Đức Phật Thầy Tây An Vị Giáo Tổ Bửu Sơn Kỳ Hương

28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 31509)
Đức Phật Thầy Tây An Vị Giáo Tổ Bửu Sơn Kỳ Hương

 

Như chúng ta vừa thấy, Đức Phật Thầy Tây An, Giáo tổ tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, tên thật là Đoàn Minh Huyên, đản sanh vào giờ nhọ, ngày rằm tháng mười năm Đinh mão (1807), đời vua Gia Long thứ sáu. So với triều đại Trung Hoa thì bấy giờ nhằm đời Thanh Nhân Tông, niên hiệu Gia Khánh thứ 12.

 

Chánh quán của Phật Thầy tại làng Tòng Sơn, tổng An Tịnh, huyện Vĩnh An, Phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (1). Tỉnh An Giang hồi ấy chưa có. Mãi đến niên hiệu Minh Mạng thứ 13 (1832), một chỉ dụ hạ lệnh cho Gia Định Thành cắt đặt tỉnh An Giang với hai phủ, bốn huyện, thì Tòng Sơn thuộc về An Giang. Hiện nay, Tòng Sơn nằm về bản đồ hành chánh quận Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc.

 

Thưở nhỏ học hành làm sao, sinh hoạt thế nào, không biết. Lớn lên, rời quê quán, có lẽ là để đi tu hành. Nhưng cả thân thuộc Ngài cũng không ai biết tông tích. Hình bóng của Ngài đã vùi mất từ lâu trong ký ức của mọi người có ít nhiều liên hệ.

 

Nhưng Phật Thầy lại trở về làng Tòng Sơn sau khi đã xuất hiện tại Gò Công năm Giáp thìn (1844) rồi vân du qua các xứ Mõ Cày, Bến Tre, Cần Chông, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá và miền Thất Sơn.

 

02anh_hoa_di_tich_phat_thay_ve_tong_son-content

Đức Phật Thầy về làng Tòng Sơn (tranh minh họa)

 

Thật ra, Ngài trở về đúng vào tháng năm nào, không có gì để xác nhận. Tuy vậy, vẫn có những dấu hiệu cho biết, rõ là vào đầu năm Kỷ Dậu (1849) thì Phật Thầy đã hiện diện ở đây. Với dáng dấp của một người ngây ngây, lời ăn tiếng nói khi hư khi thực, rồi cộng với những việc làm có vẻ huyền diệu, Ngài mới bắt đầu gây được sự chú ý cho ít kẻ hiếu kỳ. Chẳng hạn như chuyện cây da bên rạch Tòng Sơn trốc ngã, làm tắt nghẽn lưu thông, mà chỉ bằng một cử chỉ nhẹ nhàng, Phật Thầy đã giúp làm cho cây da xếp lại. Như chuyện Ngài hằng đêm đốt lá da để lấy ánh sáng thay đèn, để lấy lửa đung nước và khi thấy có người lo sợ rằng hỏa hoạn có htể xảy ra do hành động đó của Ngài, thì Ngài trả lời bằng những câu úp mở, tỏ ra có đủ quyền năng để bảo đảm việc ấy. Nhưng, như đã nói, mới đầu Ngài chỉ gây được sự chú ý cho những ai hiếu kỳ, còn phần đông thì hoặc họ không biết đến Ngài, hoặc có người biết đến thì chỉ tỏ cẻ khinh bạc. Nhưng hình như Đức Phật Thầy không buồn nghĩ đến việc ấy mà hằng ngày lộ vẻ trầm ngâm, thường tìm đến chỗ tịch mịch để suy tư. Cái suy tư của một đạt nhân mang hoài bão lớn, muốn giải thoát cho đời mà thời cơ chưa đến!

 

Ngài nghèo nàn, cô độc, một mình hiu quạnh nương tựa tại mái hiên sau của ngôi đình Tòng Sơn cũng nghèo nàn như Ngài.

 

Năm ấy thời hành dịch tả nổi lên, tại làng Tòng Sơn bắt đầu thấy có người nhiễm bịnh. Dân làng lo sợ vái van, dự phòng thuốc men ngừa khi tăm tối xa thầy vắng chợ; còn hương chức làng thì tự thấy có trach nhiệm trước thánh thần, cho nên họ họp lại để làm lễ “tống gió”. gà, heo vái cúng.

 

Thấy hành động của hương chức làng trái với chánh pháp, nên Phật Thầy ra trước mặt họ tỏ ý không tán thành. Ngài khuyên đừng nên làm việc sát sanh vô lý và ích kỷ như vậy. Mình không ưa “gió” thì “tống gió” cho ai! Nhưng chức việc làng bác bỏ lời Ngài, họ thản nhiên làm theo ý định.

 

Những lời biện giải nhân từ và hợp lý của Phật Thầy hay đâu lại là điều làm phật ý mọi người. Người ta đồng lòng xua đuổi Ngài ra khỏi mái hiên đình, một nơi tuy âm thầm quạnh quẽ nhưng là một tổ ấm thân yêu mà Ngài đã nghỉ đỗ tự bấy lâu nay. Ngài chấp nhận lời họ, nhưng xin được thiết lễ ra mắt để tự chiêu khai lý lịch đã.

 

Trước đông người, Ngài cho biết tên họ của mình, nói rõ danh tánh ông bà cha mẹ mình và xin mời những người thân thuộc của Ngài đến. Dòng họ của Đức Phật Thầy bấy giờ chỉ còn có vài người, nhưng trong vài người ấy, ông Đòan Văn Điểu và ông Đoàn Văn Viên, cũng không nhận diện được Ngài. Ngài phải nói hết căn do lưu lạc, việc tu hành của Ngài như thế nào, thì anh em mới nhìn được nhau.

 

Rồi Đức Phật Thầy cáo biệt.

 

06_con_rach_tong_son-content

Con rạch Tòng Sơn

 

 

Chuyện vỡ lẽ, mọi người đều bịn rịn, khẩn cầu Ngài ở lại. Nhưng Phật Thầy quyết định lên đường, vì thời cơ và sứ mạng đã đến lúc khế hợp. Từ ấy người ta thấy Phật Thầy vân du nhiều chỗ. Tại Trà Bư (cách xa chợ Cái Tàu Thượng chừng non 10 cây số), tại Tân Phước (trên lòng rạch Cái Dứa) tại Mỹ Hưng (khoảng đầu Cù Lao Giêng), tại Cái Tre (bên kia bờ Tiền Giang, ven Đồng Tháp), thiên hạ đều thấy có bóng dáng Ngài thoạt đó thoạt đây. Ngài đi trên một chiếc xuồng bần, bơi bằng một thanh tre, gặp bịnh thì trị bịnh, gặp người thiện duyên thì thuyết pháp dạy tu. Cá nhân Ngài gắn liền với đám dân cùng khổ. Ngài an ủi, cứu trợ, khuyên dỗ, thương xót họ như tình thương bao la của mẹ với con.

 

Nhưng chỗ Đức Phật Thầy ngụ lại hơi lâu là tại Trà Bư.

 

Bấy giờ bịnh dịch lan tràn dữ dội. Đầu trên xóm dưới chết. Đau một giây một giờ rồi chết. Mà chết nhiều không kịp chôn. Thiên hạ hoảng sợ. Bè tống ôn tống gió bềnh bồng đầy sông. Ngoài đường vắng người đi. Ban đêm chó không dám sủa. Mà thỉnh thoảng có vài tiếng chó sủa thì người ta tưởng tượng là có âm binh về. Hễ nghe tiếng lộp cộp là ớn da gà, biết rằng trong xóm có một nấp quan tài vừa đậy lại (2)

 

Nhân dân Tòng Sơn sợ hãi, hối tiếc rằng mình có Phật trong nhà mà đi cầu ma ngoài đường, nên yêu cầu ông Đoàn Văn Điều cùng đi với chức việc làng đến Trà Bư thỉnh Đức Phật Thầy trở về. Bấy giờ tại Trà Bư người ta đến cầu Ngài chữa bịnh đông như kiến cỏ, nên Phật Thầy không về Tòng Sơn. Ngài dạy các ông ấy hãy trở về đình, nơi Ngài nghỉ đỗ trước kia, tìm cái nang bằng mo cau dùng làm đảy đựng vật dụng mà Ngài còn để lại, sẽ có “cây thẻ năm ông” trong đó. Hãy cầu vái Phật Trời rồi thỉnh thẻ ấy mà uống thì tật bịnh tiêu trừ.

 

Thật vậy, trong cái mo nang còn lại, người ta thấy có một quyển Sấm Giảng, một tấm trần đỏ và một cây cờ ngũ sắc. Tấm trần đỏ tức thời được thượng lên thờ tại đình, quyển Sấm Giảng được chuyền tay nhau đọc; còn cây cờ ngũ sắc thì chỉ trong ít ngày, người ta thỉnh về uống sạch (3). Chẳng những vải cờ mà cho đến cả cán cờ, chưn nhang và tro nhang trên bàn thờ cũng không còn. Bằng phương pháp đơn sơ như vậy, Đức Phật Thầy đã chận đứng được con bịnh ở Tòng Sơn.

 

Tháng 8 năm ấy, Ngài đến Xẻo Môn, thôn Kiến Thạnh (giờ đây là xã Long Kiến), xuất hiện như một người cuồng, gây kinh dị không ít cho dân chúng. Nhưng rồi ai nấy vô cùng thán phục bởi đức độ và tài năng của Ngài. Ngài vừa chữa bịnh, vừa thuyết pháp dạy tu, người quy y đông vô số.

 

Chỉ bằng một mảnh giấy vàng xé nhỏ, một chút nước lã hoặc một miếng giấy áo nhang, Phật Thầy không những trị bịnh thiên thời mà còn trị cả đến các bịnh ho, suyễn, cùi, phong, điên; bịnh hậu thổ huyết, bịnh trùng tang thằng bố. Mà trị đâu thì hết đó, tiếng đồn vang khắp, khiến người đến chiêm ngưỡng Ngài như nước triều dâng.

 

Những người qui y với Phật Thầy đều được phát cho một lòng phái bằng giấy vàng hay giấy bạch, trên đóng ấn triện có bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương. Tông phái này coi như được sáng khởi vào mùa thu năm Kỷ dậu (1849) mà Đức Phật Thầy Tây An là Giáo Tổ.

 

Ngài luân lưu chữa bịnh, thuyết pháp và truyền giáo tại Lòng Ông Chưởng ít nhất là vào mấy tháng của mùa thu năm ấy; các địa điểm có mang vết chân Ngài được biết chắc chắn là tại đình thần thôn Kiến Thạnh (xưa ở Chưng Đùng), tại cốc Ông Kiến (nay là Tây An Cổ Tự) và tại chùa Sư Nhựt (thôn Kiến An). Nhưng kế rồi Ngài lâm nạn, phải tạm ngưng hoạt động.

 

Viễn nhân đưa đến hoạn họa cho Đức Phật Thầy là do sự nghi kỵ của chánh quyền đương nhiệm. Nguyên là miền nam cho đến cuối đời Gia Long, vẫn còn là một biên phương ô tạp. Theo Đại Nam Chánh biên liệt truyện, Đại Nam thực lục chánh biên và nhiều cổ sử thư thì người Thổ, người Minh Hương, người Đồ Bà, người Chàm... và người Việt ta chung sống trên một vùng đất rộng ven các nhánh sông Tiền và Hậu. Tín ngưỡng quá phức tạp. Mê tín thì dẫy đầy. Đồng bóng ma quỉ như thường xuyên lẫn lộn bên nhau. Những tụ tập làm loạn thường dựa vào tình trạng phức tạp đó mà nổi dậy, khiến chánh quyền phải cấm ngăn phù thủy. Cãi thì trừng phạt bằng roi, hoặc bắt khổ sai, xay lúa, giã gạo. Thế mà các đám giặc chòm vẫn cứ tiếp tục nổi lên, trong đó thường có các tăng sãi chủ mưu.

Theo sách Bản triều bạn nghịch liệt truyện (4) thì giặc Sãi Kế là một loạn đảng quá dữ dằn, dám xưng vương, cướp phá lung tung các hạt Miên và tràn xuống đến Định Tường để cáp duồng, cươp bóc vào những tháng thượng bán niên Canh thìn (1820). Kế đến năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), nhiều cuộc loạn lại nổi lên ở Miên do các tên đầu đảng là Đột và Cố. Nước Xiêm nhân đó đưa Nặc Ông Đôn về Miên cướp quyền bảo hộ của Việt Nam, xúi dân làm loạn, cướp phá đến kinh Vĩnh Tế (5). Rồi thầy sãi Lâm Sâm (cũng gọi là Sư Sâm) thừa cơ dậy giặc ở Vĩnh Long và Trà Vinh, y có tới bảy tám ngàn đồ đảng, tất nhiên là có nhiều “thầy tu” chỉ huy, chiếm cứ Lạc Hoá, giết chết cả đến quan Bố chánh Trần Tuyên và quan Tri huyện Huỳnh Hữu Quang (6).

 

Tiếp theo là Thiệu Trị thứ 5 và thứ 6 (1845, 46) Cao Miên liên tiếp có loạn, làm rối rắm Nam Kỳ, trong đó thường có sự tham gia của các sư sãi người Miên. Chính vì vậy mà khi nghe tin Đức Phật Thầy có uy lực tụ tập mỗi ngày hằng ngàn người, tự nhiên là triều đình phải sợ.

 

Còn cận nhân gây ra tai nạn cho Phật Thầy là do bọn thầy cúng, bọn lang băm và bọn phù thủy bất học vô thuật. Chúng ganh tỵ trước sức thu hút quần chúng quá lớn lao của Đức Phật Thầy, vì Ngài có thể gây thất nghiệp cho chúng. Chúng tìm mọi cách để chỉ trích các phương pháp chữa bịnh, truyền giáo và hành giáo của Ngài. Đói ăn rau, đau uống thuốc, Đức Phật Thầy chữa bịnh không dùng thuốc, là một cái nghi. Thầy chùa thì phải đầu tròn áo vuông, Ngài đầu vẫn búi tóc, càm vẫn để râu, là hai cái nghi. Lễ Phật thường thì tụng kinh gõ mõ, giờ sao dạy lâm râm mặc niệm, không la ó gì, là ba cái nghi. Thờ Phật lâu nay chỉ thờ tượng cốt, nay lại thờ trần điều, là bốn cái nghi. Cúng Phật thường cúng chè xôi, lý do gì lại bác bỏ hết mà chỉ cúng hoa tươi nước lã, là năm cái nghi. Tất cả các nguyên cơ dẫn trên tập hợp lại thành một lưới nghi, khiến chánh quyền kết luận rằng Phật Thầy không phải một nhà tu hành chân chính, mà là một gian đạo sĩ, chuẩn bị quần chúng để làm một cuộc nội loạn.

 

Đức Phật Thầy bị quan Tổng Đốc An Giang xuống lịnh bắt Ngài đưa về Châu Đốc câu lưu. Tại Châu Đốc, Phật Thầy đã đã đem tài hùng biện và dùng những huyền nhiệm để ứng phó với các viên chức chánh quyền. Những lời đe dọa, những cuộc thẩm vấn gắt gao, cùng với những trò thử hách đều được đưa ra, nhưng không hề làm lung lay được tâm hồn hiền thánh. Sau đó, không rõ bao lâu, người ta phóng thích Ngài.

 

Tuy nhiên, để hợp thức hóa Phật Thầy như một nhà sư bình thường của Đạo Phật và để kiểm soát, theo dõi mọi hoạt động của Ngài, người ta buộc Ngài phải thế phát và phải vào tu tại chùa Tây An, một ngôi chùa do chánh quyền cất sẵn từ năm Thiệu Trị thứ bảy (1847) qua bàn tay kiến trúc của quan Tổng đốc Doãn Uẩn (7).


 


09-a_chua_tay_va_cay_bong_phia_truoc-content

Tây An cổ tự

 

Từ đó, Phật Thầy, trên phương diện pháp lý, là một nhà sư của chùa Tây An. Để tự túc sinh sống, chánh quyền có cấp cho Ngài tám mẫu ruộng bên chân núi Sam. Tại đây đã sẵn có một sư trụ trì thuộc phái Lâm Tế, có nhiều tượng cốt Phật, có gõ mõ tụng kinh!

 

Ngộ biến tùng quyền, mặc dù trong một hình thức trái với chủ trương cải cách tôn giáo của Ngài, Phật Thầy vẫn ẩn nhẫn tùy thời để thi hành sứ mạng lập tông hành giáo.

 

Tưởng nên nói rõ rằng chủ trương cảu Phật Thầy là lấy Đạo Phật làm căn, nhưng không thờ Phật cốt, không gõ mõ tụng kinh, không đầu tròn áo vuông, không hành nghề thầy đám, không cúng kiến chè xôi và tu đâu cũng được. Theo giáo lý của Ngài thì người tu cốt tránh ác làm lành, rửa lòng trong sạch, giữ tâm thanh tịnh và hằng thực thi bốn ân lớn: ân tổ tiên, cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại (8).

 

Cũng tại chùa Tây An núi Sam, Phật Thầy cảm hóa được vị thiền sư chủ chùa và thu hút hằng chục vạn thập phương thiện tín. Người ta xem Ngài như một Hoạt Phật và tôn xưng Ngài là Phật Thầy Tây An. Danh hiệu này là do thế tôn, không phải do Ngài tự đặt.

 

 Ngài cũng chỉ thị cho các đại đệ tử mở rộng việc truyền giáo ra khắp bốn phương, tiếp tục phát phù trị bịnh, tiếp tục cấp lòng phái Bửu Sơn Kỳ Hương để thu nhận thêm nhiều đệ tử. Cái bối cảnh Xẻo Môn trước kia giờ đây bộc hiện tại núi Sam với một niềm tin mãnh liệt và với một tinh thần phấn khởi hơn trước đối với người tin. Để tránh sự khủng bố của chánh quyền mà Phật Thầy tiên liệu là sẽ khó khỏi là nếu cho tập trung ở đó để truyền giáo theo chủ trương của mình, nên Ngài cho lệnh di tản tín đồ đi khai hoang tản mạn nhiều nơi. Các vùng cực xa xôi hoang vắng, chưa có vết chân ai bén mảng, là chỗ tốt cho sự thành lập các cơ cấu Bửu Sơn Kỳ Hương.

 

 Các cơ cấu tôn giáo vừa nói đều được Phật Thầy mệnh danh là trại ruộng. Tất cả tín đồ đều là cư sĩ tại gia, vừa làm lụng sanh nhai vừa tu hành tinh tấn. Các nông trại được coi như các chùa chiền và các đại đệ tử của Ngài được gọi là các Ông Đạo để làm những việc như các tăng sư truyền giáo.

 

 Năm 1851, từng đoàn tín đồ của Phật Thầy chia nhau ra đi. Đoàn khai hoang thứ nhất vào Thất Sơn, bên chân núi Két, nơi mà rừng bụi rậm rì, hổ báo lúc nào cũng có thể xuất hiện để đe dọa và làm hại người ta được. Đoàn này chia làm hai nơi, một do Ông Bùi Văn Thân tức Tăng Chủ Bùi Thiền Sư, một do Ông Bùi Văn Tây tức Đình Tây chỉ huy. Nơi đây nông trại Hưng Thới và Xuân Sơn được dựng nên (9)

 

 Đoàn khai hoang thứ hai do Ông Quản Thành tức Đạo Thành (10) điều khiển, đem nhau đến Láng Linh, một vùng bùn lầy, mùa lụt như biển cả mà mùa hạn thì như bãi cát hoang. Địa thế không thuận lợi mấy cho nông nghiệp nhưng rất đắc địa cho khách ẩn cư tịch mịch. Tại vùng này, một trại ruộng mệnh danh Bửu Hương Các được dựng lên.

 

 Đoàn thứ ba do ông Đặng Văn Ngoạn đưa về miền Cần Lố, bên kia bờ Tiền Giang (vùng Đồng Tháp Mười). Một ngôi chùa được dựng lên tại Trà Bông để các tín đồ chiêm bái; còn ruộng rẫy thì ruộng rẫy thì rộng mở ra khắp nẻo rạch Trà Bông, trong lòng Cần Lố, lạch Ông Bường (11).

 

 Đoàn thứ tư về Cái Dầu, nay là xã Bình Long, sát hữu ngạn Hậu Giang, nơi có nhiều phù sa, tuy không phải chỗ hoàn toàn hoang lâm, nhưng vẫn còn mênh mông đất rộng, ông Nguyễn Văn Xuyến, tức Đạo Xuyến, đã cai quản các tín đồ sinh hoạt tại địa điểm này (12).

 

 Tất cả các nhân vật điều khiển các nông trại Bửu Sơn Kỳ Hương mà chúng ta vừa biết đều là những người đạo đức gương mẫu, thông Phật pháp, giõi võ nghệ, đầy lòng vị tha:

 

 Bùa linh đốt cứu người đau đớn

 Phù Phật dành dưng kẻ thiện duyên.

 

 Họ kiên nhẫn và bất vụ lợi, tinh thần khoáng đạt:

 

 Giày cỏ đến lui trời đất rộng,

 Áo sen xài xạc núi sông dài (13)

 

 Cho nên với cuộc sống đơn bạc, họ đã động viên hằng ngàn nhân lực đến mỗi nơi để sau đó lập thành thôn ấp, phát triển đạo đức.

 

 Nhiều làng xã như Hưng Thới, Xuân Sơn, Bình Long, Thạnh Mỹ, Vĩnh Hanh... (thuộc Long Xuyên – Châu Đốc) hoặc ở Đồng Tháp (thuộc Sa Đéc – Kiến Phong) ở Trà Bang (Rạch Giá)... đều đã do bàn tay, lưỡi cuốc khai phá của người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương mà nên.

 

 Chặng đời từ 1851 trở đi, tuy tiếng là ở tại núi Sam, nhưng thật ra Phật Thầy luôn luôn vân du hóa độ Tài liệu chắc chắn có thể kiểm chứng được cho thấy ngoài Châu Đốc – Đông Xuyên, nơi có sự trông nom của Đức Phật Thầy và ông Đạo Thành, công việc truyền giáo về Cao Miên có ông Đạo Lãnh, Bà Năm Chòn Dầu, về Sa Đéc – Vĩnh Long có ông Đạo Ngoạn, về các tỉnh Biên Hòa – Định Tường có ông Đạo Xuyến, về Hà Tiên – Rạch Giá có ông Đạo Lập (14). Những tu sĩ này được mật truyền tâm pháp và thảy đều nổi tiếng là những bậc chân sư.

 

 Phật Thầy thọ 50 tuổi, viên tịch tại chùa Tây An núi Sam vào giờ Ngọ, ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn (1856).

 

 Nhìn Bửu Sơn Kỳ Hương qua hành chỉ của vị Giáo Tổ, qua giáo lý và các tổ chức sinh hoạt của tông phái này, chúng ta thấy thể hiện ở đây một cải cách lớn, một sáng tạo đặc biệt chẳng riêng cho Phật Giáo Việt Nam mà là một đóng góp xứng đáng cho cả một dân tộc.(15)

 

 Giữa khi mà đất nước ly loạn liên miên gây ra bởi tham vọng của con người đồng chủng (chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Ánh, tranh chấp Minh Mạng – Lê Văn Khôi) bởi tham vọng của những kẻ dị chủng (mấy trận xâm lăng của Xiêm và những dấy loạn của Miên) kế đến là những tà quỉ mị đạo mê hoặc lợi dụng, những cướp của sát nhân của những tên gian đạo sĩ (đồng cốt bóng chàng lường gạt trân tráo đến phải phạt khổ sai mà không bỏ; nào loạn Sãi Kế nào giặc Sãi Sâm), rồi tới nền kinh tế phát triển quá mức trên một vùng phì nhiêu nhất của đất nước làm thu hút đủ loại người chen đua, giành giựt, hư hèn (miền Hậu Giang hồi thế kỷ 19 đã tập trung nhiều giống người Chàm, Xiêm, Miên, Lào, Đồ Bà, Trung Hoa ở lẫn với Việt Nam) v.v... Giữa lúc ấy nếu không xuất hiện một phong trào chấn hưng đạo đức thích ứng như công đức hoằng hóa của Bửu Sơn Kỳ Hương thì chắc chắn miền Nam này sẽ trở thành một cái rún biển chất chồng tội ác, hoặc là một trong những ung nhọt của thế giới văn minh rồi.

 

 Nội bấy nhiêu đó cũng đủ làm bừng sáng ý nghĩa trong sự hiện diện của Bửu Sơn Kỳ Hương.

* * *

Ghi Chú:

(1) Năm Gia Long thứ bảy (1808) bắt đầu đặt trấn Vĩnh Thanh, thuộc quyền Gia Định Thành, có một phủ Định Viễn và ba huyện (Vĩnh Bình, Vĩnh An, và Tân An)

 

(2) Nửa tháng trong miền Thất Sơn, Hương Sen xuất bản

 

(3) Phải chăng là để nhắc lại việc này, Đức Huỳnh Giáo Chủ có viết trong bài Thiên Lý Ca  hai câu rất đúng với sự kiện và cảnh ngộ:

Bữa xưa Giảng kệ một nang,

Bởi vì ta mắc dời thoàn cảnh xa.

Đức Phật Thầy quả đã để lại đình thần Tòng Sơn một mo nang Giảng kệ và trên chiếc xuồng bần, Ngài đã dời thoàn ra đi, không trở lại.

 

(4) Mục Minh Mạng nguyên niên, tờ 8a.

 

(5) Xem Thoại Ngọc Hầu và Những Cuộc Khai Phá Miền Hậu Giang, Hương Sen xuất bản 1973

 

(6) Bản triều bạn nghịch liệt truyện, mục Thiệu Trị nguyên niên, tờ 21b

 

(7) Đại Nam Nhất Thống Chí, phần An Giang tỉnh, mục Tự quản, tờ 29b. Trong quyển Mùa đông đã chép sai chi tiết này.

 

(8) Nhận thức Phật Giáo Hòa Hảo, Hương Sen xuất bản, 1969

 

(9) Thất Sơn mầu nhiệm, Từ Tâm tái bản, 1972

 

(10) Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, Tân Sanh x.b. 1956

 

(11) Theo Đạo Ông Giảng tập của Đặng Công Hứa, bản Nôm lục bát, không đề năm sáng tác. Nội dung nói về cuộc đời hành đạo của Ông Đạo Ngoạn.

 

(12) Sự thôn thuộc và khai thác Đất Tầm Phong Long, Sử địa số 19, 20, 1970

 

(13) Trích Liên hoàn thập thủ của Ông Đạo Lãnh (có thể do Phật Thầy bảo viết)

 

(14) Xem Thất Sơn mầu nhiệm, Từ Tâm xuất bản 1972

 

(15) Những xưng hô về sau phần nhiều là những lạm dụng hoặc lợi dụng . Người ta bắt chước theo một vài điều gì đó của căn gốc Phật Thầy rồi tự xưng mình cũng thuộc tông phái của Ngài để lấy uy tín. Sự thật đều là sai lạc chánh truyền. Chẳng hạn họ thấy Bửu Sơn Kỳ Hương có ân đất nước, có tranh đấu cứu quốc nên lợi dụng để quyến rũ quần chúng. Trường hợp “Lá cờ phản nghịch” có mang bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương kèm theo những phù chú nhăng nhít của một nhóm Thiên địa hội làm từ năm Ất mão (1915), bị thực dân Pháp bắt được năm 1916 mà giáo sư G. Coulet đã đề cập (Drapeau de I’insurrection de 1916 en Cochinchine) là một. Một trường hợp khác là có một số người lạm dụng tấm trần đỏ của Đức Phật Thầy để tôn thờ nhưng không tu học theo đúng tôn chỉ của Ngài. Điều này đã được Đức Giáo Chủ PGHH minh giải: “ Từ trước chúng ta thờ trần điều là di tích của Đức Phật Thầy Tây An để lại. Nhưng gần đây có nhiều kẻ thờ trần điều tự xưng cùng tông phái với chúng ta là sái phép, sái với tôn chỉ của Đức Phật, nên toàn thể trong đạo đổi lại màu dà (Tôn chỉ hành đạo, x.b. tháng 6 năm 1965)

Kiểm bài ngày 9-2-2012

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn