CHÚNG tôi đã từng tiếp-xúc rất nhiều người
trong các giới, lúc đàm-thoại có nêu ra nhiều
nghi-vấn về Đạo Phật-giáo Hòa-Hảo. Chúng tôi
nhận thấy nhiều câu hỏi rất lý-thú đáng được ghi
chép để thay vì trả lời cho những người sắp
hỏi hay chưa hỏi. Muốn cho câu hỏi có mạch-
lạc, chúng tôi cần xếp thành một hệ-thống
tư-tưởng, đương-nhiên có những câu chưa hỏi
mà chúng tôi phải đặt thêm.
Đã là câu nghi-vấn, dĩ-nhiên chưa hiểu rõ sự thật
về Đạo Phật-giáo Hòa-Hảo. Vì thế mà quyển
sách này cần phải ra mắt chư-tôn.
Đối với những người xưa nay chưa hiểu giáo-lý
Phật-giáo Hòa-Hảo thì nó sẽ là chìa-khóa để
mở cửa của kho-tàng giáo-lý này mà từ
lâu nhiều người chưa có dịp vào, nhưng một
khi vào rồi sẽ thấy sự-thật không như những
lời huyễn-hoặc.
Còn đối với anh em tín-đồ trong Đạo, nó sẽ là một
sự nhắc-nhở có hệ thống, cần ích cho việc
tu-tấn trong lúc Đức Huỳnh Giáo-chủ vắng mặt.
Ngoài công-dụng phá tan mối hiểu lầm của nhiều
người, quyển sách này sẽ đem lại cho chư-tôn
một sự nhận xét rõ-ràng về chỗ tương-ứng
giữa giáo-lý của Đức Phật Thích-Ca và Đạo
Phật-giáo Hòa-Hảo không còn chỗ nào sai-biệt.
Trợ lại chư-tôn sẽ nhận thấy Phật-giáo Hòa-
Hảo là một nền tôn-giáo triệt-để đi theo tinh-lý
vô-vi chánh-đạo của Đức Phật Thích-Ca mà
từ khi Đức Lục-tổ Huệ-Năng bặt truyền y bát,
Thần-Tú bày ra âm-thinh sắc-tướng làm cho
chánh-giáo phải suy-vi.
Chính vì mục-đích chấn-hưng Phật-giáo mà Đức
Huỳnh Giáo-chủ thừa lịnh Phật-Tổ giáng-lâm,
hưng-truyền chánh-pháp. Muốn cho công cuộc
giáo-độ này được viên-mãn, Ngài phương-tiện
diệu-dụng pháp-môn học Phật tu nhân là một
pháp-môn thích-trung, tuy giản-dị nhưng đem
lại sự chứng đắc chắc-chắn, bằng chứng là tín-
đồ của Ngài đã có một số người phát huệ
và có điễn lành.
Phương chi pháp-môn học Phật tu nhân mà Ngài
đã khai-thị, nó rất thích-hợp với căn-khí của
chúng-sanh trong thời-kỳ Nguơn-Hạ này là
thời-kỳ mà chúng-sanh thường bị thị-dục và
ác-duyên làm cho lu mờ bản-tánh. Hơn nữa
Ngài đã đạt được máy huyền-cơ, thấy rằng
thời-kỳ tận-diệt đã hầu gần thì chỉ còn có
phương-pháp giáo-hóa chúng-sanh trở lại nền-
nếp tốt đẹp của đạo nhân, đồng-thời trau-giồi
trí-huệ, bồi-bổ công-đức để một ngày gần đây
đủ tư-cách đi đến Hội Long-Hoa, trước chầu
Phật sau nghe rõ pháp-mầu mà hưởng Bồ-đề
diệu-quả.
Ngày mồng sáu tháng hai năm Giáp-Ngọ.
Thanh-Sĩ và Vương-Kim