15- Gài then mở then

15 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 9090)
15- Gài then mở then

Theo vòng luân hồi của Vũ trụ Tạo hóa và Luật thịnh suy, thì Đạo Phật cũng không tránh khỏi sự Thành, Trụ, Hoại, Không.

Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu Lịch sử Phật Giáo qua sự truyền thừa và vì sao bặt truyền Y Bát do Đức Phật lưu lại.

Cách đây hơn 2.550 năm, khoảng Thế kỷ thứ sáu (624 năm trước Tây lịch), Đức Phật Thích Ca giáng lâm trần thế. Theo Đại hội lần thứ hai của Tổng Hội Phật Giáo tại Đông Kinh năm 1952, Đại Hội đã thỏa thuận vào ngày trăng tròn tháng hai của Xứ Ấn Độ (tức ngày Rằm tháng Tư âm lịch) là ngày Đản sanh của Đức Phật Thích Ca tức là trước ngày Đức Chúa Jésus Christ giáng sanh 624 năm.

Phần đông ai cũng biết ít nhiều về Lịch Sử của Đức PHẬT. Tuy nhiên, xin kính mời Quý vi đọc lại Quyển 5 “Khuyến Thiện” của Đức Huỳnh Giáo Chủ từ câu 90 đến câu 236 để biết được rõ ràng về Tiểu sử và cuộc đời hành Đạo của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Ở đây, chúng tôi chỉ xin tìm hiểu về sự truyền thừa của 33 vị Tổ tương truyền của Phật Giáo và sự bặt truyền Y Bát vào cuối đời Đức Lục Tổ Huệ Năng.

HỆ THỐNG TRUYỀN THỪA CỦA CÁC TỔ TRONG

PHÁI THIỀN TÔN TẠI ẤN ĐỘ

1.- Ngài Ma Ha Ca Diếp, Sơ Tổ Thiền Tôn ở Ấn Độ:

Trong Kinh Phạm thiên vấn Phật quyết nghi và trong bộ “Thích nghi kê cổ” Quyển nhất, có chép như sau: Khi Phật ở Hội Linh Sơn, có ông Đại Phạm Thiên vương, đem hoa sen cúng Phật. Phật cầm cành hoa sen đưa lên để khai thị cho đại chúng (thiền cơ). Toàn thể chúng hội đều yên lặng, không ai hiểu ý của Phật như thế nào. Duy có Ngài Ma Ha Ca Diếp là tỏ ngộ được thiền cơ của Phật, nên đổi sắc mặt vui vẻ, mỉm cười (phá nhan vi tiếu). Đức Phật nhận thấy, liền ấn chứng (chứng nhận) cho Ngài Ca Diếp được đắc truyền và làm Tổ thứ Nhất (Sơ Tổ ở Ấn Độ). Phật tuyên bố như sau:

“Ngô hữu chánh pháp nhãn tạng Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, kim phú Ma Ha Ca Diếp.”

Dịch nghĩa:

Ta có “chánh pháp nhãn tạng”, cũng gọi là “Niết bàn diệu tâm”, cũng có tên là “Thật tướng vô tướng” và cũng gọi là “Vi diệu pháp môn”, nay ta truyền cho ông Ma Ha Ca Diếp.

Sau đó, Phật truyền Y bát và nói bài kệ truyền pháp như sau:

Pháp pháp vốn vô pháp

Vô pháp pháp, diệt pháp

Kim phú vô pháp thời

Pháp pháp hà tằng pháp.

Dịch nghĩa:

Các pháp vốn không pháp

Không pháp cũng là pháp

Nay truyền cái vô pháp (vô tướng)

Vô pháp nào có pháp.

Đây là nguồn gốc phát khởi của Thiền Tôn, lấy tâm tuyền tâm (dĩ tâm ấn tâm) không dùng Kinh Giáo và phương tiện.

2.- Ngài A Nan, Tổ thứ hai của Thiền Tôn ở Ấn Độ:

Một hôm Ngài A Nan hỏi Tổ Ca Diếp:

- Ngoài việc truyền Y Bát, Đức Thích Tôn còn truyền pháp gì cho Ngài nữa không ?

Tổ Ca Diếp gọi to:

- A Nan !

Ngài A Nan: Dạ !

Tổ dạy tiếp:

- Cây sào phướng trước cửa chùa ngã!

Ngài A Nan liền tỏ ngộ thiền cơ, nên được Tổ Ca Diếp truyền Y Bát và ấn chứng cho làm vị Tổ thứ hai.

Từ Ngài A Nan trở về sau, có thêm 26 vị Tổ về Thiền tôn nữa. Cộng cả Ngài Ca Diếp và Ngài A Nan, ở Ấn Độ có cả thảy là 28 vị Tổ, thứ lớp tuần tự như sau :

1.- Tổ Ma Ha Ca Diếp, 2.- Tổ A Nan, 3.- Tổ Thương Na Hòa Tu,

4.- Tổ Ưu Ba Cúc Đa, 5.- Tổ Đề Ca Đa, 6.- Tổ Di Giá Ca,

7.- Tổ Bà Tu Mật, 8.- Tổ Phật Đà Nan Đề, 9.- Tổ Phục Đà Mật Đa,

10.- Tổ Hiếp Tôn Giả, 11.- Tổ Phú Na Dạ Xa, 12.- Tổ Mã Minh,

13.- Tổ Ca Tỳ Ma La, 14.- Tổ Long Thọ, 15.- Tổ Ca Na Đề Bà,

16.- Tổ La Hầu La Đa, 17.- Tổ Tăng Già Nan Đề,

18.- Tổ Già Đa Xá Đa, 19.- Tổ Cưu Ma La Đa, 20.- Tổ Xà Dạ Đa,

21.- Tổ Bà Tu Bàn Đầu, 22.- Tổ Ma Noa La, 23.- Tổ Hạc Lặc Na,

24.- Tổ Sư Tử, 25.- Tổ Bà Xá Tư Đa, 26.- Tổ Bát Như Mật Đa,

27.- Tổ Bát Nhã Đa La, 28.- Tổ Bồ Đề Đạt Ma.

(Theo truyện Phú Pháp Tạng Nhơn Duyên)

Hai mươi tám vị Tổ nầy đã làm rực rỡ cho Phật Giáo ở Ấn Độ, chứ không riêng gì cho Thiền tôn Phật Giáo, sau nầy được lan rộng trên hoàn cầu, một phần lớn do công đức của 28 vị Tổ nầy. Ngày nay nhắc đến những tên như Ma Ha Ca Diếp, A Nan, Hiếp Tôn Giả, Mã Minh, Long Thọ, không một Phật tử nào là không biết đến. Và sự kiện nầy cũng chứng tỏ rằng phần lớn các vị Tổ có tiếng đều ở trong phái Thiền Tôn. Sự nhận xét nầy không những được chứng minh ở Ấn Độ, mà cả đến ở Trung hoa, Nhật bản và Việt Nam nữa.

SỰ TRUYỀN THỪA THIỀN TÔN Ở TRUNG HOA.

1.- Ngài Bồ Đề Đạt Ma, Sơ Tổ của Thiên Tôn Trung Hoa.

Sau khi Ngài Bát Nhã Đa La, vị Tổ thứ 27 của Thiền Tôn ở Ấn Độ, ấn chứng cho làm Tổ thứ 28, Ngài Bồ Đề Đạt Ma ở lại Ấn Độ ít lâu, rồi vâng lời phú chúc của Sư phụ, Ngài sang Trung Hoa truyền đạo. Ngài sang Trung Hoa vào đời vua Lương Võ Đế (528 dl).

2.- Ngài Huệ Khả (Thần Quang) vị Tổ Thiền Tôn thứ hai ở Trung Hoa.

Đệ nhị tổ Thiền tông ở Đông Độ - Huệ Khả là đệ tử của Bồ Đề Đạt Ma, Tổ đời 28 ở Tây Thiên và Sơ Tổ ở Đông Độ. Huệ Khả vốn người Bắc Ngụy, thành Lạc Dương, họ Cơ, trước lấy hiệu là Thần Quang. Sau Ngài được pháp của Bồ Đề Đạt Ma ở chùa Thiếu Lâm tại núi Tung, bèn đổi hiệu là Huệ Khả.

Trong “Phật Tổ lịch đại thông tải” có chép: Có vị Tăng tên Thần Quang, vì thần nhơn phát khởi, đến kiếm Ngài Bồ Đề Đạt Ma. Tổ Sư đang tọa thiền nhập định nên không nhìn tới. Nhằm lúc trời đổ tuyết rất nhiều, Thần Quang đứng giữa trời, tuyết phủ đến khỏi đầu gối.

Ra khỏi cơn định, Sư mới hỏi rằng:

- Người đứng đã lâu giữa tuyết, vậy chớ muốn cầu sự chi ?

- Tôi xin Ngài rủ lòng đại từ, khai cửa Cam lộ, quảng độ chúng sanh.

- Đạo vô thượng và mầu nhiệm của chư Phật, dầu cho đến bao nhiêu kiếp cũng khó gặp được. Những kẻ tiểu đức, tiểu trí, khinh tâm, mạn tâm, há mong được chơn thừa sao ? Chỉ luống công vô ích thôi !

Thần Quang nghe khuyên giải, lấy làm vui vẻ, nhiệt thành, bèn lấy dao bén mà chặt cánh tay trái của mình và để trước mặt Tổ. Bèn bạch nữa rằng :

- Cái Pháp ấn của chư Phật, tôi có thể được chăng ?

- Pháp ấn của chư Phật chẳng phải do người ta được.

- Tâm tôi chưa an, xin Sư làm cho nó an.

- Hãy đem cái tâm của ngươi tới đây, rồi ta sẽ làm cho an.

- Tôi tìm cái tâm không được.

- Thôi ta cũng làm cho ngươi an tâm đi vậy.

Đến năm Đại Đồng nguyên niên triều Lương Võ Đế (529), vào tháng chạp, Sư sắp tịch, bèn kêu Huệ Khả lại dặn rằng:“Đức Thế Tôn đã đem cái Chánh Pháp nhãn tạng mà truyền lại cho Ngài Ca Diếp. Truyền nối nhau mãi cho đến đời ta. Nay ta phó lại cho ngươi, ngươi khá hộ trì. Ta lại ban cho ngươi Cà sa và Bình bát để làm đồ Pháp tín.”

Theo quyển “Phật Tổ chánh tông đạo ảnh”, khi đắc pháp rồi, sau một thời gian hành đạo lại ấn chứng cho Ngài Tăng Xán. Tổ Huệ Khả bèn khai mở cảnh huyền phong (gió mầu nhiệm), truyền Y và bát cho Ngài Tăng Xán. Đến 107 tuổi, Ngài tịch tại Quản thành. Vua Đức Tông nhà Đường có thụy phong cho Ngài hiệu Đại Tổ Thiền Sư.

3.- Ngài Tăng Xán Đại Sư.

Tổ đời thứ ba ở Đông Độ, do Ngài Huệ Khả truyền y bát. Trong “Phật Tổ chánh tông đạo ảnh” có chép: Tăng Xán đến yết kiến Tổ Huệ Khả và bạch rằng: Thân của đệ tử cứ bịnh tật từ trước vấn vít theo mãi. Nay thỉnh Sư sám hối tội cho.

- Hãy đem tội của ngươi đến đây, ta sẽ sám hối cho.

Một hồi lâu, Tăng Xán bạch :

- Tôi tìm kiếm tội, không thấy ở đâu.

- Thôi ta đã sám hối cho ngươi rồi đó. Tổ lại giảng cho biết phép Sám Bát Nhã.

Truyền pháp cho Tăng Xán xong, Tổ thứ nhì dạy rằng: Ngươi được Pháp rồi, nên vào núi sâu mà ở, lúc nầy chưa phải thời ngươi hành hóa. Trong nước đương có nạn. Đến đời Hậu Châu, sẽ có sự sa thải, phế đạo.

Tổ thứ ba Tăng Xán bèn đi vào núi Tư Không, khi ở chỗ nầy, lúc ở chỗ khác. Ngài vào núi La Phù, giảng rộng lẽ tâm quan trọng với mọi người. Ngài lập Pháp Hội, khai hóa nơi cội cây.

Đến triều Huyền Tông nhà Đường, có Sắc thụy phong cho Ngài là Giám trí Thiền Sư.

4.- ĐẠO TÍN ĐẠI SƯ.

Tổ đời thứ tư ở Đông Độ, do Ngài Tăng Xán truyền Pháp. Ngài Đạo Tín sanh tại huyện Quảng Tế, tỉnh Kỳ Châu, họ Tư Mã. Theo quyển “Phật Tổ chánh tông đạo ảnh”, đến năm 14 tuổi, Đạo Tín đến lễ bái Tổ thứ ba và bạch rằng :

- Xin Hòa thượng mở pháp môn giải thoát.

- Có ai buộc trói ngươi sao ?

- Không ai buộc trói tôi cả.

- Sao lại cầu giải thoát ?

Nghe xong, Đạo Tín liền đại ngộ. Đắc Pháp rồi, Ngài trụ tại núi Phá Đầu và về sau viên tịch tại đó. Đến triều Đại Tông nhà Đường có Sắc thụy phong cho Ngài là Đại y Thiền Sư, và phong tòa tháp của Ngài là Từ Vân tháp.

5.- HOẰNG NHẪN ĐẠI SƯ.

Tổ đời thứ năm ở Đông Độ, hồi thế kỷ thứ bảy dương lịch. Ngài sanh ra tại huyện Hoàng Mai, tỉnh Kỳ Châu (Trung Hoa), con của bà họ Châu. Nối ngôi Tổ tại núi Phá Đầu, do Ngài Đạo Tín truyền.

6.- HUỆ NĂNG.

Tổ thứ sáu Thiền Tông do đức Bồ Đề Đạt Ma (Boddhiđharma) sang lập ở Trung Hoa. Thầy của Ngài là Hoằng Nhẫn, Tổ thứ năm.

Theo “Pháp Bảo Đàn Kinh”, Huệ có nghĩa là: Đem Pháp Phật bố thí cho chúng sanh; Năng: làm nổi Phật sự.

Huệ Năng sanh ngày 8 tháng 2 năm Mậu Tuất đời Đường vua Thái Tông (638 Tây lịch). Đến 24 tuổi, nghe Kinh ngộ Đạo và được Ngũ Tổ truyền Y bát cho (661). Mười năm sau (676), Sư hội diện với Ấn Tông Pháp Sư và được truyền Giới Cụ túc. Qua năm sau, Sư đến trụ trì tại chùa Bảo lâm, có hàng tứ chúng hộ vệ theo. Ở ngôi chúa ấy, tuyên dương Phật Giáo, Ngài tịch năm 713.

Kể chung theo số các vị Tổ Sư, Ngài là Tổ đời thứ 33; còn kể theo Đông Độ, Ngài là Tổ đời thứ sáu.

Từ trước tới Ngài Huệ Năng, có lệ truyền Y bát cho đệ tử để làm đồ Pháp tín. Sau đời Huệ Năng, không còn lệ ấy nữa.

Huệ Năng rất có tài biện luận, người ta có sao lục những lời Giảng luận của Ngài mà làm thành quyển “Pháp Bảo Đàn Kinh”.

Sau khi Ngài tịch, vua Đường Hiến Tông (805-820) có thụy phong cho Ngài là Đại giám thiền Sư, và Sắc phong cảnh tháp của Ngài là Linh Chiếu tháp.

Vừa qua là trích từng đoạn trong “Phật Học Phổ Thông và Phật Học Từ Điển.”

Qua những chi tiết vừa trình bày, chúng ta hiểu được trước Tây lịch 624 năm, là Đản sanh của Thái tử Thích Ca. Rồi sau đó 1262 năm, Lục tổ Huệ Năng sanh ngày 8 tháng 2 năm Mậu Tuất, đời Đường Thái Tông (Tây lịch 638). Vì vậy, Đản sanh của Thái tử Thích Ca vào Thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch và Huệ Năng cũng Thế kỷ thứ sáu, nhưng sau Tây lịch.

Sự tìm hiểu nầy cho chúng ta biết được thời kỳ bặt truyền Y bát và thời kỳ mở cửa lại của Đạo Phật qua chuỗi thời gian dài thăng trầm của Phật Giáo.

Theo Sấm truyền của Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, thì ngay sau khi Đức Lục Tổ bặt truyền Y Bát là thời kỳ Phật Pháp gài then:

“Từ ngàn xưa Phật pháp gài then,

Nên ít kẻ tu hành đắc Đạo.”

(Diệu Pháp Quang Minh)

“Nhìn cuộc thế bộn bề sóng dậy,

Cửa thiền môn còn hãy khóa then.

Nương xứ xa tạm viết với đèn,

Tỏ tâm sự của người liễu Đạo.”

(Sa Đéc)

“Cửa Tiên bang hãy còn khóa cổng,

Nhà cha xưa cửa đóng then gài.”

(Nang Thơ Cẩm Tú)

Do sự thăng trầm của Phật Pháp nên Y bát không còn truyền nữa. Bởi vì Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đoán biết tương lai mờ mịt của Đạo và sự tranh giành quyền lợi hơn là tu học Phật lý. Cho nên Ngài bảo:“Xưa kia Đại Sư Đạt Ma ban đầu đến cõi nầy, mọi người đều chưa có niềm tin nên mới truyền Y Bát để làm tín thể.” Tín thể là cái hình thức để cho người ta tin. “Đời đời truyền nhau, pháp thì dùng tâm truyền tâm, đều khiến cho tự ngộ tự giải. Từ xưa Phật chỉ truyền cái bản thể.” Bản thể tức là truyền Pháp thôi. Thầy Thầy thầm trao bản tâm. Thành ra Phật cũng truyền cho mình cái bản thể, chư Sư cũng truyền cho mình cái bản tâm, đó là điều chính yếu. “Còn Y và Bát là đầu mối của sự tranh giành vậy nên dừng ngay nơi ngươi, không truyền nữa, nếu truyền Y nầy thì mạng của người nhận Y ví như sợi chỉ mành”.

Tiếp theo đây là thời kỳ Đạo mở cửa, hay mở then.

Nếu lấy năm 713 là lúc Đức Lục Tổ tịch diệt và bặt truyền Y bát cho đến khi Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng Đạo PGHH ngày 18 tháng Năm, năm Kỷ Mão (1939), là đúng 1.226 năm.

Đức Thầy cho biết;

“Bởi đời nầy pháp môn bế mạc, Thánh đạo trăn vu, người tâm trí tối đen, đời lắm Ma Vương khấy rối. Ta là một trong các vị cứu đời ấy. Ai liễu Đạo nơi quốc độ nào thì cũng phải trở về quốc độ ấy mà trợ tế nhân dân; vì thể lòng từ bi bác ái cùng thù đáp những linh hồn đã trợ duyên trong nhiều kiếp giúp Ta nương cậy tu hành, nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh.” Và cũng từ ngày nầy là thời kỳ “Mở Then” như Đức Thầy cho biết:

“Đạo mở cửa bày câu minh mục,

Nước Ma Ha tưới tắt lòng phàm.”

(Diệu Pháp Quang Minh)

“Ngày nay Điên mở Đạo lành,

Khắp trong lê thứ được rành đường tu.”

Hay:

“Xưa nay Đạo hạnh quá lu,

Ngày nay sáng tỏ đền bù ngày xưa.”

(Sấm Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm)

Sau đây, chúng tôi xin được trích dẫn Mẩu Chuyên Bên Thầy thứ 85 để chứng minh cho mọi người thấy rằng thời kỳ nầy chính là giai đoạn “Mở Then” như lời Đức Thầy tỏ lộ:

Sau ngày khai Đạo độ đời năm 1939, trong chuyến vân du độ chúng, Đức Huỳnh Giáo Chủ có lần dừng chân nơi xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc, Ngài đến thăm những người thuộc hệ phái Hiếu Nghĩa của Đức Bổn Sư, thế danh Ngô Lợi, mà người đời thường gọi theo thứ tự trong gia đình là Cậu Năm, được biết 30 năm sau khi Đức Bổn Sư tịch diệt, kế đến là Đức Huỳnh Giáo Chủ khai Đạo độ đời.

Nhiều người tín đồ Hiếu Nghĩa đến nghe Đức Huỳnh Giáo Chủ thuyết giảng Phật Pháp, nhân cơ hội đó Ngài trò chuyện thân mật với những người tín đồ của Đức Bổn Sư:

- Mấy bà con ở đây gọi Đức Bổn Sư như thế nào?

- Bạch Ông Tư, chúng tôi gọi là Cậu Năm.

- Gọi Đức Bổn Sư là Cậu Năm thì gọi tôi là Cậu Tư.

Rồi Ngài nói tiếp:

- Cậu Năm dạy quý vị hành đạo ra sao?

- Thưa Ông Tư, Thầy chúng tôi dạy tín đồ, ngoài chay bốn bữa của mỗi tháng, còn phải cử ăn những con vật thuộc trong mười hai con giáp, và lạy mỗi hướng 12 lạy.

- Đức Bổn Sư dạy quý vị thuở đó là lúc Phật Pháp “Gài Then”, cách lạy hai tay đan tréo nhau, sự việc nào cũng đang trong bế tắc, khó mà thành Đạo đặng.

Rồi trong phương tiện nầy Đức Thầy tiết lộ thêm:

-Bàn tay lật ngữa vậy mà, Chớ đừng lật sấp vì Thầy tái sanh. Bây giờ thì Phật Pháp đã “Mở Then” rồi. Vậy bà con hãy lạy trở lại.

(Viết theo lời thuật của ông Lê văn Tho 78 tuổi , hiện ngụ tại An Thạnh, Xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, vào ngày 19/8/2002 nhằm ngày 11 tháng 7 năm Nhâm Ngọ).

Rõ ràng, Đức Huỳnh Giáo Chủ là vị Phật đang có ngôi vị nơi Tây phương Cực lạc, đã vưng Sắc lịnh Phật Trời xuống thế gian nhằm canh tân Giáo điều và qui nguyên Phật pháp.

“Ta vì vưng Sắc lịnh Ngọc tòa,

Đền Linh khứu sơn trung chịu mạng.”

(Giác Mê Tâm Kệ)

“Ta là kẻ vô hình hữu ảnh,

Ẩn xác phàm gìn đạo Thích Ca.”

(Q.2, Kệ Dân)

Từ năm 1939, Ngài đã mạnh dạn đứng lên bài trừ tất cả những tệ đoan đã làm cho những chính nghĩa Phật Giáo bị lu mờ. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng lớn trong Đạo Phật. Những điều cải cách của Đức Huỳnh Giáo Chủ có thể xếp thành hệ thống:

- Bài trừ dị đoan mê tín: đồng cốt, bóng chàng, xá mã, lầu kho, giấy tiền, vàng bạc.

- Bỏ hẳn nghi lễ phiền toái: thầy lễ, thầy cúng, gõ mõ, tụng kinh.

- Giản dị hóa việc thờ cúng: không vẽ hình, đúc tượng, chẳng cúng kiếng chè xôi .

Điều nầy, Đức Thầy xác nhận trong bài “Trao lời cùng Ông Táo”:

“Phần Sĩ Tăng tay trống miệng kèn,

Giác thiện tín chấn hưng nền Phật giáo.”

Công việc tu hành, theo Đức Huỳnh Giáo Chủ là chỉ cần trau giồi trí tuệ, sửa tánh răn lòng, gần lành xa ác và luôn luôn niệm Phật chớ không cần khổ hạnh và cũng chẳng bày bố cho nhiêu khê phiền toái.

Do đó, chúng ta có thể nói rằng chính Đức Huỳnh Giáo Chủ là người đã “Mở Then” khiến cho nền Đạo Phật Giáo ngày nay càng ngày càng qui nguyên Chánh pháp:

“Kỳ xả tội nay còn một lúc,

Sao chẳng tu đặng có hưởng nhờ.

Gặp Giảng Kinh trần cứ làm ngơ,

Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy.”

(Giác Mê Tâm Kệ)

“Xưa nay không có mấy khi,

Dương trần có Phật vậy thì xuống đây.”

(Sấm Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm)

Nam Mô A Di Đà Phật !

TRƯƠNG VĂN THẠO

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Chín 2014(Xem: 9594)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 19612)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 20961)