Chương VI: Lưu Cư

15 Tháng Chín 200512:00 SA(Xem: 37974)
Chương VI: Lưu Cư

ĐỘNG CƠ. – Gần gót một năm ra cứu đời, dùng huyền diện của Tiên gia độ bịnh, ra thi thơ Sấm Giảng thức tỉnh người đời, nhứt là những người có căn tu hành theo Đức Phật Thầy Tây An, đã nhận chân Đức Huỳnh Giáo Chủ là một vị siêu phàm giáng trần có sứ mạng cứu dân độ thế, nên qui ngưỡng một ngày một đông, gây thành một phong trào khá lan rộng, khiến nhà cầm quyền để ý đến, bèn cho mật thám theo dò la, nhưng chưa vội can thiệp.

a) Động cơ thứ nhứt. – Có nhiều sự việc đáng làm cho chúng e ngại, lo ngại nhứt là số tín đồ mỗi lúc mỗi tăng một cách kinh khủng.
Và điểm đáng lo ngại khiến nhà cầm quyền Pháp đi đến quyết định an trí hay lưu cư Ngài là những điểm sau đây :
Trong Sấm Giảng có những câu bộc lộ huyền cơ làm cho chúng nghi là Ngài có mưu định Cần Vương hay chủ trương phục hồi đế nghiệp.
Để đáp ứng sự đòi hỏi của tín đồ quá đông đảo, Sấm Giảng phải in thành sách, chớ không thể chép tay hay đánh máy như lúc ban sơ. Nhưng muốn in, nhà in đòi hỏi phải có giấy phép của sở kiểm duyệt. Như có lần anh em đem kiểm duyệt, nhà cầm quyền giữ lại một thời gian, vì có những câu chúng không chấp thuận. Nếu bằng lòng sửa chữa lại, chúng mới cho phép in. Những điểm chúng kiểm duyệt là những câu nói về Thánh Chúa.
Chẳng hạn như câu :
Chẳng qua là Nam Việt vô vương,
Nên tai ách xảy ra thảm thiết.
Sau phải sửa lại :
Chẳng qua là Nam Việt vô duơn,
Nên tai ách xảy ra thảm thiết,
Hay những câu nói về thiên cơ :
Hết Tây rồi đến Huê Kỳ,
Sưu cao thuế nặng vậy thì thiết tha.
Sau phải sửa lại :
Hết đây rồi đến dị kỳ,
Sưu cao thuế nặng vậy thì thiết tha.
Hay là câu :
Để gặp chúa ngồi mà than khóc,
Gỡ làm sao hết rối thì về.
Sau phải sửa lại :
Để gặp Phật ngồi mà than khóc,
Gỡ làm sao hết rối mà về.

Cũng như trong bài Ngũ nguyện, về câu nguyện thứ nhứt :
“Nam mô nhứt nguyện cầu : Thiên hoàng, Địa hoàng, Nhơn hoàng Long Hoa hải hội, Thượng Phật từ bi, Minh Vương trị chúng, thế giới bình an”.
Sau phải sửa lại :
“Nam mô nhứt nguyện cầu : Thiên hoàng, Địa hoàng, Nhơn hoàng, Liên hoa hải hội, Thượng Phật từ bi, Phật vương độ chúng, thế giới bình an”.
Ngoài ra, chúng còn cho lính theo dõi và chép được những bài chưa in ra, nhưng được truyền tay, truyền khẩu nhau có tánh cách chống Pháp.
Chẳng hạn như bài Bánh mì :
Mì kia gốc phải nước mình không ?
Nghe thất rao mì thốt động lòng.
Chiếc bánh não nùng mùi khách lạ,
Bát cơm đau đớn máu ông cha.
Văn minh những vỏ trưng ba mặt,
Thắm thía tim gan ứa mấy dòng.
Nhớ lại bảy mươi năm trở ngược,
Say mì lắm kẻ bán non sông.
Bài nầy chưa mấy rõ nghĩa chống Pháp bằng bài “ Cờ tam sắc”
Tam sắc cờ bay phất phới mà !
Ngồi nhìn nhớ kỹ héo lòng ta.
Thuở xưa đâu có cờ tam sắc,
Gặp cảnh vong bang ứa ruột ra
.
Về bài “Cờ tam sắc”, Đức Thầy cảm thấy thế nào cũng bị bọn gia nô của Pháp bắt bí nên chi Ngài sửa lại để đánh tạc hướng đám “chó săn chim mồi”. Ngài sửa lại như vầy !
Tam sắc cờ bay phất phớ mà
Ngồi nhìn khoăn khoái cõi lòng ta.
Thuở xưa đâu có cờ tam sắc,
Nay hiệp Tây Đông thể ruột rà.

Quả thật, sau đó tay sai của Pháp đến muốn nghe bài thơ ấy, nhưng cụt hứng khi nghe một tín đồ đọc lại bài thơ đã sửa chữa.
Mặc dầu sách in được kiểm duyệt, các bài truyền khẩu được lột bỏ những điểm chống Pháp, nhưng những khoản kiểm duyệt cũng như những bài truyền khẩu có tánh cách chống Pháp được kết tập thành hồ sơ kể cả những cuộc đối đáp của Đức Huỳnh Giáo Chủ với những người đến tiếp kiến, những ý kiến được xem là bài Pháp hay phục hồi đế nghiệp hoặc phục quốc cũng được chúng sưu tầm và mật báo tất cả. Chẳng hạn như câu Ngài đáp một người hỏi Ngài tại sao tu mà còn để tóc, không thế phát như các nhà sư thì Ngài đáp một cách khí khái : Vì tôi không muốn để người ta cạo đầu.
Danh từ “cạo đầu” được bọn gia nô diễn dịch là có ý bất phục đối với nhà cầm quyền bảo hộ.
Sở liêm phóng cho sưu tập những tư tưởng “phản nghịch” ấy lập thành hồ sơ, và sau khi nghiên cứu, chúng đi đến kết luận : Đức Huỳnh Giáo Chủ là người khá nguy hiểm và nền đạo của Ngài là một tổ chức “chống Pháp” trá hình tôn giáo rất nguy hại cho an ninh, chánh sách thực dân thống trị. Do đó mà chúng quyết định an trí Ngài.

b) Động cơ thứ hai. – Ngoài tài liệu thu thập trong Sấm Giảng có tánh cách chống Pháp, còn có việc Ông Đạo Tưởng nổi loạn ở Tân Châu cũng là một động cơ khiến nhà cầm quyền Pháp quyết định lưu cư Đức Huỳnh Giáo Chủ để ngừa hậu hoạn.
Như kỳ đăng sơn thứ tư, khi còn ở trên núi Tà Lơn, Đức Thầy có nói với Biện Đài lý do tại đâu phải về. Lý do đó là vụ Đạo Tưởng nổi loạn ở Tân Châu. Và khi về đến Cần Giọt được nghe tài xế và lơ xe chạy đường Châu Đốc và Cần Giọt tường thuật vụ Đạo Tưởng giết người tế cờ rất rõ. Vụ ấy xảy ra như sau :
Ông Đạo Tưởng tên thật là Lâm Văn Quốc, cũng gọi Đạo Quốc, có lập một am để tu tại xã Long Phú cách quận lỵ Tân Châu độ một cây số ngàn. Ông tự nhận là môn phái của Bửu Sơn Kỳ Hương gốc Thất Sơn và qui tụ một số tín đồ khá đông.
Một hôm, ông tự xưng là Minh hoàng và phong tước cho một số môn đệ, nào là chức Vương, Quốc sư, Nguyên soái, Tiên phong, Đô đốc, chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa phục quốc. Ông huấn luyện võ nghệ, cho rèn gươm đao và khoe có phép làm súng bắn không nổ.
Thế rồi đêm mùng 8 rạng ngày mồng 9 tháng giêng năm Canh Thìn, Ông phát động cuộc khởi nghĩa. Hành động đầu tiên là giết người để tế cờ. Con vật được ông chọn hy sinh là gia đình Hương tuần Hiếm bị nghi làm tay sai cho Pháp. Sau khi bố trí châu đáo, bọn ông vây nhà và bắt vợ chồng Hương tuần Hiếm chặt đầu làm lễ tế cờ, gây thành một cuộc náo loạn kinh hoàng tại Tân Châu.
Nhà cầm quyền Pháp bèn cho lính đến đàn áp. Đạo Tưởng và đồng bọn tin ở tà thuật làm cho súng bắn không nổ nên hiên ngang đem gươm giáo ra chống cự. Rốt cuộc súng vẫn nỗ và bọn Đạo Tưởng đều bị bắn hạ; kết quả năm bảy mạng bị giết và gần 30 người bị bắt.
Thế là màng xưng bá đồ vương của Đạo Tưởng chấm dứt.
Cuộc rối loạn do một nhóm người tự nhận là tu hành, là môn phái Bửu Sơn Kỳ Hương gây ra làm cho nhà cầm quyền Pháp có thái độ cứng rắn đối với Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Để tránh hậu hoạn, một cuộc nổi dậy của tôn giáo, tương tự như vụ Đạo Tưởng, nhứt là đã có tài liệu chứng thật Đức Huỳnh Giáo Chủ có tinh thần chống Pháp và đạo của Ngài thu hút tín đồ không thể tưởng tượng, có thể nguy hại cho chế độ thực dân thống trị. Nên chi bọn thực dân quyết định dời Ngài ra khỏi tỉnh Châu Đốc và an trí ở một nơi khác.

a) Đi Châu Đốc. – Quyết định nầy được mật báo cho quận trưởng Tân Châu lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Lễ. Ông nầy có bà vợ là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Sau khi được chồng cho biết ý định của người Pháp, bà Lễ liền chiều ngày mồng 10 tháng 4 Canh Thìn đi xe ngựa xuống Chợ Vàm cho ông Huỳnh Hữu Phỉ hay cái hung tin ấy.
Ông Phỉ cấp tốc đi xe đạp xuống Hòa Hảo cho Đức Thầy hay để có lo toan cách ứng phó. Ngài rất thản nhiên, trong lúc anh em tín đồ đều lo âu, sợ cho Ngài phải bị tai họa đến lụy thân khổ xác.
Ngài tươi tỉnh nói để trấn an mọi người : không có gì mà phải sợ. Không ai làm hại được Thầy đâu. Anh em cứ an tâm. Mặc dầu Ngài nói vậy, chớ toàn thể tín đồ đều lo ngại.
Qua ngày sau tức ngày 12 tháng 4 năm Canh Thìn vào lúc 7 giờ, nhà cầm quyền Pháp đến Hòa Hảo chở Ngài đi Châu Đốc, vội vã đến đỗi không kịp cho Ngài thay đồ hay mang hành trang theo. Lúc bấy giờ Ngài mặc áo không túi nên cái giấy thuế thân, Ngài đành lấy giấy gói lại rồicầm trong tay.
Khi đến Châu Đốc, vài giờ sau, vâng theo lịnh của cấp trên, nhà cầm quyền địa phương cho chở Ngài rời khỏi tỉnh, thay vì đưa xuống tỉnh Long Xuyên, chúng lại đưa xuống tỉnh Sa Đéc, cách tỉnh Châu Đốc một tỉnh, ý chừng họ muốn đoạn hẳn liên lạc với quê nhà tưởng nơi xa lạ khó truyền giáo và thu hút tín đồ hơn.
Đứng trước sự dời Ngài đi đột ngột như thế anh em tín đồ đều ngơ ngác, đến rơi lệ, chỉ nhìn theo chớ không làm sao hơn được, trước sự rào đón, ngăn chặn hăm he của chánh quyền.

b) Đến Sa Đéc. – Đến Sa Đéc, Ngài được đưa đến sở mật thám, lúc bấy giờ có ông Bazin điều khiển. Gặp lúc ông nầy đi vắng, bà vợ người Việt có tâm mộ đạo, đối xử rất tử tế. Đến khi cò Pháp về, bèn hỏi Ngài có phải Ngài là tác giả mấy quyển Sấm Giảng không ? Ngài nhận chính tay Ngài viết. Viên cò không tin với sức học của Ngài có thể sáng tác nổi, nên chỉ muốn thử Ngài. Nếu thật ông viết thì ông thử viết cho tôi coi.
Ngài không ngần ngại đem giấy mực ra viết bài : “Sa Đéc” trước mặt viên cò Bazin, rồi đọc cho ông cò nghe.
Trong bài nầy Ngài tỏ bày nỗi lòng bi cảm đối với anh em tín đồ trong những dòng thống thiết như sau :
Muốn lập đạo có câu thành bại,
Sự truân chuyên của khách thiền môn.
Khắp sáu châu nức tiếng người đồn,
Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh.
Tiếng gọi đời sông mê hãy lánh,
Chạm lợi quyền giàu có cạnh tranh.
Bước chông gai đường đủ sỏi sành,
Đành tách gót lìa quê hương dã.
Ta cũng chẳng lấy chi buồn bã,
Bởi sự thường của bực siêu nhơn.
Dầu gian lao dạ sắt chẳng sờn,
Miễn sanh chúng thông đường giải thoát.
Cơn dông tố mịt mù bụi cát,
Chẳng nao lòng của đấng từ bi :
Vì Thiên Đình chưa mở hội thi,
Nên Lão phải phiêu lưu độ chúng.
Kẻ ác đức cho rằng nói túng,
Nó đâu ngờ lòng Lão yêu đương.
Xe rồ xăng vụt chạy bải bươn,
Đến khuất dạng tình thương náo nức.
Khắp bá tánh chớ nên bực tức,
Bởi nạn tai vừa mới vấn vương.
Chốn Liên Đài bát ngát mùi hương,
Nhờ chỗ ấy mới thi công đức.
Đọc xong, viên cò Pháp phải nhận Ngài là một thiên tài xuất chúng và cho về ngụ nhà ông Phán Đặng.
Tưởng đến Sa Đéc, Ngài sẽ dừng chơn ở yên để tiếp tục cuộc hóa độ, đáp lại lòng mong cầu của mọi người, chớ có dè đâu nhà cầm quyền ở đây thấy ảnh hưởng của Ngài quá lớn, thu hút người khắp nơi tấp nập kéo đến, nên quyết định cấm Ngài truyền đạo. Thế là Ngài lên đường đi tỉnh khác, tùy Ngài chọn lựa.
Hay tin, anh em tín đồ rất lo buồn, nhưng theo Ngài thì đó là một dịp cho Ngài phổ thông rộng rãi mối đạo.
Ta còn thương, thương trò lịu địu,
Chớ cũng mừng được dịp phổ thông.
Mà cũng là cơ thử thách của tạo hóa đề xem người hành đạo có vững chí làm theo lời Ngài chỉ dạy hay không ?
Việc khó khăn lắm lúc khôi hài,
Ấy cũng bởi thày lay ông Tạo.
Ông nhồi quả cho người hành đạo,
Lúc nguy nàn thối chí cùng chăng ?
Nếu bền lòng vị quả cao thăng,
Chẳng chặt dạ bỏ lăng Phật Thánh
.

c) Đến Cần Thơ. – Được tin nhà cầm quyền Sa Đéc ra lịnh trục xuất Ngài, ngày 17 tháng 4 Canh Thìn anh em tín đồ đem xe đến đưa Ngài xuống Cần Thơ, rồi cô Hai Gương thỉnh Ngài về ở nhà HươngBộ Võ Mậu Thạnh là cậu của cô ở làng Nhơn Nghĩa, rạch Sua Đủa, cũng gọi là kinh Xà No.
Đến đây Ngài được ở yên nên khởi lại việc cho thuốc, cho thi bài, tiếp tục cuộc hoằng hóa như hồi còn ở Hòa Hảo. Nhân việc phát phù trị bịnh, Ngài còn làm một bài thơ về giấy vàng có hàm ý tiên tri sự biến đổi thời cuộc.
Giấy vàng nay đã giá cao tăng,
Bìa trắng lại chê vội bỏ lăn.
Thương thảm chúng quăng nằm kẹt hóc,
Chủ nhà quét tước lượm lăng xăng.

Trong thời gian lưu cư tại Nhơn Nghĩa, Ngài sáng tác và thi họa cũng nhiều. Số tín đồ thâu nhận cũng khá đông, như Ngài đã viết :
Nhân dân bá tánh cũng con lành,
Thầy dạy cho đều khắp chúng sanh.
May mắn vận thời đưa đến chốn,
Tiền khiên dẹp gát kiếm con lành.

d) Vào bịnh viện Chợ Quán. – Nhận thấy ảnh hưởng ở đây cũng vang dội và thu hút tín đồ một cách phi thường, nhà cầm quyền không muốn cho Ngài hoạt động nữa. Như đã biết, Ngài được tự do chọn lấy chỗ lưu cư do đó Ngài đưa đơn xin đi Bạc Liêu.
Thế là ngày 29 tháng 6 năm Canh Thìn, Ngài từ giã Nhơn Nghĩa, nhưng khi ra đến Cần Thơ, nhà cầm quyền giữ Ngài lại và đưa vào bịnh viện Chợ Quán lấy cớ khám nghiệm coi Ngài có mắc bịnh thần kinh không?
Khi vào đây, ban sơ chưa ai biết Ngài. Ngay như viên lương y cai quản bịnh viện là ông Trần Văn Tâm cũng ngộ nhận nên mới nói bỡn khi gặp Ngài : Ở ngoài xé hết bao nhiêu giấy thuế thân của người ta rồi ? Nhưng khi thấy cử chỉ của Ngài đoan trang và tín đồ số tín đồ đến thăm quá đông mới nghi Ngài là ông Đạo.
Ông bèn đem những điều đọc trong một quyển sách Pháp về đạo Phật mà ông còn thắc mắc đến chất vấn thì được Ngài giải đáp một cách tinh thông, khiến ông phải ngạc nhiên đến khâm phục. Càng kính phục hơn nữa là khi Ngài cho thấy điều huyền diệu, như một hôm ông vào phòng Ngài thì thấy một cụ già đầu râu bạc phiếu nằm trên giường. Ông tưởng đi lộn phòng, bèn trở ra để tìm phòng, nhưng khi định tỉnh xem lại số phòng quả quyết chính là phòng của Ngài, nên quày trở vào thì lạ thay, thay vì ông lão khi nãy lại là Đức Huỳnh Giáo Chủ. Chừng đó ông mới hoàn toàn tín phục, xin thọ giáo qui y. Nhờ vậy Ngài tiếp tục công việc hoằng hóa dễ dàng. Mỗi ngày người đến xin thuốc, cũng như hàng thức giã đến hỏi đạo và qui ngưỡng càng lúc càng đông.

Trong lúc ở bịnh viện, có một việc đáng nêu ra là trường hợp của anh gác cửa. Anh nầy lúc đầu tỏ ra khó khăn đối với anh em tín đồ đến thăm. Anh có một người mẹ đau mắt, chữa nhiều thầy mà không khỏi, khi nghe Ngài chữa bịnh kỳ diệu thì đưa mẹ đến. Ngài chỉ cho một chai nước lã về nhỏ, thế mà khỏi bịnh. Anh đem lòng khâm phục, gọi Ngài là Phật sống. Từ đó trở đi, anh đối xử rất cảm tình với anh em tín đồ không làm khó khăn như trước.
Trong thời gian ở Chợ Quán, Ngài viết nhiều bài vở, nhưng đáng kể là quyển “Những điều sơ lược cần biết của kẻ tu hiền” và quyển “khuyến thiện” chỉ rõ tận tường pháp môn Tịnh độ.
Hơn một năm cầm giữa Ngài để thí nghiệm, có thể do sự báo cáo của Bác Sĩ Tâm, nhà chức trách thấy Ngài không có gì tỏ ra mắc bịnh thần kinh, nên xét theo lời xin trước kia khi Ngài ở Xà No, bèn chấp thuận cho Ngài lưu cư về Bạc Liêu.
Và có thể nhận thấy tại Chợ Quán, nơi phồn hoa đô hội có nhiều phần tử thức giả qui ngưỡng nên sợ ảnh hưởng của Ngài lan rộng cả vùng Saigon Chợ Lớn, Gia Định, vì vậy mà định dời Ngài đi chỗ khác. Xét lại Bạc Liêu là một tỉnh ở mút miền Nam nước Việt lại là tỉnh, phần đông dân cư thuộc thành phần lai Miên lai Tàu, chuyên việc buôn bán, nếu đưa Ngài đến đó khó mà gây ảnh hưởng sâu rộng được.
Mặc dầu chấp nhận dời Ngài về Bạc Liêu nhưng nhà cầm quyền còn cố giữ lại trong một tuần lễ để giao cho sở mật thám dò xét. Họ đưa Ngài vào bót Ca-ti-na (Poste Catinat) ngày 11 tháng 5 Tân Tỵ (1941).
Đến ngày 19 nghĩa là sau 8 ngày giam giữ, Ngài mới lên đường đi Bạc Liêu.

đ) Đến Bạc Liêu . – Ngài định đến ngụ tại nhà ông Hội Đồng Điều như Ngài đã dự tính khi ở Nhơn Nghĩa, nhưng nhà cầm quyền không chấp thuận bảo Ngài chọn chỗ khác, cố ý làm khó dễ nhứt là làm ngược lại ý định của Ngài.
Trong số anh em tín đồ ở đây, có bà Cò tàu Hảo đóng vai trọng yếu. Bà đến thương lượng với ông bà Võ Văn Giỏi, cựu thơ ký soái phủ Nam Kỳ thì được ông bà sẵn sàng nghinh tiếp. Ngài đến trình với Công an và được chấp thuận với điều kiện là không được : phát phù trị bịnh, thuyết pháp độ nhơn và mỗi tuần, vào ngày thứ hai phải đến trình diện Công an một lần.
Nhơn đó, Ngài có làm ba bài thơ tức cảnh như sau :
Việc chi mà phải đi trình báo,
Mỗi tháng bốn kỳ nhọc cẳng Ông.
Đợi máy huyền cơ xoay đến mức,
Tính xong cuộc thế lại non Bồng
.
 ***
Thứ hai hừng sáng mưa tầm tã,
Lính đứng ngoài đường giục giã Ông.
Kiếp khách trần gian vay lắm nợ,
Để đền trọn nghĩa với non sông.
 ***
Người cười người nhạo bảo Ông điên,
Ông chẳng giận ai cũng chẳng phiền.
Chỉ tiếc trần gian đùa quá vội,
Chưa tường Điên tục hay Điên Tiên.
Vì cấm đoán đến viếng thăm, anh em tín đồ không vào cửa được, đành đứng lóng nhóng bên ngoài rồi về, tạo thành tiếng đồn đến nhà cầm quyền. Hơn nữa theo sự dò xét của công an cũng thấy đúng sự thật nên từ đó sự canh phòng cũng lơi đi. Nhờ vậy Ngài tiếp xúc được nhiều nhân sĩ và hào phú đến vấn an qui y, trong số ấy được biết : ông Cả Hốt (tức Dương Vĩnh Phước), ông bà Chung Bá Khánh, ông bà Võ Văn Giỏi… trở thành tín đồ thuần thành.(1)
_________
Ghi chú :
(1). Cũng trong thời gian nầy (năm 1942), tác giả ra mắt Đức Thầy và được Ngài tiếp kiến từ 7 giờ sáng đến 2 giờ trưa, khi thấy dọn cơm mới bái tạ lui ra.
 _________
Trong thời gian ở Bạc Liêu, Ngài sáng tác rất nhiều bài vở, nhứt là lối tản văn, giải bày về giáo lý nhà Phật, như Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Diệu Đế…
Cũng nên nói qua tình hình trong lúc nầy. Quân đội Nhựt đã vào Đông Dương và lấn dần quyền hành của chánh phủ thuộc địa Pháp. Người Nhựt cho chiêu mộ người Việt vào quân đội. Có một số người Việt hưởng ứng, gia nhập hàng ngũ và được đưa về Đông Kinh huấn luyện, khi thành tài trở lại hoạt động nơi nước nhà với ý định hợp tác với quân Nhựt gở ách nô lệ, lấy lại chủ quyền quốc gia.

Trong hàng ngũ những người ái quốc ra hợp tác với quân Nhựt, có tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Hẳn họ có bổn phận phải cứu Đức Thầy ra khỏi sự kềm kẹp của người Pháp, nên vận động với nhà binh Nhựt ở Sài Gòn và được sự chấp thuận.
Vả lại, người Nhựt nhận thấy Phật Giáo Hòa Hảo có một khối tín đồ to tát ở miền Nam, có thể lợi dụng lòng yêu nước của họ trong công cuộc hạ Pháp, nếu thi ơn giải cứu được vị Giáo Chủ của họ. Như thế sẽ mua chuộc được cảm tình của khối quần chúng đông đảo nầy.

Mưu định giải cứu Đức Thầy có thể nhà cầm quyền Pháp dò biết, nên chúng định lưu cư Ngài qua Ai Lao. Nhưng chúng chẳng dè quân Nhựt lại ra tay trước.
Sở Hiến Binh Nhựt bèn phái ông Kimura cùng đi với một vài tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo xuống Bạc Liêu rước Ngài về Sài Gòn trong đêm mồng 2 tháng 9 năm Nhâm Ngọ (11-10-1942).
Vì đi đêm lại không rành đường nên tài xế lái xe đi đường về Cà Mau, đến Tắc Vân xe hư máy. Ông Kimura phải mượn xe của Bang trưởng Triều Châu chạy trở lại Bạc Liêu rồi thẳng đường về Sài Gòn. Vì vậy mà Pháp hay tin kịp.

e) Về Sài Gòn. – Nhưng xe vừa đến ngã ba Trung Lương (Mỹ Tho) thì gặp xe công an chận lại. Vì thế xảy ra tai nạn đụng làm cho ông Lâm Thơ Cưu theo hầu Ngài bị thương ở sóng mũi, còn Ngài chỉ bị thương xoàng. Công an Pháp cho điệu tất cả về Sài Gòn. Hay tin nầy nhà binh Nhựt can thiệp và phản kháng kịch liệt. Bọn Pháp giành bắt Đức Thầy còn nhà binh Nhựt thì quyết giựt lại viện cớ Đức Thầy có liên lạc với Trùng Khánh. Trước sự can thiệp quyết liệt của nhà binh Nhựt, bọn Pháp đành nhượng bộ. Thế là Đức Thầy được giải cứu. Nhà binh Nhựt đưa Ngài về phòng Thương Mãi (Hội Nghị Diên Hồng) lúc bấy giờ là cơ sở của Hiến Binh Nhựt. Ngài lưu lại đây trong vòng hai tháng rồi dọn về số 148 đường Lefevre, hiện nay là đường Nguyễn Công Trứ, phía sau Thượng Nghị Viện. Sau đó ít lâu dọn qua căn số 150 kế đó cho đến ngày Nhựt đảo chánh Pháp.

Từ khi quân Nhựt giải cứu Đức Thầy và đem Ngài về ở tại phòng Thương Mãi, trong vòng bảo vệ của Hiến Binh Nhựt, thì quân Pháp khởi sự khủng bố tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vì chúng cảm thấy số phận của chúng lâm nguy nếu để quân đội Nhựt lôi cuốn được sự hợp tác của khối tín đồ đông đảo nầy.
Nhiều nơi tín đồ bị bắt bớ, những người có uy tín ở Lục tỉnh phải tầm đường ẩn lánh lên Sài Gòn nhờ sự che chở của Đức Thầy. Vì vậy mà Ngài phải dành cả căn phố cho anh em tá túc. Về thực phẩm thì anh em ở Lục tỉnh thường xuyên tiếp tế.
Có hôm, sau khi dùng cơm trưa, anh em nằm nghỉ, Đức Thầy bước qua thấy anh em nằm sấp lớp không khác gì tằm trong nông thì nói rằng : Có khác gì tằm đâu, khi ăn dâu no rồi thì nằm nghỉ. Nhưng đây là thứ tằm không kéo kén.
Đây là những anh em hữu phước được Đức Thầy chở che nên thoát khỏi sự khủng bố của quân Pháp.
Chỉ thảm thương cho một số anh em khác, vì không kịp thoát thân nên bị quân Pháp bắt và đày đi. Người lên Bà Rá, kẻ ra Côn Đảo. Có một số lớn đã bỏ thây nơi rừng thiên nước độc hay gởi xương ngoài Côn Đảo. Trong bảng “Những Thánh tử Đạo” nên ghi nhớ những tên Ông Cả Đô, Ông Cả Từ, ông Dương Thiện Tứ tự Sừ.

Trong lúc tá túc tại nhà ở đường Lefèvre, có một số anh em tín đồ, vì chờ mãi thời cuộc mà không thấy biến chuyển nên đâm ra chán nản, hoặc than trách hoặc bỏ đi.
Cũng có người tỏ ý không bằng lòng khi Đức Thầy để cho người Nhựt bảo vệ. Như thế sợ e mang tiếng ỷ lại vào ngoại bang thì Ngài có làm hai câu đối sau đây để tỏ ý chí bất khuất của Ngài :
Trương Tiên Tá Hớn phi thần Hớn,
Quan Thánh cư Tào bất đế Tào.

Mặc dầu chưa tung bay cất cánh, thỏa chí chim bằng, Ngài cũng bắt đầu tiếp xúc các nhà trí thức, nhứt là những nhóm ái quốc, thừa cơ hội uy thế của Pháp bị quân Phù Tang làm giảm hạ, đứng ra tập hợp hàng ngũ, tổ chức thành đoàn thể chánh trị, đương nhiên thân Nhựt. Trong số đó được biết nhóm ông Ngô Đình Đẩu, Trần Văn Ân… trong Ủy Ban Trung Ương Việt Nam Phục Quốc Hội, nhóm Việt Nam Thanh Niên Ái Quốc Đoàn của ông Đinh Khắc Thiệt.
Đối với đoàn Thanh Niên Ái Quốc, Ngài có phái ông Hồ Nhựt Tân đến tham gia các phiên hợp để trợ trưởng tinh thần và tài chánh Ngài cũng có làm thơ tặng đoàn để khích lệ chí anh hùng, đề cao lòng yêu nước, trong những câu như sau :
Thanh niên nghĩa vụ phi thường,
Phận là phải biết yêu thương giống nòi.
Nay chẳng lẽ ngồi coi thắng bại,
Của cọp rồng trên dãy đất ta.
Một khi cọp đã lìa nhà,
Biết rồng có chịu buôn tha chăng cùng ?
Vậy anh em phải chung lưng lại,
Dùng sức mình đánh bại kẻ thù ;
Tỏ ra khí phách trượng phu,
Vung long tuyền kiếm tận tru gian thần.
Xưa nước đã bao lần khuynh đảo,
Được cứu nguy nhờ máu anh hùng ;
Hy sinh báo quốc tận trung,
Đem bầu nhiệt huyết so cùng sắt gang,
Việt Nam là giống Hồng Bàng,
Muôn đời xa lánh tai nàn diệt vong.

Ngài không ngớt tiếp xúc và chuẩn bị hàng ngũ, vì Ngài tiên đoán cơ hội sẽ đến cho dân Việt Nam tranh đấu, giành lại chủ quyền đã mất trong tay Pháp ngót 80 năm nay. Ngày mà mọi người mong đợi ấy đã điểm. Đó là ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945, ngày Nhựt đảo chánh Pháp, ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ chấm dứt giai đoạn ràng buộc bước sang giai đoạn công khai hoạt động đấu tranh.
 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn