23- Xuất Gia Tại Gia

22 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 9594)
23- Xuất Gia Tại Gia


Trong Quyển Sáu Đức Thầy có Giảng giải : “Đạo Phật từ xưa đến nay luôn luôn phân làm hai hạng người : 1) Hạng Xuất gia, 2) Hạng tại gia.”

Giờ đây chúng ta học thêm hạng Xuất gia và hạng Tại gia, trong (Phật Học Từ Điển). Có lẽ nó cũng giúp thêm được phần nào cho người tu học.

XUẤT GIA. Tức là : Xuất gia, nhập Đạo, Xuất gia tu Đạo. Đi tu giữ oai nghi tướng mạo theo nhà Sư, không còn ở nơi gia quyến, vì nơi đây đầy sự ràng buộc, tríu mến. Lại bỏ cảnh giới thế tục, tu học tại chùa hoặc ẩn cư nơi non cao, đồng vắng.

Khi mới xuất gia hoặc chưa đúng 20 tuổi, thì thọ giới làm Sa di, Sa di ni. Tu học được vài năm hoặc đã được 20 tuổi, thì thọ giới làm Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cũng kêu là Sa môn. Xuất gia đối với Tại gia.

Nói về sự thanh cao hay tầm thường của hàng Xuất gia, người ta phân ra bốn loại :

1.- Thân xuất gia, tâm chẳng xuất gia. Ấy là hạng người dẫu đầu tròn áo vuông, mà tâm còn luyến tục.

2.- Thân tại gia, tâm xuất gia. Ấy là hạng người dẫu còn ở thế, mà tinh tấn tu học, không say đắm, nhiễm trược. Ấy là bằng xuất gia.

3.- Thân tâm đều xuất gia. Ấy là hạng người mộ Tam Bảo, giữ giới thanh tịnh, quyết dứt các phiền não, quyết đắc quả Bồ đề.

4.- Thân, tâm đều chẳng xuất gia. Ấy là hạng người bận bịu vợ con, say đắm thế tục, nhiễm các phiền não.

Trong bốn loại trên, lọai thân, tâm đều xuất gia là quí trọng hơn hết. Trong Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Phật có phán rằng : Bực xuất gia là Sa môn thì cắt đứt tình dục, lìa bỏ tình ái, thấu hiểu nguồn tự tâm (tâm vốn không tịch, vắng lặng), đạt tới lý thâm diệu của Phật (chơn lý, lý vô tướng), ngộ được cái Pháp vô vi, rồi ở trong không thấy đắc cái gì, ở ngoài thì không mong cầu cái gi, lòng chẳng buộc ràng vì Đạo, cũng chẳng kết thành nghiệp, không động niệm, không tạo tác, tu như không tu, chứng nhưng không chứng, không trải qua các quả mà tự nhiên cao tột bực. Như vậy mới đáng là bực xuất gia hành Đạo.

TẠI GIA. Người ở tại gia đình, tại thế tục, làm nghề nghiệp mà nuôi sống lấy mình, nhưng có lòng mến Tam Bảo hoặc tinh tấn tu hành.

Đối với xuất gia; hạng người ra khỏi nhà cửa, thế tục, giữ gìn tịnh hạnh, tu học nơi chùa chiền hoặc thiền định nơi am mây, động vắng.

Tại gia cũng kêu là : tại tục, cư gia, cư sĩ, bạch y.

Bực tại gia dõng mãnh, tuy thân tại gia mà tâm xuất gia, ấy là bực chẳng nhiễm ngũ dục, chẳng say đắm trong các cuộc vui của trần thế.

Như vậy còn hơn bực thân xuất gia mà tâm chẳng xuất gia, tuy mặt áo nhà Tăng ở chùa chiền mà vẫn mến tiếc việc đời.

Trong quyển Ưu bà tắc giới Kinh, Đức Phật dạy rằng : Tại gia còn bị nhiều sự ràng buộc nơi gia đình, khó bề tu học, nhưng nếu tu học được thì công đức hơn người xuất gia.

Tổ bảo : “Nầy thiện tri thức ! Nếu muốn tu hành, tại gia cũng được, không cần ở chùa, người ở tại gia mà hay hành như người ở phương Đông mà tâm được thiện, còn hơn người ở chùa mà không tu, cũng như ngưởi ở Phương Tây mà tâm ác. Chỉ tâm thanh tịnh tức là tự tánh Tây phương”.

(Trích Pháp Bảo Đàn Kinh)

TẠI GIA BỒ TÁT: Vị Bồ Tát ở tại gia đình, ở tại thế tục. Người tu Bồ tát hạnh, nhưng chưa xuất gia. Như Duy Ma Cật cư sĩ giữ vẹn được pháp nghi, mà tu theo Đạo Phật. Tại gia Bồ tát thọ Ngũ giới, Bát giới, hoặc Thập thiện giới, chớ chẳng thọ trì Cụ túc giới của hạng xuất gia, Tỳ kheo.

Đối với Xuất gia Bồ tát là bực Bồ tát làm Sa Môn, Tỳ kheo, tu nơi chùa chiền, động, cốc.

Tại gia Bồ tát và xuất gia Bồ tát đều là hạng sanh ra đời mà làm Bồ tát hạnh, giáo hóa chúng sanh, làm các việc công ích, từ thiện, tấn bước trên đường Đạo lý để mau thành Phật.

Tại gia Bồ tát cũng là tiếng dùng để gọi người Phật tử tại gia thọ trì Bồ tát giới.

Tại gia Bồ tát cũng gọi là Chánh sĩ (Chánh : Cầu chánh Đạo, Sĩ : Cư sĩ).

Hồi Đức Phật Thích Ca trụ thế mà giáo hóa, ông Bạt đà bà la, Bhadrapala (hiền hộ) là người đứng đầu trong nhóm 16 vị Tại gia Bồ tát (Chánh sĩ), thường hướng dẫn nhóm Tại gia Bồ tát đến nghe Phật thuyết pháp giảng Kinh. Như nhóm Tại gia bồ Tát ấy nghe Phật Giảng : Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Di Lặc Thượng sanh Đâu suất Thiên Kinh, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, v.v…

Nam Mô A Di Đà Phật !

TRƯƠNG VĂN THẠO


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Chín 2014(Xem: 9582)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 19604)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 20951)