Đtb 63: Little Saigon: Đại Lễ Kỷ Niệm Năm Thứ 65 Ngày Khai Sáng Phật Giáo Hòa Hảo.

12 Tháng Bảy 200412:00 SA(Xem: 14282)
Đtb 63: Little Saigon: Đại Lễ Kỷ Niệm Năm Thứ 65 Ngày Khai Sáng Phật Giáo Hòa Hảo.
Chương Trình Đại Lễ đang được chiếu liên tục trên trang nhà http://freevn.net
Xin bấm chương trình số 2
***
Photo 1: Đức Giám Mục Mai Thanh Lương, Phụ Tá Tổng Giáo Phận Orange County, một trong những vị sáng lập của Hội Đồng Liên Tôn VN tại Hoa Kỳ, đã chúc tín đồ Phật giáo Hòa hảo trong nước được sự an bình và PGHH tại hải ngoại được phát triển.
Photo 2: GS Nguyễn Thành Long, PHT/BTSHN/Trung Ương PGHH nhắc lời Đức Thầy dạy: Đối với những người theo tôn-giáo khác, Ngài dạy không nên động chạm đến nghi-thức tu-hành, không ỷ đông hiếp-đáp hoặc phỉ-báng, phải kính-trọng tín-ngưỡng của họ cùng các bậc chân-tu. Phải tỏ ra luôn luôn thân-thiện và hợp-tác.

Sunday, July 11, 2004

Santa Ana, Ca. - Đúng 11 giờ ngày 11 tháng Bảy năm 2004, nhằm ngày 24 tháng 5 năm Giáp Thân, tại Trung Tâm Cao Niên Santa Ana, ban trị sự miền Nam California của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo long trọng cử hành đại lễ kỷ niệm năm thứ 65 ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Hàng trăm quí vị đại diện các tôn giáo, cộng đồng, đoàn thể đã tới tham dự và đồng cử hành nghi lễ thật trang nghiêm. Quí ông Hội Trưởng Lưu Văn Kiệm và Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu đã lần lượt lên diễn đàn để chào mừng quan khách cũng như cử hành các nghi thức của Phật Giáo Hòa Hảo.

Trong nghi lễ có phần trình bày sứ mạng của Đức Huỳnh Giáo Chủ, qua đó khách tham dự và thế hệ cháu con được biết những điểm căn bản về Phật Giáo Hòa Hảo, từ đó chúng ta truy cập thêm về tôn giáo này với niềm tôn kính:

Về lịch sử và sự phát triển của Phật Giáo Hòa Hảo

I. Vị trí địa dư

Nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo được khai sáng tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, nước Việt Nam, thời đó phát triển đã lớn mạnh ở miền Nam Việt Nam, nhất là tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mâu và một phần ở thành phố Sài Gòn. Đặc biệt, tại những tỉnh đồng bằng thuộc châu thổ sông Cửu Long, giáp giới nước Cao Miên, được mệnh danh là vựa lúa của Việt Nam. Nhờ sự phì nhiêu của đất đai, vùng này có khả năng vĩ đại về nông nghiệp vẫn đóng vai trò căn bản trong nền kinh tế nông nghiệp hiện nay của nước Việt Nam.

II. Nguồn gốc

Ngoài khả năng kinh tế như trên, vùng này còn có một địa dư với những dãy núi mang nhiều di tích lịch sử lưu truyền có chứa đựng nhiều điều huyền bí, nhất là ở dãy núi Thất Sơn biên giới tỉnh Châu Đốc, giáp ranh Cao Miên.

Có những điều huyền bí lưu truyền trong sách sử đến nay chưa ai cắt nghĩa được. Năm 1849 đã có một vị Phật sống tức Phật Thầy Tây An, sáng lập tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, sau này vào ngày 18 tháng Năm năm 1939, cũng một vị Phật sống khác là Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, lúc ngài mới 21 tuổi, tiếp nối truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương khai sáng mối đạo Phật Giáo Hòa Hảo, cũng tại vùng Thất Sơn. Tuy Phật Giáo Hòa Hảo mới ra đời từ năm 1939, nhưng nguồn gốc đã có tông phái gốc từ năm 1849, tức là đã có trên một thế kỷ.

Đức Phật Thầy Tây An nổi danh khắp miền Nam Việt Nam là một vị Phật sống và cũng là một nhà ái quốc. Cũng thế, sau này, Đức Huỳnh Giáo Chủ thu phục được nhiều đồng đạo nhờ tài đức cứu đời độ thế, đồng thời cũng là một nhà cách mạng quốc gia chân chánh.

III. Số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.

Tổng số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo được ước tính vào khoảng 5 triệu người toàn quốc, tỉ số 38% trên dân số 16,133,500 người. Ở đồng bằng sông Cửu Long, có những tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu..., tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo lên đến 90 %. Ở các tỉnh khác tỷ số này thay đổi từ 10% đến 60 %. Dân số này nếu được dùng trong một cuộc bầu cử chắc hẳn sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Thí dụ, trong cuộc bầu cử hội đồng tỉnh 1965, tại An Giang, Châu Đốc, tất cả đại biểu đều là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Tại các tỉnh Kiến Phong, Phong Dinh, Vĩnh Long, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo chiếm 80 % số ghế. Tỷ số này cũng đã được thể hiện trong cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến VNCH ngày 11-9-1965. Liên danh đắc cử nhiều phiếu nhất trên toàn quốc là liên danh của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo An Giang.

IV. Đặc tính Phật Giáo Hòa Hảo:

Đức Huỳnh Giáo Chủ đưa ra giáo lý làm kim chỉ nam là:

Đạo lý dân tộc, gồm có Nhân - Hiếu - Trung - Nghĩa. Đặc tính thứ hai là chủ trương tu hành tại gia. Bởi các vị giáo chủ đã nghĩ rằng đạo Phật không những chỉ truyền bá ở thiên môn mà còn phát triển rộng rãi đến mọi gia đình. Tôn chỉ tu hành của Phật Giáo Hòa Hảo là “Học Phật tu nhân”, tức là noi theo giáo lý chơn truyền của Đức Phật mà tu sửa con người, để vừa làm tròn bổn phận trong cõi đời đang sống, vừa dọn thân - tâm cho trong sáng để được siêu thăng vào cõi tịnh độ cực lạc, giải thoái khỏi vòng luân hồi.

V. Sự nghiệp chánh trị của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

Trong khoảng thời gian từ 1940 đến 1942, vì sự tập hợp của các tín đồ thiện nam tín nữ đến nghe Ngài thuyết pháp, đã quy y theo Ngài ngày càng đông, thực dân Pháp nhiều lần bắt giam Đức Giáo Chủ để theo dõi và giám sát, ngôn ngữ, tư tưởng, và hành vi của Ngài. Năm 1942 Ngài được hiến binh Nhật giải thoát và tạm thời được an toàn để tiếp tục công cuộc liên lạc với các nhà ái quốc chân chính.

Năm 1943, Ngài nhận làm cố vấn cho Thanh Niên Ái Quốc Đoàn, sau đổi thành Việt Nam Ái Quốc Đảng. Cuối năm 1944, Ngài bí mật chỉ thị cho thanh niên PGHH thành lập Bảo An Đoàn ở một số tỉnh miền Tây. Tháng 3 năm 1945, Ngài thành lập VN Độc Lập Vận Động Hội Đồng vì Ngài nhận thấy thái độ chưa dứt khoát của người Nhật về vấn đề độc lập và thống nhất của Việt nam. Tháng 10 năm ấy Ngài liên kết với các lãnh tụ tôn giáo và đảng phái quốc gia thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất. Mặt trận này qui tụ hầu hết các tôn giáo và đảng phái quốc gia ở miền Nam.

Sau hàng loạt hoạt động cách mạng khác, đúng ngày 16 tháng 4 năm 1947 chi đội trưởng Vệ Quốc Quân Bửu Vinh và thanh tra chánh trị miền Tây Nam Bộ Trần Văn Nguyên, đã âm mưu hãm hại Ngài tại rạch Đốc Vàng Hạ, nay thuộc xã Tân Phú, Tỉnh Đồng Tháp. Việt Minh mua chuộc được những tên tay sai giết hết tự vệ quân của Đức Giáo Chủ. Riêng Ngài, từ biến cố ấy, cho đến nay, không một ai biết rõ tung tích về Ngài nữa.

Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt nhưng đạo Phật Giáo Hòa Hảo vẫn mãi lưu truyền trong nhân gian, không riêng gì ở quốc nội mà ở hải ngoại tín đồ vẫn gia tăng và các nghi thức tôn giáo Hòa Hảo vẫn đều đặn cử hành để tiếp nối sang thế hệ cháu con mai hậu. (c.n.n.)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn