CỜ TAM SẮC
Tam sắc cờ bay phất-phới mà,
Ngồi nhìn nhớ kỹ héo lòng ta.
Thuở xưa đâu có cờ tam sắc,
Gặp cảnh vong bang úa ruột-rà.
Lúc Đức Thầy ở nhà thương Chợ-Quán, Ngài có gởi về Hòa-Hảo bài dưới đây và dặn bôi bỏ bài trên. Anh em bổn-đạo lúc đó cũng chưa hiểu vì sao Đức Thầy bảo sửa. Bỗng một bữa nọ, Cai-Tổng Pho đến nhà Đức Ông đem vấn-đề thi-văn của Đức Thầy ra nói chuyện, có ý muốn làm khó dễ Đức Ông về bài thi "Cờ tam sắc" nói trên. Liền đó, Đức Ông bảo ông Hương-quản Diệp (ngẫu nhiên có mặt trong lúc đó) đọc bài dưới đây. Nghe xong, Cai-Tổng Pho vỗ tay nói : "Vậy mà người ta nói lại khác chớ !"
Tam sắc cờ bay phất-phới mà,
Ngồi nhìn khoăn-khoái cõi lòng ta.
Thuở xưa đâu có cờ tam sắc,
Gặp cảnh Tây Đông thể ruột-rà!
Hòa-Hảo, ngày 1 tháng giêng Canh-Thìn (1940)
(Chép theo bản chánh do Ông Nguyễn-Chi-Diệp giữ)
ĐẦU NĂM
Đầu năm tục lệ gọi ngày mùng,
Tiếng pháo đốt hoài cũng thấy chung.
Xóm trên xóm dưới cùng nhau đốt,
Khúc giữa phần ta mãi nghe hùn.
Nghe hùn lỗ nhĩ cũng lùng-tung,
Ngày một tiếp xuân mới vô cùng.
Mèo lui rồng tới bay vơ-vẩn,
Thế-giới chiến-tranh nổ khắp bùng.
Mồng một năm nay rõ thiệt Thìn,
Hẹn cùng non nước vẫn đinh-ninh.
Cố chì tấm lòng gìn đạo-đức,
Mặc tình bá tánh chẳng thèm tin.
Nam-hải Quan-Âm lấy tịnh bình,
Cầm nhành dương-liễu rảy tà tinh.
Quyết lòng độ tận trong sanh-chúng,
Ai ghét ai ưa cũng mặc tình.
Xuân sang ảm-đạm ánh dương mờ,
Thệ quyết một lòng chẳng bỏ ngơ.
Có sông có núi cùng cây cỏ,
Độ tận chúng-sanh khỏi dại khờ.
Lòng ta gặp cảnh rối tơ vò,
Gan ruột phổi phèo một bộng to.
Lo hoài lo mãi không sao xiết,
Tiên cảnh chúa tôi vẫn hẹn-hò.
Hò hẹn Phật-Tiên hiệp một ngày,
Một ngày thế-giới khỏi bi-ai.
Trung-Ương tam cõi đều hòa mặt,
Ta mới thảnh-thơi trở gót hài.
Gót hài muốn trở phải làm sao?
Đạo-đức thâm sâu hãy bước vào.
Sớm chiều lo liệu rèn tâm trí,
Niệm tưởng Phật Trời thỏa ươc-ao.
Hòa-Hảo, ngày 1 tháng giêng Canh-Thìn (1940)
(Chép theo bản chánh do ông Nguyễn-Chi-Diệp giữ)
ĐỐT PHÁO XUÂN
Lẹt-đẹt rồi đây lẹt-đẹt bùng,
Đùng-đùng lẹt-đẹt nổ lùng-tung.
Lùng-tung lúng-túng dân ta túng,
Ngao-ngán cho xuân lão bắt khùng.
Đoái thấy xa xa một cái đèn,
Ngoài đường trời tối thiệt len-nhen.
Tiết xuân buồn-bã vì ngập lúa,
Nên phải ăn chơi cách quá hèn.
Hòa-Hảo, ngày 1 tháng giêng Canh-Thìn (1940)
(Chép theo bản chánh do ông Nguyễn-Chi-Diệp giữ)
TỐI MỒNG MỘT
Nhuần gội ơn trên rải Đạo mầu,
Thương đời chỉ-vẽ nẻo cao sâu.
Khai rừng kinh kệ câu huyền-bí,
Để cứu nhơn-sanh khỏi thảm-sầu.
Hương đăng nghi-ngút lễ vọng cầu, (1)
Cám lòng bá-tánh nguyện từ câu.
Chí quyết một lời ta độ tận,
Dắt chúng lánh xa cảnh mộng sầu.
(1) Đêm ấy ông Hương-Kiềm Chương và anh em ở Hưng-Nhơn (Châu- Đốc) đến dưng bông lễ Phật.
Giữ nguyện đinh-ninh tiếng tạc thù,
Làm lành đâu phải tốn tiền xu.
Mà sau lại được về Tiên cảnh,
Thêm thoát ngục mê chốn Diêm-phù.
Diêm-phù chơn Chúa chọn người tu,
Hành phạt ác-hung chốn cửa tù.
Tiếp nghinh những kẻ lòng nhơn-đức,
Hỡi bờ dương-trần hãy rán tu.
Rán tu vẹt phá đạo lu-bù,
Thấy chúng đời nầy lạc chữ tu.
Sớm tỉnh kệ kinh tìm hiểu lý,
Một ngày hội hiệp hết mờ lu.
Mờ lu được sáng rắn hóa cù,
Hiệp mặt phân trần nỗi ám-u.
Tớ Thầy tôi chúa cùng nhau gặp,
Khắp hết thế-gian thoát chốn tù.
Chốn tù vốn thiệt cõi ta-bà,
Tiên cảnh được về mới lánh xa.
Chúng-sanh chìm đắm trong vòng khổ.
Khuyến dạy bởi vưng sắc Ngọc-tòa.
Ngọc-tòa Phật-Tổ nấy sai ta,
Xuống cứu thế-gian nẻo vạy tà.
Hiệp sức tớ Thầy truyền diệu-pháp,
Cho đời thấu tỏ Đạo ma-ha.
Ma-ha thoàn nhỏ dọn rồi đa,
Bước xuống đi qua bến giác mà.
Sao hỡi còn chờ ta réo mãi?
Dân tình xem giảng cứ ngâm-nga.
Ngâm-nga việc khổ tới bên a,
Bổn phận tu hiền phải lánh xa.
Biết Đạo tùy thời mau tránh khổ,
Chớ đừng thi-thố những tài ba.
Tài ba khoe sức uổng thây mà!
Nhựt dạ yêu đời dụng khuyến ca.
Tỉnh thức nhơn dân đang mờ ám,
Nên làm thi phú đặng ngâm-nga.
Ngâm-nga hiểu nghĩa đáng kim ngà,
Huyền-bí nhiều lời chỉ thiệt xa.
Bổn-đạo rán tìm cho cặn-kẽ,
Lòng hiền Phật độ khỏi tinh-ma.
Hòa-Hảo, đêm mồng 1 tháng giêng Canh-Thìn (Ông Nguyễn-thanh-Tân có họa mấy chục bài thi xuân trên đây nhưng xin miễn đăng) (Chép theo bản chánh do ông Nguyễn-Chi-Diệp giữ)
Thầy giáo XOÀI (tức SOÀI tức MẠNH-XUÂN-QUẢ) xướng:
Đạo-đức bao nhiêu dám gọi Thần,
Bia danh mô-phạm để lừa dân.
Trời Âu tấn hóa nhờ khoa-học,
Đất Á suy đồi tại biếng thân.
Nhồi sọ nhơn-sanh kêu thức tỉnh,
Mê hồn bá tánh gọi người ân.
Dạy đời mở Đạo mình coi dở,
Sánh lại khác xa Việt với Tần.
ĐỨC THẦY đáp họa:
Ngu muội Khùng Điên chẳng thuyết Thần,
Đôi lời cuồng-sĩ gọi lòng dân.
Văn-minh lợi dụng nhờ hay học,
Giỏi chữ lòe đời để lập thân.
Ham sướng dương-trần ôi! khó tỉnh,
Ưa vui dân sự chẳng thi ân.
Ỷ mình chê chúng rằng hay dở,
Ganh-ghét hiền như thứ ác Tần.
Thầy giáo XOÀI xướng:
Biết ai là Thánh biết ai Thần,
Học hỏi thầy mô dám dạy dân.
Khuyên-nhủ thiện nam nên để tóc,
Vỗ-về tín nữ lại tu thân.
Niết-bàn dành để người phàm tục,
Trần-thế màng chi cuộc ái ân.
Muốn dắt đồng bào qua bể khổ,
Đạo mầu xin luyện mấy non Tần.
ĐỨC THẦY đáp họa:
Đâu màng bá tánh gọi danh Thần,
Tự giác huyền cơ để giáo dân.
Bắt chước ông cha ta để tóc,
Noi theo tổ phụ đặng gìn thân.
Lòng yêu chi sá lời thô tục,
Dạ ái nào thèm chúng đáp ân.
Hồng-Lạc chỉ đường qua cảnh khổ,
Kìa ai chớ tập tánh dân Tần.
Thầy giáo XOÀI xướng:
Mê-tín dị-đoan mới tặng Thần,
Noi gương hiền-triết lại chăn dân.
Sám kinh lấy nể răn truyền giáo,
Giảng dạy là mưu để ấm thân.
Khai sáng đứa mù đời trách oán,
Làm ngu kẻ trí gọi là ân.
Ông ôi! nay đã bao nhiêu tuổi?
Sao chẳng có lo cuộc Tấn Tần?
ĐỨC THẦY đáp họa:
Lọc lẽ tà tâm ấy gọi Thần,
Trượng phu người phải biết thương dân.
Nồi cơm thiếu bữa tranh nghề giáo,
Trách cá hụt dùng đoạt mối thân.
Ở phải giúp giùm sao nói oán?
Ôi thôi, làm mướn chớ rằng ân.
Đạo đời chẳng luận người cao tuổi,
Xin miễn cho ta cuộc Tấn Tần.
Chẳng phải lòng ta muốn họa thơ,
Ví như văn-sĩ đáp lời ngờ.
Đạo mầu giữ phận không cao thấp,
Ai đọc qua rồi phải bỏ lơ.
Thi phú dầu cho thấu đến tai,
Cũng đứng giận-giũi mới là hay.
Bóp lòng chìu ý nên lời trả, (1)
Tôn-chỉ người tu sái việc bài.
(1) Đức Thầy không muốn trả lời ba bài thi của thầy giáo Xoài, nhưng vì ông giáo Long, người đưa thơ, cố nài-nỉ mãi nên bất đắc dĩ Ngài mới chịu đáp họa.
Tôi làm như thế khác lời tu,
Giả dạng nhà nho muốn trả thù.
Người xỏ tới mình mình đáp lại,
Chớ tình chẳng chịu viết thi ru.