiếng gọi của người cùng một đạo mà dân chúng Tòng Sơn đã chạy theo Bình Gia Nghị (2) khá đông, bởi thế mà khi bộ đội của ông Đạo Thành bại trận (tháng 2 năm 1873), Tòng Sơn đã bị khủng bố tơi bời.

 

Đến cuộc đảo chánh năm 1945, Việt Minh lên nắm chánh quyền kế bị Đệ tam sư đoàn rược đuổi tại Cái Tàu Thượng, rồi tiếp theo là quân đội Pháp trở lại, quân đội kháng chiến đánh nhau với Pháp... Những dồn qua dập lại gây nên cảnh khói lửa ngụt trời,, Tòng Sơn bấy giờ là xã Mỹ An Hưng, phải gánh chịu biết bao nhiêu tang tóc. Nhà cửa tiêu tàn, tủ ghế, chõng ngựa và cả đến chén bát, lu hũ cũng phải ném ra bờ tre để tránh lửa, người dân có lúc tản cư sạch ấp. Chạy mình không mà còn chưa ắt đủ vợ đủ chồng, còn sá chi đồ đạc...

 

Bởi vậy mà bổn Sấm Truyền chánh gốc không rõ đã bị thất lạc về đâu.

 

Được hỏi ra, người ta biết rằng có một bổn được sao chép lại từ năm Kỷ dậu (1909) theo một bản cũ ngày xưa để thờ trên bàn Phật đình Tòng Sơn, nhưng bổn ấy được vị Hương Chủ trong làng là ông Võ Tương Như mượn về nhà xem. Hỏi ra nữa, thì ông Võ Tương Như đã chuyền tay về ông Nguyễn Thanh Cự. Lại hỏi phăng ra lần nữa, thì ông Nguyễn Thanh Cự nhận rằng có mượn, nhưng vì trải qua bao nhiêu thế cuộc thăng trầm, không rõ đã lạc về đâu! Ông Cự bị ông Như đòi để trả lại làm bảo vật cho làng. Nhưng ông Nguyễn Thanh Cự đành bó tay vì nhà cửa đã bị giở, đồ đạc đã bị dời, lục soát lại mãi mà không thấy vật cũ đáng quí ấy. Chuyện này từ ấy lần hồi bị giải đãi bỏ trôi. (3)

 

Mãi cho đến năm 1963, chùa Tòng Sơn được thành lập bên cạnh ngôi đình thần có mang dấu tích của Đức Phật Thầy, Ban trùng tu cùng với các giới chức trong làng mới kiểm điểm các vật xưa còn lại (như tấm trần đỏ của Đức Phật Thầy cho, như tấm biển sơn son thiếp vàng mang ba chữ Đoàn Phật Sư) đễ thỉnh từ đình sang thờ tại chùa. Trong dịp này người ta bỗng nhớ ngay đến bổn Sấm truyền ngày trước.

 

Chuyện cũ giở ra thành mới, ai nấy đồng xuýt xoa tiếc rẻ. Ông Phan Tấn Xưa (tức Do) lúc đó là Trưởng ban trùng tu chùa Tòng Sơn, bèn đề nghị với ông Nguyễn Văn Phú (là con của ông Nguyễn Thanh Cự, cũng có chân trong ban trùng tu) nên cố sức về nhà lục soát lại để may ra,vì trước kia ông Nguyễn Thanh Cự già cả, có thể tìm sót chăng? Ông Nguyễn Văn Phú gượng gạo nhận lời với hy vọng cầu may mà thôi, vì ông tự biết gia đình của ông đã bị trải nhiều biến cố và thân phụ ông xưa kia từng đã không tìm được kia rồi!

 

Nhưng sau đó bất ngờ ông Nguyễn Văn Phú lại kiếm gặp nguyên vẹn bổn Giảng xưa nói trên nằm thu mình trong một ngăn tủ đầy bụi nhện mà trước đó ông đã nhiều lần lục soát nhưng không thấy.

 

Ông Phú đã mang quyển ấy đến chùa với sự hân hoan của toàn thề những người trong cuộc. Và quyển Sấm Truyền từ ấy được trân tàng cùng chung trong một chiếc hòm bằng gỗ quí đang đựng tấm trần đỏ thờ ở chánh điện của chùa Tòng Sơn.

 

Muốn hiểu biết nội dung Sấm truyền khuyến dạy điều gì, cũng như muốn đem phổ biến quyển ấy cho đại chúng cùng hiểu,, nhưng ngặt vì tác phẩm toàn bằng chữ Nôm, mà trong Ban Quản Tự thì không ai đọc và phiên âm quốc ngữ được, cho nên rồi cũng đành thôi.

 

Trong thời gian từ 1963 đến nay, ông Phan Tấn Xưa đã yêu cầu nhiều người đọc hoặc nhờ họ nhờ lại người khác đọc và phiên âm giúp. Trong số những người ấy có ông Phan Văn Nghi ở xã Bình Phước Xuân và Đại Úy Phan Thành Công ở Long Xuyên. Nhưng không ai làm thỏa mãn được yêu cầu đó của ông, nên chuyện vẫn đâu còn nguyên đấy.

 

Cho đến ngày 14-7-1973, nhân một phiên họp tại Tòng Sơn cổ tự giữa Ban Quản Tự chùa này cùng với Ban Chẩn Tế Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo để lo chỉnh trang sân và đường vào chùa, chuẩn bị cho kỳ đại lễ kỷ niệm lần thứ 117 ngày viên tịch của Đức Phật Thầy Tây An, vấn đề trên mới được đề cập trở lại. Tất cả đồng đề nghị mang quyển Sấm Truyền ấy đến chúng tôi.

 

Ngày 20-7-73, các ông Trịnh Văn Tại, Nguyễn Trường Chấp, Đỗ Văn Lùng và Bùi Ngọc Hưỡn, đại diện cho Ban Quản Tự và Ban Chẩn Tế, đích thân đưa quyển Sấm Truyền ấy đến tận tư thất của chúng tôi và ngõ ý muốn tôi nghiên cứu để nếu thấy quả thật đây là Sấm Truyền căn gốc Bửu Sơn Kỳ Hương thì biên khảo, phiên âm để các ông hoan hỉ ấn hành.

 

Sau một tháng làm việc, khi Ban Chẩn tế Phật Giáo Hòa Hảo và Ban Quản Tự Tòng Sơn Cổ Tự đã đệ trình Đại Diện Tổ Đình PGHH duyệt lãm, ngày 21-8-1973, tôi thân hành đến Tòng Sơn cổ tự để sưu tầm, tham khảo thêm tại chỗ cho một số sự kiện còn lại. Hôm ấy, lúc 10 giờ 30, trước sự hiện diện của hằng ngàn tín hữu, đông đủ các nhân viên Ban Quản Tự, Ban Chẩn Tế, có sự tham dự của Trung tá Nguyễn Minh Tâm, Quận trưởng Chợ Mới; bác sĩ Huỳnh Trung Nhì, Trưởng y tế An Giang; bác sĩ Đào Tuấn Kiệt, Giám đốc bệnh viện Long Xuyên; bác sĩ Trần Lỹ, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Trung Trực; bác sĩ Phan Văn Bàn, bác sĩ Ludwick và cô Lise Côté (Canada) chuyên viên của Trung tâm y tế toàn khoa Long Xuyên, và nhiều giáo sư, giáo viên, sĩ quan, thân hào nhân sĩ, chúng tôi đã diễn thuyết về vấn đề này và liền sau đó, được hội thảo, phỏng vấn, chụp ảnh và ghi âm lời nói của Ban tổ chức cùng với những tài liệu chi tiết hữu ích cho việc biên khảo sách này.

 

Có lẽ nhờ vậy mà nguyên lai của quyển Sấm Truyền được thêm phần sáng tỏ đối với quý độc giả lâu nay còn xa lạ trước nguồn cội Bửu Sơn Kỳ Hương.

 

Quyển Sấm Truyền được trần thuật nguyên lai trên đây mang một hình thức mỏng manh, nếu lật mạnh có thể bị rệu rã một cách dễ dàng. Nhưng may mắn là chữ cò nguyên vẹn trừ một ít dấu mối mọt gặm nhấm và một ít chỗ lằn xếp có bị rách sờn.

 

Ngang một tấc 70, dài 3 tấc 90, xưa nó được viết bằng mực đen trên nền giất bạch, nay vì quá cũ quá đã sẩm xuống thành một màu xám đục. Nét chữ thật đẹp, thật đều. Văn lục bát, có điểm dấu chấm câu và chép đầy đặc tất cả các trang không hề bỏ trống. Sách gồm 8 tờ (16 trang). Chỉ tờ cuuối còn dư ra một trang. Hình như trước đây chừng khoảng 40 năm, tờ đó đã bị cũ rách, sứt ra, nên được một tuồng chữ khác chép lại trang đó trên một thứ giấy “nhựt trình trắng” rồi đóng kèm thay vào.

 

Tuy nét chữ viết đẹp, bay bướm lắm, nhưng có lẽ vì theo một bản nào trước đó có bị chép sai, cho nên có lắm chữ không được Nôm đúng cách và có một số vần bị lạc. Có bôi xóa 6 chữ chép thừa và gạch thêm 11 chữ chép thiếu.

 

Đầu sách có đề năm tháng và tên người chép giúp bổn Sấm Truyền, nguyên văn như vầy:

 

“Tuế thứ Kỷ Dậu niên, nhuận nhị ngoạt, nhị thập thất nhựt – Đồ Trương trợ bút nhất quyện Giảng” (Năm Kỷ Dậu, tháng hai nhuần, ngày 27, quyển Giảng này do Trò Trương viết giúp).

 

Tính theo âm lịch, nhờ người sao chép có ghi rõ là tháng hai nhuần, nên chúng ta được biết chắc Kỷ dậu này là 1909, cách nay 64 năm. Chúng tôi đã hết sức truy tầm, nhưng không rõ “Đồ - Trương” là ai, còn có miêu duệ gì ở Tòng Sơn – Hổ Cứ không, nhưng không được một ai biết mảy may gì liên hệ để giúp chúng tôi đạt được ý nguyện.

 

Theo thời gian được ghi chép chắc chắn trên đây, bổn Sấm Truyền này đáng được coi là một bản Nôm chép tay xưa nhất trong các bản Nôm còn lại của Bửu Sơn Kỳ Hương. Xưa hơn bộ Cửu khúc, Kiểng tiên của ông Nguyễn Văn Thới và xưa hơn cả bộ Sấm Giảng người đời của ông Sư Vãi, nếu ai còn giữ được nguyên tác; bởi vì bổn Sấm Truyền này là một bổn được sao chép lại chớ không phải mới được sáng tác từ năm Kỷ Dậu 1909 ấy. Nó đã có trước năm sao chép lâu rồi!

 

Kiểm bài ngày 9-2-2012

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn