Nếu người Tâm Đạo cần sống với đức tin là lòng lành, thì người Trí Đạo phải sống trong ánh sáng và cái biết.Nếu tâm đạo đã gồm có ít nhiều trí đạo (lòng trí lành) thì trí đạo cũng phải bao hàm có tâm (giác ngộ). Chữ Đạo đi kèm bên chữ Trí và chữ Tâm đã biểu hiện tính chất tốt đẹp của danh từ, nó không có nghĩa suông như thuần trí và thuần tâm mà ta đã có dịp quan sát ở chương đầu sách.
Đức Phật dạy người nên “vượt bờ mê tiến sang bến giác, diệt bỏ những đen tối trong não óc mà tăng trưởng những ánh sáng trong tâm hồn”. Mà giác tức là Biết. Chỉ có khác chăng là cái giác ngộ của Phật là cái Biết vô lậu, chánh đẳng chánh giác; còn cái biết của người đang tu tập thì còn thấp hơn, chưa tiến bộ hoàn toàn, thế thôi. Cho nên người có trí đạo phài cố gắng tập sống trong Ánh Sáng và cái Biết hầu tránh mọi lỗi lầm để lần đến giác tha và giác hạnh viên mãn.
Nhưng phải làm thế nào để được sống trong Ánh Sáng và cái Biết ?
Trên hai mươi thế kỷ trước đây. Trang Chu, một triết gia được người đời suy tôn là một trong các vị tổ sư của Đạo giáo, đã nói một câu bất hủ :
Khôn chết, Dại chết, Biết sống.
Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thời nhà Mạc đã từng lập lại câu đó với tất cả lòng tin cẩn chân thành để răn dạy người đời học đòi ý nghĩa. Rồi gần đây, Đức Giáo Chủ P.G.H.H trong nhiều lần chu du thuyết pháp cũng khuyến cáo tín đồ của Ngài hãy tìm cho ra chữ “Biết” :
Ai biết tri việc phải cứ làm
Sau mới biết ai phàm ai thánh !
(Giác Mê Tâm Kệ)
Và Ngài đã công nhiên xác nhận “
Khôn chết, Dại chết, Biết sống.
Như vậy chữ “Biết” quả đã là chữ có một Ánh Sáng gì, một giá trị gì, cho nên các hàng Phật Thánh mới luôn luôn đề cập như thế ! Vậy chúng ta thử lần lượt bàn xét những điều Khôn, Dại để đi lần đến ý vị thâm trầm của chữ Biết.
Gửi ý kiến của bạn