Đtb 62: Sự Cúng Lạy Của Người Cư Sĩ Tại Gia

02 Tháng Bảy 200312:00 SA(Xem: 15512)
Đtb 62: Sự Cúng Lạy Của Người Cư Sĩ Tại Gia
A. BÀI NGUYỆN TRƯỚC BÀN THỜ ÔNG BÀ
BÀI DƯNG HƯƠNG (Lược ý):
Bài dưng hương có hai phần.
1/-Dưng hương cầu nguyện trước Cửu Huyền Thất Tổ để chứng minh: con quỳ trước bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ, thành tâm kính dâng nén hương, nguyện cầu ông bà, cha mẹ từ vô lượng kiếp xin chứng giám tấm lòng thành thật của con.
2/-Nguyện hứa trước Cửu Huyền Thất Tổ: hôm nay con thức tỉnh quy y Phật Pháp quyết chí lo tu hiền, làm lành lánh dữ để gây tạo phúc duyên từ đây đến ngày kết quả.

Bài NGUYỆN LẠY CỬU HUYỀN THẤT TỔ (lược ý):
Bài nầy gồm có bốn phần
1/-Lo cúng lạy tu hành để đáp ơn sanh dưỡng (câu 1 và 2): con cúi lạy Tổ Tiên ông bà, cha mẹ trong tộc họ để lo đền đáp công khó nhọc sanh dưỡng cho con nên hình vóc từ trước đến giờ.
2 /-Dốc tu theo tôn chỉ để cầu Tông tổ siêu sanh Cực Lạc (câu 3 và 4): Từ nay con luôn luôn phụng hành theo tôn chỉ Học Phật Tu Nhân của Đức Thầy đã vạch và nguyện cầu Tông Tổ được siêu sanh Cực Lạc an tọa trên đài sen báu.
3/-Vừa tu cho đẹp mặt tông môn, vừa tu cho mình thoát trần về Phật (câu 5 và 6) phần con chí nguyện trau giồi tài đức để làm rạng rỡ tông môn và quyết tu thoát khỏi bể trần thống khổ hầu vãng sanh về An Dưỡng Quốc.
4/-Mong nhờ Cửu Huyền Thất Tổ gia hộ cho con bền chí tu hành đến ngày kết quả (câu 7 và 8). Cuối cùng con tha thiết mong cầu Cửu Huyền Thất Tổ ban ơn bố đức ủng hộ cho con được yên ổn thân tâm, kiên chí tu hành mãi mãi cho đến ngày thành quả.
TỪ NGỮ
-Cửu Huyền Thất Tổ là thành ngữ chỉ chung cho Tổ Tiên ông bà, cha mẹ từ vộ lượng kiếp tới giờ.
-Cửu Huyền: theo Nho giáo (Hán học) thì cửu huyền tức là cửu tộc gồm có: Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Kỷ, Tử, Tôn, Tằng, Huyền. Có nghĩa trên mình và dưới mình bốn bực là con, cháu, cháu chắt, cháu chít.
Xưa đời Vua Hạ Võ có đúc 9 cái đỉnh bằng đồng để thờ Tồ Tiên tộc họ. Trào nhà Nguyễn Việt Nam ta cũng có tạo ra cửu đỉnh đặt tại nhà Thái Miếu, ý cũng để nhớ đến Tổ Tiên nòi giống. Song nên nhớ là thờ lạy 4 bực trên đã qua đời, còn cứu độ thì độ luôn 4 cấp dưới.
-Thất Tổ: theo Phật Giáo (Phật học) thì Thất Tổ là tông tổ bảy đời, do chữ thất thế phụ mẫu Có nghĩa là mỗi lần sanh ra xác thân đều có Tổ Tiên cha mẹ mà bảy lần như vậy gọi la Tổ Tông bảy đời Theo phong tục ở Ấn Độ con số 7 là số tượng trưng cho số người chết đi sanh lại không biết bao nhiêu lần. Cho nên Thất Tổ là chỉ cho ông bà cha mẹ tử vô lượng kiếp. Đức Thầy đã bảo:
Ngày nào đắc được lục thông
Vớt hồn cha mẹ Tổ Tông bảy đời
Căn cớ hai lý giải trên, tựu trung là một thành ngữ ghép cả từ ngữ Hán học Cửu huyền va Thất Tổ Ban sơ là tiếng cầu chúc lẫn nhau (chúc cho Cửu Huyền Thất Tổ nội ngoại) sau thành thói quen nên dùng làm thành ngữ chỉ chung cho ông bà cha mẹ nhiều đời
Phụ mẫu thâm ân vô lượng kiếp

Đầu cúi lạy cửu huyền Thất Tổ
Ngõ đáp ơn báo bổ sanh thành(ĐT).
-Lòng thiềng: lòng thành
-Tỉnh ngộ: thức tỉnh và giác ngộ. Hiểu rõ những điều sai lầm từ trước mà khởi lòng tự giác tu hành theo đạo lý. Đức Thầy từng kêu gọi:
Tỉnh ngộ từ đây người gặp chủ
Phủi trần tìm kiếm chữ Ma Ha
-Phước duyên: phước đức và thân duyên (nghĩa của chử phước điền) tức là lảm những việc phước thiện để gây duyên lành về sau. Đức Thầy có câu.
Ông bà có sẵn của tiền
Lại thường làm ruộng phước duyên để dành
-Tông Tổ: cũng gọi là Tổ Tông có nghĩa kể chung cho ông bà dòng họ. Đức Thầy bảo:
Ngày nào đắc được lục thông
Vớt hồn cha mẹ Tổ Tông bảy đời
-Sanh dưỡng: cũng viết là sinh dưỡng, tức sanh ra và nuôi cho lớn khôn, do chữ (cúc dục) kinh thi có câu: Phụ hề sinh ngã, Mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân hạo thiên võng cực (cha hề sanh ta, mẹ hề nuôi ta thương thay cha mẹ sanh ta khó nhọc, muốn báo ân sâu, ơn ấy trời cao chẳng cùng).
Còn kinh Phật có giải 10 điều ơn của cha mẹ như sau:
1.Thập ngoạt hoài thai: 10 tháng cưu mang.
2.Lâm sản thọ khổ: sanh đẻ chịu khổ.
3.Sanh tử vong ưu: sanh được con mừng mà quên lo rầu.
4.Yến khổ thổ cam: uống đắng nhổ ngọt.
5.Hồi can tựu thấp: nhường chỗ khô nằm chỗ ướt.
6.Nhũ bộ dưỡng dục: bú mớm và nuôi nấng.
7.Tẩy trạc bất tịnh: rửa giặt mọi điều dơ bẩn.
8.Viễn hành ức niệm: con đi xa thì cha mẹ nhớ tưởng.
9.Vị tạo ác nghiệp: vì con mà cha mẹ làm điều chẳng lành.
10.Cứu cánh lân mẫn: cha mẹ thương con không có cái thương nào bằng.
Đức Thầy khuyên:
Vẹn mười ơn mới đạo làm con,
Lúc sanh sống chớ nên phụ bạc
-Dày công: công phu nhiều lắm, khó lường được.
-Nhọc nhằn: vất vả cực nhọc.
-Đạo hằng: Đạo thường xưa nay, tức mọi phép tắc mà người người đều tuân theo để ăn ở xử thế cho phải lẽ, phải phép đúng với phận con người, phân làm năm mối thường hằng (Ngũ thường) tức là: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Chữ Đạo Hằng ở đây còn có nghĩa Đức Thầy dạy tín đồ thường ngày lúc nào cũng thực hành đúng theo con đường đạo mà mỗi người đã hứa nguyện với Cửu Huyền Thất Tổ và Trời Phật trong bài nguyện nói trên.
-Phật đài: đài Phật ngự, đây chỉ cho đài sen báu ở cõi Cực Lạc.
-Liên đài: đài sen cũng có ý nghĩa như trên.
-Đức cả: đức lớn, tiếng tôn xưng và cậy nhờ bề trên.
Đức Thầy thường nói:
Nhờ ơn Trời ban bố đức ân
-Cội tu: gốc tu hành. Yù nói sự tu hành như trồng cây, ai bền tâm vun phân tưới nước thì cây ắt đơm bông kết quả tốt. Đức Thầy bảo:
Trồng cây lành vị quả thơm tho
Tuy không thấy mà sau chẳng mất

B. BÀI NGUYỆN TRƯỚC BÀN THỜ PHẬT
BÀI QUY Y Lược ý):
Bài quy y trước bàn thờ Phật có hai phần:
Phần 1: trước nhứt mỗi người chúng ta nguyện với vị Giáo Chủ Đạo Phật. Kế tiếp là khắp mười phương chư Phật, Pháp, Tăng rồi Phật Tổ, Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, Chư Quan Cựu Thần, Chư vị Sơn Thần, Chư Vị Năm Non Bảy Núi chứng minh cho lời phát nguyện quy y của chúng ta.
Phần 2: chúng ta tự quyết cải hối những việc sai lầm vừa qua và tụ nguyện từ đây ngăn tránh các điều quấy ác và làm hết các việc tốt đẹp thiện lương. Nhứt tâm nương theo con đường Phật Đạo, tức là giáo pháp và giới luật do các Ngài chỉ dẫn để tu tiến cho đến ngày thành đạo.
TỪ NGỮ
-Nam Mô: (xem Nam Mô bài cầu nguyện cho người chết SGTVTB / Q. 6)
-Ta Bà: (phiên âm Phạn Ngữ) Tàu dịch là kham nhẫn hay đại nhẫn. Bởi chúng sanh ở cõi nầy kham chịu mọi điều thống khổ, tức là cõi chúng ta đang ở. Đức Thầy từng bảo:
Ta bà khổ, Ta bà lắm khổ
Có bao người xét cho tột chỗ
-Giáo Chủ: vị đầu tiên khai sáng Đạo Phật. Đây chỉ cho Đức Thích Ca, bởi Ngài là Giáo Chủ Đạo Phật trong cõi Ta Bà. Cho nên gọi chung là Ta Bà Giáo Chủ. Đức Thầy có câu:
Nam Mô Thích Ca Như Lai
Ta Bà Giáo Chủ xin Ngài chứng minh
-Bổn Sư: (xem chữ Bổn Sư bài cầu nguyện cho người chết SGTVTB/Q.6)
-Thích Ca: (xem chữ Thích Ca bài cầu nguyện cho người chết SGTVTB/Q.6)
-Mâu Ni: (xem chữ Mâu Ni bài cầu nguyện cho người chết SGTVTB/Q.6)
-Phật: (xem chữ Phật bài cầu nguyện cho người chết SGTVTB/Q.6)
-Thập phương Phật, Thập phương Pháp, Thập phương Tăng: mười phương thế giới đều có chúng sanh, tất có Phật giáo hóa mà Phật muốn hóa độ chúng sanh phải dùng kinh pháp nên gọi là thập phương Phật và thập phương Pháp. Hễ có Phật có Pháp tất có Chư Tăng tức là các đại đệ tử Phật nên gọi là thập phương Tăng. Nói chung là mười phương thế giới đều có Tam Bảo: Phật, Pháp. Tăng. Bài Quy y Đức Thầy dạy nguyện rộng như thế. Ngài cũng từng bảo:
Nguyện mười phương chư Phật đáo lai,
Đồng tiến dẫn chúng sanh giải thoát
-Phật Tổ: (xem chữ Phật Tổ bài cầu nguyện cho người chết SGTVTB/Q.6)
-Phật Thầy: (xem chữ PTTA bài CCNCNC.... SGTVTB/Q.6)
-Quan Thượng Đẳng Đại Thần: tức là Ngài Nguyễn Trung Trực. Ông sanh năm 1837 tại tỉnh Bình Định (Trung phần) trong một gia đình chài lưới ỏ cặp bờ biển. Con của cụ Nguyễn Trung Thăng. Cũng có thuyết nói tên ông là Chơn hay Lịch (Quản Chơn, Quản Lịch) ở tỉnh Tân An (Nam phần) song vì bà cụ thân sinh ông nói tiếng hơi cứng nên xác định quê ông ở Bình Định đúng hơn.
Vì căm thù quân Pháp nên gia đình ông và số người đồng hương di cư vào Định Tường (Nam phần) trong đoàn có cụ Quản Cơ Lê Đình Vạn đúng ra chiêu tập nghĩa binh trên 200 người chực chờ đánh Pháp. Sau vì già bịnh Cụ Vạn giao binh quyền cho ông Nguyễn Trung Trực, từ đấy ông lập được nhiều chiến công oanh liệt như sau:
1-Ngày mùng 10-4-1861 Thủy Sư Đô Đốc Charner cho quân đổ bộ lên bờ sông Bảo Định. Chính Cụ Nguyễn Trung Trực điều động nghĩa binh tiêu diệt hơn 30 binh sĩ Pháp và tên chỉ huy Bourdais bị hạ ngay tại chổ.
2-Ngày 22-6-1861 Tướng Phaulin Vial tiến đánh Định Tường, bị Cụ Nguyễn dùng kế không thành đánh tướng Phaulin trọng thương và quân Pháp chạy bán chết bán sống.
3-Kế tiếp quân Pháp gom toàn lực bao vây đồn Thuộc Nhiêu. Cụ liền phân binh trong một đêm đánh triệt hạ 7 đồn binh của chúng.
4-Ngày 11-12-1861 Ngài dùng hỏa công đánh đốt chiếc tàu Esperance tại sông Nhựt Tảo. Ngọn lửa cháy ngất trời cả một khúc sông. Chính Cụ chém được đầu Trung Tá Parfait xách lên bờ cho dân chúng xem.
5-Đệm 5-6-1866 Ngài tiến đánh đồn Kiên Giang (Rạch Giá) giết được 5 võ quan Pháp và 67 lính Tây bắt sống 6 tên, đoạt được 100 khẩu súng và vô số đạn dược. Sau cùng bị số người theo Pháp bày mưu bắt mẹ Ngài và cả trăm đồng bào giam giữ, buộc Ngài ra mặt thì họ mới trao trả. Bấy giờ Ngài thấy cuộc kháng Pháp không thể kéo dài thêm nữa. Vả lại cần cứu sống hằng trăm nhân mạng nên Ngài giải tán nghĩa binh rồi tự trói mình ra nạp cho Pháp để chuộc mẹ và số đồng bào ra.
Quân Pháp dùng đủ cách dụ hàng, nhưng không lay chuyển được lòng trung nghĩa của Ngài. Cho nên họ đem Ngài ra hành quyết vào ngày 28-8 năm Mậu Thìn (27-8-1868). Trước khi tử hình Ngài có làm bài thơ tuyệt mệnh, lời lẽ khí khái và thống thiết như sau:
Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên,
Yên giang đởm khí hữu long tuyền.
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa,
Bảo hận thâm cừu bất đái thiên
Thi sĩ Đông Hồ dịch:
Theo việc binh nhung tự thuở trai,
Phong trần hăng hái tuốt gươm mài.
Anh hùng gặp phải thời không đất,
Thù hận chan chan chẳng đội trời
Sau khi vị quốc vong thân, Ngài được Vua Tự Đức sắc tứ truy phong la Thượng Đẳng Đại Thần Hiện giờ đền thờ chánh của Ngài tại xã Vĩnh Thạnh Trung, tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá). Bởi Quan Thượng Đẳng trung hiếu lưỡng toàn nên sau khi bỏ xác chơn linh Ngài hiển Thánh và đến thọ giáo với Đức Phật Thầy Tây An (trường họp nầy giống như Quan Công Hầu, sau khi hiển Thánh, ông đến suối Ngọc Tuyền quy y với Trí Giả Thiền Sư, sau chứng đạo là Già Lam Quan Đế).
Trong một bài thơ khoán thủ có đề cập đến Quan Thượng Đẳng Đại Thần do Đức Thầy sáng tác năm Canh Thìn (1940) với tựa đề LÝ LỊCH:
THƯỢNG thẩm đạo mầu nẻo cao sâu,
ĐẲNG đẳng hãy làm chớ để lâu.
ĐẠI pháp vô vi là chơn lý,
THẦN làm trọn vẹn khỏi lo âu
Thẩm xét bài thơ trên thấy hàm dung bao ý nghĩa chứng minh rằng Ngài Nguyễn Trung Trực theo Đức Phật Thầy chuyển kiếp độ đời qua bốn chữ khoán thủ.
-Chư Quan Cựu Thần: chư là số nhiều, Quan Cựu Thần là các vị quan văn võ trung can nghĩa khí, tận tâm bảo vệ tổ quốc. Đây chỉ chi các quan Cựu Thần từ thời lập quốc (Hùng Vương) tới giờ đã được ghi vào lịch sử.
Đức Thầy bảo:
Dầu không siêu cũng đặng về Thần,
Nhờ hai chữ trung quân ái quốc
-Chư vị Sơn Thần: chỉ chung hầu hết các vị Thần có trách nhiệm giữ gìn núi non và đã cải tà qui chánh theo Phật tu hành.
-Chư vị Năm Non Bảy Núi: Chỉ riêng chư Thần có nhiệm vụ trong vùng năm non bảy núi, đã quy y Phật và theo Đức Thầy cứu dân độ thế trong thời nầy. Đức Thầy có câu:
Chư Sơn Bảy Núi đều qui tựu,
Thầy Tớ cảnh Tiên rõ mặt mày
Và:
Vậy hỡi Chư Thần mau nối gót,
Theo Thầy dắt chúng khỏi nồng cay
-Năm non: năm cái chỏm cao, tức năm cái vồ trên núi Cấm, gồm có:
1/-Vồ Bò Hong: cao 716m, coi như đỉnh chót của núi Cấm, ở về hướng Tây (vì khi xưa người ta ít lui tới, giống bò hong sinh nở ở đây nhiều nên có tên ấy.
2/-Vồ Đầu: cao 584m, ở hướng Tây Bắc (phải chăng vì là cái vồ đầu tiên người ta gặp được khi lên núi do ngã chợ Thum chưn)
3/-Vồ Bà: cao 579m, ở về hướng Nam (vì ở đây có điện thờ Bà Chúa Xứ)
4/-Vồ Ông Bướm: cao 480m, ở về hướng Bắc (vì khi xưa có hai đệ tử của Đức Phật Thầy là Ông Bướm và Oâng Vôi ẩn náu nơi đây tu hành đắc đạo).
5/-Vồ Thiên Tuế: cao 514 m, ở về hướng Đông (vì nơi đây có mọc nhiều cây thiên tuế).
-Bảy núi: nghĩa của chử Thất sơn tức là bảy ngọn núi ở vùng tỉnh Châu Đốc, gần biên thùy Miên -Việt, gồm có:
1/-Anh Vũ Sơn: (Nùi Két) cao 250m, thuộc xã Thới Sơn, quận Tịnh Biên (Châu Đốc). Vì trên chót núi nầy có mõm đá giống hình mỏ chim két).
2/-Ngũ Hồ Sơn: (núi Dài Năm Giếng) gần núi két chưa rõ số thước.
3/-Thiên Cẩm Sơn: (tức núi Gấm Trời cũng có tên núi Cấm) cao 716m dài 7500m, ngang 6800 m, nằm giữa quận Tịnh Biên và Tri Tôn (xem thêm phần chú giải SGTVTB/Q. I hay Thất Sơn Mầu Nhiệm)
4/-Liên Hoa Sơn: (Núi Tượng) cao 156 m, dài 600 m, ngang 400 m, thuộc xã Ba Chúc, quận Tri Tôn (vì núi nầy đứng xa nhìn lên đỉnh thấy giống hình con voi)
5/-Thủy Đài Sơn: (Núi Nước gần núi Tượng) cao 50 m, cùng thôn với núi Tượng)
6/-Ngọa Long Sơn: (núi dài) cao 580 m, dài 8000 m, quận Tri Tôn (vì núi nầy dài tới 8 cây số ngàn, giống hình con rồng nằm)
7/-Phụng Hoàng Sơn: (núi Tô) cao 614 m, dài 5800 m, ngang 3700 m, thuộc quận Tri Tôn.
Trên đây là dẫn theo tài liệu có nhiều người kể lại, nhưng xét ra miển bảy núi còn có nhiều ngọn núi khác nữa như: Núi Trà Sư, Bà Đội Om, Nam Vi,.. Vì vậy nên danh từ Thất Sơn (Bảy Núi) có nghĩa chỉ chung cho tất cả đồi núi thuộc tỉnh Châu Đốc. Ông Ba Thới có câu:
Mắt đoái nhìn Tiên cảnh Thất Sơn,
Ngùi ngùi nhớ Chúa đội ơn lộc Thầy
Đức Thầy nay cũng bảo:
Trên năm non rồng phụng tốt tươi,
Miền bảy núi mà sau báu quí.
-Quy y theo mấy Ngài: nương về và tu đúng theo lời chỉ dạy của các Ngài từ Đức Thích Ca, mười phương Tam Bảo dẫn đến Quan Thượng Đẳng và Chư Quan Cựu Thần. Nếu hành động đúng theo hạnh đức của bậc nào thì chứng đắc đến bậc đó chớ chẳng phải cố định một hạng. Có điều nên lưu ý là chúng ta Tu hiền theo Phật Đạo chớ không phải tu theo Thần Đạo, Đức Thầy đã hằng khuyên:
Quy y thì khá làm y,
Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời.
*BÀI TÂY PHƯƠNG NGŨ NGUYỆN (Lược ý)
(Lưu ý hai hàng chữ in nghiêng kế bài Quy y là lời chỉ dẫn của Đức Thầy rất rành rẽ, thế mà có người hiểu lầm nên lạy ngôi Tam Bảo tới 2 lần 8 lạy. Thật ra Ngài chỉ dạy nguyện một bài Quy y hoặc nguyện luôn bài Tây Phương Ngũ nguyện cũng được, xong chỉ lạy một lần 4 lạy mà thôi).
Đại ý câu mở đề bài Tây Phương Ngũ nguyện là chúng ta cầu nguyện Đức Phật A Di Đà tức là vị Giáo Chủ Thế Giới Cực Lạc mở lòng từ bi tiếp độ tất cả chúng sanh trong cõi Ta Bà được vãng sanh về cảnh giới của Ngài, dụng ý là Đức Thầy muốn dạy tín đồ noi gương Đức Phật thể hiện lòng bác ái vị tha cứu khổ cứu vạn loại chúng sanh để đáp ơn Tam Bảo.
1-Câu nguyện thứ nhứt: chúng ta cầu ba Vị Vua ba cõi (Tam Hoàng) và Đức Phật chủ tọa Liên Hoa Hải Hội cùng vị Phật Vương hộ độ cho thế giới sóm hòa bình, nhân loại an cư vui sống. Ngụ ý là Ngài dạy đáp ân Đất nước và Đồng bào nhơn loại.
2-Câu thứ nhì: chúng ta vầu nguyện cho ông bà từ vô thỉ đến nay đều được siêu sanh Tịnh Độ. Có dụng ý đền ơn Tổ Tiên tộc họ.
3-Câu thứ ba: chúng ta cầu nguyện cho cha mẹ còn hiện tiền được sống lâu, hạnh phúc và cha mẹ đã qua đời từ vô lượng kiếp đều được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Có dụng ý là đáp đền ơn sanh dưỡng của cha mẹ.
4-Câu thứ tư: chúng ta cầu nguyện cho toàn thể dân chúng đều phát tâm tu hành, rèn lòng từ bi bác ái để giải thoát cảnh mê đồ thống khổ nhân loại và ân Đàn na thí chủ. Câu nầy có ngụ ý đáp ơn đồng bào.
5-Câu thứ năm: chúng ta cầu nguyện Phật Tổ, Phật Thầy từ bi xá tội cho toàn thể đệ tử được tai qua nạn khỏi, bịnh tật tiêu trừ, trí huệ sáng suốt và tất cả đều được chứng đắc đạo quả. Ngụ ý là Đức Thầy dạy chúng sanh noi gương hạnh của Tổ Thầy mà nuôi chí tu tiến cho đến ngày thành đạo giải thoát hầu đáp ơn Tam Bảo.
Tóm lại bài Tây Phương Ngũ Nguyện, Đức Thầy có dụng ý dạy tín đồ thành tâm khấn nguyện và noi gương Đức Phật A Di Đà cùng Phật Tổ, Phật Thầy thể hiện lòng từ bi cứu khổ cứu vạn loại chúng sanh, lo đền đáp tứ đại trọng ân để xứng với hạnh Bồ Tát. Trong kinh Tâm Đại Quán Phật đã dạy: Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ

TỪ NGỮ
-Phổ độ: cứu độ khắp cả, tế độ các giới chúng sanh thoát khỏi cảnh mê đồ thống khổ.
Đức Thầy có câu:
Oai Thần đem đạo huyền thâm,
Nhiệm mầu phổ độ âm thầm ai hay.
-Thiên hoàng: ông Vua cai quản cõi Trời chỉ Đức Ngọc Đế.
-Địa hoàng: Diêm La Vương, vị Vua cai quản cõi Địa Ngục.
-Nhơn hoàng: vua cõi người, chỉ cho Vị Thánh Vương đời Thượng Nguơn sắp tới. Trong Giảng Mười Một Hồi Ngài Huệ Lựu có nói:
Minh Vương xuất thế ngôi cao,
Lập đời Thượng Cổ anh hào hiền lương
Đức Thầy nay cũng bảo:
Đức Minh Vương ngự chốn Nam Thành,
Đặng phân xử những người bội nghĩa
Các từ ngữ Tam Hoàng nói trên Đức Thầy có diễn giải một đoạn như sau:
Hiền lành chừng đó sum vầy,
Quân Thần cộng lạc mấy ngày vui chơi.
Đến đó ta mới mừng cười,
Nhìn xem Ngọc Đế giữa Trời định phân.
Thiên Hoàng mở cửa các lân,
Địa Hoàng cũng mở mấy tầng ngục môn.
Mười cửa xem thấy ghê hồn,
Cho trần coi thử có mà hay không.
Nhơn Hoàng cũng lấy lẽ công,
Cũng đồng trừng trị kẻ lòng tà gian.
Ấy là đến lúc xuê xang,
Tam Hoàng trở lại là đời Thượng Nguơn
-Liên Hoa hải hội: liên hoa là hoa sen, có nghĩa trong sạch và thanh tịnh. Chỉ cho người tu đắc đạo: hải hội là hội lớn, Chư Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thinh Văn đều cu hội rất đông như biển không thể đếm hết con số. Hiểu chung từ ngữ Liên hoa hải hội là số người tu chứng cu hội về đông như biển cả. Từ xưa Đức Phật nào xuất thế đều có cu hội số đệ tử thành đạo để xướng danh và thọ ký, như thời Đức Thích Ca có lập Linh Sơn Hội để truyền tâm ấn cho Ngài Ca Diếp. Cho nên Đức Kim Sơn Phật hiện nay cũng sẽ có Liên Hoa Hải Hội.
-Thượng Phật từ bi: Vị Phật chủ tọa Liên Hoa Hải Hội tới đây, đứng đầu Chư Phật chứng đắc hiện tại. Chỉ cho Đức Kim Sơn Phật.
-Phật Vương: Vua Phật, vị giáo chủ cõi Phật ở tương lai cũng như hiện tại các giói đều tôn Đức Thích Ca là Vua Pháp Vua Phật.
Ngài là vua pháp tột cao(ĐT)
Ở đây còn có nghĩa chỉ cho vị Chuyển Luân Thánh Vương (tu gần đắc quả Phật) Ngài có trách nhiệm đem lại sự hòa bình an lạc cho nhân loại khắp thế giới.
-Tịnh độ: cũng gọi là tịnh thổ, tức cõi đất hoàn toàn trong sạch an nhiên, cũng gọi là Cực Lạc hay An Dưỡng Quốc. Đức Thầy có câu:
Cõi Tịnh Độ lắm điều thanh nhã,
Khổ, buồn, rầu, lo, sợ chẳng còn
-Siêu Sanh: vượt khỏi cảnh thế tục luân hồi được về cõi bất sanh bất diệt. Bốn chữ Tịnh độ siêu sanh có nghĩa: người được vãng sanh về Quốc Độ Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, thoát khỏi cảnh luân hồi sanh tử.
Đức Thầy cho biết:
Có người tu niệm đáng thương,
Điên mới chỉ đường Tịnh Độ vãng sanh
-Phụ mẫu tại đường: cha mẹ lúc còn sống.
-Tăng long phước thọ: sống lâu thêm tuổi và hưởng đầy hạnh phúc.
-Phụ mẫu quá khứ: cha mẹ đã qua đời từ vô lượng kiếp tới nay.
-Trực vãng Tây phương: vãng sanh thẳng về cõi Tây phương Cực lạc.
-Vạn dân: muôn dân, chung cho tất cả dân chúng loài người.
-Từ tâm: lòng lành, khỏi tâm bỏ dữ về lành và thương xót muôn loài vạn vật.
-Bác ái: (xem chử B.A Ân Tam Bảo...... Q 6)
-Mê ly: say mê đắm đuối theo một việc gì gần như không còn biết đến mọi sự vật bên ngoài. Đây chỉ sự mê luyến cõi hồng trần.
-Xá tội: tha tội.
-Tịnh sự: yên tịnh không việc gì bận rộn lo sợ
-Tiêu tai: hết tai họa bịnh tật.
-Thông minh: sáng suốt hiểu biết mọi sự rõ ràng không lầm lạc.
-Giai đắc đạo quả: đều được chứng thành đạo quả. Chỉ cho người tu đạt được mục đích giải thoát.
-Đại Thế Chí Bồ Tát: Vị Bồ Tát chứng quả lâu đời có nghị lực oai thần to lớn cùng cực biểu hiện cho đại trí huệ và đứng hầu bên hữu Đức Phật A Di Đà.
Theo Kinh Bi Hoa, nguyên Ngài là Thái Tử Ni-Ma con vua cha Vô Tránh Niệm. Khi nghe Bảo Tạng Như Lai thuyết pháp, vua cha ngộ đặng chơn lý phát tâm hành đạo thì Thái Tử cũng phát tâm tu hành, theo phụng sự Phật Bảo Tạng và chúng tăng trọn ba tháng. Ngài phát nguyện cầu thành Phật Đạo. Đức Bảo Tạng liền thọ ký cho Ngài sẽ thành Đại Thế Chí Bồ Tát ỏ cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
Khi tu chứng quả Ngài dùng oai thần rộng lớn, trí huệ sáng mầu soi khắp mười phương, khiến cho chúng sanh cảm đức mà tỉnh tu thoát khổ. Ngài đặt bước đến đâu Chư Thiên chấn động, chúng ma vương khiếp sợ, cung điện nghiêng ngã. Vì Ngài có oai thần như vậy nên được đời tôn xưng là Đại Thế Chí. Khi Đức Phật Thích Ca xuất thế, Ngài có hiện thân đến làm đệ tử đặng trợ duyên Phật sự, giáo hóa chúng sanh.
Trong hội Lăng Nghiêm Ngài Đại Thế Chí có trình bày pháp tu trước Phật Thích Ca như vầy:
Tôi còn nhớ trước kia thuở Phật Siêu Nhựt Quang ra đời. Ngài có dạy tôi pháp niệm Phật Tam Muội (chánh định) tôi nhờ Niệm Phật theo phép ấy nên chứng được Vô sanh pháp nhẫn. Từ ấy tôi theo sát Phật A Di Đà đứng hầu bên hữu và tiếp độ chúng sanh về cõi Cực Lạc của Ngài
-Quan Thế Aâm Bồ Tát: có nghĩa nghe xét các tiếng của chúng sanh trong pháp giới hầu dùng thần thông cứu độ. Ngài cũng có tên là Quán Tự Tại hay Liên Hoa Thủ. Là một Vị Bồ Tát rất có lòng từ bi hay cứu khổ cứu nạn nên có danh hiệu Quán Thế âm Bồ Tát. Oû đâu cũng có thờ và tụng niệm đến danh hiệu của Ngài. Vì Ngài biểu hiện cho lòng từ bi và đứng hầu bên tả Đức Phật A Di Đà.
Kinh Phật có chép: lúc chưa xuất gia tu hành, Ngài là con đầu lòng của vua Vô Tránh Niệm tên là Bát Huyến Thái Tử. Khi vua cha phát tâm hành đạo theo Đức Bảo Tạng Như Lai thì Ngài cũng thức tỉnh tu hành, phát lời đại nguyện: Tôi nguyện đem tất cả công đức mà tôi đã cúng dường Tam Bảo và các món thiện căn tôi đã từng tu tập pháp mầu xin hồi hướng về Đạo Vô Thượng Bồ Đề. Nguyện cứu độ tất cả chúng sanh khổ đau họa hoạn khi có ai niệm đến danh hiệu tôi, tôi sẽ dùng oai thần cứu độ khỏi khổ và đặng an vui.
Vì vậy trong thế gian nầy, chỗ nào, lúc nào khi có sự khổ đau, chúng ta niệm đến danh hiệu Ngài thì Bồ Tát sẽ rộng lòng từ mẫu dùng pháp mầu cứu độ chúng sanh đó.
Hiện nay Bồ Tát Quan Thế Aâm đang hầu một bên Đức Phật A Di Đà tại cảnh giới Tây Phương Cực Lạc và hằng ngày tiếp dẫn chúng sanh khắp mười phương về cõi ấy.
Bởi Đức Quan Thế Âm và Đại Thế Chí đồng có nguyện lực tiếp dẫn chúng sanh mười phương vãng sanh về Cực Lạc như Đức Phật A Di Đà, cho nên Đức Thầy dạy chúng ta, khi xá chính giữa niệm Nam Mô A Di Đà Phật thì cũng xá hai bên niệm danh hiệu hai vị Bồ Tát nói trên (Lưu ý: Ngài Đại Thế Chí đứng bên phải của Đức A Di Đà là phía trái của chúng ta. Còn Ngài Quan Thế Aâm đứng bên trái của Phật nhằm phía phải của chúng ta, vì mình đứng đối diện)
-Cúng lạy: do chữ Lễ bái có nghĩa thành tâm cung kính nguyện vái, xá và lạy. Kinh Phật xưa có dạy bảy cách lạy từ thô sơ đến tinh tế, người tu hành cần phải hiểu để lạy cách nào cho được kết quả. Xin đại lược như sau.
1-Ngã mạn lễ: lạy cách ngã mạn tức là thân tuy đứng lạy, song chẳng thật lòng thành kính.
2-Cầu đảnh lễ: lạy cách cầu danh, tức dối bày oai nghi, thường lạy Phật, niệm Phật chớ lòng luôn theo đuổi ngoại cảnh hoặc vọng cầu sự linh thính để người khác khen ngợi mình có tu có chứng.
3-Thân tâm lễ: thân tâm đồng lạy, tức ngoài thân tướng trang nghiêm, cung kính, tinh tấn siêng năng, trong tâm luôn tưởng nhớ Chư Phật không một niệm sai khác.
4-Trí huệ thanh tịnh lễ: lúc lạy tâm trí yên lặng trong sáng. Bên trong định huệ gồm đủ không mảy may tán loạn, bên ngoài trần cảnh không làm chướng ngại hay chi phối được.
5-Bình đẳng lễ: thân tâm đều bình đẳng đối với vạn pháp lúc nào cũng chẳng ròi tánh bổn lai, nhưng cũng không còn tướng nhơn ngã, xem vạn vật đồng nhứt thể. Cho nên khi lạy một Đức Phật tức cảm thông hết mười phương chư Phật.
6-Chánh quán lễ: lạy Phật bằng cách quán xét pháp thân toàn giác của mình tức nhiếp tâm chánh niệm, tuy lễ bái Chư Phật mà cũng lễ bái Phật thân của mình, lòng không còn nhiễm ô trần trược. Pháp thân mình cùng Phật đều hòa nhau tự tại giải thoát.
7-Thật tướng lễ: lạy cách trở về thật tướng chơn như. Các cách lạy trước đây còn thấy có lễ, có quán, có tu, mình và Chư Phật có khác, giờ đây gom về một, mình và Phật cũng không, phàm thánh một nguồn, thể dụng chẳng phải hai Nhứt bản tán vạn thù, vạn thù qui nhứt bản
Tóm lại trong bảy cách lễ bái trên đây, hai cách đầu gọi là tạ lễ, hành giả nên diệt trừ. Vì nếu khi lạy tâm còn cầu danh, ngã mạn thì dù có lạy cũng luống công.
Còn năm cách sau gọi là chánh lễ, tức từ: Thân tâm đồng nhứt, trí huệ thanh tịnh, bình đẳng chánh quán và thật tướng Nhà tu rán rèn tập cho lòng có được như vậy tức mình và Phật không sai khác, ấy là kết quả. Đức Thầy nay cũng dạy từ chỗ: khi cầu nguyện chuyện gì thành tâm đi lần đến chỗ Vô pháp tướng mới là thiệt tướng và Hương tuyệt đăng lui bãi phục cầu

C. BÀN THÔNG THIÊN (Lược ý)
Lạy bàn Phật (Tam bảo) xong ra bàn Thông Thiên cũng cầm hương xá 3 xá, quì xuống chấp hương đưa lên trán nguyện đọc bài Quy Y, rồi xá xuống cắm hương đứng ngay thẳng chắp tay vào ngực đọc tiếp bài Tây Phương Ngũ Nguyện và lạy 4 lạy, nhớ xoay theo chiều thuận từ phải sang trái.
Lạy thì có hai cách: Lạy đứng hay lạy quì tùy theo lúc mạnh yếu lạy 4 hướng và mỗi hướng lạy 4 lạy cũng có ngụ ý đền đáp tứ ân.

TỪ NGỮ
-Bàn Thông Thiên: bàn thờ thông lên trời dùng để tưởng niệm bốn phương Trời Phật.
Nó hàm chứa tinh thần tín ngưỡng Phật Trời muôn thuở của người Việt chúng ta: Thiên tai ốc thềm đầu ra khỏi mái nhà thân mật, người lương dân đã tưởng nhớ Trời Phật. Đức Thầy thường dạy:
Đi xa thì phải dặn rành,
Bàn Thông Thiên cũng thật hành như y.
Bốn phương đều đọc vậy thì,
Cúi đầu bái tạ Tư bi Phật Trời
Hoặc là:
Cầu Trời Phật độ tiêu tai,
Cứu trong thiên hạ Đạo khai khắp Trời
-Lạy đứng: lúc lạy đứng bàn tay trái để nơi ngực, bàn tay mặt chỏi nghiêng rồi từ từ cúi mình xuống, lật ngửa hai bàn tay lên, trán úp sát xuống, hai cùi chỏ xuống tới chiếu và vừa đụng hai đầu gối, hai chân xuôi thẳng ra sau và khít lại. Lúc đứng lên, bàn tay trái đem vào ngực, bàn tay mặt chống để nương mình lên. Khi đứng thẳng, hai tay liền chắp vào ngực xá một xá rồi mới lạy tiếp theo như trước cho đủ bốn lạy.
-Lạy quì: hai tay chấp từ trên trán lạy xuống lúc ngẩng lên cũng cho đến độ thẳng lưng (quì thẳng chớ không phải ngồi) hai bàn tay chắp vào ngực rồi đưa lên tới trán đoạn đem vào ngực mới lạy xuống.
-Cách xá: khi xá chắp tay vào ngực rồi đưa lên trán tay cũng để sát ngực, mỗi xá niệm một câu niệm Phật. Không nên xá lia lịa niệm Phật theo không kịp.

THIỆN TÂM
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn