Linh địa Tòng Sơn

28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 17040)
Linh địa Tòng Sơn


Bãi Tòng Sơn kề cận bên bãi Hổ Cứ xưa, đời Minh Mạng năm thứ 13, thuộc phủ Tân Thành, huyện Vĩnh An. Nơi đây, một vùng linh địa, từng phát tích những bậc thần công thánh đức và được các cổ thư ghi nhận là chốn phong thủy thanh kỳ.


Cả hai nơi, theo Đại Nam Nhất thống chí (1) Gia Định Thành thông chí (2) thì đều nằm về phía Đông sông Mỹ An và sông Mỹ Luộng, thuộc Tiền Giang, trên đó có các thôn Tòng Sơn và Tân Tịch. Các thôn này, khoảng trên 100 năm trước đây, đều được nằm chung trong một tổng, gọi là An Tịnh.

Trải qua lắm lần dâu biển, cho đến ngày nay, khu vực địa lý đã biến hình cải dạng tất cả; bãi Tòng Sơn lở mất quá nhiều; còn bãi Hổ Cứ thì tiêu mòn đến hết để rồi danh xưng của nó bị đưa lạc về phía bên kia Tiền Giang, thuộc về tỉnh Kiến Phong. Những cù lao nhỏ gọi là Cồn Lân, Cồn Chài, chỉ là thối thân của những phiến đất nạc của Tòng Sơn – Hổ Cứ bị xoi mòn hòa hợp với một phần phù sa từ thượng lưu đổ xuống mà bồi đắp nên.


Người địa phương lớn tuổi ai cũng còn nghe biết câu chuyện tranh chấp giữa các thôn xã ở hữu và tả ngạn Tiền Giang là Tân Phước – Tòng Sơn và An Nhơn – Tân Thuận. Nguyên là khi các bãi Tòng Sơn – Hổ Cứ bị lở nặng và những cồn nhỏ sắp được bồi lên khỏi mặt nước Tiền Giang, thì cũng đúng là lúc mà các xã thôn ở hai bên bờ tranh nhau để đòi hợp pháp hóa địa bộ những cuộc đất mới ấy về phần mình. Các thôn bị lở đất đòi hỏi rằng chính do đất của họ mà có chuyện sông hóa nên cồn; còn các xã bên kia sông, không bị đất lở thì tranh chấp rằng không cần biết đất ở đâu, miễn là cồn ấy nổi kề bên thôn ấp mình, thì là của mình. Và vịn vào các cớ riêng ấy, các xã ở hai bên bờ sông liên miên tố tụng nhau hằng chục năm trời.


Tương truyền rằng để cho chắc ăn, các thôn xã ở tả ngạn Tiền Giang đã phải yêu cầu đến một thầy lỗ ban danh tiếng tên là Thợ Đức để yếm trấn cho các cồn mới nổi ấy đừng nổi lên ở hữu ngạn Tiềng Giang (3). Thợ Đức nhận làm chuyện hoán thiên chuyển địa ấy. Ông dùng phù chú cột vào cổ hai con ngỗng, một trống và một mái, rồi giữa đêm khuya, thả thuyền trên sông, kêu mây hú gió và cùng lúc đem thả hai con ngỗng xuống sông. Con mái cột chân ở tả ngạn còn con trống thì cho tự do, thả về hữu ngạn. Cứ hễ mỗi lần ngỗng trống nghe tiếng kêu lẻ bạn của ngỗng mái thì nó bươn bả từ hữu ngạn bơi sang tả ngạn để đoàn tụ với “tình nhân”. Nhưng liền đó ngỗng trống bị bắt, lại bị thả về hữu ngạn rồi cũng lại được tự do bơi về tả ngạn như trước. Hành động này có dụng ý vận chuyển cho bãi đất được kéo từ hữu sang tả ngạn.


Cuộc trấn ếm dài suốt ba đêm như vậy vào một mùa nước nổi. Cùng năm ấy, khi mùa khô đến, quả nhiên một dãy cồn cát nổi lên, phơi mình về tả ngạn và chính thế mà cuộc tranh chấp được ngã ngũ. Đất lở của Tòng Sơn – Hổ Cứ đã bị các thôn ấp tả ngạn nắm chủ quyền.


Để kỷ niệm cái danh xưng của một vùng bị xoi mòn để bồi lên phong phú cho vùng mình ở, người phía tả ngạn Tiền Giang đối diện với Hổ Cứ bị lở, đem tên ấy mà đặt cho phía mình. Do đó mà Hổ Cứ ngày nay không còn nằm vào một chiều với Tòng Sơn như xưa.


Thật ra, Tòng Sơn đã hơn một thời thạnh mậu. Trong làng dân cư đông đảo. Bốn mặt làng có sông nước, làng nằm giữa như một cánh bèo vễnh tai phiêu bạt. Trong làng cá lội cò bay. Cảnh trí cực kỳ thanh tú (4).


Thời Gia Long tấu quốc, nơi đây là quê hương của Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên, một bậc đại công thần từng quyền nhiếp chức Tổng trấn Gia Định Thành và có lúc lãnh chức Thống chế Bảo hộ Cao Miên quốc ấn (5).


Rồi khi Gia Long phục quốc, thì Tòng Sơn là nơi chôn nhau cắt rún của một đạt nhân, về sau sáng khởi một tông phái Đạo Phật, làm chói lọi ánh đạo vàng dưới vòm trời Nam Việt, được dân chúng suy tôn lên hàng Hoạt Phật ngàn thuở hinh hương. Đó là Đức Phật Thầy Tây An.


Tòng Sơn vào Thời cận đại, lại là nơi quê ngoại của chiến sĩ cách mạng tiền bối Nguyễn Quang Diêu. Một dung rủi tình cờ là mộ phần của nhà chí sĩ này tại Vĩnh Hòa bị đất lở, lại được bốc lên đem về cải táng ở đây, khiến ở đây càng thêm dồi dào ý nghĩa: Tòng Sơn, vùng linh địa (6)


CHÚ THÍCH:


(1)Sách đã dẫn, do Quốc sử quán triều Tự Đức, soạn suốt 17 năm, từ 1865 đến 1882 mới xong, phần An Giang tỉnh, mục Sơn Xuyên 


(2) Tác giả là Cấn Trai Trịnh Hoài Đức, từng giữ chức Hàn lâm chế cáo triều Gia Long và Hiệp biện Đại học sĩ triều Minh Mạng.


(3) Theo một quyển sách chép tay bằng Hán văn, không có nhan đề, nội dung chỉ dẫn các phép tắc xây chầu, các câu thiệu đọc trong lễ xây chầu, phép niệm chú đả cổ và các lá bùa lỗ ban dùng trấn yếm tà quỉ để cho các vị đầu mục trong các xã thôn dùng trong mỗi khi có thiết lễ hát bội cúng thần trong các cuộc kỳ yên đáo lệ, thì do Thợ Đức tên là Trần Huyền Đức. Tên Trần Huyền Đức được viết rõ bên trong bìa sau của quyển sách nói trên, và theo lời của vị bô lão còn giữ của gia bảo, thì chính Trần Huyền Đức là tác giả sách ấy. Tôi có mượn được nó và có đọc kỷ để tham khảo cho vấn đề liên hệ.


(4) Gia Định Thành thông chí, quyển 2, mục Sơn xuyên chí, 64b


(5) Xem Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên do Ủy Ban Xây Cất Lăng Miếu Tuyên Trung Hầu xuất bản, 1971, hoặc đọc Bách Khoa số 348, ra ngày 1-7-1971


(6) Xem Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, Hương Sen tái bản, 1973.


Kiểm lại 9-2-2012


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn