Các hiền giả phương Đông, luôn cả hàng Phật Thánh, đều lấy Tâm làm tiêu chuẩn giáo hóa. Tâm học của Phật, Lão, Nho đều là cái học sử dụng tâm hồn, đi từ tâm hồn qua vũ trụ, đến cõi Vô.
Lão Tử chủ trương “định tâm, thị đạo”, Thích Ca quyết nhận : “Phật tức Tâm”; còn Khổng Tử thì đã mạnh dạn tuyên bố rằng : “tiên chánh kỳ tâm”. Theo quan điểm đó, Mạnh Tử có lần than thở :
“Ai tai, nhơn hữu kê khuyển, xả nhi tắc cầu chi; hữu phóng tâm nhi bất tri cầu !”
(Thương thay ! người ta có con chó, con gà vậy mà khi mất chúng còn biết kiếm; nay cái tâm mất, há bỏ chẳng tìm !)
Rồi Mạnh Tử đã nói thêm :
“Học vấn tri đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hỉ” (Cái đạo học vấn không có gì ngoài việc tìm kiếm cho được cái phóng tâm của mình)
Vương Dương Minh, một bậc á thánh, đã viết :
“Tri tâm đắc tri đạo, tri thiêng” (Hãy biết được cái tâm mình là biết được đạo, mà biết đạo tức là biết được lẽ trời).
Do đó, người học đạo, nhất là tín đồ nhà Phật, phải biết nhìn ngược vào tâm hồn để tìm Phật nơi tâm. Tuy nhiên, công việc luyện rèn cho tâm tư trong sạch, vắng lặng, không phải không cần một phương pháp nào mà có thể đạt được.
Theo Duy thức học thì ngoài tâm vương, người ta còn tâm sở, chúng sẽ tùy duyên và tùy cảnh mà gây nên lành dữ. Con người nếu quyết chí nghĩ lành và làm lành, thì các căn bản phiền não sẽ thiếu cơ hội phát sanh, vọng niệm bị diệt, tâm ta nhờ đó được trầm lặng, ánh sáng thị hiện. Điều nầy có thể ví như cặn cáu bị lắng xuống và nước đục sẽ dần dà trong suốt.
Đức Phật Thầy Tây An từng giảng hóa :
Lọc lừa thì đặng nước trong
Ma Phật tại lòng nào phải tìm đâu !
(Kinh Giác Mê)
Con đường hướng về chân tâm là con đường chánh, nhưng phải biết cách và phải có phương tiện tiến lên. Đức Thầy dạy phải phá ngũ uẩn, trừ tam nghiệp, giữ tứ ân, thực thi bát nhẫn (tu Nhân) quán nghiệm tứ diệu đế, trì hành bát chánh đạo (học Phật). Nhưng trước hết là việc phá trừ ngũ uẩn. Ngài nói :
Lời ta dạy hãy nên suy nghiệm
Phải phá tan ngũ uẩn trong mình
(Giác Mê Tâm Kệ)
Ngũ uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Năm uẩn nầy hiệp tan tan hiệp trong từng sát na để khởi hiện ra thân chúng sanh. Vì vậy, muốn hiểu chơn thân thì phải phá tan giả thân do ngũ uẩn giả hiệp. Phá tan giả thân không có nghĩa là hành xác, hay tự hủy hoại thân mình mà chỉ dứt trừ năm uẩn.
Sắc uẩn tạo nên thể xác, hình hài, sanh diệt. Muốn phá nó, phải phá cái chấp về hình tướng. Nhờ phá chấp hình danh sắc tướng, con người sẽ không còn lưu luyến hay ràng buộc bởi cái mảnh thân bất trụ và bất tịnh nầy để thọ nhận khổ đau. Không chấp hình hài sẽ không có gì chạm đến tâm. Thế là Thọ uẩn sẽ không cảm nhận được gì. Thất tình, khoái lạc, sầu ưu không trổ sanh ra. Hữu, sanh cũng chẳng có. Tưởng uẩn nhờ các món cảm xúc đi vào tâm mà sanh ra ý. Dứt trừ cảm xúc nơi Thọ uẩn thì Tưởng uẩn chẳng còn. Hành uần cấu kết những yếu tố rời rạc thành bền chặt. Các uẩn bị phá chấp thì Hành uẩn không có chỗ dùng. Còn Thức uẩn là gốc rễ của phần tinh thần trong con người. Theo Duy thức thì con người có bát thức là gốc của sáu căn tiếp rước sáu trần. Tám thức là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, thẩm và tạng thức.. Trong tám thức đó thẩm thức, cũng gọi là (mạt na thức) là cái thức chấp ngã, và Tạng thức (cũng gọi là Âlaya thức) là cái thức chấp nhận những hình ảnh dĩ vãng đã huân tập vào tâm để tạo nghiệp. Còn sáu căn và sáu trần là nhãn căn- sắc trần ; nhĩ căn – thanh trần; tỉ căn – hương trần; thiệt căn – vị trần; thân căn – xúc trần; ý căn – pháp trần.
Vì thế, làm chủ bát thức, phá trừ thức uẩn, là một công đức tu tập lớn lao. Đức Thầy nói :
Phá ngũ uần rứt lần thảm ái
Cội sân si cũng phải tảo trừ
Đem về giác tánh chơn như
Kim thân thị hiện dứt trừ tử sanh
(Tặng Cò Tàu Hảo)
Trong Giác Mê Tâm Kệ, Đức Giáo Chủ bằng 21 câu viết theo thể thất ngôn trường thiên, đã vạch mặt chỉ tên sáu căn và sáu trần vừa nói, và dạy ta phải dứt trừ cho tận gốc.
Diệt lục căn đừng nhiễm lục trần.
Khi ngũ uẩn bị đánh tan, các căn và các trần không ô nhiễm được nữa, thì tam nghiệp cũng không còn sào huyệt đâu đề làm duyên sanh. Các thiện hạnh (gìn tứ ân, hành bát chánh …) nhờ vậy dễ dàng phát triển. Hành giả sẽ theo đó mà đắc đạo chứ không cần câu chấp văn tự hoặc lãu thông kinh điển.
Nếu ai mà biết chữ tu trì
Tâm bình tịnh được thì phát huệ
(Giác Mê Tâm Kệ)
Hương Nghiêm thiền sư một hôm đến thăm tổ Qui Sơn. Tổ hỏi : “Ta nghe khi ngươi học với Thầy ta là ngài Bách Tượng, mỗi khi ai hỏi một câu thì ngươi trả lời mười câu; mỗi khi ai hỏi mười câu, thì ngươi trả lời trăm câu. Đó là vì ngươi thông minh tài giỏi và Cái Tâm phân biệt suy tưởng của ngươi rất khác thường. Nầy ! tất cả những cái đó chỉ gây sinh tử luân hồi mà thôi ! Nay ta chỉ hỏi ngươi, ngươi hãy nói cho ta nghe : cái bản lai diện mục của ngươi trước khi ngươi sanh ra là như thế nào ?
Ngài Hương Nghiêm không đáp được. Bèn lui về tìm hết sách vở tham khảo. Nhưng không sao tìm nổi câu trả lời. Ngài cố trở lại van nài Tổ Qui Sơn giải cho. Nhưng Tổ Qui Sơn nhất quyết không giải.
Ngài Hương Nghiêm thất vọng vô cùng, liền đốt hết kinh sách , rồi khóc mà từ biệt Tổ. Từ ấy, Ngài trú quán tại một ngôi chùa đổ nát của quốc sư Tuệ Trung.
Ngày kia, Hương Nghiêm thiền sư nhổ cỏ, gặp một mảnh ngói bèn nhặt mà ném đi. Ngói đụng phải cành tre, phát tiếng kêu loảng xoảng. Nghe tiếng ngói vỡ, bổng nhiên Ngài tỏ ngộ hoàn toàn, bèn trở vào chùa, đốt hương, rồi viết một bài kệ :
Tiếng kêu tâm buông hết
Thói cũ dứt đi rồi
Còn chi điều ràng buộc
Đường cả thảnh thơi chơi !
Lối xa thanh bình lặng
Nẻo cũ biến đi thôi
Hành nhân chân qua đấy
Chơn tâm chiếu rạng ngời !
Khi nghe được bài kệ, Tổ Qui Sơn cho biết rằng Hương Nghiêm thiền sư đã đắc đạo.
Đức Giáo Chủ P.G.H.H trong bài Sa Đéc, có mấy câu huyền nhiệm, cũng có thể hiều theo trường hợp như trên :
Khó tìm cho gặp chủ nhân ông
Còn ẩn ánh trong vòng sanh chúng
Ai mê tâm nghe qua không thủng
Ráng suy tầm đặng mở tánh linh
Lòng ngộ rồi chẳng đợi nhiều kinh
Thì cũng thấy bổn lai diện mục
Ngoài ra , về phương pháp rèn giũa tâm hồn, chúng ta còn được thấy Đức Thầy giảng dạy bàng bạc nhiều nơi. Trước nhứt là cần phát triển tâm địa từ bi
Tâm từ bi sánh thể ngọc ngà
Trong các báu khó bì tánh thiện
(Giác Mê Tâm Kệ)
Cũng chính nhờ tâm từ bi mà con người dễ dàng đạt được chữ hiếu :
Mục Liên cứu mẹ bằng nay
Nhờ người hiếu hạnh tâm rày từ bi
(Sám Giảng quyển III)
Đối với việc rèn lòng bền chặt, tĩnh tâm để quan sát chánh tà, hư thực, Đức Giáo Chủ dạy :
Ráng tĩnh tâm dẹp được lòng tà
Thì thấy được Phật, Tiên, Thần, Thánh
(Kệ Dân)
Tĩnh tâm mượn lấy thi ca
Giác dân hướng thiện chánh tà phân minh
Rèn lòng giữ dạ sắt đinh
Đừng phai đừng lợt thân mình thảnh thơi
(Viếng Làng Mỹ Hội Đông)
Để tâm yên lặng như tờ
Nghĩ suy lời lẽ tỏ mờ thể nao !
(Sám Giảng quyền III)
Khùng khuyên hết kẻ ngu người trí
Ráng tỉnh tâm suy nghĩ đạo mầu
Chuyện huyền cơ bí hiểm cao sâu
Hãy nghiệm xét hai đường tà chánh
(Kệ Dân)
Đối với những tà tâm tư ý, hoặc thường phân biệt ngã nhân rồi sanh điều hơn thua tranh chấp, làm cho chân tâm mờ mịt, Đức Thầy khuyến cáo :
Rèn tâm cho được thẳng ngay
Khỏi nơi tà quỉ một mai thấy đời
(Sám Giảng quyển III)
Tâm trần tục còn phân nhơn ngã
Thì làm sao thoát khỏi luân hồi ?
(Kệ Dân)
Đối với tấc lòng thành, một quan điểm không thể thiếu cho tất cả ai, khi muốn nắm thành công hoặc muốn được cảm thông với các đấng vô hình cao cả, Đức Giáo Chủ truyền rằng :
Thành lòng nước lã nên hồ
Hữu tâm chí đức cam lồ Phật ban
(Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi)
Muốn cho tội lỗi mòn tiêu
Thành tâm cầu nguyện sớm chiều mới hay
(Sám Giảng quyển III)
Tới với ta chớ đem đồ cúng
Chỉ đem theo hai chữ thành lòng
Chẳng có cần trà quả hương nồng
Mong sanh chúng từ lòng hối ngộ
(Giác Mê Tâm Kệ)
Niệm Phật nào đợi mùi hương
Miễn tâm thành kính tòa chương cũng gần
(Sám Giảng quyển III)
Tây phương tuy ở cõi xa
Thành tâm thì có Phật mà đáo lai
(Sám Giảng quyển III)
Nhưng rốt lại, không gì hơn là phương pháp tu tập thiền định và nhất tâm niệm Phật để khai ngộ chơn tâm sau khi đã phá ngũ uẩn, trừ tam nghiệp và đoạn diệt sáu căn, sáu trần. Đức Thầy giảng:
Hãy ráng tu tâm dưỡng tánh lành
Đừng cho ma nghiệp vọng tâm sanh
Quay về cội phúc đường chân đạo
Phật pháp thiền na dốc thực hành
(Thi Văn Giáo Lý)
Mục chánh định thật là quá bự
Để tấm lòng bất động như như
Cho hồn linh yên lặng an cư
Thì mới được hườn nguyên phản bổn
(Giác Mê Tâm Kệ)
Xưa nay sáu chữ lạnh tanh
Chẳng ai chịu khó niệm rành thử coi
Trì tâm thì quá ít oi
Bây giờ dùng thử mà coi lẽ nào
Rạch tim đem để nó vào
(Sám Giảng quyển III)
Có một điều mà chúng ta cần nhớ mãi, là dù cho có phương pháp hay, nhưng nếu ta thiếu kiên nhẫn, không chuyên trì, thì cũng khó thành công được. Chúng ta phải kềm chế tâm mình, phải tập cách “ngự thốn tâm như lục mã” để rồi tiến lên con đường luyện trí.
Gửi ý kiến của bạn