4. CÓ TÂM MÀ THIẾU TRÍ

23 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 8584)
4. CÓ TÂM MÀ THIẾU TRÍ

Nhưng nếu con người chỉ có Tâm mà thiếu Trí thì cũng nguy hại không kém. Đức Giáo Chủ đã rạch ròi khuyên bảo điều nầy :

Người có Tâm, nếu không tập suy gẫm cho mỡ Trí, thì hay dễ bị lường gạt.

Trước mắt chúng ta, biết bao nhiêu người bình dân chất phác. Họ rất tốt lòng và tấm lòng chân thành của họ giúp họ làm được rất nhiều việc thiện. Họ là những công dân “tốt” của quốc gia, là số tín đồ “dễ thương” của tôn giáo. Nhưng cũng chính hạng người nầy thường hay lạc lầm và dễ bị lợi dụng.

Người ta đã có Tâm từ thiện, nhưng thiếu Trí phán đoán. Vì vậy, những tà kiến, mê si, nói chung là bức màn vô minh, hằng vây chặt cái Tâm sáng suốt vốn có của họ. Ai nói gì cũng tin, ai bảo gì cũng nghe. Do sự dễ tin dễ nghe đó, đã dẫn người ta đến con đường sai lạc sự thật, hoặc sa ngã vào chỗ thấp hèn. Họ là những người không có lập trường, không ký tưởng, là tên thủy thủ đánh mất la bàn trong lúc con tàu trôi dạt lông bông giữa cơn ba đào trên biển cả.

Những ông lên bà xuống, những phù phép bói toán chọn tuổi, xem ngày huyễn hoặc, nhờ hạng người “thiếu suy nghĩ” mà có đất sống. Những tay mánh khóe lừa bịp, những kẻ lèo lá mồm mép, cũng do những người “có lòng” nầy mà có chỗ đứng. Rốt lại, người có Tâm mà thiếu Trí luôn là nạn nhân của tà thuyết và tội lỗi.

Đức Thầy rất thương xót cho hạng người nầy, nên Ngài hằng chỉ rõ :

Các tà đạo mưu khéo âm thần
Dân ráng tránh kẻo lâm mà khỗ
Chúng nó xuống khuyên răn nhiều chỗ
Dùng phép mầu lòe mắt chúng danh.
Ai ham linh theo nó tập tành
Sa cạm bẫy khó mong sống sót.
(Giác Mê Tâm Kệ)

Ngài còn khuyên nên dè dặt, lọc lừa để khỏi bị sa ngã, trụy lạc; vì đời nay hiếm chi là kẻ dối mị :

Lựa cho phải kèo xưa danh mộc
Đừng để lầm thợ khéo sơn da
Thì sau nầy đến lúc phong ba
Dông gió lớn cột kèo khỏi gãy
(Giác Mê Tâm Kệ)

Bao nhiêu công trình tu tập, bao nhiêu sự nghiệp đạo đức lắm khi chỉ vì một phút tin nghe lầm lạc, hoặc vài giây bị mê hoặc, mà trở thành nước lũ giữa dòng. Nên Đức Thầy quả quyết bảo :

Đạo là con đường
Đi trúng thì sống
Bước trật tất chết

Nghe kể chuyện Thạch Sanh Lý Thông trong truyện cổ, chúng ta thấy Thạch Sanh là con người có lòng. Truyện có hai vai chính mà hai nhân vật dùng đặt tên truyện là tiêu biểu.

Lý Thông gian xảo tinh ranh bao nhiều thì Thạch Sanh chân thành hiền đức bấy nhiêu.Lý kết bạn cùng Thông không phải vì nghĩa, mà chỉ vì mục đích lừa bịp để đem sanh mạng Thạch thay mình trong một vụ hiến thân làm mồi cho chằn.

Thạch Sanh không dè lòng dạ sâu độc của bạn , nên dẫn xác đến miếu chằn tinh. Rất may là nhờ có võ nghệ, chàng hạ được quái vật. Một lần nữa, Lý gạt Thạch để chiếu đoạt công lớn. Chàng trình lên vua rằng mình giết được chằn để cầu được phong quan.

Nhưng khi Lý được làm quan, thì công chúa ngộ nạn, và Lý đã bất tài không sao cứu được. Chàng lại tìm đến họ Thạch. Thạch Sanh lại sẵn sàng giúp chàng, đích thân đi cứu lấy công chúa dưới hang sâu.

Nhưng lại một lần nữa. Lý lấp hang cố ý giết Thạch để lại cướp công, Thạch suýt chết rồi lại được cứu. Tiếp đó, chàng lại một lần nữa bị Lý mưu hại tại Cội Hàn Gia. Thân Thạch lắm nỗi gian nan. May nhờ công chúa lên tiếng thán oan khi nghe tiếng đàn thần ai oán của chàng trỗi lên trong đêm khuya, từ ngục thất vang đến thâm cung .

Sự chí thành và chí tình của Thạch Sanh nhiều lúc khiến ta cảm động. Nhưng dù sao, ta phải sáng suốt và công bằng mà nhận Thạch Sanh có Tâm nhưng thiếu Trí. Thạch phải điêu đứng nhiều phen và cái chết thường trực đến với chàng chỉ trong gang tấc, càng tỏ ra cái si mê bất trí của Thạch mà thôi.

Nếu người làm truyện không thêm thắt cho “có hậu” và mạng Thạch đã tiêu ma, thì suốt đời Thạch chỉ là một chuỗi dài bị lừa gạt và đã làm một vật hi sinh vô lối cho kẻ gian hùng ma quái !

Cho nên :

Người có Tâm, nếu không tập suy gẫm cho mở Trí, thì hay dễ bị lường gạt.

Lời nói của Đức Giáo Chủ P.G.H.H thật đáng xem là một khuôn vàng làm mẫu mực cho những người chỉ có Tâm mà thiếu Trí !

Qua phần trình bày và suy luận, chúng ta thấy con người không thể chỉ chấp lấy một giữa Trí và Tâm. Vì nếu chỉ nặng về Trí thì trở nên xảo trá ác độc, mà cố thiên về Tâm thì thành ra si mê tăm tối. Chúng ta cần phải nỗ lực thực hành theo lời dạy của Đức Thầy, để cho Tâm Trí viên dung, trang nghiêm công đức.

Trí và Tâm, người học đạo cần tìm cách làm cho nó được phát triển cả hai, để lấy tâm làm chủ mọi việc, lấy Trí mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đưa cho Tâm chủ trì.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn