Chương X: Dấn Thân

15 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 28500)
Chương X: Dấn Thân

Sau khi Đức Thầy lên đường lánh nạn, tình hình trong nước trở nên trầm trọng. Đứng trước nạn xâm lăng của quân Pháp được Anh và bạn Đồng Minh ủng hộ, đang chực chờ tái chiếm Đông Dương, bọn Trần Văn Giàu chẳng những không tìm phương đối phó, mà lại lo đàn áp các đảng phái quốc gia, những phần tử yêu nước bằng lối vu khống ghép cho những tội phản quốc, làm Việt gian để đánh mờ dư luận, che mắt thế gian về tung tích của mình “làm Việt gian, đi đêm với Pháp” mà ông Huỳnh văn Phương có đủ tài liệu trong tay khi ông làm Tổng Giám Đốc công an trong thời chánh phủ Trần Trọng Kim và Nguyễn văn Sâm làm Khâm sai Nam Bộ.

Do chánh sách vu khống ấy mà máu đồng bào đổ quá nhiều, gây nên nạn cốt nhục tương tàn, phá tan sự đoàn kết quốc gia. Hằng ngày đều có những tin bắt bớ khủng khiếp và hành quyết đồng bào vô tội vì danh từ Việt Gian. Một thảm họa khốc liệt đã gieo khắp non sông nước Việt.

Nào là tin Tạ Thu Thâu bị bắt ở Quảng Ngãi, nào lãnh tụ quốc gia bị bắt và bị thủ tiêu.
Trong lúc đó thì quân Pháp nhờ quân Anh yểm trợ trở lại chiếm Sài Gòn ngày 23-9-1945 rồi lần lượt các tỉnh miền Nam. Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ trước hơn ai hết, cuốn gói bỏ Sài Gòn rút về Chợ Đêm, nơi đây cho hành quyết một số lãnh tụ có tiếng như Hồ Văn Ngà, Huỳnh Văn Phương, Hồ Vĩnh Ký, Bùi Quang Chiêu…
Trước sự tấn công mãnh liệt của quân Pháp, Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ rút về Rạch Giá rồi sau cùng về Cà Mau, hợp với Kiều công Cung và Đào văn Trường thành lập Ủy Ban Kháng Chiến Nam Bộ, nhưng không được khuyếch trương trong nhân dân vì phong trào chống độc tài một ngày một bành trướng. Nguyễn Hòa Hiệp kéo Đệ Tam Sư Đoàn về án ngữ Cao Lãnh và Đồng Tháp phát động phong trào chống độc tài đỏ.
Ở Hậu Giang, anh em tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vì bị đàn áp nghiệt ngã, đứng lên chống lại. Một cuộc xô xát đẫm máu xảy ra giữa Việt Minh và Hòa Hảo của nhóm võ sĩ mà Đức Thầy kết nạp vào hàng ngũ Đội Bảo An.
Trên bước đường lánh nạn, Ngài vô cùng đau khổ nhìn thấy non sông một ngày một tràn ngập “lũ Tây di”, cũng vì bọn cường quyền ngu si thi hành chánh sách độc tài đảng trị, giết hại đồng bào, gây cảnh nồi da xáo thịt, có lợi cho bọn xâm lăng cướp nước.
Ngài đã thống thiết thốt ra những lời bi cảm trong một bài thơ tự thán như sau :

Gió hiu hắc bên rừng quạnh quẻ,
Nhìn non sông đượm vẻ tang thương.
Mối tình chủng loại vấn vương,
Thấy quân xâm lược hùng cường căm gan.
Vừa toan rút gươm vàng ngăn giặc,
Bỗng họa đâu gieo rắc bất kỳ.
Cường quyền một lũ ngu si,
Oan nầy hận ấy sử ghi muôn đời.
Truyền khắp nước muôn lời vu cáo,
Dùng trăm ngàn thói bạo hiếp dân;
Làm cho trong nước rẻ phân,
Làm cho giặc Pháp một lần sướng rang.
Vậy cũng gọi an bang định quốc,
Rồi rút lui bỏ mất thành trì :
Giống nòi nỡ giết nhau chi,
Bạng duật tương trì lợi lũ ngư ông.

Trong khoảng cuối năm Ất Dậu, quân Pháp có mặt khắp miền Nam, bọn Trần văn Giàu đã đào tẩu về miền Bắc. Anh em tín đồ đã liên lạc được với Đức Thầy và lo liệu đưa Ngài trở về Chợ Lớn vào thượng tuần tháng chạp năm Ất Dậu. Tính ra từ ngày Ngài ngộ tại đường Sohier lánh thân lên Biên Hòa, Long Thành, Bà Rịa, Cỏ May, Rừng Chà Là cho đến ngày hồi cư trên bốn tháng.
Anh em đưa Ngài vào trú ngụ ở một tiệm khách làm bia đá ở bến Lê Quang Liêm trong Chợ Lớn ; nơi đây chỉ mướn được một chỗ để giường đủ cho Ngài và một tín đồ theo hầu Ngài ẩn thân.
Mặc dầu trải lắm hồi gian truân nguy khốn, lòng yêu nước nồng nàn của Ngài không vì thế mà núng nao trước sự thành bại. Ngài cương quyết tiếp tục cuộc tranh đấu, nguyện đền bồi ơn đất nước :

Nếu mất thôi đành xong món nợ,
Nay còn há dễ ngó lơ sao ?
Dọc ngang chí cả dù lao khổ,
Thất bại đâu nào dạ núng nao.

Thất bại đâu nào dạ núng nao,
Non sông bao phủ khí anh hào.
Phen nầy cũng quyết đền ơn nước,
Máu giặc nguyện đem nhuộm chiến bào.


Từ hôm trở lại Chợ Lớn, Ngài đã hoàn toàn hóa trang : tóc hớt ngắn, (1) phục sức như người Tàu, mang kiến trắng và đi xe đạp. Nếu không để ý hay quen biết thì không thể nào nhận ra Ngài, vì từ cách đi đứng đến nói năng Ngài đã biến thành một người Tàu. Anh em tín đồ đã lo cho Ngài có một cái giấy Tàu. Hơn nữa Ngài nói tiếng Tàu như người Tàu thì còn ai biết Ngài là người Việt.

(1). Từ ngày vào bịnh viện Chợ Quán, Ngài đã hớt tóc ngắn rồi.

Lần lượt sự liên lạc với anh em tín đồ ở Hậu Giang được nối lại nhưng rất hạn chế, chỉ những người được phép mới đến gặp Ngài, khi thì ở vườn hoa khi thì ở tiệm nước Băng gia hay ở tiệm cơm chay Phật Hữu Duyên ở Chợ Lớn.
Khi nắm vững tình hình trong nước, Ngài mới khởi sự tiếp xúc lại với các chánh khách, lãnh tụ các đảng phái quốc gia và sau nhiều lần trao đổi ý kiến và hội họp, cùng đi đến quyết định xây dựng lại một lực lượng tranh đấu mới để kịp thời đối phó với tình thế mới.
Ngài nhứt quyết dấn thân vào cuộc đấu tranh dầu phải gian lao, miễn được bảo tồn non nước Việt. Chí khí cứu nước, chống xâm lăng đã bộc lộ tràn trề trong bài thơ “Rứt áo cà sa” như sau :

Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau,
Quyết rứt cà sa mặc chiến bào,
Đuổi bọn xâm lăng gìn đất nước,
Ngọn cờ độc lập phất phơ cao.

Ngọn cờ độc lập phất phơ cao,
Nòi giống Lạc Hồng hiệp sức nhau.
Tay súng tay gươm xông trận địa,
Dầu cho giặc mạnh há lòng nao.

Dầu cho giặc mạnh há lòng na,
Nam Việt ngàn xưa đúc khí hào.
Lúc giặc xâm lăng mưu thống trị,
Anh hùng đâu sá cảnh gian lao.

Anh hùng đâu sá cảnh gian lao.
Chiến địa giao phong rưới máu đào;
Miễn đặng bảo toàn non nước cũ,
Giữ an tánh mạng cả đồng bào.


MẶT TRẬN QUỐC GIA LIÊN HIỆP VIỆT NAM. – Vào khoảng đầu năm 1946, Ngài đã tiếp xúc lại với các lãnh tụ quốc gia và đã cùng nhau thảo luận sự tổng hợp các lực lượng quân sự bị rời rạc trước sự càn quét của quân đội Pháp và sự đàn áp, khủng bố của Việt Minh Cộng sản, thành một trận tuyến, cấp bách cứu vãn tình thế nước nhà, khi bọn Trần văn Giàu tẩu đào về Bắc, quần chúng xơ xát trước sự tấn công của quân xâm lăng.
Ngày 2-4-1946, Huỳnh văn Trí tức Mười Trí chỉ huy Chi đội 4 Vệ Quốc Đoàn, triệu tập tại Bà Quẹo một hội nghị bất thường và đã đi đến thành lập Ủy Ban Liên Hiệp Kháng Chiến, thay thế Ủy Ban Hành Chánh và Kháng Chiến Nam Bộ.
Sau khi sự liên hiệp quân sự thành lập, các thành phần quốc gia thấy cần thực hiện sự liên hiệp chánh trị. Do đó ông Vũ Tam Anh, Trưởng Đệ Nhị Sư Đoàn hiệp với tướng Mười Trí triệu tập tại Bà Quẹo nơi bản dinh của Mười Trí, một Đại hội nghị quân chính gồm đông đủ đại diện các đoàn thể chính trị, tôn giáo và các lực lượng võ trang.
Đại diện tôn giáo gồm có :
- Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo.
- Lê văn Tỵ đại diện Cao Đài Tây Ninh.
- Giáo sư Huỳnh Thơ Hương đại diện Cao Đài kháng chiến Hậu Giang.
- Lâm Văn Hậu đại diện Tịnh Độ cư sĩ.
- Linh mục Nguyễn Bá Sang đại diện Thiên Chúa Giáo.
Đại diện các đoàn thể chánh trị gồm có :
- Phạm Thiều đại diện Phòng chánh trị khu 7
- Trần văn Lâm đại diện V.N. Quốc Dân Đảng
- Phạm Ngọc Chiếu đại diện Đảng Thống Nhứt
- Mai Thọ Trân thay mặt Hà Huy Giáp, đại diện Tổng Công Đoàn và Kỳ Bộ V.M.
- Nguyễn văn Sâm và Nguyễn Bảo Toàn, Lãnh tụ và Tổng thư ký V.N. Quốc Gia Độc Lập Đảng
- Phạm Hữu Đức, Nguyễn văn Nhân đại diện Huỳnh Long Đảng.
Đại diện các lực lượng quân sự gồm có :
- Lê Trung Nghĩa đại diện Lực lượng Kháng chiến
- Phan Định Công thay mặt Nguyễn Bình khu trưởng Khu 7
- Huỳnh văn Trí chỉ huy trưởng Vệ Quốc Đoàn Bà Quẹo kiêm đại diện Liên chi Bình Xuyên.
- Lai Hữu Tài đại diện Vệ Quốc Đoàn địa phương Sài Gòn Chợ Lớn.
- Phạm Hùng Đức chỉ huy trưởng Chi đội 5 Vệ Quốc Đoàn.
- Huỳnh Tấn Chùa chỉ huy trưởng Chi đội 12 Vệ Quốc Đoàn.
- Vũ Tam Anh chỉ huy trưởng Đệ nhị Sư đoàn Dân quân Cách mạng.
- Châu Tỷ chỉ huy trưởng Du kích quân địa phương Sài Gòn Chợ Lớn
- Từ Văn Ri và Từ Huỳnh chi đội trưởng và Đội trưởng Chi đội 12
- Lâm văn Đức chi đội Trưởng Chi đội 25
- Nguyễn văn Đội tự Sáu Đội, Chi đội 7 đội lại Trung đoàn 307
- Nguyễn văn Mười Chi đội trưởng chi đội 8, Lực Lượng Cao Đài Kháng Chiến Tây Ninh.
Hội nghị họp ngày 20 tháng 4 năm 1946 vào 13 giờ. Sau ba ngày đêm thảo luận sôi nổi, mọi người đều chấp nhận và tuyên bố thành lập : Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp Việt Nam để huy động toàn lực các đoàn thể tôn giáo, chánh trị, quân sự…chống xâm lăng.
 Một ban chấp hành được thành lập với thành phần như sau :
 Chủ Tịch : Hoàng Anh (Bí danh của Đức Thầy)
 Phó Chủ Tịch : Vũ Tam Anh
 Thơ ký : Mai Thọ Trân
 Tuyên Truyền : Lê Trung Nghĩa
 Ủy viên Quân sự : Huỳnh Văn Trí
 Cố vấn : Phạm Thiều, Phạm Hữu Đức, Trần văn Lâm
 Ngoài ra còn thành lập Ủy Ban Quân sự Tối cao. Võ phòng đặt tại ấp Tám làng Vĩnh Lạc (miệt Bà Quẹo, 18 thôn vườn trầu) và có một tờ báo bí mật : tờ Tự Do làm cơ quan tranh đấu.
 Mặt trận có phái người đi hoạt động miền Trung và Bắc để thành lập ở mỗi nơi một Mặt Trận có thống nhứt lực lượng toàn quốc chống xâm lăng.
 Riêng về khu Sài Gòn, Đức Thầy, ông Lê Trung Nghĩa và giáo sư Phạm Thiều lãnh công tác vận động dân chúng kháng chiến ủng hộ Mặt Trận. Công cuộc bị bại lộ, một số người bi bắt trong đó có cha Luật, cha Sang. Rất may là Đức Thầy, ông Lê Trung Nghĩa và một nữ liên lạc viên thoát khỏi.
 Chúng có tìm đến lục soát chỗ Đức Thầy ở, nhưng không tìm thấy tài liệu cất dưới gối, mặc dầu chúng đã lật qua lật lại nhiều lần.
 Thấy bại lộ, Đức Thầy cho dời phòng đi nơi khác và căn dặn phải mướn một căn nhà có ngõ hậu. Anh em tín đồ cũng rán mướn gần đó một chỗ ở như ý muốn.
 Có một hôm Đức Thầy về nghỉ; lối nửa đêm Ngài thức giấc bước ra cửa sau đi tiểu thì liền lúc đó bọn Công an Pháp đến kêu cửa phía trước và tràn vào lục soát, rọi đèn khắp phía sau mà không thấy Đức Thầy. Khi bọn chúng đi rồi, Ngài bước vào nhà, anh em theo ủng hộ hỏi Ngài sao biết có cuộc khám xét mà lánh thân và ẩn cách nào mà bọn chúng rọi đèn không thấy thì Ngài đáp : Ngài đi tiểu chớ có biết bọn chúng đến xét đâu mà tránh, Ngài đứng tiểu phía sau chớ có đi đâu, tại chúng rọi không thấy.
 Cũng trong thời gian Ngài ở trọ căn nhà nầy, tuy gọi là mướn chỗ ở, nhưng Ngài thường đi luôn, lâu lâu mới về nghỉ năm ba hôm để tiếp xúc với anh em tín đồ dưới Hậu Giang lên, rồi thì vắng mặt. Cô chủ nhà có một cô em gái thấy Đức Thầy thì đem lòng thầm yêu. Để thức tỉnh lòng phàm của con người trần tục, Ngài có làm ba bài thơ “Tình yêu” như sau :
 Ta có tình yêu rất đượm nồng,
 Yêu đời yêu lẫn cả non sông ;
 Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ,
 Không thể yêu riêng khách má hồng.

 Nếu khách má hồng muốn được yêu,
 Thì trong tâm chí hãy xoay chiều.
 Hướng về phụng sự cho nhân loại,
 Sẽ gặp tình Ta trong khối yêu.

 Ta đã đa mang một mối tình,
 Dường như thệ hải với sơn minh.
 Tình yêu mà chẳng yêu ai cả,
 Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh.

 Ai cũng nhận Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp quả là một Mặt trận thống hợp các lực lượng quốc gia, tạo thành một thế vững mạnh cho chánh nghĩa dân tộc được quần chúng ủng hộ, nhiệt liệt tham gia. Quân Pháp đâm ra lo ngại mà Cộng sản cũng canh cánh phập phòng không khéo Mặt Trận Liên Hiệp sẽ làm lu mờ Mặt Trận Việt Minh, nên chi Cộng sản tìm cách ngăn chận và mưu toan phá cho tan vở.
 Về phía quân Pháp thì chúng đổi chiến lược, thay vì đem toàn lực tấn công các lực lượng cộng sản, chúng đâm mũi dùi vào hàng ngũ quốc gia. Ở thành chúng cho công an cảnh sát lục soát, chận bắt các nhân viên của Mặt Trận và phá vở các ổ liên lạc. Hơn 150 nhân viên của Mặt Trận bị bắt, trong đó có quí ông Nguyễn Trung Chánh, Nguyễn Thanh Tân bị đày đi Côn Đảo. Ở bưng, chúng đem toàn lực thủy lục không quân tấn công các căn cứ quốc gia, đánh dồn về biên giới Cao Miên (Quéo Ba, Thổ Địa, Bình Hòa).
 Thừa dịp Mặt Trận Quốc Gia đang đối phó với xâm lăng, Cộng sản tung ra Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Hiệp), dùng một danh từ tương tợ (Liên Hiệp) để gây sự hiểu lầm trong các giới đồng bào, với dụng ý đem Hội Liên Hiệp đánh tráo Mặt Trận Liên Hiệp. Nguyễn Bình và Phạm Thiều tuyên bố rút khỏi Mặt Trận và đề nghị đổi Mặt Trận Liên Hiệp thành Hội Liên Hiệp, nhưng đề nghị nầy không được các đoàn thể quốc gia chấp nhận.
 Thế là, Cộng sản, trong lúc tình thế nước nhà đang nguy ngập trước nạn xâm lăng, nhẫn tâm dùng thủ đoạn mượn danh nghĩa chánh phủ giải tán Mặt Trận thẳng tay khủng bố các đoàn thể quốc gia. Cuộc khủng bố giữa Quốc Cộng bùng nổ ở miền Nam cũng như ở miền Bắc.
 Do thỏa hiệp 6-3-1946, ký kết với Pháp, chánh quyền Cộng sản liên quân với Pháp đàn áp các lực lượng quốc gia ngoài Bắc. Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Các Mạng Đồng Minh Hội bị tấn công đến tan rã hàng ngũ phải chạy sang Trung Hoa.
 Còn ở miền Nam thì các đoàn thể quốc gia bị khủng bố tới tấp. Đứng trước sự phản bội của Cộng sản, Đức Thầy liền triệu tập Đại hội để quyết định thái độ. Đứng trước nguy cơ của đất nước, các đoàn thể không tự cho phép dùng võ lực đối phó lại, sợ làm suy giảm tiềm lực kháng chiến của quốc gia, nên chấp nhận tạm giải tán Mặt Trận vào thượng tuần tháng 7 năm 1946, nhưng cương quyết không nhận tham gia Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam.
 Đứng trước sự phản bội của Cộng sản, nhứt là sự cốt nhục tương tàn so chánh sách khủng bố của chế độ độc tài gây nên, Đức Thầy vô cùng thống khổ, viết ra những dòng thơ bọc lộ tâm can của một chiến sĩ đặt quyền lợi quốc gia trên mọi quyền lợi bè phái hay thù riêng, dống lên “Tiếng chuông cảnh tỉnh” :

 Hãy tỉnh giấc hỡi muôn ngàn chiến sĩ,
 Mở lòng ra thương nghĩ sanh linh.
 Đồng bào ai nỡ dứt tình,
 Mà đem chém giết để mình an vui.
 
 Dù lúc trước nếm mùi cay đắng,
 Kẻ độc tài đem tặng cho Ta;
 Sau nầy Tòa án quốc gia,
 Sẽ đem kẻ ấy mà gia tội hình.

 Lúc bây giờ muôn binh xâm lược,
 Đang đạp vây non nước Việt Nam,
 Thù riêng muôn vạn cho cam,
 Cũng nên gát bỏ để làm nghĩa công.


 Rồi Ngài kêu gọi mở lòng khoan dung tha thứ và vì nghĩa đồng chủng đồng bào, hãy hiệp lực đoàn kết nhau chống phân ly (bọn Nam Kỳ tự trị) và chống xâm lược (Pháp).

 Khắp Bắc Nam Lạc Hồng một giống,
 Tha thứ nhau để sống cùng nhau.
 Quí nhau từng giọt máu đào,
 Để đem máu ấy tưới vào địch quân.

 Đấng anh hùng vang lừng bốn bể,
 Các sắc dân đều nể đều vì,
 Đồng bào nỡ giết nhau chi,
 Bạn duật tương trì lợi lũ ngư ông.

 Hỡi những kẻ có lòng yêu nước,
 Nghe lời khuyên tỉnh được giấc mê.
 Anh em lớn nhỏ quày về,
 Hiệp nhau một khối chớ hề phân ly.
 
 Đả đảo bọn Nam kỳ nô lệ,
 Kiếp cúi lòn thế hệ qua rồi.
 Lời vàng kêu gọi khắp nơi,
 Anh em chiến sĩ nhớ lời Ta khuyên.

 VIỆT NAM DÂN CHỦ XÃ HỘI ĐẢNG. – Mặc dầu Mặt Trận chánh trị không còn hoạt động, nhưng về mặt quân sự, Đức Thầy vẫn còn hợp lực với các nhà chỉ huy quân sự như Huỳnh văn Trí, Lê văn Viễn và các trưởng chi đội thuộc thành phần quốc gia đấu tranh chống xâm lăng.
 Đứng trước tình hình đất nước càng ngày càng nguy ngập, Ngài nhận thất không thể tranh đấu thuần mặt quân sự mà cần phải tranh đấu về mặt chánh trị mới mong chống xâm lăng Pháp và ngăn chận được nạn độc tài giành lãnh đạo kháng chiến là điều thất lời cho công cuộc kháng chiến chống xâm lăng về phương diện đối ngoại cũng như về phương diện đối nội.
 VỀ ĐỐI NGOẠI. – Nếu để Cộng sản hay cán bộ Cộng sản Đệ Tam Quốc tế lãnh đạo kháng chiến chắc chắn sẽ không được sự ủng hộ của Đồng minh không cộng sản. Do đó cuộc kháng chiến phải đau khổ, gây nhiều tang tóc cho quốc gia, thảm hại cho đồng bào. Trái lại, nếu người quốc gia lãnh đạo kháng chiến, chắc chắn sẽ được các nước Đồng minh dân chủ ủng hộ, nhờ đó mà cuộc kháng chiến không dai dẳng. Như trường hợp của Nam Dương, ban đầu cuộc kháng chiến do Sokarno một lãnh tụ thân Trục Phát xít lãnh đạo, thấy bất lợi nên nhường quyền lãnh đạo kháng chiến lại cho Bác sĩ Djarir thân Đồng minh, nhờ vậy mà các nước dân chủ ủng hộ, bắt Hòa Lan phải rút lui, trả quyền tự chủ cho Nam Dương.
 VỀ ĐỐI NỘI. – Cộng sản khi lên nắm chánh quyền đã thi hành chánh sách độc tài đảng trị, giết hại đồng bào, gây tang tóc cho quê hương, vì vậy mà không thực hiện sự đoàn kết toàn dân. Hơn nữa thiếu chánh nghĩa dân tộc, Việt Minh không thể thủ lấy vai trò lãnh đạo chánh trị. Vì vậy mà cuộc kháng chiến kéo dài gây điêu linh cho đất nước, đau khổ cho đồng bào.
 Bởi nhìn thấy những trở ngại như đã nói trên, Đức Thầy, muốn cho cuộc kháng chiến hữu hiệu mau đạt thắng lợi, vừa được cảm tình các nước dân chủ bên ngoài vừa được sự ủng hộ nhiệt liệt của toàn dân bên trong, cần phải có một lực lượng đoàn kết quốc gia, nêu cao được ngọn cờ chánh nghĩa dân tộc.
 Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp đã phá tan, không vì thế mà không tiếp tục tranh đấu. Đức Thầy bèn nghĩ đến sự tái tạo một lực lượng chánh trị khác khả dĩ kịp thời ứng phó với thời cuộc và đủ sức chống xâm lăng cứu nước.
 Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp tuy qui tụ được nhiều đoàn thể tôn giáo, chánh trị, nhiều lực lượng võ trang nhưng với tổ chức mặt trận, sự lãnh đạo bao giờ cũng lỏng lẻo rất dễ bị phá hoại, tan rã.
 Cho được thống nhứt hành động, lãnh đạo duy nhứt cần phải tổ chức thánh một chánh đảng, gồm những thành phần thuần nhứt (homogène) cùng chấp nhận một đường lối, lập trường tranh đấu chung và cùng chịu khép mình vào những kỷ luật sắt.
 Khi hội hợp và gần gũi nhau tranh đấu trong Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp, Đức Thầy đã tìm thấy những bạn tri kỷ, những người có thể trở thành đồng chí, cùng đứng chung trong một tổ chức chặc chẽ, có lập trường, kỷ cương hẳn hoi : tổ chức một chánh đảng quốc gia, gồm nhiều thành phần cùng chung một chí hướng.
 Ngài nhận thấy Phật Giáo Hòa Hảo là một tổ chức qui tụ các thành phần nông dân, chỉ có lòng thiết tha yêu nước và dám hành động cách mạng nhưng lại kém văn hóa, vì là thành phần bạc đãi trong xã hội, thường bị bóc lột sức lao động, sống một đời cần cù, mãi lo ăn lo mặc không rồi thì còn đâu được rỗi rảnh để trau giồi về mặt văn hóa, trí thức.
 Trái lại đảng viên của Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng của quí ông : Nguyễn văn Sâm, Nguyễn Bảo Toàn, Lâm văn Tết, Lê văn Thu, Trần văn Ân… là một tổ chức khá quan trọng qui tụ hầu hết các thành phần trí thức thành thị, có những cán bộ xuất thân trong hàng khoa bảng, có những đảng viên từng được trui luyện trong các cuộc tranh đấu quần chúng thợ thuyền, nhưng nếu đem sánh với khối nông dân của Phật Giáo Hòa Hảo thì họ trở nên thiểu số.
 Vì vậy nếu đứng riêng rẽ tranh đấu, mỗi đoàn thể không sao tạo thành một lực lượng hùng hậu khả dĩ thay đổi được thế cờ, chuyển được vận nước ; bởi một đàng có lực lượng quần chúng nhưng thiếu cán bộ điều khiển, còn một đàng có thừa cán bộ chỉ huy nhưng lại không có khối quần chúng ủng hộ.
 Nếu hai lực lượng nầy được hợp nhứt và nếu có thể qui tụ thêm vài thành phần nữa, thành một chánh đảng thì chắc chắn đủ sức tranh đấu chuyển được thế nước, đem lại thắng lợi cho quốc gia, và đủ sức lãnh đạo nước nhà theo một chương trình cấp tiến, phù hạp với nguyện vọng của toàn dân và tiến kịp trào lưu thế giới.
 Nhận thức được sự cần thiết xây dựng một lực lượng chánh trị duy nhứt, các nhà lãnh đạo của hai đoàn thể Phật Giáo Hòa Hảo và Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng, thống hợp nhau thành Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, gọi tắt là Dân Xã Đảng.
 Đó là hai thành phần cốt cán của Đảng Dân Xã, nhưng ngoài hai thành phần nầy, Đảng còn kết nạp các thành phần khác, tuy không quan trọng về lực lượng quần chúng, nhưng có một số cán bộ tân tiến trong những tổ chức : Cần Lao, kháng chiến, thanh niên…
 Ban lãnh đạo tổ chức theo hình thức chủ tịch đoàn gồm tối đa 15 nhân viên gọi là Ủy viên Trung Ương, có thể mỗi ủy viên đảm trách một nhiệm vụ. Trung Ương Đảng bộ được tổ chức và gồm có :
- Nguyễn Bảo Toàn Tổng Bí Thơ
- Nguyễn văn Sâm Ủy viên Trung Ương đắc trách Ngoại Giao
- Trần văn Ân Ủy viên Trung Ương đặc trách Tuyên Truyền
- Lê văn Thu Ủy viên Trung Ương đặc trách Huấn Luyện
- Lâm văn Tết Ủy viên Trung Ương đặc trách Tài Chánh
- Đỗ Phong Thuần Ủy viên Trung Ương đặc trách Tài Chánh
- Trần văn Tâm Ủy viên Trung Ương đặc trách Thủ Quỹ
- La văn Thuận Ủy viên Trung Ương đặc trách Liên Lạc.
Còn Đức Huỳnh Giáo Chủ, Ngài chỉ giữ chức Ủy Viên Trung Ương không có đặc trách một nhiệm vụ nào cả.
 Cứ xem thành phần của Ban Chấp Hành Trung Ương ai cũng thấy hầu hết những chức vụ quan trọng đều giao phó cho anh em bên Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng. Đức Thầy giao trọn bộ máy đều hành Đảng cho anh em thuộc thành phần trí thức và có thành tích đấu tranh, có uy tín trong nhân dân, từng tham gia các phong trào chống Pháp và từng vào tù ra khám như quí ông : Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn văn Sâm, Trần văn Ân…
 Có người hỏi Đức Thầy sao lại trao cả bộ máy điều khiển Đảng cho anh em Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng, không sợ người ta lợi dụng để làm nấc thang danh lợi hay sao thì Ngài có trả lời đại khái như sau :
 Phàm hợp tác thì nên thành thật. Đã tín nhiệm thì phải dùng và đặt để đúng chỗ, xứng với tài năng của người. Việc cứu nước là việc chung, mình nên ủng hộ cho người ta làm, chớ đừng ganh tỵ, tranh giành mà hư việc lớn. Mình nên thực tâm đem khối quần chúng hùng hậu của mình ủng hộ cho các chiến sĩ cách mạng tranh đấu cho đất nước. Ngày nào mình thấy họ có ý lợi dụng hay không thực tâm tranh đấu cho quyền lợi quốc gia thì mình rút sự ủng hộ lại. Quần chúng là của mình, mất mát đâu mà sợ.
 Trung Ương Đảng Bộ cho mở khóa huấn luyện chánh trị đầu tiên tại Sài Gòn và đồng thời cho xuất bản tờ Quần Chúng làm cơ quan tranh đấu. Toà soạn đặt tại đường Chaigneau, nay là Tôn Thất Đạm, có cả máy in riêng. Uy thế của Đảng một ngày một lớn mạnh thu hút một số đông trí thức thành tham gia vào cuộc đấu tranh chống xâm lăng bằng hai đường lối : cách mạng ở bưng và đường lối chánh trị ở thành.
 Vì sợ ảnh hưởng của Đảng Dân Xã, Cộng sản tìm cách phá hoại bằng lối tung lựu đạn vào tòa soạn báo Quần Chúng ; còn thức dân Pháp thì tìm cách ám hại Ủy viên Trung Ương.

 THAM CHÁNH. – Mặc dầu đã thành lập Đảng Dân Xã, hoạt động chánh trị ngoại thành với tờ báo Quần Chúng làm cơ quan ngôn luận, nhưng Ngài ít ở Sài Gòn, mà thường có mặt ở chiến khu. Ngài để chơn khắp miền Đông nào là : Bà Quẹo, Hòa Bình, Quéo Ba, Vườn Thơm, Thổ Địa, Chòi Mòi, Bù Lu, Mộc Hóa, Lạc An, An Phú Đông…sát cánh với anh em chiến sĩ, các cấp thuộc thành phần quốc gia như : Huỳnh văn Trí, Lê văn Viễn.
 Nhận thất ảnh hưởng của Đảng Dân Xã được các thành phần trí thức thành thị tham gia khá đông và nói tiếng chánh nghĩa của báo Quần Chúng được đồng bào trong nước hân hoan tiếp nhận và dư luận quốc tế đặc biệt chú ý, Cộng sản mấy lần phá hoại hàng ngũ quốc gia không thấy hiệu quả, nên phen nầy thay đổi chánh sách khủng bố ra chánh sách hòa dịu đối với Đức Huỳnh Giáo Chủ mong được hợp tác trở lại để tăng cường lực lượng kháng chiến hầu có đủ sức chống xâm lăng, nhứt là lực lượng võ trang của Phật Giáo Hòa Hảo đã từng biểu diễn trong nhiều cuộc đột kích thắng lợi quân Pháp ở nhiều nơi.
 Để nối lại liên lạc hầu đi đến sự hợp tác, Trường Phong Phạm Thiều tìm đến gặp Đức Thầy.
 Trong cuộc đàm thoại, Phạm Thiều có ý trách anh em tín đồ ở Hậu Giang gây nên cuộc xô xát giữa V.M và Hòa Hảo thì Đức Thầy có đáp : Đứng về mặt tôn giáo, lấy đức hiếu sinh của nhà Phật làm tiêu chuẩn song tôi đã ra làm chánh trị thì những sự xô xát thương tâm do bên V.M. gây ra, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo chỉ đứng về phương diện tự vệ mà thôi.
 Sau đó một thời gian, trong lúc Ngài ở Tổng bản dinh Bộ đội An Điền, Phạm thiều có gởi đến cho Ngài 5 bài thơ khích tướng, có ý mời Ngài tham chánh cứu dân cứu nước, dẹp bỏ mối hiềm xưa :

 Mưa gió thâu canh mãi dập dồn,
 Âm u tràn ngập cả càn khôn.
 Hỡi ai thức ngủ trong đêm ấy,
 Có thấu tai chăng tiếng quốc hồn.

 Sao còn khắc khoải mối hiềm xưa,
 Trang sử chùi đi những vết nhơ.
 Giữ gìn tim son không chút bợn,
 Mặc toà dư luận thâu hay chưa.

 Sao còn lãnh đạm với đồng bang,
 Toan trút cho ai gánh trị an.
 Thảm kịch “tương tàn” chưa hết diễn,
 Long Xuyên, Châu Đốc lụy muôn hàng.
 Sao còn ngần ngại chẳng ra tay,
 Trước cảnh xâm lăng cảnh đọa đày.
 Ngọn lửa binh đao lan khắp đất,
 Phật Trời soi thấu cũng chau mày.

 Chẳng có cà sa chẳng chiến bào,
 Về đây tham chánh mới là cao,
 Non sông chờ đợi người minh triết,
 Chớ để danh thơm chỉ Võ Hầu.


 Ngày 1 tháng 10 năm 1946, Đức Thầy gởi bài thơ họa lại nguyên vận như sau :

 Những nỗi đau thương mãi dập dồn,
 Càng nhiều luân lạc lại càng khôn.
 Lặng nhìn thế sự nào ai ngủ,
 Chờ dịp vung tay dậy quốc hồn.

 Từ bi đâu vướng mối hiềm xưa,
 Nhưng vẫn lọc lừa bạn sạch nhơ.
 Nếu quả tri âm tri ngộ có,
 Thì là hiệp lực hiểu hay chưa ?

 Nhìn xem Trung quốc khách lân bang,
 Cứ cố xỏ ngầm sao trị an ?
 Nếu thiệt hai bên đồng hiệp trí,
 Kẻ gây thảm kịch phải qui hàng.

 Lắm kẻ chực chờ đặng phỏng tay,
 Mà sao chánh sách bắt dân đày.
 Vẫn còn áp dụng vì phe đảng,
 Chẳng muốn xông ra sợ cháy mày.

 Thà ở trong quân mặc chiến bào,
 Ngày qua sẽ biết thấp hay cao.
 Nào ai dám sánh mình minh triết,
 Mà dám lăm le mộng Võ Hầu.


 Trước tình thế nước nhà càng ngày càng trở nên nguy ngập, do nạn Thực dân xâm lược, đồng bào bị giết, nhà cửa vườn tược bị tàn phá tan hoang, Đức Thầy trong tuần tháng 10 năm 1946 chấp nhận tham chánh, nhưng với một chức vụ hết sức khiêm tốn, có thể nói một chức vụ tượng trưng cho tình đoàn kết chống xâm lăng : Ủy viên Đặc biệt trong Ủy Ban Hành Chánh Nam bộ.
 Ngài đã giải bày lý do của sự tham chánh ấy trong một bản tuyên bố đăng trên báo Quần Chúng ngày 14-11-1946, như sau :
 “Hôm nay, nhận rõ cuộc tranh đấu cho tổ quốc còn dài và cần nhiều nỗ lực, hưởng ứng với tiếng gọi đại đoàn kết của chánh phủ Trung Ương, tôi quyết định tham gia hành chánh với những mục đích nầy :
1. Để tỏ cho quốc dân và chánh phủ thấy rằng chúng tôi chủ trương thống nhứt lãnh thổ và độc lập quốc gia.
2. Để biểu dương tinh thần đoàn kết của dân tộc hầu mau đem thắng lợi cuối cùng.
3. Để tỏ cho các đảng phái thấy rằng chúng tôi không khi nào có những tham vọng cao sang vương bá hay vì hềm riêng mà hờ hững với phận sự cứu quốc.
Biểu lộ tấm lòng thành thật ấy, tôi chỉ nhận một nhiệm vụ cần thiết, hạp với hoàn cảnh và năng lực mình, cố gắng giàn xếp về hành chánh và quân sự để củng cố tăng cường lực lượng của quốc gia.
 Để giàn xếp các cuộc xô xát giữa Việt Minh và Hòa Hảo – Dân Xã, Ngài chấp nhận thành lập một Ủy Ban Hòa Giải gồm có ba thành viên :
 Đại diện Cộng Sản : Hoàng Du Khương
 Đại diện Thiên Chúa Giáo : Linh mục Lê bá Luật
 Đại diện Phật Giáo Hòa Hảo : Mai văn Dậu
 Linh mục Lê bá Luật đúng lý đóng vai trò là trung gian, nhưng theo dư luận, ông thuộc thành phần Thiên Chúa giáo thân Cộng. Thành thử ông Mai văn Dậu phải luôn luôn ở thế chống đối. Vả lại ông là người cương trực và khôn ngoan nên đại diện kia không thể lừa hay lấn áp. Nhờ vậy mà một số cán bộ Dân Xã được cứu thoát.
 Vì có sự chênh lệch cho nên công cuộc xô xát giữa V.M. và Hòa Hảo lại bùng cháy mãnh liệt hơn trước. Việt Minh lợi dụng tư thế chánh quyền dở thủ đoạn đàn áp và thủ tiêu tín đồ Hòa Hảo và đảng viên Dân Xã, khiến Đức Thầy phải di hành về miền Tây để giàn xếp.

 CHI ĐỘI 30. – Trong thời kỳ toàn dân kháng chiến lúc bọn Trần văn Giàu rùt về Rạch Giá rồi cuối cùng chạy về Cà Mau, quân Pháp trở lại chiếm cứ miền Nam ngày ngày đi ruồng bố hết làng nầy sang làng khác, đốt phá nhà cửa, giết hại lương dân, nhân dân của mỗi địa phương tự động tổ chức lấy lực lượng võ trang chống Pháp. Ban sơ dùng tầm vong vạt nhọn chống lại thần công đại bác của giặc, nhưng nhờ chiến thuật du kích nhân dân đoạt thủ được súng đạn của giặc mà dần dần tổ thành những đội nghĩa quân, do nhân dân cung cấp lương thực và nhiều khi đóng góp tiền bạc mua sắm khí giới. Những đội nghĩa quân lần lần trưởng thành những tiểu đội, trung đội võ trang có phận sự bảo vệ hương thôn chống lại cuộc ruồng bố của Pháp, bắt đầu từ đó.
 Phương chi, trong thời kỳ Nhựt bổn, có nhiều đoàn thể hợp tác với Nhựt được Nhựt võ trang nên thành lập riêng những lực chiến đấu.
 Đức Huỳnh Giáo Chủ không chịu nhờ Nhựt về quân sự, nên không có tổ chức lực lượng được Nhựt võ trang như các đoàn thể khác. Mặc dầu không hợp tác hay nhờ Nhựt võ trang, nhưng tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo để tự vệ và đóng góp vào công cuộc kháng chiến chống xâm lăng cũng tự động tạo lập các lực lượng võ trang.
 Khi Đức Huỳnh Giáo Chủ chấp nhận tham chánh, Ngài đã có một lực lượng quân sự võ trang rồi. Đó là nghĩa quân Cách mạng Vệ Quốc Liên Đội Nguyễn Trung Trực.
 Để thống nhứt lực lượng kháng chiến, sắp xếp có thứ tự và cùng đặt dưới sự chỉ huy duy nhứt, Đức Thầy đem những đội võ trang ấy tổ thành một chi đội trong hàng ngũ Vệ Quốc Đoàn Việt Nam. Đó là Chi đội 30 mà Ngài giao quyền chỉ huy cho ông Nguyễn giác Ngộ lúc bấy giờ từ Côn Đảo mới trở về, vì đã bị Pháp bắt và kêu án, đày đi Côn Đảo về tội tham gia và hoạt động cho Phật Giáo Hòa Hảo. Ngoài thành tích là một tín đồ trung thành dám hy sinh địa vị cho Đạo và chịu khổ cực đi đày trong ba năm, ông Nguyễn giác Ngộ vốn là một quân nhân của Pháp làm đến chức quản trong hàng ngũ lính tập ; chính do cái khả năng quân sự đó Ngài giao quyền chỉ huy Chi đội 30 cho ông.
 Tuy các lực lượng võ trang của Phật Giáo Hòa Hảo đã hòa mình vào đại gia đình Vệ Quốc Đoàn Việt Nam, nhưng vì sự tản mác quân đội nên sự chỉ huy rất khó và lực lượng không được tập trung để chiến thắng quân giặc lúc bấy giờ đã tràn ngập miền Nam và đạt vững cơ sở quân sự khắp nơi.
 Để thống nhứt hành động, gây lấy tin tưởng trong lòng dân, cũng như tinh thần tranh đấu của chiến sĩ, Đức Thầy hợp với các nhà lãnh đạo “Liên quân” (được thành lập sau khi Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp bị Nguyễn Bình ra lịnh giải tán, gồm các chi đội quốc gia đạt dưới quyền chỉ huy thống nhứt của hai tướng Huỳnh văn Trí và Lê văn Viễn) thảo luận để thành lập một Liên khu quốc gia ở miền Tây hầu phân tán lực lượng của Pháp đặng có cứu vãn miền Đông đang bị giặc lấn áp. (1)
(1). Đề nghị nầy được chánh quyền trung ương chấp nhận do điện văn ngày 28-1-1947.

 Để chuẩn bị kế hoạch đã định ( thành lập một chiến khu quốc gia ở miền Tây), về mặt quân sự, Đức Thầy ra lịnh cho ông Nguyễn giác Ngộ mở trường huấn luyện quân sự, tại núi Dài đào tạo cấp tốc 10.500 quân, đủ khả năng chiến đấu. Một Ban Giám Đốc thành lập, do kinh lý Nguyễn văn Nghiêm chỉ huy. Còn phần huấn luyện thì giao cho ông Lê Hoài Nam cùng 4 sĩ quan Nhựt cấp tá phụ trách.
 Đồng thời, Ngài cũng cho đào tạo nhân viên cứu thương, sắm dụng cụ y khoa và thuốc men. Công việc mua sắm và chuyên chở thì giao cho Sáu Rớt tức Trần văn Tươi, hiện nay là Đại Tá trong Quân đội Cộng hòa.
 Ngài cũng ra lịnh cho tín đồ miền Tây lo quân nhu và thực phẩm để tiếp tế cho số quân đang tập dượt và số quân sau nầy khi hoàn thành Liên khu Quốc gia.
 Có người thắc mắc hỏi Ngài : Tập luyện 10.500 quân rồi lấy súng ống đâu võ trang thì Ngài có đáp : Sợ là sợ mình không có người cầm súng, chớ đừng sợ không có súng.
 Đó là về mặt quân sự. Nhưng quan trọng là mặt chánh trị và ngoại giao. Nếu mạnh về mặt quân sự mà yếu về mặt chánh trị và ngoại giao thì cuộc tranh đấu sẽ cô thế, thiếu chánh nghĩa, chẳng những không được người trong nước sẵn sàng hy sinh tham gia mà cũng không được các nước dân chủ bên ngoài ủng hộ.

 MẶT TRẬN TOÀN QUỐC. – Vì vậy mà đồng thời với sự chuẩn bị thành lập Quân khu Quốc gia, Ngài còn lo liệu thành lập một mặt trận chánh trị có ảnh hưởng quốc tế. Ngài bèn ra lịnh cho ông Nguyễn Hoàn Bích tức Nguyễn Bảo Toàn lên đường sang Trung Hoa, với sứ mạng ngoài đại diện cho Đảng Dân Xã, còn đại diện Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài Giáo, hai tôn giáo có một lực lượng hùng hậu ở miền Nam để hiệp với các nhà cách mạng Việt Nam lưu vong ở Trung Hoa, thành lập mặt trận chánh trị, qui tụ các lực lượng chánh trị thành một khối duy nhất tranh đấu cho chánh nghĩa quốc gia, đòi lại chủ quyền dân tộc.
 Những nhà cách mạng lưu vong nầy vốn là những lãnh tụ các đảng chánh trị miền Bắc, sau khi bị Cộng sản liên quân với Pháp đánh bạt ra khỏi Bắc Việt chạy sang Trung Hoa nhờ sự che chở của chánh phủ Trùng Khánh cầu viện Trung Quốc giúp đỡ xây dựng lại lực lượng quân sự chờ cơ hội kéo về nước.
 Sau khi tiếp xúc và thảo luận, ngày 27-2-1947, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt Toàn Quốc gọi tắt là Mặt Trận Toàn Quốc được thành lập tại Nam Ninh (Trung Hoa).
 Mặt trận gồm các đoàn thể sau đây tham gia :
- Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội
- Việt Nam Quốc Dân Đảng
- Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng và P.G.H.H.
- Việt Nam Quốc Gia Thanh Niên Đoàn
- Cao Đài Giáo
- Đoàn thể Dân Chúng
- Liên Đoàn Công chức
Một Ban Chấp Hành Trung Ương thành lập, phân phối trách nhiệm như sau :
- Chủ tịch : Cụ Nguyễn Hải Thần thuộc Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội,
- Ủy viên Ngoại giao : ông Nguyễn Tường Tam thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng.
- Tổng thơ ký : ông Nguyễn Hoàn Bích thuộc Việt Nam Dân Chủ Xã Hội
Đảng, đại diện cho Cao Đài giáo và Phật Giáo Hòa Hảo
Ngoài ra còn có quí ông : Trần Côn tức Trần văn Tuyên, Lưu Đức Trung tham gia hoạt động.
 Về đại diện trong nước thì giao cho ông Nguyễn văn Sâm, dùng tờ Quần Chúng làm cơ quan ngôn luận cho Mặt Trận.
 Mặt Trận có liên lạc với công dân Vĩnh Thụy lúc bấy giờ ở Hương Cảng với mục đích xây dựng giải pháp quốc gia để tranh đấu đòi Pháp trả lại chủ quyền cho nhân dân Việt Nam.
 Về sau, Bảo Đại chấp nhận theo kế hoạch của Pháp trở về nước làm Quốc Trưởng, chủ trương đem Việt Nam đứng trong Liên Hiệp Pháp.
 Như thế, sứ mạng của Mặt Trận không thành, nghĩa là không tạo được thế chánh trị bên ngoài làm hậu thuẫn cho thế kháng chiến quốc gia bên trong. Dầu không đạt thành ý nguyện, Mặt Trận cũng đã làm được một việc có ích lợi cho dân tộc là Khai sanh giải pháp quốc gia cho vấn đề Việt Nam.

DI CHUYỂN VỀ MIỀN TÂY. – Mặc dầu có Ủy ban Hòa Giải đứng ra giàn xếp, nhưng vì thành phần trong Ủy ban qua chênh lệch, trong lúc bên Hòa Hảo Dân Xã chỉ có một đại diện thì bên V.M Cộng sản có đến 2 đại diện (1 của Cộng sản và 1 của Thiên chúa giáo thân cộng) thành thử không có cuộc giàn xếp nào được ổn thỏa. Cán bộ V.M. thường lợi dụng và nhân danh chánh quyền đàn áp và thủ tiêu tín đồ Hòa Hảo và đảng viên Dân Xã, càng làm cho cuộc xô xát giữa V.M và Hòa Hảo tăng gia.
 Với mục đích giàn xếp và chấm dứt cuộc lưu huyết ở Hậu Giang, Đức Thầy cần phải về miền Tây và hẹn với Ung văn Khiêm, đại diện Cộng sản sẽ gặp nhau tại Long Xuyên.
 Thế là Đức Thầy chuẩn bị di chuyển về miền Tây. Nhưng trước khi rời miền Đông, theo lời mời của Lê Trung Nghĩa, một phái đoàn gồm có Đức Thầy, Huỳnh văn Trí và Lai Hữu Tài đại diện cho Lê văn Viễn Phó khu trưởng, đến Tòa Thánh Tây Ninh hội kiến với Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc vào hạ tuần tháng 3 năm 1947. Hai nhà lãnh đạo tôn giáo thỏa thuận nhau nhiều vấn đề cứu nước và hẹn sẽ gặp lại.
 Trước khi về miền Tây, Ngài cũng đã gởi về trước một nhóm văn nhân, chuẩn bị xuất bản một tờ báo trong khu làm cơ quan cho Liên Khu Quốc gia. Nhưng rất rủi, nhà văn Khổng Dương bị tàu binh Pháp bắn chết tại vàm kinh Phong Mỹ. Chỉ có nhà văn Nguyễn Duy Hinh và một số ký giả may thoát nạn.
 Trước nhóm văn nhân nầy, cuối năm Bính Tuất, Ngài cũng phái ông Lê văn Thu về miền Tây mở lớp huấn luyện chánh trị cho cán bộ Đảng Dân Xã tại rạch Cái Gút, xã Nhơn Mỹ, trên cù lao Ông Chưởng, quận Chợ Mới,
 Đức Thầy cho Bộ đội Phòng vệ và anh em tín đồ chuẩn bị lên đường. Lúc 9 giờ tối ngày 23-3-1947 nhằm ngày 1 tháng 2 nhuần Đinh Hợi, Đức Thầy cho di chuyển ra khỏi Vàm Vè. Đến 6 giờ sáng hôm sau thì đoàn binh đến thôn Thủy Đông và chiều hôm đó di chuyển đến thôn Thuận Nghĩa Hòa vào lúc 8 giờ tối.
 Ngày 5-4-1947 (14 tháng 2 nhuần) vào 2 giờ chiều Đức Thầy đến từ giã anh em trong Chi đội 4 và 25 của Bình Xuyên đóng tại Sông Xoài và Vịnh Sao. Đến 5 giờ chiều, Đức Thầy lên đường về miền Tây. Vào lúc 1 giờ khuya, đoàn binh đến trạm gát của Chi đội 18 của V.M. do Chi đội Xuyến chỉ huy. Chúng có bắt giữ ba chiếc ghe trong đoàn, về sau chúng trả tự do cho chiếc của Bà xã Được trước. Đến 6 giờ sáng thì di chuyển đến kinh Gẫy.
 Ngày 6-4-1947 vào lúc 8 giờ, đoàn binh đến chợ Tháp Mười, và 1 giờ trưa thì đến chợ Cái Bèo, 2 giờ chiều đến Ba Sao, 5 giờ chiều đến vàm kinh Phong Mỹ.
 Vào khoảng 3 giờ rưỡi sáng thì Đức Thầy đến ngọn Ba Răng và lên văn phòng đặt tại nhà ông Bí thơ Ban chấp hành Thôn Phú Thành, nơi đây đã có Chi đội 30 Vệ Quốc Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn giác Ngộ chỉ huy, chực sẵn tiếp rước và bố phòng.
 Về đến đây có 2 việc khủng bố của V.M, giết hại tín đồ Hòa Hảo và đảng viên Dân Xã làm cho Ngài xúc động.
 Ngày 13-4-1947 một chiến sĩ Dân Xã trong Bộ đội Lưu động số 1 đi hớt tóc tại chợ Ba Răng bị cán bộ V.M. ấp vào bắt đem đi chặt đầu.
 Cũng trong ngày đó, anh Nguyễn Ngọc Phước Bí Thơ Tỉnh đảng bộ Rạch Giá bị Trung đội 12 thuộc Đại đội 66/22 bắt và đem hành quyết trong đêm 13 rạng 14-4-1947.
 Ông Mai văn Dậu có về báo cáo với Đức Thầy và thú nhận bắt lực trong việc can thiệp.

 THỌ NẠN. – Hôm sau, Đức Thầy có nhận được 2 bức thơ, một của Trần văn Nguyên, Đặc phái viên kiên Thanh Tra chánh trị miền Tây Nam bộ và một của Bửu Vinh, mời Ngài đến dự Hội nghị họp tại làng Tân Phú để định liệu kế hoạch hòa giải giữa V.M và Hòa Hảo Dân Xã.
 Vào lúc 7 giờ sáng ngày 15-4-1947 (24 tháng 2 nhuần) Đức Thầy xuống ghe đi với 3 người chèo, 4 tự vệ quân, ông Đại đội trưởng ĐĐ/2 và người thơ ký văn phòng là ông Huỳnh Hữu Thiện.
 Lối 8 giờ sáng ghe tới chợ Ba Răng, có Trần văn Nguyên xuống bến đón Ngài lên chợ, Ngài diễn giảng trước đông người kêu gọi sự đoàn kết chống xâm lăng và gát bỏ hận thù giữa V.M và Dân Xã. Trưa lại Ngài dùng cơm với Trần văn Nguyên trong một căn phố gần đó. Sau bữa cơm, độ 12 giờ, Trần văn Nguyên và một thơ ký xuống đi chung ghe với Ngài đến Đốc Vàng hạ thuộc thôn Tân Phú. Đến đây, một bản hiệu triệu được công bố, cho biết các cấp chỉ huy hai bên đang bắt tay nhau lo việc hòa giải và kêu gọi hai bên đừng xô xát nhau.
 Sau khi dùng cơm chiều, Đức Thầy lại nghỉ ở nhà một tín đồ gần đó.
 Hôm sau, ngày 16-4-1947 ( 25 tháng 2 nhuần), lối 7 giờ sáng Đức Thầy trở lại hội đàm với Trần văn Nguyên, rồi phái ông Ngô Trung Hưng cùng một nhân viên của Trần văn Nguyên đi các thôn hòa giải.
 Sau khi dùng cơm trưa, Đức Thầy xuống ghe nghỉ thì Bửu Vinh đến đưa thơ yêu cầu được gặp Ngài.
 Trong cuộc hội kiến, Bửu Vinh báo cáo rằng Dân Xã giết V.M ở Lấp Vò và buộc Đức Thầy phải đi, nhưng Ngài tỏ ra cương quyết biện bác và đòi Bửu Vinh cùng đi.
 Bửu Vinh khước từ và đòi phải cho bộ đội có võ trang theo phòng vệ mới đi. Ngài trả lời một cách cứng cỏi : Tại sao tôi có một ít người không có bộ đội ủng hộ lại dám vào sào huyệt các ông. Như thế quí ông không thành thật.
 Bửu Vinh không trả lời được nên buộc lòng nhận đi và yêu cầu Đức Thầy đến văn phòng của y để cùng đi. Liền lúc đó, Trần văn Nguyên đến trao cho Ngài một mãnh giấy nói rằng có điện tín từ Ủy ban Hành Chánh Nam Bộ mời Đức Thầy trở về miền Đông lập tức dự phiên họp bất thường.
 Đức Thầy trả lời không thể trở về dự phiên họp được vì còn lo việc hòa giải. Chiều hôm ấy Trần văn Nguyên từ giã Ngài vào lúc nhá nhem tối.
 Y lời hẹn, Đức Thầy xuống ghe đến văn phòng Bửu Vinh, có một liên lạc viên dẫn đường. Trời tối đen như mực, bỗng có tiếng kêu : ghe ai đó ? Sao giờ nầy đã thiết quân luật mà còn dám đi !
 Người liên lạc trả lời : Đi lại văn phòng ông Bửu Vinh.
 Liền đó có lịnh : Ghe ghé lại. Rồi thì đèn chóa rọi xuống, khi biết là ghe của Đức Thầy, chúng nói ông Bửu Vinh mời Đức Thầy lên văn phòng.
 Đức Thầy cùng 4 tên tự vệ quân lên một ngôi nhà ngói. Ngài vào ngồi bàn giữa nói chuyện với Bửu Vinh, còn 4 tự vệ quân thì cầm súng đứng hai bên cửa gần đó.
 Mười phút sau, lối 7 giờ rưỡi, có 8 người đi từ bên ngoài đi vào, chia ra làm 4 cặp tràn tới đâm 4 tên tự vệ quân.
 Ba người bị đâm chết, chỉ còn anh thứ tư là Phan văn Tỷ lanh trí nên tránh kịp, liền thoát ra ngoài, bắn một loạt tiểu liên. Trong lúc anh Tỷ né thì một trong 2 tên V.M. bị đồng bọn của mình đâm chết.
 Thấy chuyện chẳng lành, Đức Thầy lẹ làng thổi tắt đèn ; văn phòng trở nên tối đen, không ai nhận thấy Đức Thầy đâu cả.
 Viên thơ ký của Ngài và 3 tên chèo ghe lẹ làng tẩu thoát, vội vã về báo tin.
 Tiếng tù và, thùng thiết nổi dậy báo động. Binh sĩ toan vác súng kéo đi giảy vây thì vào khoảng 11 giờ đêm bỗng có một tín đồ phi ngựa mang về Phú Thành một bức thơ như sau :
 Ông Trần văn Soái và ông Nguyễn Giác Ngộ.
 Tôi vừa hội hiệp với ông Bửu Vinh bỗng có sự biến cố xảy ra tôi với ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân, còn điều tra ; trong mấy anh em phòng vệ không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo cáo rằng tôi bị bắt hay là mưu sát thì các ông đừng tin và đừng náo động.
 Sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu Vinh điều tra kỹ lưỡng rồi sẽ về sau.
 Phải triệt để tuân lịnh.
Ngày 16-4-1947 9 giờ đêm.
Ký tên
Ông Mai văn Dậu đem đối chiếu chữ ký thì xác nhận là chính của Đức Thầy. Thế là mọi người phải tuân lịnh, chỉ nhìn nhau mà thở dài với niềm hy vọng ngày mai Ngài sẽ trở về.
Nhưng từ ngày 16-4-1947 cho đến nay vẫn bặt luôn tin tức.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn