17- Tìm hiểu nghĩa chữ GIÁC MÊ

18 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 9292)
17- Tìm hiểu nghĩa chữ GIÁC MÊ

dan_sinh_duc_thay_nam_california_201104-content



Trước hết, chúng ta tìm thấy hai chữ Giác Mê trong Quyển Tư tức “Giác Mê Tâm Kệ”. Quyển nầy, Đức Thầy viết tại Hòa Hảo ngày 20 tháng 9 năm Kỷ Mão (1939), theo thể thơ thất ngôn trường thiên và mở đầu bằng câu: “Khai ngọn đuốc từ bi chí thiện” và chấm dứt bởi câu: “Mong bá tánh vạn dân giải thoát.”

Và trong Quyển Năm tức “Khuyến Thiện” mà Đức Thầy viết tại nhà thương Chợ Quán năm 1941, cũng có câu:

“Diệt Mê Si phải nương thuyền Giác,
Muôn việc làm chánh trực khôn ngoan.
Đừng bạ đâu tin bướng nghe càn,
Làm ngu muội đọa thân uổng kiếp.”

Như vậy tìm hiểu ý nghĩa chữ GIÁC MÊ là điều rất quan trọng cho những ai trên bước đường Tu Học.

Sau đây, chúng tôi xin trình bày về ý nghĩa hai chữ Giác Mê trong Phật Học Từ Điển:

GIÁC: - Phàm có có sự cảm xúc nên phân biệt, gọi là Giác, như: Cảm giác, tri giác. - Mối cảm giác, mối tri giác, mối tri giác đối với người, vật, như tam giác (dục giác, sân giác, hại giác).

- Tự mình biết trước, rồi nói cho người ta biết sau, dạy bảo cho kẻ hậu tiến; như: Tiên tri giác hậu tri.
- Bực hiền trí cũng xưng là Giác; như: Hiền giác, biết rõ ràng không lầm lạc.
- Sự chân thật, sự giác ngộ một cách sáng suốt. Chữ Phạn gọi là Bồ đề (Bodi), Phật, Phật đà (Bouddha). Chữ Hán cũng gọi là Đạo.
- Trái với Mê. Bực đắc Đạo, trở nên sáng suốt, gọi là Giác. Hạng tăm tối, lầm lạc thì gọi là Mê.

Giác có hai mối:
1) Giác sát: Tỉnh ngộ thấy ra những điều quấy, ác mà dứt bỏ.
2) Giác ngộ: Khai ngộ Chơn lý mà noi theo.
Trong hàng đắc Đạo, Giác ngộ có nhiều bực: La hán, Duyên giác, Bồ tát và Phật.

Đối với Phật, sự giác ngộ là tròn đầy, sáng lạn hoàn toàn, nên gọi là Đại Giác, Giác hùng, Giác vương .

Cái Giác vẫn ở nơi các hạng chúng sanh, chớ chẳng phải chờ đến thành Thánh, thành Phật mới có. Song bởi tại chúng sanh chẳng tự biết mình, cứ say mê về mộng huyễn, rồi chìm đắm trong sự sống chết, không biết tỉnh ra. Còn đối với các vị đắc Đạo, như Thánh, Phật, các Ngài dứt hết phiền não, trừ hết mê lầm, lấy lại được cái chơn tánh thanh tịnh, chẳng sanh chẳng diệt, ấy là Giác vậy. Tỷ như kẻ ngủ với người thức: ngủ là mê, thức là giác; Mê là chúng sanh, Giác là Phật.

Bực đắc Đạo trong hai thừa Thinh văn và Duyên giác, gọi là Tự giác.
Bực đắc Đạo trong thừa Bồ tát, gọi là Tự giác, Giác tha.
Bực đắc Đạo thành Phật gọi là Tự giác, Giác tha, Giác hạnh viên mãn.
Bàn về chữ GIÁC, chúng ta cũng nên biết thêm về ý nghĩa chữ GIÁC HẢI.
GIÁC HẢI là biển giác. Đạo Phật lấy sự giác ngộ làm tôn chỉ; cái tánh giác ngộ ấy sâu, rộng, và trong như biển cả, cho nên gọi là Giác hải.

Trong Thủ Lăng Nghiêm Kinh, quyển Sáu có câu:

Giác hải tánh trừng viên.
Viên trừng giác nguyên diệu,
Nguyên minh chiếu sanh sở,
Sở lập, chiếu tánh vong.

Dịch nghĩa:
(Tánh biển giác lắng trong và tròn trịa.
Lắng trong và tròn trịa thì cái bổn nguyên giác ngộ chiếu diệu,
Cái bổn nguyên chiếu diệu soi tới chỗ sanh.
Chỗ lập đã xong thì cái tánh chiếu cũng dứt).

MÊ: Mơ hồ không rõ, lầm lạc, không tỉnh, tối tăm, ám độn. Trái với Ngộ (tỉnh ra), Giác (sáng ra ). Như: Mê ám, Mê đồ (mê lộ), mê hoặc, mê muội, mê tâm, mê tân, mê tín. Lại như “Chấp tánh mê tưởng, chấp thật mê huyền”.

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh (phẩm Hai), Đức Lục Tổ có dạy rằng: Cái Phật tánh ở người ngu, kẻ trí đều như nhau, chỉ khác nhau là người mê, kẻ ngộ (tỉnh), bởi vậy mới có người ngu, kẻ trí.

Còn trong Kinh Kim Cang có chép rằng: Mê thì Phật là chúng sanh, Ngộ thì chúng sanh là Phật.

Sư Huệ Hải đời Đường có nói rằng: Phật do tâm làm nên. Kẻ mê thì đồ theo văn tự mà cầu lý; người ngộ thì do nơi Tâm mà biết ra. Kẻ mê thì tu tập nhơn duyên mà chờ phước quả; người ngộ thì thấy rõ Tâm không tướng. Kẻ mê thì chấp sự vật, giữ lấy cái bổn ngã, lo vì mình; người ngộ thì có đủ Trí huệ ứng dụng, thấy ra từ trước. Kẻ ngu chấp không, chấp có mà sanh ra bất thông, Người trí thấy tánh hiểu tướng mà linh thông.

Trong Mẩu chuyện bên Thầy thứ 60 có kể như sau: Ông Đăng Thành Tựu người ở Xã Kiến An, Chợ Mới, An Giang, khi đã quy y với Đức Thầy, ông luôn để tâm suy tầm Đạo lý, thấy nhiều điều tự mình không thể giải nghi, nên hôm nọ vào cuối mùa Đông năm Kỷ Mão 1939, ông Tựu có đến Tổ Đình, đợi lúc vắng khách, mới bước lại gần Đức Thầy thưa hỏi:

- “Bạch Đức Thầy! trong Kinh Phật có dạy Tam Độc: Tham, Sân, Si. Theo trí cạn hẹp của tôi hiểu là muốn trừ tánh Tham thì tôi đừng ham muốn vật nào hết là được, cũng như muốn trừ Sân thì tôi đừng nóng giận chút nào nữa dù việc nghịch lý ấy lớn hay nhỏ. Còn cái Mê Si nầy tôi không biết làm sao diệt được nó, nhờ Đức Thầy từ bi chỉ dạy cho”.

Đức Thầy tươi cười bảo: “Muốn diệt Mê Si, tâm mình phải Giác”. (Thuật theo lời của ông Đặng Thành Tựu).

Tóm lại, nếu ghép chung hai chữ GIÁC MÊ thì có nghĩa là thức tỉnh kẻ còn mê lầm tăm tối.

Nhờ Giác mà biết được Mê. Cũng như người nằm chiêm bao (mơ), thấy được nhiều việc. Nhưng khi tỉnh dậy mới thấy mọi việc đều không thật. Cũng như người MÊ thấy thân mình là thật, còn người tỉnh GIÁC thì thấy thân mình là giả vậy.
Trong bài Pháp luận “Phật là gì?” mà Đức Thầy viết tại Bạc Liêu năm 1942, Ngài giải thích: “Phật là giác giả, giác giả là tỉnh giả.” Như vậy, chữ Giác ngoài ý nghĩa là tỉnh ngộ, hết mê lầm mà Giác còn đồng nghĩa với trí tuệ và Phật.

Giác là từ đối lập với Mê. Giác là giải thoát, an vui. Mê là chúng sanh, là luân hồi sanh tử.

Trong Sấm Thi, Đức Thầy có nhiều lần nhắc đến hai chữ Giác Mê, đặc biệt Ngài viết ra quyển Giác Mê Tâm Kệ là có ý khuyên dạy tín đồ các phương pháp sửa đổi tâm chúng sanh để trở thành tâm Phật. Bởi Phật hay chúng sanh cũng do tâm mình tạo nên, như Ngài đã bảo:

“Cái chữ tâm mà quỉ hay ma,
Tiên hay Phật cũng là tại nó.
Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,
Nếu lặng tâm tỏ ngộ đạo mầu”.

Sau đây là một số lời dạy của Đức Thầy có liên quan đến chữ GIÁC và MÊ, kính mong quý đồng đạo quan tâm đọc lại và suy gẫm:

“Giác-Mê hai chữ rồi ta chỉ,
Chí dốc ngày kia sẽ đạt thành."
(Hương chủ Đạt xướng - Đức Thầp đáp)

“Chúc ông thoàn nhã vững lèo,
Qua bờ giác-ngạn sớm treo gương mầu.”
(Cho Ô. Cò tàu Hảo)

“Dìu nhơn-sanh khỏi chốn mê-lầm,
Bờ giác-ngạn kiên tâm lần bước tới.”
(Tặng Ô. Giáo Đàng)

“Tự-giác, giác-tha ta phải nói,
Hỡi người dương-thế bớt xa-hoa."
(Thi Xuân)

“Đem về GIÁC tánh chơn như.
Kim thân thị hiện dứt trừ tử sanh.”
(Cho Ô. Cò tàu Hảo)

“Trần-gian say-đắm theo màu-sắc,
Tịnh-độ giác-thuyền trị dục-tâm.”
(Quyển 5)

“Phật-Đạo trau-dồi tâm-tánh lại,
Giác-thuyền chuyên chở lúc can-qua.”
(Ai người tri kỷ)

“Giác-thuyền đến bến đưa người thế,
Chớ đắm hồng-trần nẻo lợi-danh."
(Nghĩ những ngày qua)
“Ác thứ mười đoạn chót Mê-Si,
Nguyên tăm-tối từ hồi vô-thỉ."
(Quyển 5)

“Diệt Mê-si phải nương thuyền giác,
Muôn việc làm chính-trực khôn-ngoan."
(Quyển 5)

Nam Mô A Di Đà Phật !

TRƯƠNG VĂN THẠO
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Chín 2014(Xem: 9535)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 19561)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 20900)