VI. PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ & GIÁ TRỊ CỦA SỰ NIỆM PHẬT

21 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 16506)
VI. PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ & GIÁ TRỊ CỦA SỰ NIỆM PHẬT

Lòng thương chúng thuyết-phương Tịnh-độ,
Đặng dắt-dìu tất cả chúng-sanh.
Nếu như ai cố chí làm lành,
Chuyên niệm Phật cầu xin Phật-Quốc.

Lời Đức Huỳnh Giáo Chủ


 VI I. PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ & GIÁ TRỊ CỦA SỰ NIỆM PHẬT

 

 

 

Vì đây là thời kỳ Hạ Ngươn Mạt Pháp, là thời kỳ Phật Trời xả tội hầu giúp nhân sanh sớm thoát khỏi những khổ ải trầm luân ở Cõi Ta Bà, nên Pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật, là phương pháp tu tập, được tin là giản dị, vắn tắt, mau lẹ, dể học, dễ hành và dễ đạt được kết quả, nếu chúng ta thành tâm trì niệm và hành đúng theo những gì Phật dạy.

 

Ý nghĩa của sự niệm Phật, được Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy như sau: “chúng ta niệm danh-hiệu Phật để nhớ Phậtlàm theo những đức hạnh của Phật: Từ, Bi, Hỉ, Xả…  Niệm Phậtđể trừ cái vọng niệm của chúng sanh, vì trong tâm của chúng-sanh niệm niệm mê lầm chẳng dứt… Hễ thành tâm niệm Phật, thì nếu được một niệm Phật, ắt lìa được một niệm chúng sanh, mà niệm niệm Phật thì lìa tất cả niệm chúng sanh… Nên niệm Phậtniệm cái bản lai thanh tịnh của Phật cho lòng của mình nương theo đó mà được thanh-tịnh và chẳng còn trược nhiễm trần ai.” Và ngài cũng khuyên chúng ta: “nên bố thí, nhẫn nhục, trì giới để độ tham, sân, si, và cần tu thập thiện, dứt được thập ác, thì sự niệm mới có hiệu quả.”

 

Nếu nghĩ lại thì trong cuộc sống hằng ngày, không có mấy lúc tâm chúng ta có được sự thanh tịnh. Tâm trí của chúng ta luôn suy nghĩ không ngừng, hết việc nọ đến việc kia, hết lo việc làm đến việc nhà, hết chuyện của các con rồi đến việc học của các cháu… những suy nghĩ không ngừng ấy làm cho chúng ta luôn âu lo, sầu muộn… là những điều mà Đức Huỳnh Giáo Chủ cho là: “niệm niệm mê lầm”. Cho nên khi chúng ta niệm một niệm Phật thì chúng ta giảm được một suy nghĩ của đời, khi chúng ta niệm Phật liên tục thì chúng ta không còn thời gian để suy nghĩ đến những việc khác, đó là điều thiết thực giúp cho tâm chúng ta đạt được sự thanh tịnh nhờ vào sự niệm Phật. 

 

Nếu chúng ta tu tập thuần thục trong việc niệm Phật thì chúng ta sẽ thấy được những giá trị thiết thực như: giúp dẹp được lòng sầu, quên những điều tà, được hạnh phúc, được thảnh-thơi và được tan chướng nghiệp…, đó là giá trị thực tại của niệm Phật. Còn về giá trị của tâm linh thì chúng ta niệm Phật nhằm gây lấy thiện duyên cùng chư Phật hầu được cứu khỏi nơi khói lửa, được sống để thấy Thần-Tiên-Thánh, được dắt đến cảnh Long-Hoa, được gần Bệ-Ngọc Long-Xa và được sanh nơi Lạc-quốc…, mà Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết trong Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý PGHH qua những câu sau:

 

Lòng sáu chữ nhớ không có ngớt,
Thì nạn tai cũng thoát như không.

 

Được thảnh-thơi nhờ chữ Nam-Mô, 
Khuyên bổn-đạo rán mà trì-chí.

 

Niệm Phật mà gây lấy thiện duyên,
Cho đẹp mặt Tổ-tiên nòi giống.

 

Biết khôn tìm kiếm ma-ha,
Một-câu lục tự nhà nhà bình-an.

 

Chữ Lục-Tự trì tâm bất viễn, 
Thì lâm nguy có kẻ cứu mình

 

Vậy sớm mau kiếm chữ Ma-Ha
Thì Phật cứu khỏi nơi khói lửa.

 

Chữ Nam-Mô dẹp được lòng sầu
Sau thấy được nhà Tiên cửa Thánh.

Niệm chữ Di-Đà tan chướng nghiệp,
Thuyền từ Thầy rước lại non Bồng.

Niệm Di-Đà rán niệm cho rành
Thì mới được sống coi Tiên-Thánh

 

Cầu cho già trẻ gái trai,
Rủ nhau niệm Phật liên-đài ắt lên.

Di-Đà lục-tự rán ghi,
Niệm cho tà-quỉ vậy thì dang ra.

Định thần dẹp hết tà tâm,
Huờn lai bổn-tánh Thần khâm quỉ nhường.

Niệm chữ A-Di dẹp lòng sầu,
Rán trì kinh-kệ hoặc mau lâu.
Cũng có ngày kia ta giải-thoát,
Giải-thoát thì ta rõ đạo mầu.

Niệm Phật, là phương pháp tu tập đơn giản, dể hành và không chịu sự tác động của thời gian, môi trường và hoàn cảnh. Chúng ta có thể hành ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh và hành ngay trong tứ oai nghi của chúng ta: đi, đứng, nằm ngồi…, được Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy qua những câu sau: 

 

Rán trì tâm tưởng niệm canh thâu, 
Nằm đi đứng hay ngồi chẳng chấp. 

 

Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà,
Phật chẳng chấp chẳng nài thời khắc.

 

Niệm Phật nào đợi mùi hương,
Miễn tâm thành-kính tòa-chương cũng gần.

Muốn niệm Phật chẳng cần sớm tối,
Ghi vào lòng sáu chữ Di-Đà.
Thì hiền lương quên mất điều tà,
Đặng hạnh-phúc nhờ lòng cố gắng.

Và giá trị của sự niệm Phật cũng được Đức Sư Vải Bán Khoai (1902 – 19 _), cho biết trong đoạn “Niệm Phật” của “Sấm Giảng Người Đời”, là khi niệm Phật chúng ta được bốn Thần Linh thường bảo hộ chúng ta. Và ngài cho biết sự niệm Phật sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những điều bi ai, tật bịnh tiêu tan, vui thú thảnh thơi, buồn sầu giải hết, thọ mạng tăng long và được Phật dắt đi xem cảnh Bồng Lai… Và ngài cũng cho biết là chúng ta phải hành theo những điều, song song với sự niệm Phật, như: buông xả muôn duyên, sửa đổi tánh tình, ăn ngay ở thẳng, không oán trách giận hờn ai, phải đền đáp tứ ân, ơn cha nghĩa mẹ, ơn nhà nợ nước, đạo vợ nghĩa chồng và phải tập tánh từ bi, thương xót và cứu giúp những người tàn tật… thì mới đạt được giá trị thật sự của việc niệm Phật.

 

Niệm Phật có bốn Thần linh,

Thường thường bảo hộ bên mình mộ khan.

Niệm Phật tật bịnh tiêu tan,

Lòng đừng tráo chác mắc vòng gian nan.

 

Niệm Phật Cực Lạc hân hoan,

Ta Bà khổ não giàu sang mấy hồi.

Niệm Phật muôn việc điều thôi,

Chớ ham siêu niệm luân hồi khốn thay.

 

Niệm Phật thì phải ân cần,

Thức khuya dậy sớm tay lần hột châu.

Niệm Phật nhớ chữ Bồ đề,

Ơn thâm phải trả nghĩa sâu phải đền.

 

Niệm Phật thọ mạng tăng long,

Cửu Huyền Thất Tổ đặng về Tây Phương.

Niệm Phật nhớ chữ từ bi,

Gian tham bất bất si si vừa vừa.

 

Niệm Phật nhiều người không ưa,

Những người có tánh thuở xưa tới giờ.

Niệm Phật sen nở đợi chờ,

Cây nào bông nấy bốn mùa tốt tươi.

 

Niệm Phật vui thú thảnh thơi,

Buồn sầu giải hết, mặc người cười chê.

Niệm Phật nhớ chữ bằng đầu,

Cửu Huyền Thất Tổ đặng về Tây Phương.

 

Niệm Phật Phật độ bảo toàn,

Lần tay có Phật sao không chịu dò?

Niệm Phật chớ khá oán người,

Dầu ai hung ác ta thì thiện tâm.

 

Niệm Phật nhiều kẻ vô nhân,

Họa tai thì niệm, hết dần lại quên.

Niệm Phật không tốn đồng tiền,

Niệm Phật thoát khỏi những điều bi ai.

 

Niệm Phật có Phật Như Lai,

Bình an yêu quái ẩn hình trong thân.

Niệm Phật thì phải bỏ tà,

Khỏi nơi tai họa sao dân không dò.

 

Niệm Phật Phật độ ân cần,

Lâm cơn nguy hiểm có người cứu an.

Niệm Phật đừng có trách than,

Cũng đừng oán giận cừu hờn với ai.

 

Niệm Phật có Phật vãng lai,

Lâm cơn nạn tám Phật sai cứu mình.

Niệm Phật phải sửa tánh tình,

Ăn ngay ở thẳng chớ tình phang ngang.

 

Niệm Phật bỏ tính nghinh ngang,

Tu nhơn tích đức Phật sai rước về.

Niệm Phật Phật độ nhiều bề,

Gặp cơn tai họa chớ hề hại thân.

 

Niệm Phật đừng có kể công,

Dầu lâm tai nạn cũng không lụy mình.

Niệm Phật thì phải chí tình,

Ơn cha nghĩa mẹ giữ gìn cân phân.

 

Niệm Phật phải giữ Tứ Ân,

Ơn nhà nợ nước xử phân trọn nghì.

Niệm Phật tập tánh từ bi,

Đạo vợ nghĩa chồng chớ có nại nhau.

 

Niệm Phật hẩm hút cháo rau,

Thương người tàn tật sang giàu đừng ham.

Niệm Phật đừng muốn tiền ngàn,

Xa cừ mã não ai màng làm chi.

 

Niệm Phật tàn tật đừng khi,

Nữa sau mắc đọa hơn thì người ta.

Niệm Phật bỏ tánh gian tà,

Cũng đừng ham sắc ham hoa làm gì ?

 

Niệm Phật đừng có sân si,

Thấy người mắc nạn khả đi cứu người.

Niệm Phật đừng có oán cừu,

Đừng đem lòng ác hại người chẳng nên.

 

Niệm Phật giữ dạ cho bền,

Ơn Thầy nghĩa bạn chớ nên sai lầm.

Niệm Phật Phật hiện vào tâm,

Tam bành lục tặc giục mình đặng đâu.

 

Niệm Phật bỏ tánh câu mâu,

Thì sau mới đặng một câu thanh nhàn.

Niệm Phật khỏi hết tai nàn,

Nói cho già trẻ đặng tàng căn nguyên.

 

Niệm Phật Phật độ hiển nhiên,

Gặp cơn bạo loạn đặng yên thân mình.

Niệm Phật phải tưởng Thần linh,

Cũng đừng khinh dễ mà mình lụy thân.

 

Niệm Phật thương hết thế trần,

Giàu nghèo thì cũng nhân nhân là người.

Niệm Phật khổ hải bằng mười,

Chí công gắng đặng thì mình mới nên.

 

Niệm Phật giữ dạ cho bền,

Ơn đền nghĩa trả dưới trên thuận hòa.

Niệm Phật Phật chẳng ở xa,

Chí công cầu nguyện Phật mà hiện cho.

 

Niệm Phật thì đặng ấm no,

Khỏi nơi đói lạnh mà lo nỗi gì ?

Niệm Phật có Phật dắt đi,

Coi non coi núi coi thời Bồng Lai.

 

Niệm Phật Phật cứu hoài hoài,

Khỏi nơi lao khổ nào ai thấy rày.

Niệm Phật tai họa cũng bay,

Nói cho già trẻ giữ nay mà nhờ.

 

Già trẻ đừng có nghi ngờ,

Việc đời ngó thấy bây giờ tới đây.

Mấy bài khuyên hết Đông Tây,

Nói cho nam nữ đặng hay cứu mình.

 

Nếu ai mà chẳng có tin,

Rồi sau mang họa chớ tình trách than.

Huệ Lưu diễn nghĩa mấy hàng,

Cầu cho già trẻ luận bàn tu thân.

 

Cuộc đời xem thấy hầu gần,

Có buồn thời đọc tai ương khỏi lầm.

Đọc rồi phải niệm ba câu,

Có biên câu niệm khẩn cầu dưới đây.

 

Nam Mô Năng, Cứu Khổ Cứu Nạn, Cho Vạn Dân Bá Tánh, Bồ Tát Ma Ha Tát. 

(Niệm ba lần)

 

 Và Đức Huỳnh Giáo Chủ có cho biết, trong Sấm Giảng Giáo Lý Thi Văn PGHH, vì thương chúng sanh nên Ngài thuyết phương tịnh độ, để dìu dắt tất cả chúng sanh dầu Tiên, Phàm, Ma, Quỉ, Súc sanh, nếu những ai nhất tâm hành theo đều sẽ được cứu vớt về nơi an dưỡng. Ngài cũng cho biết là các chư Phật ở Tây-Phương luôn ngóng trông, mong chờ bá tánh rủ nhau đồng niệm Phật, và Đức A Di Đà luôn hiện hào quang để tìm những người hiền đức dẫn dắt về cõi Tây Phương Cực Lạc. Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng giới thiệu rỏ về cảnh giới Tây Phương Tịnh Độ có Phật hằng hà, có sen báu nặc mùi đua nở, và có lắm điều thanh-nhã…, được nhắc qua những câu sau:

 

Lòng thương chúng thuyết-phương Tịnh độ,
Đặng dắt-dìu tất cả chúng-sanh.
Nếu như ai cố chí làm lành,
Chuyên niệm Phật cầu xin Phật-Quốc.

 

Cả vũ-trụ khắp cùng van-vật,
Dầu Tiên, Phàm, Ma, Quỉ, Súc-sanh.
Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng-hành,
Được cứu-cánh về nơi an-dưỡng.

Tây-Phương chư Phật ngóng trông,
Chờ bá-tánh rủ nhau niệm Phật

Môn Tịnh-độ là phương cứu-cánh,
Rán phụng-hành kẻo phụ Phật xưa.

 

Chỉ một kiếp Tây-phương hồi hướng,
Thoát mê-đồ dứt cuộc luân-hồi.

 

Cõi Tịnh-độ lắm điều thanh-nhã,
Khổ, buồn, rầu, lo, sợ chẳng còn.

Có bao người xét cho tột chỗ,
Tịnh-độ vui, Tịnh-độ nhàn vui.
Cảnh thanh-minh sen báu nặc mùi,
Nào ai rõ cái vui triệt đáo.

Tây-Phương chư Phật cám ta-bà,
Chuyển pháp độ đời khỏi đọa-sa.
Mong-mỏi chúng-sanh đồng mật niệm,
Vọng cầu thế-giới dứt can qua.

A-Di-Đà nhìn xem khắp cõi, 
Đặng trông chờ mong-mỏi chúng-sanh. 
Hiện hào-quang ngũ sắc hiền lành, 
Đặng tìm kiếm những người hiền-đức

Kiếm con hiền đức dắt về,
Về nơi cõi Phật Tây-Phương an nhàn.

Ao sen báu Tây-Phương đua nở,
Chờ chúng-sanh niệm Phật chí tâm.

 

Tây-phương đua nở hoa liên,
Chờ người hữu phước thiện duyên từ-hòa.

 

Tây-Phương tuy ở cõi xa,
Thành tâm thì có Phật mà đáo lai.

 

Tây-Phương Cực-Lạc Phật hằng-hà,
Ta rán bền lòng Phật chẳng xa.

 

Và chúng ta nên thường xuyên soi rọi thân tâm của chúng ta, khi hành theo phương thức niệm Phật, để biết rỏ kết quả mà chúng ta đạt được mang tính cách thời khắc hay giá trị lâu dài, được giải thích như sau:

 Giá trị thời khắc: là khi chúng ta chỉ đạt được sự tịnh tâm trong lúc ngồi niệm Phật và tâm trạng của chúng ta trong sinh hoạt hàng ngày, những lúc không niệm phật, vẫn còn nóng nãy, sân si, phiền não, còn tính thiệt hơn… thì chúng ta chỉ đạt được giá trị mang tính cách thời điểm, chỉ lúc ngồi niệm Phật, chưa đạt được công dụng thật sự của việc niệm Phật.

 Giá trị lâu dài: là khi chúng ta có được sự tịnh tâm trong thời điểm ngồi niệm Phật và trong sinh hoạt hàng ngày. Chúng ta không còn bị phiền não, không giận, không hờn… khi ấy tâm chúng ta bình tịnh, bất động như như, có được sự an nhiên tự tại trong mọi sự việc, mọi hoàn cảnh. Khi ấy chúng ta sẽ nhận ra lý lẽ của sự mê với tỉnh, và nếu đi xa hơn chúng ta sẽ đạt được những giá trị thiết thực của sự niệm Phật và đó là mục tiêu mà chúng ta cần đạt đến, được Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy qua những câu sau:

 

Định tâm-thần như mặt nước hồ,
Suy với nghĩ, nghĩ suy đường lối.

 

Giữ tấm lòng bất động như như.
Cho hồn-linh yên-lặng an cư,
Thì mới được huờn-nguyên phản-bổn.

 

Mê với tỉnh nhận ra là lý,

Lấy tâm-thần làm chủ mới mầu.

Nếu ai mà biết chữ tu trì,
Tâm bình tịnh được thì phát huệ.

 

Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,

Nếu lặng Tâm tỏ-ngộ Đạo mầu.

 

Thiện-duyên ấy cũng tại nơi ta,
Hộ niệm oai linh Đức Phật-Đà.
Sớm, tối, đi, nằm, y chánh-pháp,
Thầy nguyền dắt đến cảnh Long-Hoa.

 

Với những gì mà chúng ta được Đức Huỳnh Giáo Chủ, cùng Đức Sư Vải Bán Khoai cho biết về pháp môn Tịnh độ, về giá trị thiết thực của sự niệm Phật, về cảnh an lạc của Cõi Tây Phương…, là những điều mà tất cả chúng ta ai cũng mong đạt đến. Tuy nhiên, muốn đạt được những điều ấy, chúng ta cần phải có lòng tin dũng mảnh, nhất tâm phát nguyện và phải hành đúng theo những điều mà các ngài chỉ dạy, song song với việc niệm Phật, thì chúng ta mới đạt được chân, thiện, mỹ của việc niệm Phật. 

 

Xin thành tâm cầu nguyện Chư Phật mười phương cùng ơn trên Thầy Tổ gia hộ cho tất cả chúng ta được nhất tâm phụng hành để đạt được kết quả mỹ mãn, và xin hồi hướng tất cả những gì đạt được về cho chúng sanh - vạn vật, để đồng thọ hưởng những ân đức và đồng được vãng sanh về nơi an lạc.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật.

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Chín 2014(Xem: 9524)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 19553)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 20891)