Khi qua khỏi ba gian lò gạch, cách đó hơn cây số ngàn, Đức Thầy dẫn tôi vào một căn nhà cột săng lợp tranh, kiểu xưa và hơi thấp.
Vô đến nhà tôi thấy một ông lão người Việt độ ngoài 70 tuổi, tóc bạc như bông bưởi. Đức thầy xin ông lão cho tá túc một đêm. Ông chủ nhà vui lòng nhận lời. Lúc bấy giờ là 5 giờ chiều. Ông này người nho nhã, dáng điệu hiền lương lại ăn nói khoan thai, chậm rãi. Tuổi dường ấy mà sức ông vẫn còn tráng kiện, đi thẳng lưng khỏi cần gậy.
Ông góa vợ đã từ lâu và chỉ có một gái ngoài 40 tuổi mà vẫn chưa có đôi bạn lần nào, vì tấm lòng mộ đạo ham tu theo giáo lý nhà Phật. Bữa ấy, cô gái này đã đưa người đi non từ ba hôm rồi.
Đức Thầy nằm nghỉ. Tôi có ý tò mò vào cái am ở phía trước. Tôi thấy cách thờ phượng trang nghiêm và chỗ cúng kiến có vẽ lộng lẫy, tinh khiết, mỗi bàn đều có trần điều xem hóa mắt. Thật là cảnh chùa nho nhỏ vậy. Tôi lấy làm ngạc nhiên lắm, vì Đức Thầy xưa nay chưa quen với ông lão này lần nào , mà sao lại ghé đây “trúng tủ” một “phe” với mình? Tôi ước đoán có lẽ ông lão này theo tông phái Phật Thầy Tây An.
Tối lại ông lão công phu bái sám, tôi xin vào đảnh lễ Phật.
Giờ lễ Phật đã mãn. Sau khi trà nước xong, ông lão khoan thai hỏi? “Hai chú có đi Tà Lơn lần nào chưa?
- Không! Nhưng đường này tôi có đi rồi trong tiền kiếp!” Đức Thầy đáp lại.
Hình như ông lão bất bình, vì làm sao lãnh hội được lời nói sâu xa của Đức thầy? Ông làm thinh.
Đức Thầy dùng triết lý luận giải sơ lược về sự khai mở trực giác cho ông nghe. Hồi lâu mùi đạo diệu phưởng phất thấm nhuần tâm trí nên ông lão vui lòng nghinh thính. Lần hồi những người kế cận đến chơi chừng năm sáu người, họ ngồi trên bộ ngựa bên cạnh, im lìm nghe...