Chương XV: Quân sự: Bộ đội Nguyễn Trung Trực

14 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 28477)
Chương XV: Quân sự: Bộ đội Nguyễn Trung Trực
Sứ mạng giáng trần của Đức Huỳnh Giáo Chủ, như đã biết là để cứu độ chúng sanh trong thời kỳ hoại diệt hầu tuyển chọn người hiền Đức đưa sang cõi đời Thượng nguơn. Và cho được trở thành người hiền, Ngài đã hiển thị pháp môn Học Phật Tu Nhân là một pháp môn, nếu ai hành y sẽ trở thành bậc Hiền Đức, điều kiện duy nhứt được dự Hội Long Hoa và sống còn đời Thượng nguơn an lạc.
Đó là phần thuộc về lý thuyết hay giáo lý, nhưng quan trọng là phần hành sử hay thực hành, vì rằng năng thuyết mà bất năng hành thì không khác người nói ăn cơm mà miệng không ăn thì bụng đói vẫn hoàn bụng đói. Có thuyết mà không hành thì lý thuyết ấy trở thành vô dụng.
Cho nên điều trọng yếu là ở phần thực hành, phần đem áp dụng những lý thuyết ấy vào đời sống xã hội. Muốn đào luyện môn nhơn đệ tử nên người hiền như chương trình đã ấn định, Đức Huỳnh Giáo Chủ chẳng những vừa chỉ dạy mà còn vừa đúng ra hướng dẫn môn nhơn cùng thực hành. Ngài không quản dấn thân làm gương mẫu cho môn nhơn noi theo. Như vậy chẳng những tạo cho môn nhơn tinh thần dạn dĩ mà còn gây cho họ niềm tin tưởng ở kết quả chắc chắn của việc làm.
Do công lao vừa chỉ dạy vừa đích thân thực hành mà Ngài đã tạo nên, về mặt đời, hai sự nghiệp vĩ đại đối với quốc gia dân tộc. Đó là Bộ đội Nguyễn Trung Trực về mặt quân sự và Việt Nam Dân Chủ Xã Hội đảng về mặt chánh trị. Về phương diện giáng thế cứu trần, hạnh của Đức Huỳnh Giáo Chủ sánh không khác hạnh của Đức Phật Thích Ca mà Ngài tự nhận là một đệ tử trung thành, một lòng nối chí.
Khi giáng trần, Đức Phật Thích Ca đã đắc quả Nhứt sanh bổ xứ với danh hiệu là Hộ Minh Bồ Tát từ cõi trời đâu Suất lâm phàm. Thế mà khi vào đời, Ngài vẫn làm như người thường, cũng học hỏi, lấy vợ sanh con, cũng tu hành, ngồi tham thiền như bao người tầm thường khác trong đời, cũng gặp bao nhiêu chướng ngại khó khăn, bị phá phách mà không ngã lòng cho đền ngày thành đạo, chứng quả chánh đẳng chánh giác, không có gì là phi phàm, ngoài vòng thế tục. Có sống như người đời, làm như người đời, người đời mới nhận thấy sự tu hành không khó, ai cũng làm được miễn là có chí bền, nên mới nông nả tu hành, làm theo các điều Phật đã hành để được một ngày kia, thành Phật như Phật.
Chớ nếu Đức Phật Thích Ca xuống trần bằng cách phi thường, không cần mẹ sanh ra, lớn lên, học hỏi như người đời, chứng tỏ là một bực đã đắc quả Nhứt sanh bổ xứ Bồ Tát, chỉ còn tu một kiếp nầy là hoàn mãn công hạnh thành Phật thì chắc chắn người đời đăm ra chán ngán, ít ai dám làm theo Phật, tu theo Phật, vì thấy họ với Phật cách nhau rất xa không thể trong một kiếp mà tu thành Phật như Phật.
Hạnh của Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng thế. Như chúng ta đã biết, Ngài "là một trong các vị cứu đời... ai liễu đạo nơi quốc độ nào thì cũng phải trở về quốc độ ấy mà trợ tế nhân dân", từ cõi Tây phương Cực Lạc, vưng lịnh chư Phật giáng thế độ đời, chứng tỏ Ngài đã đắc quả trong hàng Bồ Tát hay Phật.
Thế mà khi sanh ra đời, Ngài vẫn sống như bao nhiêu người tầm thường khác, cũng đi học, đau cũng uống thuốc, cũng ẩn núp khi bị oanh kích ngoài mặt trận và tự thấy mình có bổn phận hiếu kính đối với gia đình và nghĩa vụ đối với quốc gia dân tộc.
đứng trước nạn vong quốc, Ngài không quên mình là một công dân của một nước bị trị, tự thấy có bổn phận tranh đấu đuổi xâm lăng, giành độc lập cho đất nước, tự do hạnh phúc cho đồng bào. Ngài đã biểu lộ lòng yêu nước nồng nàn của Ngài qua mấy vần thơ thống thiết như sau:
Hậu thế muôn thu xét thử nào?
Lòng nầy yêu nước biết là bao!
 
Để làm tròn bổn phận công dân đối với quê hương, hay trả ơn đất nước, Ngài quyết chống xâm lăng, dầu phải hy sinh tánh mạng:
Ách nô lệ dân ta đà chán biết,
Nên quyết lòng nổi dậy chống xâm lăng.
Chỉ quân Tây thề một tiếng rằng:
Thà cam chết, không làm dân bị trị.
 
Ngài không nệ rứt áo cà sa khoác lấy chiến bào, nguyền đánh đuổi xâm lăng, nêu cao cờ độc lập:
Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau!
Quyết rứt cà sa khoác chiến bào.
Đuổi bọn xâm lăng, gìn đất nước,
Ngọn cờ độc lập phất phơ cao.
 
Một lòng quyết chiến dầu phải dùng tầm vong vạc nhọn, cũng liều thân cứu nước:
Dân binh Nam Việt mấy ai bì,
Không súng tầm vong cũng vác đi.
Xông lướt trận tiền ngăn giặc mạnh,
Liều thân cứu nước lúc lâm nguy.
 
Dầu phải hy sinh xương máu đổi lấy tự do, miễn đáp đền ơn đất nước, không thẹn với tổ phụ và hổ mặt với cháu con mai hậu:
Nước lúc lâm nguy há đứng nhìn,
Làng mong đại nghĩa, để thân khinh.
Máu đào xương trắng phơi đầy nội,
Quyết đổi tự do mới thỏa tình.
Thỏa tình được sống dưới trời đông,
Tổ phụ ngày xưa rất đẹp lòng.
Nhìn thấy cháu con không thẹn mặt,
Từ đây non nước thoát nguy vong.
 
Ngài tha thiết kêu gọi các thanh niên tráng sĩ, rường cột của nước nhà, hãy cùng nhau đứng lên giết giặc giành lại tự do, hãy noi theo chí hướng của các bực anh hùng tiền bối:
Bắc Nam một giải san hà,
Mồ hôi giọt máu ông cha tài bồi.
Trải qua cũng lắm hồi vận bĩ,
Rồi anh em tráng sĩ đứng lên.
Liều mình đụt phát xông tên,
Tiếng roi lại bình Ngô sát đát.
Sử xanh còn ngào ngạt hương thơm,
Trông phường giá áo túi cơm.
Trông phường úy tử mà nhờm đi thôi,
Nay vận nước đến hồi thịnh thái.
Chí anh hùng ta hãy noi gương:
Một mai nước được phú cường,
Tấm thân tráng sĩ cột rường nhà Nam.
 
Chẳng những tự dấn thân vào cuộc tranh đấu chống xâm lăng giành độc lập, Ngài còn kêu gọi môn nhơn đệ tử cùng dõi gót theo Ngài, quét sạch quân thù bồi đắp non sông đất nước:
Khí thiêng liêng sông núi nhiệm mầu,
Un đúc giống anh hùng vang bốn bể.
Gương sáng ấy soi chung hậu thế,
Anh em ơi! Theo dõi gót cùng ta.
Ra tay quét sạch san hà,
Ra tay bồi đắp nước ta hùng cường.
 
Ngài hòa mình với các chiến sĩ trong phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, như có lần Ngài đã tuyên bố trên báo Quần Chúng ngày 11-11-1946:
"Tôi, một đệ tử trung thành của đạo Phật, một chiến sĩ trì chí của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam sẵn sàng cùng đoàn thể mình cương quyết đứng dậy đáp lại tiếng gọi của non sông, cương quyết tranh đấu để bảo vệ quyền lợi chung cho nòi giống".
 
Ngài đã biểu hiện ý chí chiến sĩ bằng hạnh sống chung với tướng binh, ngày ngày có mặt trong cơ ngũ, cùng ăn chung, cùng ngủ chung với chiến sĩ, không phân biệt cấp bực tớ Thầy. Ngài cũng băng đồng lội nước, xông pha vào lằn tên mũi đạn, không có một cử chỉ nào tỏ ra cách biệt với anh em quân nhân.
Mấy chị đầu bếp có ý muốn phụng sự Ngài một cách riêng biệt thì Ngài chẳng ngại lời khiển trách. Bằng mo cach từ chối khéo léo, đợi khi dọn cơm xong thành một cỗ dài, nay thì Ngài ngồi chỗ nầy, mai thì Ngài ngồi chỗ khác, không ngồi chỗ nhứt định, ngồi xen kẽ với chiến sĩ, thành thử dầu có muốn dọn riêng cho Ngài cũng không thể dọn được.
Có lần, lúc Ngài ở miền Đông, quân Pháp kéo đến bắn phá, Ngài cũng như mọi người, xông pha chiến đấu. Chẳng may, Mười Trí bị đạn, Ngài chẳng ngại đưa lưng cõng qua một khúc rạch, tránh khỏi lằn đạn. đến chừng tan cuộc, nhiều người bị thương hoặc nhiều hoặc ít, chỉ có riêng Ngài không hề hấn gì. Còn Mười Trí thấy vậy mới nói: Chú Tư có phép gì nên mới không bị thương.
Ngài thản nhiên trả lời: Tại tụi Pháp bắn dỡ không trúng. Mặc dầu nói vậy chớ cái nón của Ngài đội bị đạn lủng bấy. Điều nầy đối với đạo Phật không phải là một hiện tượng quái dị, vì theo kinh điển, hễ người thật Thần Tiên thì khi mó đến loại kim nó sẽ mềm nhũn như bùn.
Nói tóm lại, mặc dầu ở địa vị Giáo Chủ, siêu xuất trần gian:
Nghĩ mình trong sạch đã rồi,
Đào Tiên tạm thực về ngồi cõi xa.
 
Có thể không phải bận tâm lập thêm công quả trong đời nữa, nhưng vì mục đích cứu độ chúng sanh, Đức Huỳnh Giáo Chủ, đã phương tiện "hòa quang hỗn tạc", muốn dìu dắt chiến sĩ phải làm thân chiến sĩ, muốn cứu đời phải mang thân ái quốc ưu đời, đúng với mục “đồng sự” của môn 4 phép Nhiếp hóa.
Ông Thanh Sĩ đã tỏ vai trò "hòa quang hỗn tạc" của Đức Thầy trong mấy câu thơ sau đây:
Ai người thấu đáo đục trong,
Thương Thầy xa cách bởi lòng yêu dân.
Muốn cứu thế mang thân ái quốc,
Độ nàn trong vạn vật muôn loài.
Thay hình đổi dạng ai hay,
Đúng người chiến sĩ xứng tài giáo dân.
Vì phương tiện thời nhân hóa độ,
Phải tùy đời giác ngộ chúng sanh.
Cũng người liệt liệt oanh oanh,
Cũng là giáo chủ tu hành cao siêu.
 
Phương chi, trong khi phương tiện gánh vác việc nước để làm gương mẫu cho môn nhơn đệ tử noi theo, Ngài đã lập thêm công đức: đền nợ nước, rửa thù Tổ Tiên hầu có viên mãn hạnh lành, như ông Thanh Sĩ đã cho biết trong những dòn ai cảm đối với ân đức của Ngài như sau:
Xuống dương thế cốt ban ân,
Ân kia chưa mãn mà thân xa mù.
Trước đem đạo khuyến người tu,
Sau đền nợ nước, rửa thù Tổ Tiên.
Ân ấy mãn mới lành duyên,
Ngày sau nhà Phật cửa Tiên được về.
 
Không có hạnh nào dư hay không cần thiết đối với những bực đã đắc quả Phật hay Bồ Tát. Càng làm công Đức cứu thế độ đời thì núi hạnh càng cao. Mặc dầu đã thành núi nhưng nếu chồng chất thêm đá thì núi càng thêm cao vọi. Vì thế mà không ai tự nhận tu hành đã viên mãn không cần phải tu Tứ Ấn, gánh vác việc đời, hay “hòa quang hỗ tục".
Thế nên ngày nào đời còn đau khổ, chư Phật Thánh Tiên vẫn còn phải lâm phàm cứu dân độ thế, còn phải "hòa quang đồng trần” để phương tiện dìu dắt chúng sanh, nương theo sự hóa độ của Phật Tiên mà lập công bồi đức hầu trang nghiêm hạnh lành, trước là làm nền tảng cho Tu Nhân, sau là hoàn mãn công đức thành Tiên Phật.
Noi theo gương hạnh của Đức Phật, Đức Thầy chẳng nệ tham gia vào công cuộc đấu tranh giành độc lập cho quê hương đất nước và đồng thời tạo ra phương tiện để dìu dắt môn nhơn cùng tham gia tranh đấu, trước để đền đáp ân đất nước trong Bốn đại Trọng Ân, sau để lập công bồi đức hầu có đủ điều kiện dự Hội Long Hoa và sống còn đời Thượng nguơn Thánh Đức.
Trong các hạnh thi thiết cứu đời, Ngài nhận thấy chỉ có hạnh vô úy là cao nhứt, nếu thực hành được, sẽ tạo nện công Đức to tát để kịp thời hội đủ điều kiện trở nên người hiền, thay vì thực hành hạnh tài thí hay pháp thí phải tích lũy công Đức lâu ngày, sợ không đủ thời giờ ky cỏm hạnh lành đủ để thành hiền đức trong lúc cơ hoạt diệt còn chẳng bao lâu.
Để thực hiện hạnh vô úy, Ngài đã phương tiện tạo ra, về mặt quân sự: Bộ đội Nguyễn Trung Trực và về mặt chánh trị: Việt Nam Dân Chủ Xã Hội đảng.
Thật là một cơ hội hiếm có cho người tu hiền ở thời kỳ này, lập lấy thân danh trong giai đoạn dân Việt Nam đứng lên hy sinh xương máu tranh đấu chống xâm lăng, giành độc lập tự do cho đất nước, như Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nhận:
Cuộc biến động nay mai nguy ngập,
Mội hội nầy rán lập thân sanh.
Ông Thanh Sĩ cũng nhận:
Nếu buổi nầy không lập được thân,
Chẳng còn dịp nào hưng danh phận.
Ông cha chúng ta đã khổ công tranh đấu, nhưng vì vận nước còn đen nên đành "vô kế khả thi", tuy mưu không thành nhưng đã đáp đền ân sông núi.
Chúng ta may mắn hơn tiền nhơn, gặp hồi nước nhà vận đạt lai được có chư Phật Thánh làm trần dìu dắt, trao cho ta phương tiện để thực hành hạnh vô úy.
Có nhận thức được chí nguyện cứu độ của Đức Huỳnh Giáo Chủ đối với chúng sanh, nhứt là hàng môn nhơn đệ tử trực tiếp đặt mình dưới sự lãnh đạo của Ngài mới hiểu ý nghĩa việc Ngài thành lập Bộ đội Nguyễn Trung Trực.
Không dùng danh từ nào khác, lại dùng danh nghĩa Nguyễn Trung Trực đặt tên cho Bộ đội do Ngài đích thân sáng lập, đủ thấy lòng yêu nước và ý chí chống xâm lăng của Ngài thật là nồng nàn cương quyết.
Nguyễn Trung Trực là một vị anh hùng dân tộc lưu danh trong lịch sử kháng chiến chống pháp với chiến thuật du kích ở miền Nam. Xuất thân là một nông dân áo vải, sôi lòng vì quốc phá gia vong, trước cảnh điêu linh của non sông đất nước, cảnh huống thống khổ của đồng bào, ông tự thấy có bổn phận đứng ra đánh đuổi bọn tham tàn cướp nước, cứu lấy non sông khỏi ách xích xiềng nô lệ.
Đối với súng đồng tàu sắt tối tân của giặc, ông qui tụ nghĩa binh, phất cờ kháng Pháp và đã lập được hai kỳ công vĩ đại trong lịch sử chống xâm lăng. Ông đã dụng mưu đốt tàu Espérance của địch tại vàm Nhựt Tảo, điều mà tứ trước đến nay chưa có vị anh hùng nào làm được. Kỳ công thứ hai là ông đã hạ được thành lũy Kiên Giang của Pháp cũng là điều mà người khác không tạo được thành tích oanh liệt như ông.
Do đó, cụ Huỳnh Mẫn đạt đã ca tụng chiến công của ông trong hai câu đối liễn bất hủ:
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỉ thần.
 
Mặc dầu ông hùng dũng chiến đấu chống xâm lăng, nhưng chí người kh6ng xoay được vận nước, võ khí thô sơ không địch nổi chiến cụ tối tân của đại bác tàu đồng, tuy nhiên ông đã nêu được cho đời gương trung dũng chống bạo tàn và liều thân đền nợ nước. Tuy không thành công, nhưng đã thành nhơn. Chính với tấm gương trung dũng nghĩa khí ấy mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đặt tên cho Bộ đội của Ngài lập ra là Bộ đội Nguyễn Trung Trực, với hoài bão cho môn nhơn đệ tử noi theo chí hướng của ông Nguyễn Trung Trực để thi thiết hạnh vô úy, hầu có lập thân danh, trở nên người hiền Đức.
Sở dĩ dùng tên Nguyễn Trung Trực đặt tên cho Bộ đội, ngoài ý nghĩa nêu gương trung dũng khí tiết của vị anh hùng dân tộc, Đức Huỳnh Giáo Chủ còn muốn nhắc nhở môn nhơn nhớ lấy vai trò cứu nước và dựng nước của Quan Thượng đẳng đại Thần trong giai đoạn hiện tại là vị lai.
Chức tước Thượng đẳng đại Thần là của Phật phong chớ không phải của vua chúa Việt Nam ban tứ, vì như được biết: (1) sau ngày bỏ xác, do hạnh Hiếu đối với mẹ và Nghĩa vụ đối với đất nước, ông Nguyễn Trung Trực được Phật ban chức Thượng Đẳng Đại Thần.
 
Để ghi nhớ sứ mạng cứu quốc và lập quốc của ông trong giai đoạn hiện tại và vị lai, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã tôn tri danh hiệu ông vào bài nguyện mà tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo phải khấn vái trong các thời lễ bái như sau:
"Nam Mô Phật Tổ, Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, Trăm Quan Cựu Thần…”
Quan Thượng Đẳng Đại Thần là danh hiệu và chức vị của ông Nguyễn Trung Trực. Cứ theo Đức Huỳnh Giáo Chủ thì giai đoạn nầy là giai đoạn của Quan Thượng Đẳng Đại Thần hành sử quyền chỉ huy trong công cuộc cứu dân cứu nước, cho nên, ngộ như gặp phải hoạn nạn tai ương, nếu nguyện đến danh hiệu của Ngài thì sẽ được Ngài hộ độ. điều nầy đã được nhiều tín đồ nhìn nhận là đã ứng nghiệm trong nhiều trường hợp. Danh hiệu Nguyễn Trung Trực mà Đức Thầy đặt cho Bộ đội Nguyễn Trung Trực lập nhiều chiến công hiển hách trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và binh sĩ dưới bóng cờ của Quan Thượng cũng đã làm rạng rỡ danh nghĩa chiến sĩ cách mạng, vì họ đã anh dũng chống Pháp, hy sinh xương máu bảo vệ quê hương, cùng sanh mạng tài sản của đồng bào, đúng với hạnh vô úy thí.
Với tôn chỉ dĩ đạo cứu quốc của giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương, Đức Huỳnh Giáo Chủ khi mở đạo, khai triển pháp môn Học Phật Tu Nhân, phát huy điều Tứ Ấn Hiếu Nghĩa, hun đúc lòng yêu nước của hàng môn nhơn đệ tử. Nhờ vậy mà khi phong trào quật khởi của toàn dân đứng lên chống Pháp, toàn thể tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đều tham gia kháng chiến, hăng say chiến đấu chống xâm lăng cứu nước.
Cuối năm 1945, khi thực dân tái chiếm Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, Đức Huỳnh Giáo Chủ thống hợp các lực lượng tự động võ trang đã có, tổ thành một lực lượng Dân quân Cách mạng kháng Pháp lấy tên là Nghĩa Quân Cách Mạng Vệ Quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực. Liên đội ra đời gồm có 4 chi đội:
- Chi đội 1 do Trần văn Soái chỉ huy, hoạt động vùng Cần Thơ.
- Chi đội 2 do Lê Minh điều (tức xã Nhiễu) chỉ huy, hoạt động vùng Long Xuyên.
- Chi đội 3 do Lê Phát Khuynh chỉ huy, hoạt động vùng Châu đốc.
- Chi đội 4 do Phan hà chỉ huy, hoạt động vùng Rạch Giá.
Để kịp thời đối phó với tình hình nghiêm trọng của đất nước trước nạn Pháp xâm lăng, Đức Huỳnh Giáo Chủ sắp xếp lại hàng ngũ cho được chỉ huy thống nhứt. Ngày 18-12-1946 Ngài cho triệu tập tại chiến khu Bình Hòa (Tân An) các cấp chỉ huy Nghĩa Quân Cách Mạng Vệ Quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực, trong một đại hội Quân sự để cải tổ 4 Chi đội thành một Chi đội mạnh mẽ hơn mang danh là Chi đội Nguyễn Trung Trực Hậu Giang, với Ban chỉ huy như sau:
- Chi đội trưởng: Nguyễn Giác Ngộ.
- Chi đội phó kiêm Trưởng ban cơ khí: Lâm Thành Nguyên.
- Tham mưu trưởng kiêm Ủy viên chánh trị: Trần Đức Thu (tức Luật sư Lê văn Thu).
- Tham mưu phó: Trương Kế Tự (tức giáo sư Trần Kiệt).
 
Chi đội Nguyễn Trung Trực Hậu Giang gồm có 3 Đại đội và 1 Phân đội biệt lập.
- Đại đội 1 do Trần Tín Nghĩa làm Đại đội trưởng, phụ trách vùng Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
- Đại đội 2 do Ngô Trung Hưng (tức Lâm thế Xương) làm đại đội trưởng, phụ trách vùng Long Xuyên, Sa Đéc và Đồng Tháp Mười.
- Đại đội 3 do Lê Hoài Nam làm Đại đội trưởng, phụ trách vùng Châu Đốc, khu vực Thất Sơn và ranh giới Cao Miên.
- Phân đội 4 biệt lập do Phan Hà làm Phân đội trưởng, phụ trách vùng Rạch Giá và Hà Tiên.
 
Lúc bấy giờ Lê Quang Vinh được Đức Thầy để cử làm Phân đội trưởng phân đội 2 thuộc đại đội 2/NTT Hậu Giang. Sau khi Chi đội Nguyễn Trung Trực Hậu Giang được cải tổ, Chi đội 1 của Trần văn Soái trong Liên đội, được cải thành Chi đội Lưu động số 2, còn Chi đội Nguyễn Trung Trực được gọi là Chi đội số 1.
Khi Đức Huỳnh Giáo Chủ chấp nhận tham chánh với chức Ủy viên đặc biệt trong Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ, để biểu dương tinh thần đoàn kết quốc gia chống xâm lăng, Ngài đem Chi đội Nguyễn Trung Trực chánh thức hóa thành Chi đội 30 Vệ Quốc đoàn Việt Nam. Ban chỉ huy Chi đội 30 được Đức Huỳnh Giáo Chủ giữ nguyên chức vụ và vùng hoạt động của các đại đội lệ thuộc cũng không thay đổi. Sau khi chánh thức hóa, Chi đội dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Giác Ngộ từ Côn đảo mới về và được Đức Huỳnh Giáo Chủ để cử chấp chưởng binh quyền, tích cực tranh đấu và lập nhiều chiến công trong công cuộc hạ đồn Pháp và đoạt vũ khí của giặc.
Để làm hậu thuẫn cho Chi đội, về mặt vũ khí, một công binh xưởng được thiết lập tại Hiệp Xương, đúc khí giới và đạn dược, và về mặt tăng bổ hàng ngũ chiến binh, nhiều lớp huấn luyện về các cấp sĩ quan và hạ sĩ quan được khai giảng. Khóa huấn luyện đầu tiên đã ở vào cuối năm 1946 tại núi Dài vùng Thất Sơn, đào tạo cấp tốc 10.500 quân, do một Ban huấn luyện với sự hợp tác của 4 sĩ quan Nhựt Bổn cấp tá.
Công cuộc đang tiến triển đẹp đẽ và kế hoạch thành lập Liên khu Quốc gia đang bước sang giai đoạn thực hiện thì một tai biến xảy ra làm tan vỡ chương trình kế hoạch đã định. Đó là biến cố: Đức Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn tại Đốc Vàng Hạ. Một tai nạn lớn lao chẳng những đối với khối Phật Giáo Hòa Hảo mà còn là một sự thiệt thòi to tát với hàng ngũ quốc gia.
Trước sự phản bội của Cộng sản, Chi đội 30 rút ra khỏi hàng ngũ Vệ Quốc đoàn Việt Nam và theo quyết định của Hội Nghị tối cao Quân Chính hợp tại Hòa Hảo liền sau khi Đức Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn, Chi đội 30 trao khí giới cho đoàn thể để võ trang Bội đội Dân Xã và Bộ đội Phật Giáo Hòa Hảo hầu bảo vệ đoàn thể.
Cuối năm 1947, để đáp ứng với nhu cầu chiến đấu trong tình thế mới, một phiên họp khoáng đại Quân Chính triệu tập tại Hiệp Xương. Chi đội 30 được cải tổ thành Bộ đội Nguyễn Trung Trực với thành phần Ban chỉ huy tối cao như sau:
- Chỉ huy trưởng: Nguyễn Giác Ngộ.
- Chỉ huy phó: Lê phát Khuynh.
- Chủ nhiệm chánh trị bộ kiêm Tham mưu trưởng: Trần Kiều.
 
Bộ đội Nguyễn Trung Trực gồm có 7 Chi đội võ trang:
- Chi đội phòng vệ do Nguyễn Minh Thành làm Chi đội trưởng.
- Chi đội 1 Hắc Long do Nguyễn Thành Tâm làm chi đội trưởng.
- Chi đội 2 do Ngô Trung Hưng (tức Lâm Thế Xương) làm Chi đội trưởng.
- Chi đội 3 do Nguyễn Thiện Tri làm Chi đội trưởng.
- Chi đội 4 do Hoàng Minh Kính làm Chi đội trưởng.
- Chi đội 5 do Nguyễn văn Sáng làm Chi đội trưởng.
- Chi đội 6 do Bùi Thanh Liêm làm Chi đội trưởng.
- Chi đội 7 do Bùi Trung Cang làm chi đội trưởng.
Bội đội Nguyễn Trung Trực có trên 2 ngàn binh sĩ tại ngũ. Ngoài ra còn tổ chức Bảo An Quân (lực lượng bán quân sự) khắp các tỉnh Long Xuyên, Châu đốc, Sa đéc, Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre… để giữ gìn an ninh trật tự trong thôn ấp và đồng thời làm kho cung cấp binh sĩ cho Bộ đội cũng như tiếp tế lương thực.
Để đào tạo chiến sĩ, nhiều khóa huấn luyện liên tục được mở ra. Không kể khóa huấn luyện tại núi Dài cuối năm 1946, sau đây là các khóa huấn luyện sau ngày cải tổ:
- Các khóa huấn luyện mở vào cuốI năm 1947 tại Hiệp Xương, đào tạo cấp Đại đội trưởng.
- Các khóa huấn luyện cán bộ chánh trị viên mở tại chiến khu Ba Dầu (Long Xuyên) năm 1948.
- Các khóa huấn luyện mở vào đầu năm 1949 tại Mỹ Hội Đông đào tạo cấp Tiểu đội trưởng và Trung đội trưởng.
- Các khóa huấn luyện mở vào cuối năm 1949 tại Kiến An đào tạo cấp Trung đội trưởng và Đại đội trưởng.
Song song với chương trình huấn luyện binh sĩ, Bộ đội còn phái cán bộ lưu động đến các tỉnh, quận, huấn luyện quân sự căn bản cho các cán bộ và đội viên Bảo An Quân. Có tất cả 20.000 sĩ binh và 300.000 đội viên Bảo an Quân được huấn luyện.
Năm 1949 Thực dân Pháp tìm đủ cách khủng bố, bức ép Bộ đội phải ra hợp tác với quân đội Viễn Chinh Pháp, nhưng vì trung thành với lập trường quốc gia kháng chiến nên Bộ đội Nguyễn Trung Trựng bị tấn công tới tấp bằng hải lục không quân, dồn ép phải rút về kinh Cựu Hội (Cái Tàu Thượng) địa giới giữa vùng Quốc gia và Cộng sản.
Mặc dầu bị đặt vào thế kẹp giữa hai gọng kềm Thực dân và Cộng sản, Bộ đội Nguyễn Trung Trực vẫn cương quyết giữ vững lập trường kháng chiến thà chịu cảnh cùng khốn thiếu đạn dược, thiếu vũ khí nhưng được nhân dân tiếp tế dồi dào, chớ không chịu chấp nhận điều kiện ra hợp tác với Thực dân.
Cuối cùng, chỉ còn một xuất lộ là Bộ đội Nguyễn Trung Trực ra hợp tác với Quốc Trưởng Bảo đại để tạo thành phần đầu tiên của Quân đội Quốc Gia Việt Nam. Và khi Quân đội Cộng Hòa thành hình, Bộ đội Nguyễn Trung Trực tổ chức thành hai Trung đoàn 57 và 63. Đến năm 1955, Bộ đội Nguyễn Trung Trực hoàn tất việc hòa mình trọn vẹn trong đại gia đình Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sĩ quan hay binh sĩ nào muốn tiếp tục binh nghiệp thì giữ cấp bực và phục vụ trong quân đội, còn anh em nào không muốn thì được tự do xin giải ngũ trở về vị trí tu hành của một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo hay vị trí hoạt động chánh trị như một đảng viên trong đảng Dân Xã. Thế là vai trò Bộ đội Nguyễn Trung Trực do Đức Thầy sáng lập, đến đây chấm dứt một giai đoạn.
Có thể nói chấm dứt giai đoạn, chớ sứ mạng của Bộ đội Nguyễn Trung Trực hay vai trò của Quan Thượng đẳng chưa kết liễu. Cứ theo hai câu liễn do ông Thanh Sĩ viết, hiện treo tại đền thờ Quan Thượng đẳng đại Thần Nguyễn Trung Trực xã Long Kiến thì sứ mạng của Quan Thượng vẫn còn và sẽ đóng trong tương lai một vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc cứu đất nước khỏi nạn ngoại xâm và xây dựng một quốc gia Việt Nam thống nhứt làm rạng danh cho giống dân Hồng Lạc. Hai câu liễn ấy như vầy:
Dĩ vãng ưu dân, Tiền Hậu giang thi quốc sự,
Đương lai hộ tộc, Nam Bắc địa khởi hùng binh.
 
Tạm dịch:
Trong quá khứ đã lo dân, sông Tiền sông Hậu thi hành việc nước,
Về tương lai sẽ ủng hộ dân tộc, đất Nam đất Bắc khởi cử binh hùng.
 
* * *
 
Nói tóm lại, sở dĩ Đức Huỳnh Giáo Chủ thành lập Bộ đội Nguyễn Trung Trực là để chống xâm lăng, giành độc lập cho quê hương đất nước.
Đây là phương tiện cho môn nhơn đệ tử của Ngài noi theo gương hy sinh của Nguyễn Trung Trực, tham gia vào quân đội, phơi gan trải mật tranh đấu kháng chiến chống xâm lăng, hầu có thực hành hạnh vô úy để tạo lập thân danh có trở nên người hiền hội đủ điều kiện dự Hội Long Hoa và sống còn đời Thượng Nguơn an lạc.
Theo Đức Huỳnh Giáo Chủ, lập quân đội hay tham gia vào hàng ngũ quân đội là để làm tròn nghĩa vụ đối với đất nước, một ân trọng trong Tứ đại Trọng Ấn. Với Ngài, điều nghĩa là quan trọng, phàm một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, muốn thực hành đúng pháp môn Học Phật Tu Nhân, phải lo đền đáp trước nhứt. Đó là nghĩa vụ của con dân đối với đất nước.
Còn theo ông Thanh Sĩ, Tu mà không làm việc Nghĩa, đạo mà thiếu Nghĩa hay bỏ Nghĩa là tu sai đường, hành không đúng lối:
Đời càng lắm việc bất công,
Thì là việc nghĩa càng trông cậy nhiều.
Người càng giác ngộ bấy nhiêu,
Thì làm việc nghĩa thêm nhiều hơn xưa.
Kẻ cho mình bực đại Thừa,
Xem thường việc nghĩa là chưa đúng đường.
Nghĩa không kém tám đại vương,
Nếu cho việc nghĩa tầm thường là sai.
đạo cùng với Nghĩa không hai,
Chia hai đạo Nghĩa là sai đường lành.
Đạo mà có Nghĩa mới thành,
CHÚ THÍCH
(1) Lời Đức Thầy nói với ông Huỳnh Hữu Phỉ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn