VII. NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ CHƯ PHẬT

21 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 11453)
VII. NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ CHƯ PHẬT

Đức Di-Đà Phật-Tổ ngóng trông,
Chờ dân chúng tìm nơi diệt khổ.

Lời Đức Huỳnh Giáo Chủ

 VII. NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ CHƯ PHẬT

 

 

 

Để có được sự tinh tấn trên con đường tu tập và tránh được những mê lầm trong tu học, chúng ta cần phải biết và hiểu rõ: Phật là gì? Các Ngài có những Đức Hạnh gì? Các Ngài đối với chúng sanh như thế nào? Và chúng ta cũng cần biết rõ là phải làm gì để hành đúng và đạt được những điều Phật dạy? Chúng ta cũng cần phải biết rõ những điều kiện gì mà bản thân cần hội đủ để giúp tránh những mê lầm trong tu học và có được sự tinh tấn trên con đường tu tập?

 

Trong bài này, với những gì Đức Huỳnh Giáo Chủ nói rõ về Đức Phật, về những Đức Hạnh của Phật, về tình thương của Phật đối với chúng sanh và những điều kiện cần hội đủ để giúp chúng ta đi đúng theo con đường Phật Pháp. Tất cả các ý được trích nguyên văn trong Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý PGHH, mong mang đến những giá trị thiết thực nhằm giúp chúng ta đạt được những chân lý của Phật Pháp và đưa dần chúng ta đến con đường giải thoát. Mong quý vị hãy đọc và nghiệm kỹ từng điều để giúp chúng ta hành đúng và đạt được những điều Phật dạy.

 

  1. 1. Phật Là Gì?

 

Phật giả Giác giả, Giác giả là Tỉnh giả.

 

  1. 2. Chư Phật Có Bốn Đại-Đức

 

Chư Phật có bốn đại-đức. Vậy ta niệm danh-hiệu Phật để nhớ Phật và rán sức làm theo bốn đại-đức của Phật đặng ngày sau chứng quả như Ngài. Bốn đức ấy là:

  1. Đức Từ: Phật đối với chúng-sanh như mẹ với con, lúc nào cũng lo-lắng đến, hết lòng dìu-dắt, dạy-dỗ, không nỡ để chúng-sanh sa vào đường tội lỗi mà chịu khổ não.
  2. Đức Bi: Nếu chúng-sanh nào dạy-dỗ chẳng nghe, làm điều độc-ác để phải tội thì Phật chẳng vì thế mà ghét bỏ, lại thương xót không cùng.
  3. Đức Hỉ: Thường thường an vui làm những việc lành. Dầu gặp hoàn-cảnh trái-nghịch cũng chẳng vì thế mà sanh lòng buồn-bã.
  4. Đức Xả: Ngài chẳng chấp một pháp nào trong thế-gian, sẳn lòng lìa xa các nghiệp tiền-trần, tha-thứ hết thảy những ai tối-tăm lầm-lỗi, chẳng còn vướng-víu chi với cuộc lợi-danh, tài-sắc, nhìn cõi đời chẳng bao giờ sanh lòng luyến ái.

Vậy ta niệm Phật, phải biết đại đức của chư Phật và làm sao cho ta có thể đắc được bốn đức ấy. Ta cũng nên bố-thí, nhẫn-nhục, trì-giới (để độ tham, sân, si).

 

Còn phương-pháp niệm Phật là để trừ cái vọng- niệm của chúng-sanh, vì trong tâm của chúng-sanh niệm niệm mê-lầm chẳng dứt; vì cái vọng-niệm về việc thế-trần ấy mà không cho cõi lòng an-lạc, phiền não ngăn che, chơn tâm mờ ám. Nên nay, hễ thành tâm niệm Phật thì nếu được một niệm Phật ắt lìa được một niệm chúng-sanh, mà niệm niệm Phật thì lìa tất cả niệm chúng-sanh. Cho đến khi nhứt tâm bất loạn, chừng ấy vọng niệm chúng-sanh đã dứt thì lòng ham muốn và các tình-dục còn đâu mà nảy sanh ra được?

 

Nên niệm Phậtniệm cái bản-lai thanh-tịnh của Phật cho lòng của mình nương theo đó mà được thanh-tịnh và chẳng còn trược nhiễm trần-ai.

 

Cần tu thập thiện thì sự niệm mới có hiệu quả. Tu thập thiện, dứt được thập ác (cũng gọi là tịnh tam nghiệp).

 

Chịu Trách Nhiệm Bài Viết

 

Vũ Nguyễn

PO Box 2833

Lilburn, GA 30048

 

vuhomemax@gmail.com

 

 

Bạc-liêu, năm Nhâm-Ngũ

 

  1. 3. Đức Phật Đối Với Chúng-Sanh

 

Một ông cha ở trong gia-đình vẫn có lòng thương xót hết các con, dù lớn nhỏ, khôn dại gì cũng vậy. Tại sao? Vì xét ra lớn nhỏ là tại đứa sanh ra trước, đứa sanh sau; khôn dại là tại đứa chăm học cùng biếng trễ, chớ cũng đồng là con đều do huyết nhục sanh ra. Vậy bổn-phận ông cha thì hết lòng lo dạy-dỗ các con, lo-lắng cho có gia-cư, nghiệp-nghệ, tài-sản để cho con, ruộng đất cho con.

 

Vậy thì tình thương vẫn đồng, mà cái chỗ âu-yếm ban thưởng nhiều khi có khác, ấy là phải tùy theo mỗi đứa. Tại sao vậy? Vì đứa nào hiếu thuận từ-hòa, dễ dạy, dễ hiểu, thì ông cha âu yếm hơn đứa ngỗ-nghịch, bạo tàn. Với đứa khó dạy thì ông chỉ biết than-thở mà thôi, chớ không thể âu-yếm đặng. Còn đứa nào cần-kiệm, lo giữ-gìn gia-sản của cha nó, chẳng cho hư-hoại, cẩn thận từ ly, dầu lời nói hay việc làm để bảo tồn danh-giá của cha nó, thì cha nó hằng ngày ban thưởng cho nó luôn, chớ không thể ban thưởng cho những đứa hoang chơi, tàn phá sự-nghiệp, làm những điều điếm-nhục gia môn! Những đứa ấy, ông cho có thể nén lòng mà rước lấy sự chế-nhạo, trách-cứ là nhiều lắm rồi, chớ làm sao mà ban thưởng đặng.

Cũng mường tượng như trên, hỡi các người! Đức Phật đối với chúng-sanh và môn-đồ như người cha đối với các hạng con trên đây vậy. Phật cũng yêu hết chúng sanh, dầu kẻ ngu người trí, yêu tất cả môn-đồ (dầu kẻ biếng-nhác với kẻ siêng-năng). Bởi tại duyên-nghiệp mỗi chúng-sanh chẳng đồng nhau, tu cao thấp khác nhau, nhưng mỗi chúng-sanh đều có Phật tánh. Vậy lòng từ-bi của Phật là vì thương xót chúng-sanh, lo dạy-dỗ chúng-sanh, nhưng mà sự gần gũi và ban phước-huệ vẫn có khác, vì phải tuỳ theo mỗi kẻ tín-đồ.

Người tín-đồ nào hằng ngày vâng lời Phật dạy, rán lo học hỏi, tìm kiếm đạo mầu, quí trọng chuyện lành thì Phật thường gần-gũi hơn đứa đã dạy nhiều lần mà chẳng chịu nghe theo, và thường ban thưởng cho kẻ tín-đồ nào quí trọng kinh luật của Phật, chăm lòng giữ theo giới-luật, cẩn thận từ lời nói việc làm, đừng để cho người ta nhạo-báng Phật hay chê-bai Thầy của mình. Còn những kẻ tín-đồ dối tu, chẳng vâng lời dạy, chẳng giữ giới-luật thì trên là Đức Phật và dưới là ông Thầy của kẻ ấy chỉ lấy lòng từ-bi mà nhận sự trách-cứ của kẻ ngoại đạo, chớ không thế nào mà gần-gũi và ban phước-huệ cho kẻ chẳng thành-tín kia đặng.

Bạc-liêu, ngày 24-8 Nhâm-Ngũ (1942)

 

  1. 4. Đường Trung Đạo Của Phật

 

Khi Đức Thích-Ca thành Phật thì Ngài nói pháp tứ-đế mà độ đời trước hơn các pháp, và chỉ con đường Trung-Đạo cho người hành theo.

 

A - Không trưởng-dưỡng xác thịt quá ư sung-sướng như: ăn nhiều, ngủ nhiều, chẳng lo làm công chuyện, chẳng học hỏi, vì sung-sướng thái quá thì sanh nhiều dục-vọng mê đắm, làm cho trí-đạo tối tăm, không thể đạt huệ được.

 

B - Không nên hành xác hay ép xác-thịt thái quá như: phơi nắng dầm sương, bỏ ăn, bỏ ngủ, làm lụng quá sức lực của mình, vì ép xác quá độ thì hay sanh bịnh-hoạn nhiều, người mà đa mang bịnh tật rồi, tinh-thần kém-cõi, nhọc-mệt, trí-hóa lu lờ, không đủ sức mà học Đạo đặng.

 

Nên người biết Đạo chẳng ép xác thái quá mà cũng chẳng để nó sung-sướng quá độ, chỉ ăn ngủ có chừng mực, làm việc vừa với sức mình, gìn-giữ sức khỏe mới mong học được đạo-pháp.

 

Vậy Phật chẳng buộc ai phải ăn ở khỗ hạnh và cũng chẳng biểu ai ăn ở sung-sướng, chẳng ép ai ăn chay, chẳng xúi ai ăn mặn, tùy theo trình-độ và lòng nhơn của mình.

 

Điều cần yếu là phải:

- Làm hết các việc từ-thiện,

- Tránh tất cả điều độc-ác,

- Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch.

 

Bạc-liêu, năm Nhâm-Ngũ

 

Với những điều mà Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy cho chúng ta về chư Phật, về những Đức Hạnh và tình thương của các ngài đối với chúng sanh, mong chúng ta nhận ra để tránh được những mê lầm trong tu học, có được sự tinh tấn trên con đường tu tập và hành theo để đạt được những Đức Hạnh như các ngài. Ngoài ra, chúng ta cũng nên biết rõ những điều kiện mà bản thân cần hội đủ để đi đúng và để tìm ra chân lý của Phật pháp. Với hy vọng, có thể mang đến quý vị những giá trị thiết thực của Phật Pháp, để đưa dần chúng ta đến con đường giải thoát.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Chín 2014(Xem: 9168)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 19285)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 20598)