Phàm ở đời, muốn làm việc chi cho được thành tựu, có kết quả phải làm đúng lúc (cơ hội) và hợp với những điều kiện đã có (nhân duyên).
Như anh nông phu, muốn được lúa chẳng phải lúc nào cũng đem lúa ra gieo hay gặp cuộc đất nào cũng đem lúa ra sạ. Họ phải biết lúc nào gieo mạ để kịp khi ruộng có nước thì đem ra cấy; họ phải biết lúc nào sạ lúa để đến mùa nước lên lúa không bị ngập lút. Họ cũng phải biết đất nào phù hợp với giống lúa nào, hay cuộc đất nào có thể trồng lúa được. Nói tóm một điều là phải biết thời tiết (cơ) và thổ nghi (duyên).
Bằng chẳng thế mà nhè đem lúa ra gieo giữa mùa lúa hạn hay đem lúa sạ trên đá hay trên đất chỉ thích hợp cho sự trồng tỉa các thứ phụ sản khác thì chắc chắn là anh nông phu ấy sẽ mất tất cả hột giống.
Đến như một vị lương y cũng thế, ngoài cái tài phân biệt bịnh tướng, hiểu rõ tánh dược còn phải tùy thời tiết và các nhiễu chứng mà lập phương, chẳng phải cứ một đầu thang đó mà mùa nhiệt cũng như mùa hàn, phục dược như nhau cả.
Làm ruộng, chữa bịnh còn như thế, huống hồ là đem giáo pháp ra hóa độ chúng sinh, đối trị các bịnh vô minh phiền não.
Trong kinh Tối thắng vương, Phật có nói rằng: "Tùy ky khi lượng, thiện ứng cơ duyên, nhi vị thuyết pháp". Phải tùy căn khi và khéo ứng dụng theo cơ duyên của chúng sinh mà nói ra giáo pháp.
Và trong Từ Giáo nghĩa cũng có nói: "Phù chúng sinh cơ duyên bất nhất, thị dĩ giáo môn chủng chủng bất đồng": Vì cơ duyên của chúng sinh khác nhau, thế nên pháp môn mới có nhiều thứ chẳng giống nhau.
Như thế đủ cho ta hiểu rằng: Sở dị Phật quyền biến ra ba thừa là vì chúng sinh có ba hạng: sơ thiện, trung thiện và thượng thiện. Phật từ cơ duyên của mỗi hạng chúng sinh mà thuyết pháp độ sanh.
Do đó mà Ngài được danh hiệu là Dược vương hay Thượng y vương, nghĩa là vua của nghề thuốc hay ông vua trên hết các thảy thuốc, vì rằng không có bịnh nào của chúng sinh mà Ngài không chữa trị được.
Ngay khi Phật còn trụ thế thuộc vào thời kỳ chánh pháp là thời kỳ đồ chúng căn tinh cao siêu, trí tuệ sáng suốt có thể lãnh hội những lời Phật thuyết, thế mà Phật còn biệt lập tam thừa để cho thích hợp với căn cơ của mỗi hạng chúng sinh thì nói chi ở thời kỵ mạt pháp này cách Phật trên hai ngàn năm, chúng sinh phần đông hạ căn hạ trí, dễ thường biểu nổi những giáo pháp cao siêu thích hợp với thời chánh pháp ư ?
Cơ duyên đã khác thì hẳn người có phận sự hoằng dương chánh pháp của Phật, muốn rộng độ chúng sinh phải tùy nghi mà đưa ra giáo pháp.
Phù hợp với cơ duyên, đó là đặc tính của Phật-pháp. Chính nhờ đặc tính thích nghi ấy mà đạo Phật dù ở thời nào, cảnh nào, vẫn một mực phát triển và bành trướng.
Nhìn lại quá trình phát triển của đạo Phật, ngày khi Phật còn trụ thế thuộc vào thời kỳ chánh pháp thế mà Đức Phật còn biệt lập ra tam thừa để cho thích hợp với căn cơ của tất cả chúng sinh thì đủ rõ Phật pháp không phải là một giáo lý cố định mà luôn luôn quyền biến tùy trình độ cơ cảm của mỗi hạng người.
Chính nhận định rõ thời cơ và căn khí của chúng sinh ở thời mạt pháp, Đức Phật Thầy Tây An chẳng ngại sáng lập giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương và xướng xuất pháp môn Tu Nhân Học Phật.
Có nhận rõ hiện trạng suy vi của Phật-giáo Việt Nam trong mấy trăm năm trở lại đây mới thấy diệu dụng và đối cơ của pháp môn Tu Nhân Học Phật.
Bắt đầu từ cuộc Nam Bắc phân tranh, Đạo Phật lần lần bước vào con đường suy bại. Tinh thần sáng mộ đạo Phật của vua chúa và quan dân đời Lý đời Trần, không còn nữa. Nhất là từ thời kỳ Pháp thuộc trở đi, với chánh sách khắc nghiệt của chế độ thực dân, đạo Phật mất hết sinh khí.
Trong cửa thiền, hạng chân Tu Nhân Học Phật thiệt học lần lượt vắng dạng, nhường chỗ cho những ông thầy dâng bông chuyên việc lập đàn tụng mướn, chẳng còn thiết gì đến giáo lý cao siêu của Đức Phật. Nhà chùa đã biến dần thành chỗ ẩn thân của một số người thất thời lỡ vận, mượn câu kinh tiếng mõ để khuây khỏa cuộc đời.
Những lần điều mê hoặc như lầu phướn xã hạc, đốt vàng bạc giấy tiền, những lối thờ cúng dị đoan mê tín, roi truyền từ đời Thần Tú đều được nhà chùa a tùng xướng khởi.
Nguyên lai, sở dĩ đạo Phật suy đồi dường ấy, một phần lớn là do ảnh hưởng của cuộc đời. Sau ngày nước nhà bị quân Pháp chiếm đóng và các cuộc khởi nghĩa cần vương thất bại, lòng người đâm ra chán nản ê chề. Gặp phải ngọn gió văn minh vật chất thổi vào mang lại những khoái cảm về xác thịt, nhân dân lần lần bị lôi cuốn vào con đường trụy lạc, truy hoan, chẳng còn thiết gì đến nhân quần xã hội, đạo lý nghĩa nhân.
Lòng quy ngưỡng đối với đạo Phật đã chẳng có thì dù cho kêu gọi người chỉ ăn hiền ở lành, chưa chắc họ đã nghe theo, lựa là đem giáo pháp cao siêu của Đức Phật ra giảng dạy.
Đứng trước cảnh huống của nước nhà đang lúc tinh thần con người hoang mang trụy lạc như thế mà muốn chấn hưng đạo Phật, đem con người trở lại với đạo lý là một việc làm chẳng phải dễ. Nếu chẳng nhận rõ căn cơ của chúng sinh trong thời kỳ mạt pháp và hoàn cảnh ác liệt của buổi Hạ nguơn màchọn một pháp môn xứng cơ đem ra ứng dụng thì sự hoằng dương giáo pháp dù có khéo thi thiết đến đâu chẳng những không gây được niềm tin tưởng trong dân gian mà còn làm cho lòng người thêm chán ngán.
Cần gây một phong trào sùng mộ đạo đức trong giới thiện nam tín nữ khôi phục cái thịnh huống của đạo Phật đời lý đời Trần, đó là sứ mạng của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương.