2 – Ân Đồng Bào Và Nhơn Loại

02 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 26443)
2 – Ân Đồng Bào Và Nhơn Loại

 

Còn đối với đồng bào là những người cùng chung một bọc sanh ra, cùng một chủng tộc, màu da tiếng nói với chúng ta và nhân loại, những người sống trên quả địa cầu này, chúng ta đều có bổn phận phải biết ơn và giúp đỡ hầu có đền đáp những điều chúng ta nhờ nhõi hưởng thụ trong kiếp sống.

 

Nói chung chúng ta phải giúp đời, tận tâm giúp đời không một mảy may danh lợi. Đó là nghĩa vụ của con người sống trên trần thế.

 

Đức Thầy hằng khuyên nhủ:

 

Giúp đời đừng đợi trả ơn,

Miễn tròn bổn phận hay hơn bạc vàng.

 

Huống chi trên sự giúp đỡ, mặc dù không mong trả ơn, nhưng đứng về phương diện Học Phật, đó cũng là tạo công đức đối với chư Phật, như kinh Thủ Lăng Nghiêm đã viết: “Đem thân tâm phụng sự chúng sanh là báo đáp hồn gân chư Phậ”.

 

Trên đây là những nghĩa vụ của hàng cư sĩ tại gia đối với Đồng bào và Nhân loại.

 

Ngoài ra hàng xuất gia còn có bổn phận đối với đàn na thí chủ, những thiện nam tín nữ có hảo tâm cung cấp, cúng dường những vật dụng cần thiết cho họ. Do đó họ có bổn phận phải lo đền đáp bằng cách hóa độ dẫn dắt về chánh pháp.

 

Nói tóm lại, hai điều Hiếu Nghĩa là yếu lý của đạo làm người. Muốn làm tròn đạo Nhân, con người có bổn phận, trong gia đình Từ Hiếu đối với cha mẹ và Thầy Tổ, ngoài xã hội nhân quần có nghĩa vụ đối với đồng bào và nhân loại.

 

Và muốn làm Tiên tác Phật cũng phải làm tròn nghĩa vụ Tu Nhân đó trước vì rằng: “Dục tu Tiên đạo, tiên tu Nhân đạo; Nhân đạo bất tu, tiên đạo viễn hỷ”. Muốn tu thành Tiên thành Phật, trước phải tu đạo Nhân tức đạo làm người: đạo Nhân mà không tu thì đạo Tiên đạo Phật quá xa vời khó mà đạt được.

 

Còn một điều thắc mắc đưa ra cần nên biện giải là Tứ Ân của Phật-Giáo Hòa-Hảo không cùng một trình tự như Tứ Ân của nhà Phật.

 

Theo Đức Thầy, Tứ Ân được sắp theo thứ tự như sau:

 

1.) Ân Tổ tiên cha mẹ,

 

2.) Ân Đất nước

 

3.) Ân Tam bảo,

 

4.) Ân Đồng bào và Nhân loại

 

Trong lúc ấy theo Đức Phật, Tứ Ân được sắp:

 

1.) Ân cha mẹ,

 

2.) Ân Chúng sanh,

 

3.) Ân Quốc vương,

 

4.) Ân Tam bảo.

 

Sỡ dĩ Tứ Ân của Phật Giáo Hòa Hảo không sắp cùng một trật tự như Tứ Ân nhà Phật, chẳng qua là vì lẽ khế cơ, tùy hoàn cảnh, thời kỳ và khí lượng của chúng sanh mà ra vậy. Hơn nữa cũng vì lẽ khế cơ ấy mà danh từ cùng cũng có chỗ khác. thay vì Ân Đất nước và Đồng bào Nhân loại ở Phật Giáo Hòa Hảo thì đổi lại Ân Quốc vương và Ân Chúng sanh ở nhà Phật. Tuy nhiên cả hai đều đồng nhận Ân cha mẹ là ân tối trọng trên hết các ân khác.

 

Đem đối chiếu chúng ta thấy Tứ Ân của Đức Thầy thuộc về hạng tại gia cư sĩ còn Tứ Ân của Đức Phật thì thuộc về hạng xuất gia.

 

Với hạng tại gia cư sĩ, vì còn nặng nợ non sông đất nước cho nên sau Ân Tổ tiên cha mẹ, Ân Đất nước, tiếp theo sau là Ân Tam bảo rồi mới tới Ân Đồng bào và Nhơn loại.

 

Trái lại với hạng xuất gia, sau Ân cha mẹ và Ân chúng sanh hạng người cúng dường các vật dụng cần thiết cho sự sống của hàng tăng ni. Ngoài đa số dân chúng còn có hạng Quốc vương cũng cần thiết để ủng hộ tăng ni, cho nên sau Ân Chúng sanh là Ân Quốc vương.

 

Vào thời chánh pháp có Phật, Tam bảo không quan trọng vì Đức Phật cũng như các đại đệ tử còn tại thế cho nên không tha thiết bằng ở thời kỳ mạt pháp, chúng sanh chỉ còn biết nương tựa vào Tam bảo để làm ngọn đuốc trên con đường đầy bóng tối mê lầm. Do đó đối với chúng sanh ở thời kỳ này, Tam bảo được trọng thị và ơn Tam bảo phải nặng hơn ơn Đồng bào và Nhơn loại.

 

Phật pháp luôn luôn ứng cơ, không thời kỳ nào giống thời kỳ nào, đúng như lời của Ông Bùi Hữu Tập đã viết trong tập “Truyền tâm pháp yếu”:

 

“Tam thừa giáo cương, chỉ thị ứng cơ chi dược, tùy nghi sở thuyết, lâm thời thi thiết, các các bất đồng. Đản năng liễu tri, tức bất bị hoặc. Đệ nhứt, bất đắc ư nhứt cơ nhứt giáo biên thủ văn tác giải. Hà dĩ như thử? Thực vô hữu định pháp Như Lai khả thuyết. Ngã thử tông môn bất luận thử sự, đản tri tức tâm tức hưu, cánh bất dụng tự tiền tự hậu”.

 

Giềng mối của giáo lý ba Thừa là những phương thuốc tùy bịnh mà cho, bởi vậy hợp ở đâu là nói ở đó, gặp lúc là đem ra dùng, không cái nào giống cái nào. Chỉ biết rõ như thế là không bị mê hoặc. Quan hệ nhứt là đừng lấy lời dạy của Phật cho một hạng người nào đó rồi chép ra thành sách mà giải thích (thành một giáo lý chung cho mọi người). Tại sao thế? Vì thật không có một pháp nào cố định mà Như Lai có thề đem dạy. Phái thiền của ta không bàn không luận về những pháp môn, chỉ biết có một việc là hễ làm cho lòng hết xao động là dứt rồi không cần phải sau lo trước nghĩ.

 

Đủ thấy giáo pháp của Đức thầy luôn luôn ứng cơ, không phải là một giáo pháp canh tân hay mới tạo ngoài Phật pháp.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn