Tựa

28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 19118)
Tựa

 

01chua_tong_son_o_dong_thap-content

Tòng Sơn Cổ Tự

 

Bản Sấm truyền của tông phái Phật Thầy được sao chép năm Kỷ Dậu, bị thất lạc từ nhiều chục năm nay, vừa tìm thấy tại Tòng Sơn, là một bản Nôm có thể coi như một bản văn rất xưa. Đó là chỉ nói về phần bản sao; còn về nguyên tác thì không rõ được là tác giả viết tự bao giờ. Nhưng có điều cầm chắc là xưa hơn nữa, hằng trên trăm năm.

 

sam_truyen_do_truong_sao_chep-content

Bổn Sấm truyền căn gốc do chính tay ông Đồ Trương
sao chép từ năm Kỷ dậu

 

Nhờ có đề tháng năm sao chép mà ta tính được bản sao đó có từ 1909 và nhờ có đề tên người chép mà chúng ta biết những nét chữ bay bướm kia là của Đồ Trương, hoặc Nôm đúng theo cách đọc miền Nam thì là “Trò Trương”.

 

Tại sao chỉ có khoảng sáu bảy chục hoặc một trăm năm mà cho rằng xưa?Thế thì những án văn Nôm (thi, kệ, văn tế) của Nguyễn Biểu, của Trần Trùng Quang, của nhà sư chùa Yên Quốc còn lại từ trên 500 năm, hoặc chắc chắn hơn, như các bài thơ Nôm đời Hồng Đức còn truyền cách nay cũng đến hơn 400 năm, thì là xưa đến bực nào?

 

Vốn đã biết vậy, nhưng đó chỉ là những ghi nhận thời gian sáng tác của tác giả đối với các văn phẩm còn truyền, chớ thử hỏi có mấy ai hiện giữ được một bản Nôm sao chính thức các tác phẩm ấy còn lại kể từ trăm năm?

 

Tại các thư viện, tại viện khảo cổ nước nhà, những bản chép tay xưa ngần ấy cũng còn khá hiếm thì đừng nói chi là phía dân gian. Mà nhất là dân gian niền Nam kỳ Lục Tỉnh, một nơi xưa kia ít ai muốn làm gia phả, ít ai muốn ghi chép để đời và rất ít người chịu khó sưu tập tham khảo. Huống gì trải nhiều binh lửa, đất nước rách nát vì biến cố nhỏ lớn dằng dai, cơ sở văn hóa quốc gia mà còn lâm cảnh biển dâu, thì nói chi đến gia đình và cá nhân.

 

Một bổn cũ như vậy, lại bị thất truyền đến không còn một ai đời nay đọc thuộc dù là chỉ thuộc một đôi câu, thì thật là khó khăn mà giữ được tại một thôn ấp lẻ loi hẻo lánh trải đầy tan thương kinh khủng. Bởi vì vậy mà nó phải được coi rằng rất xưa, đặc biệt là xưa ở miền Nam Kỳ Lục Tỉnh.

 

Nói đến xưa, thường là nói đến vật cổ, quí hóa.

 

Bản Sấm truyền của tông phái Phật Thầy do “Đồ Trương” sao chép, quả thật là một quí hóa chung cho văn học miền Nam và riêng cho giới tu học tông phái. Có nó là văn học miền Nam được đóng góp thêm một bản văn Nôm, một cách viết Nôm cho các nhà tham cứu chuyên môn, và nhờ đó mà tông phái Phật Giáo Hòa Hảo phong phú hơn nữa ở tư tưởng và giáo pháp.

 

Nhằm vào các lợi lạc đó, chúng tôi khảo soát lại căn cội Bửu Sơn Kỳ Hương do Đức Phật Thầy Tây An sáng khởi, phiên âm bản Sấm truyền và chú thích một ít điều thấy cần để giúp độc giả tiện bề theo dõi.

 

Kính xin hồi hướng công đức cho Ban Quản Tự Tòng Sơn Cổ tự, Ban Chấn Tế Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo cùng toàn thể thập phương tín hữu.

 

Thánh Địa Hòa Hảo, ngày 28-8-1973

 

NGUYỄN VĂN HẦU

(kiểm lại 1-16-2012)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn