Ý nghĩa ngày khai đạo Phật Giáo Hoà Hảo (18/5) 2015

09 Tháng Bảy 20159:03 SA(Xem: 19716)
Ý nghĩa ngày khai đạo Phật Giáo Hoà Hảo (18/5) 2015
IMG_1102 Đồng đạo Phan Thanh Nhàn nói về "Ý nghĩa ngày đại lễ khai đạo PGHH" 2015
 
          Hằng năm vào ngày 18 tháng 5, người tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo ở bất cứ nơi đâu, trong hay ngoài nước, ở tầng lớp xã hội nào cũng đều trân trọng, vui mừng tưởng nhớ Đại Lễ khai sáng nền đạo Phật Giáo Hoà Hảo, một nền đạo Dân tộc quy nguyên Phật pháp, không chuộng hình tướng, cốt yếu hướng về tâm, chủ trương nhập thế tích cực phù hợp với phong hoá nhân sinh do Đức Huỳnh Giáo Chủ, một vị Bồ Tát hoá thân truyền dạy từ năm1939 tại làng Hoà Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, miền Tây Nam nước Việt.
Sự liên hệ chặt chẽ, bất khả phân ly giữa Phật giáo Việt Nam cận đại và Phật Giáo Hoà Hảo được chứng minh và cô đọng trong một câu nói của Đức Huỳnh Giáo Chủ: "Đối với toàn thể tín đồ Phật Giáo, tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca", cũng như đặc tính của nền đạo Phật nhập thế, dấn thân do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, tóm gọn đầy đủ, xúc tích trong lời tuyên bố lừng danh của Ngài: "Tôi tin chắc rằng giáo lý giải thoát chúng sanh của Đức Phật Thích Ca chẳng những truyền bá ở Thiền lâm mà còn phải thực hiện trên trường chính trị". Đức Huỳnh Giáo Chủ giải thích thêm: "Theo sự nhận xét của tôi về giáo lý nhà Phật do Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã khai sáng lấy chủ nghĩa từ bi bác ái đại đồng đối với tất cả chúng sanh làm nồng cốt thì tôi nhận Ngài là một nhà cách mạng triệt để về tư tưởng; vì những câu: “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh""Phật cũng đồng nhứt thể bình đẳng với chúng sanh". Đã có sự bình đẳng về thể tánh như thế mà chúng sanh không bằng được Đức Phật là do nơi trình độ giác ngộ của họ không đồng đều, chớ không phải họ không tiến hoá ngang hàng với Chư Phật được. Nếu trong cõi nhơn gian này còn có chúng sanh tiền tiến áp bức chúng sanh lạc hậu thì là một việc trái hẳn với những giáo lý chơn chánh ấy. Giáo lý đó, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không áp dụng được một cách thiết thực trong đời của Ngài là do nơi hoàn cảnh xã hội của Ấn Độ xưa không thuận tiện. Thế nên Ngài chỉ phát dương cái tinh thần đó mà thôi. Ngày nay trình độ tiến hoá của nhân loại đã tới một mức khả quan, đồng thời với tiến bộ về khoa học thì ta có thể thực hành giáo lý ấy để thiệt hiện một xã hội công bằng và nhơn đạo. Thế nên với cái tâm hồn bác ái, từ bi mà tôi đã hấp thụ, tôi sẽ điều hoà với phương pháp tổ chức xã hội mới, để phụng sự một cách thiết thực đồng bào và nhơn loại".
Chỉ một lời tuyên bố trích dẫn ở trên, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã tóm lược tài tình cốt tủy tinh hoa của đạo Phật, cũng như phác họa thần diệu mục tiêu, đường hướng và phương pháp của Phật Giáo Hoà Hảo, một nền đạo Phật thời đại, nhập thế, dấn thân tích cực. Đức Huỳnh Giáo Chủ là hoá thân của Bồ Tát và những hành động của Ngài là những hạnh nguyện của tâm đại từ, đại bi. Ngài đã vượt qua mức độ phàm phu và đã đạt đến trình độ của Thánh Nhơn.
Dù học vấn của Ngài chỉ xong bậc Tiểu học, chưa từng nghiên cứu Phật học. Bỗng nhiên Ngài có một kiến thức Phật học uyên bác với một khả năng "xuất khẩu thành thơ", biến những kiến thức Phật học thành những vần thơ giảng đạo, đi sâu vào lòng quần chúng bình dân ít học. Ngài chưa từng học Hán tự, vậy mà Ngài làm thơ bằng chữ Nho một cách tinh thông. Ngài cũng không có học về y khoa, vậy mà Ngài có tài chữa bịnh, kể cả bịnh nan y. Vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939), Đức Huỳnh Giáo Chủ tuyên bố khai lập đạo Phật Giáo Hoà Hảo, khi ấy Ngài chỉ mới 19 tuổi.
Đức Huỳnh Giáo Chủ thực hiện công việc thuyết pháp là chính, trị bịnh chỉ là phương pháp nhất thời trợ duyên cho việc hoằng pháp như Ngài đã giải thích trong bài "Sứ mạng của Đức Thầy": “Phương pháp của ta tuỳ trình độ của tín nữ, thiện nam trên thì nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ đạo quy căn gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ, dưới dùng huyền diệu của tiên gia trị bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của chư vị...". Ngài đã tích cực liên tục thực hiện thuyết pháp độ sanh, đem tinh thần Phật đạo vào đời cho đến khi ra đi vào năm 1947. Chỉ 27 năm xuất hiện trên thế gian và từ khi khai Đạo, hành hoạt chỉ trong 7 năm mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã để lại cho nhân thế một sự nghiệp lớn lao, không một Tăng, Ni hay Phật tử nào từ thế kỷ 20 cho đến nay có thể so sánh được.
          Đức Huỳnh Giáo Chủ khẳng định cốt lõi giáo lý Phật Giáo Hoà Hảo chính là giáo lý của Đức Phật Thích Ca. Phật Giáo Hoà Hảo tự nhận là kế tục của đạo Phật:
                    Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn,
Khắp hạ giái truyền khai đạo pháp.
Tuỳ phong hoá dân sanh phù hạp,
Chấp bút thần tả ít bổn kinh.
Hay:
                   Ta dạy thế mượn lời Phật Thánh,
                   Nên truyền ban cho chúng sanh tường.
Hoặc :
Đạo vô vi của Phật ân cần,
Nối theo chí Thích Ca ngày trước.
Cũng như:
 Ta là kẻ vô hình hữu ảnh,
Ẩn xác phàm gìn đạo Thích Ca.
Tư tưởng của Đức Huỳnh Giáo Chủ chính là tư tưởng Phật Giáo. Phật Giáo Hoà Hảo chính là đạo Phật, là một tông phái Phật Giáo được chấn hưng.
Qua các tác phẩm của Đức Huỳnh Giáo Chủ, đạo Phật được trình bày một cách giản dị, trong sáng, thích hợp với mọi tầng lớp dân chúng và thích nghi vào cuộc sống thực tiễn hàng ngày, bất cứ ai cũng có thể hiểu và ứng dụng. Ngài cũng làm cho Phật Giáo trong sáng hơn, truyền thống hơn, nguyên thủy hơn, gần với đạo Phật thời Đức Phật còn tại thế, bằng cách triệt để tách rời, bài trừ những mê tín dị đoan như những dây leo chùm gởi bám chặt vào cây Bồ Đề Phật Giáo. Phật Giáo Hoà Hảo là cây Bồ Đề đã được dọn sạch cây leo chùm gởi che phủ nó.
Về mặt giáo lý, Đức Huỳnh Giáo Chủ không đặt ra những luận đề mới, phản bác, thách thức những quan điểm Phật Giáo cổ truyền. Ngài đã thực hiện những cải cách cấp tiến, hợp thời đại mang đầy tính cách mạng. Sau đây là những biện pháp cải cách hay chấn hưng Phật Giáo Việt Nam được Đức Huỳnh Giáo Chủ chủ xướng từ đầu thập niên 40:
 - Khuyến khích mọi người tu hành theo đạo Phật, áp dụng đạo Phật vào đời sống hàng ngày.
 - Giản dị hoá các nghi lễ thờ phượng.
- Bài trừ các loại mê tín dị đoan núp bóng trong Phật Giáo.
- Làm nổi bậc vai trò của người cư sĩ như là thành phần chính yếu trong Phật Giáo.
          - Chủ trương tu hành tại gia, đạo đời bất khả phân ly.
- Không chủ trương tạo dựng chùa chiền, mỗi nhà là một nơi thờ Phật, không thờ lạy các hình tướng, chỉ thờ Phật trong tâm.
- Tôn kính Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Chỉ dựa vào Phật pháp và tự mình tu hành.
          - Hướng dẫn tín đồ học Phật, tu Nhân, thực hành thuyết Tứ Ân, hành động nhập thế trong tinh thần từ bi của Đức Phật.
 - Cổ võ mạnh mẽ tinh thần yêu Tổ quốc, yêu đồng bào và Nhơn loại.
 - Đoàn ngũ hoá tín đồ trong một tổ chức tôn giáo, chính trị có hiệu quả và sức mạnh cao. Không tạo ra một tầng lớp thống trị, đặc quyền, đặc lợi và độc tài.
Phật Giáo Hoà Hảo là một tôn giáo, nhưng sự thể hiện có màu sắc chánh trị, xã hội, quân sự, tranh đấu, chỉ là sự biểu hiện nhất thời của một giai đoạn lịch sử đặc biệt cuốn hút tất cả tiềm lực dân chúng vào cuộc đấu tranh lịch sử cứu nguy dân tộc khỏi sự xâm lăng và ách thống trị của ngoại bang.
Nếu những ai chưa hiểu tường tận về giáo lý của Phật Giáo Hoà Hảo thì coi Phật Giáo Hoà Hảo không phải là Phật Giáo. Nhưng sự thật Phật Giáo Hoà Hảo là Phật Giáo Việt Nam với bản chất, màu sắc, hương vị như tất cả những cái gì là Phật Giáo, những cái gì là Việt Nam nhất, được chứng minh qua những tác phẩm của Đức Huỳnh Giá Chủ, bằng cách chúng ta đọc và suy nghiệm qua với trí tuệ của mỗi người.
          Đọc Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ, chúng ta thấy những chất liệu mà Ngài lấy ra từ giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để xây dựng cho nền giáo lý Phật Giáo Hoà Hảo hoàn toàn Việt Nam, đơn sơ, thuần hậu, không cầu kỳ, không quá sâu sắc đến độ bí ẩn. Chất liệu đó rút tỉa từ cuộc sống bình dị của người nông dân miền Nam, từ căn bản Khổng Giáo, Phật Giáo được hoà lẫn vào nhau trong một tinh thần cởi mở tự nhiên. Chúng ta có thể nói rằng Phật Giáo Hoà Hảo là kết tinh trọn vẹn của văn hoá dân tộc, vì trong Phật Giáo Hoà Hảo chúng ta thấy được màu sắc Khổng Giáo trong đời sống hằng ngày và trong sinh hoạt tôn giáo có tín ngưỡng Phật Giáo, thờ cúng Tổ Tiên cũng như tình tự quê hương dân tộc trong cuộc sống tình cảm.
Trong lúc nước nhà gặp khó khăn, xã hội băng hoại, lòng người chao đảo, chia rẽ, lại bị ảnh hưởng chiến cuộc bên ngoài gây thêm nội tình không mấy tốt đẹp cho đất nước làm con người hoang mang sợ sệt. Trong tình cảnh đó Phật Giáo Hoà Hảo ra đời là một thứ dầu mầu nhiệm nuôi ngọn lửa lòng cho dân Việt. Thế nên dù không ai bảo ai, nhưng lòng của mỗi người đều tin tưởng rằng tuy nay nước nhà gặp cơn bĩ cực, nhưng rồi đây sẽ có một ngày tương lai sáng lạng "hết cơn bĩ cực tới hồi thới lai".
Một cảnh thái bình được vẽ ra "Trên vua minh chánh cầm cân. Dưới quan liêm tiết xử phân công bình" và "Trên kẻ trí lấy công bình phán đoán. Dưới vạn dân trăm họ được im lìm". Cái cảnh mà chúng dân lạc nghiệp, muôn nhà thạnh thới, nhơn vật hoà đồng. "Cỏ cùng cây điểu thú chim muông. Nhơn với vật huờn lai bn tánh", ai muốn được cảnh đó thì ngay bây giờ phải trau tâm trỉa tánh, tu sửa thân tâm.
Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hoà Hảo muốn đưa nhân loại sống cảnh đại đồng "Ước mơ thế giới lân Hoà Hảo. Nhà Phật con Tiên hé miệng cười" và "Biết làm sao gieo Đạo khắp đại đồng. Đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc". Nhơn loại không còn hiềm khích lẫn nhau, một lòng yêu thương đùm bọc, cùng nắm tay nhau trên bước đường tiến bộ "Ấy là xong bốn biển hiệp một nhà. Không ganh ghét dứt câu thù hận oán" và mãi mãi "đi vào vòng hạnh phúc".
Tính đến nay đã 76 năm, 76 lần cử hành Đại Lễ, khi thăng khi trầm, khi bị cấm đoán theo vận nước nổi trôi biến chuyển không ngừng. Phật Giáo Hoà Hảo là nền Việt Phật, nên luôn luôn gắn liền sinh mệnh tôn giáo với sự thịnh suy của đất nước và dân tộc. Cứ mỗi lần cử hành Đại Lễ là mỗi người tín đồ phải xem xét, quán sát lại ý nghĩa của ngày Đại Lễ đối với Đạo pháp, quê hương, cá nhân, gia đình, nhơn loại cùng muôn loài vạn vật.
Chúng ta đang sống trong một đất nước tự do nào đó trên khắp quả địa cầu nầy, nhưng nhất định quê hương Việt Nam không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của tất cả chúng ta. Chúng ta nhất định yêu Tổ quốc, yêu quê hương, yêu bà con ruột thịt, yêu đồng bào ở bất cứ nơi đâu, kể cả trong nước. Riêng đối với tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo, hấp thụ sâu sắc lời dạy của Đức Tôn Sư Huỳnh Giáo Chủ thì luôn khắc ghi câu nói bất hủ của Ngài: "Dầu sống cũng là dân quan đất Việt, dầu thác cũng là quỉ thần đất Việt". Cho nên dù sống ở bất cứ nơi nào trên quả đất, dù có quốc tịch nào, quê hương mình vẫn là Việt Nam, đồng bào mình là người Việt Nam, chớ không phải nơi nào khác, chủng tộc nào khác.
Đồng bào ta ở trong nước cũng muốn tự do như chúng ta mà không thực hiện được. Do tinh thần nầy mà sự cảm thông, thương yêu chia xẻ những buồn vui, miếng cơm, manh áo, giảm thiểu khổ đau do bệnh tật với đồng bào nghèo bất hạnh trong nước là nghĩa vụ thiêng liêng của người lập hạnh Bồ Tát.
Chúng tôi muốn lập lại lời dạy thâm thuý của Đức Huỳnh Giáo Chủ:"Hãy áp dụng mọi biện pháp để đem lại phúc lợi cho toàn thể chúng sanh. Đó là sự thỏa mãn trong cuộc đời hành đạo của mình" và Ngài cũng dạy:
Ai biết truy việc phải cứ làm,
Sau mới biết ai phàm ai thánh.
Sống tầm thường ích kỷ là phàm nhân. Sống với bốn đại nguyện Từ, Bi, Hỉ, Xả biết hy sinh và mưu cầu phúc lợi cho tha nhân là bậc Thánh giữa cuộc đời nầy.
        Đức Huỳnh Giáo Chủ là bậc quán liễu huyền cơ "toán biết âm dương", đã nhận thấy bước tiến của nhân loại đi từ chủ nghĩa cực đoan dần dần biến thành chủ nghĩa xét lại, hoá giải hết mọi xung đột để trở thành chủ nghĩa trung hoà, tránh cho nhơn loại khỏi bị diệt vong. Do đó Ngài chuẩn bị cho Việt Nam có đủ điều kiện nhận trọng trách vai trò siêu đẳng của mình trong xã hội Thánh Đức an lạc ngày mai, vì:
 Nước Nam Việt nhằm cõi Trung Ương,
 Sau sẽ có Phật Tiên tại thế.
 Chúng tôi nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho tất cả mọi người có cuộc sống an vui và hạnh phúc.
Trước khi dứt lời, chúng tôi kính chúc quý liệt vị và toàn thể đồng đạo, đồng hương nhiều sức khỏe, thân tâm thường an lạc, Đạo quả chóng viên thành.

                   Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
 Nam Mô A Đi Đà Phật.
Phan Thanh Nhàn
                                                                                 Biên soạn
                                                               (Đại Lễ 18/5 năm Ất Mùi 2015)


IMG_1064
blank
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Bảy 20151:25 CH(Xem: 22673)
Đạo giúp cho người được sạch trong, Đạo đời khắng khít mãi bên lòng. Đạo khuyên bá tánh an nhàn sống, Đạo nhẫn hành trì mọi việc xong.
06 Tháng Bảy 20155:58 SA(Xem: 18370)
Chánh pháp Đức Thầy dạy những gì, Trong tâm Phật tử mãi còn ghi. Lời Khuyên Bổn Đạo là tôn chỉ, Sấm Giảng lời vàng cố thực thi.
06 Tháng Bảy 20155:23 SA(Xem: 16548)
Từ những ngày đầu ở miền Nam, 1954, khi còn trong tuổi thiếu niên, người viết bài này đã nghe nói đến nhân vật Huỳnh Phú Sổ, giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo (Viên Linh)
27 Tháng Sáu 201510:42 CH(Xem: 17705)
Tinh thần “vì dân, vì nước” đã được Phật Thầy Tây An cô đọng trong đường hướng giáo lý cốt lõi của đạo là “Tứ đại trọng ân”, bao gồm ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo và ân đồng bào nhân loại. Trong tứ ân, chúng ta có thể thấy nổi lên tinh thần vì tổ quốc và dân tộc rõ nét.
25 Tháng Sáu 20159:28 SA(Xem: 19139)
Kỷ vật : Sấm KINH nhớ để lòng Niệm rành Hoà Hảo là chơn công...
25 Tháng Sáu 20157:00 SA(Xem: 16861)
Núi Ba Thê lớn nhất, cao nhất trong vùng tứ giác Long Xuyên, xưa từng mang cái tên khá mỹ miều là Hoa Thê sơn, nhưng sau đó lại có cái tên buồn: Vọng Thê.
07 Tháng Sáu 201510:35 CH(Xem: 17059)
Một khi tất cả niềm tin yêu không còn hiện diện trong lòng, con người sẽ cảm thấy mình chẳng còn nghị lực để sống nữa. Lúc đó họ chỉ thấy trước mắt một màu đen lạnh lùng, không một điểm nương tựa, không một nẽo về.
01 Tháng Sáu 201511:03 SA(Xem: 16477)
“Đừng để sự già nua trở thành phẩm chất của bạn” - đó là lời khuyên của cụ bà 91 tuổi Barbara Beskind - người xin việc tại doanh nghiệp công nghệ hàng đầu ở thung lũng Silicon.
27 Tháng Năm 201510:10 SA(Xem: 15957)
Bài nói chuyện này được tác giả trình bày trong buổi ra mắt tác phẩm “Một Cơn Gió Bụi” của tác giá Trần Trọng Kim hôm Chủ Nhật 24-5-2015 tại hồi Trường Việt Báo, Westminster.
12 Tháng Năm 201510:51 CH(Xem: 15494)
Những cư sĩ, sống đời thanh đạm và nguyện noi gương Đức Huỳnh Giáo Chủ, đi chu du thiên hạ để làm việc thiện, gieo hạt mầm thiện lành nhằm xoa dịu vết đau của những cuộc đời không may mắn.