“Ta quyết lòng rứt nợ oan khiên
Cứu bá-tánh khỏi nơi lao khổ”.
ĐỨC HUỲNH GIÁO-CHỦ
Tuy đã được 21 tuổi, nhưng ông Huỳnh Thạnh-Mậu chưa chịu lo bề gia thất, vì ông cho rằng cái tuổi thanh xuân của ông còn phải đem giúp ích cho đời, chớ nếu sớm tính việc thê-hoa thì làm sao lo tròn sự “tang bồng hồ thỉ nam-nhi trái?”
Thế là ông chỉ nghĩ đến một gia đình thôi, ấy là đại gia-đình Việt-Nam vậy... Nhưng, để bù đắp vào sự thiếu-thốn ấy, ông có xin một đứa con nuôi, mà đứa con nuôi ấy chính là kẻ viết thiên tiểu-sử này vậy.
Nguyên nhân là trong khi theo đuổi việc học-vấn tại Sài-Gòn, và mặc dầu lúc ấy nhà đương-cuộc Pháp ra lịnh truy-nã ông rất gắt, nhưng lúc nào ông cũng nhắc-nhở đến tôi, một đứa cháu kêu ông bằng chú.
Ông thường nói rằng: “Thiếu-niên là những mụt măng, nếu ta khéo vun-quén uốn-nắn thì sau này chúng nó sẽ là rường-cột của nước nhà. Tôi có một đứa cháu trai học-thức cũng khá. Với sự hiểu biết của nó, nó có thể giúp ích đời, nhưng tiếc vì nó còn nhỏ, trí còn non, mà lại ở trong gia-đình có nghịch cảnh. Biết đâu vì nghịch cảnh ấy, vì trí non-nớt ấy, nó sẽ phán-đoán sai lầm rồi đâm ra liều-lĩnh và sa vào hầm-hố truy hoan thì uổng lắm! nếu có dịp tôi sẽ đem nó theo bên cạnh tôi để chỉ-bảo...”
Một bữa nọ, Đức Ông kêu tôi lại hỏi: “Ông thường nghe nói chú út cháu nhắc-nhở đến cháu luôn, và có ý muốn bảo-trợ, chỉ-dẫn cho cháu nên người hữu-dụng sau này. Vậy cháu nghĩ sao?
- Thưa ông, nếu chú út có lòng tốt như vậy thì con rất lấy làm hữu hạnh. Nhưng biết chú út ở đâu mà tìm cho gặp?
- Cái đó không khó. Nếu cháu muốn như vậy thì đây, ông cho cháu cái giấy giới-thiệu và tiền lộ-phí. Phải coi y theo giấy đó mà tìm. Người ta thì khó, chớ có giấy của ông thì dễ lắm. Ông chỉ giúp cho gặp chú út cháu thôi. Khi gặp rồi thì có chú út cháu đó nó sẽ tính cho”.
Trời đã về chiều. Ông Huỳnh Thạnh-Mậu ngừng xe mô-tô nơi nhà trọ.
Vừa vui mừng vừa ngạc-nhiên, ông vội-vã hỏi tôi: “Ủa, Dữ! Sao cháu biết chú ở đây mà tìm?
- Thưa chú, có giấy của Đức Ông chỉ dẫn.
- À! Phải. Thôi lên đây chú nói chuyện cho mà nghe”.
Rồi đó, ông tiếp: “Chú cũng như cha. Mà chú thấy Dữ không ai huấn-luyện, chỉ-dẫn thì chú lấy làm thương hại. Vậy nếu Dữ bằng lòng nhận sự chỉ-bảo của chú thì chú sẽ xin Dữ làm con nuôi để chú dưỡng nuôi dạy bảo cho Dữ nên người. Vậy Dữ vui lòng hay chăng chớ chú không ép!
- Thưa chú, việc ấy cháu rất bằng lòng. Nhưng làm thế nào bây giờ? Bởi vì, dầu sao cháu cũng còn là một đứa con trong gia-đình cháu, thì biết Tía cháu có nói gì không?
- Như vậy thì Dữ đã bằng lòng. Ngày mai cháu cứ ở tại đây chờ chú, đến chiều chú sẽ về”.
Sớm tinh sương, ông Huỳnh Thạnh-Mậu xách cặp ra đi, không biết là đi đâu. Đến chiều bữa sau ông mới về.
Ông chưa vô đến cửa là tôi đã nghe tiếng ông cười. Liệng cái cặp trên bộ ván, ông vồn-vã vỗ đầu tôi và nói: “Tất cả mọi việc đều xong-xuôi!
- Chú nói gì, cháu không hiểu? Và chú đi đây bữa nay mới về?
- Chú đi về nhà cháu chớ đi đâu? Chú đã gặp Tía cháu, chú giải-thích cho Tía cháu hiểu mọi lẽ. Rốt cuộc, Tía cháu bằng lòng cho đứt cháu cho chú làm con nuôi. Vậy bắt đầu từ nay, cháu là con của chú vậy! Nhưng, còn điều này: Đã đành từ nay cháu là con của chú. Nhưng xét ra chú cũng không lớn hơn cháu bao nhiêu tuổi. Vậy, về bên trong thì chú cháu cứ kêu chú bằng chú như thường, vì chú cũng như cha vậy”.
Thế là bắt đầu từ ngày ấy, trên bước đường tranh-đấu của ông Huỳnh Thạnh-Mậu, những lúc xa quê-hương xứ-sở xa người quyến-thuộc mến-yêu, ông được an-ủi với đứa con nuôi ở bên mình, vui chung hưởng, buồn chung lo.
Trong quãng đời ấy, ông có cho tôi vào học tiếng Quảng-Đông ở trường Huê-Kiều, tại Long Xuyên. Nhưng vì thời-cơ không thuận tiện nên tôi không tiếp-tục sự học như ý muốn được.
Một ngày nọ, ông Huỳnh Thạnh-Mậu kêu tôi lại dặn:
“Dữ phải ở lại Saigon! Cháu cứ noi theo anh em người ta đó mà làm việc, và cần nhứt là phải làm việc phụng-sự cho Đất-Nước. Tuy chú vắng mặt nhưng không sao, sẽ có ĐỨC THẦY dạy bảo cho...
- Còn chú đi đâu, lại không đem cháu theo?!
- Đành rằng lúc nào chú cháu mình cũng không thể xa nhau. Nhưng nay cháu phải nghe lời chú, ở lại đây đi! Chú về Cần-Thơ vì có sứ-mạng quan-trọng lắm, không thể đem cháu theo được!”
Thế rồi ông từ giã ra đi, đi không trở lại...!