Đtb 60: Chìa Khóa Hồi Sinh Đất Nước Trong Tay Giới Trẻ

02 Tháng Năm 200312:00 SA(Xem: 14531)
Đtb 60: Chìa Khóa Hồi Sinh Đất Nước Trong Tay Giới Trẻ
Cầm chính đạo dễ tịch tà cự bí
(Nguyễn Công Trứ)

Sau 80 năm Pháp trị, 20 năm chiến tranh Nam - Bắc, 15 năm sống cô lập với sự hỗ trợ cầm hơi của kinh tế Sô Viết và một thập niên trôi dạt đơn độc giữa một lục địa chán chê cộng sản, Việt Nam nay đã vượt đến một ngã tư quyết định. Quốc gia này sẽ chuyển mình thành một Thái lan thứ hai hay một tiểu Trung quốc từ từ lột xác? Hay Việt Nam sẽ tuột dần để xếp ngang hàng với hai lân bang Miên, Lào? Trong năm xứ bị Đệ nhị Thế chiến và Chiến tranh lạnh chia đôi, Việt Nam là nước đầu tiên thống nhứt. Sánh với Đức quốc, Nam Hàn, Yémen và Đài loan, Việt Nam đạt được những thành tích đấu tranh đáng kể. Tuy nhiên ngày nay, về dân chủ và kinh tế, Việt Nam không tiến hơn Bắc Hàn và Cuba bao nhiêu.

Một hiện trạng dẫy đầy nghịch lý
Nhà cầm quyền CSVN hiện đang đu dây giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc kinh. Mặt khác, họ vẫy vùng giữa nhiều nghịch lý nội bộ. Tự cho là đại diện giai cấp vô sản, Chính phủ Hà Nội lo sợ dân chúng nổi loạn. Sau 1975, CS thống nhứt đất nước bằng cách Bắc việt hóa gắp rút Miền Nam, nay họ lại e ngại trào lưu dân chủ và thân tư bản phát xuất từ Miền Nam sẽ Nam việt hóa Miền Bắc. Nghịch lý lớn nhứt là, để cứu chế độ, họ đổi mới kinh tế bằng cách pha trộn một cách hỗn tạp Karl Marx và Adam Smith, hay nói cách khác, áp dụng thị trường tự do theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Chính sách ấm ớ này chia Chính trị bộ thành hai cánh bảo tồn và cải tiến.
Với thiểu số 2 triệu rưỡi đảng viên, CSVN kiểm soát 80 triệu người dân Việt. Đảng, Quốc hội và Nhà nước thật ra chỉ là một. Năm 1997, 18 ủy viên Chính trị bộ thỏa thuận với nhau để chọn một tam đầu chế gồm có: Thủ tướng Phan Văn Khải (gốc Nam, chủ trương cải cách kinh tế), Tổng bí thơ Lê Khả Phiêu (sinh quán tại Thanh hóa, khuynh hướng bảo thủ, xuất thân từ Quân đội) và Chủ tịch Nhà nước Trần Đức Lương (gốc Trung, đứng giữa). Phiêu hiện lấn át Khải và Lương ra mặt. Có tin đồn y đang vận động để Đại hội IX của Đảng nhóm năm 2001 cho kiêm thêm chức Chủ tịch Nhà nước. Khi ba nhân vật nói trên bất đồng ý kiến, các quyết định lớn phải được toàn thể Chính trị bộ chấp thuận. Sự kiện này gây tê liệt cho hệ thống lãnh đạo nhiều phen, thí dụ trong vụ ký Thương ước với Hoa kỳ. Từ Đại hội 8 cho đến nay, tình trạng giẫm chân tại chỗ đã kéo dài 5 năm vì những lục đục bên trong giỏ cua Chính trị bộ.
Hoàn cảnh VN bắt buộc phải canh tân. Trần Độ đã tóm tắt tình thế với câu nhận xét ngắn gọn: không đổi là chết! Nhưng canh tân cách nào? bằng cách mạng (revolution) hay theo đường lối tiến hóa (evolution)? Một số quan sát viên dựa vào sức bành trướng vũ bão của khuynh hướng toàn cầu hóa truyền thông và mãi dịch để phỏng đoán giới lãnh đạo già nua trước sau gì cũng sẽ bị thay thế bởi một thế hệ với đường lối cai trị đổi khác. Nhận xét này quá đơn giản. Đúng vậy, lớp người già, còn nói được tiếng Pháp - tức là thế hệ cao niên (senior generation) có công thống nhứt xứ sở - đang rút khỏi sân khấu. Nhưng thế hệ nối tiếp, từ 40 đến 60 tuổi, đã bắt tay vào việc. Họ không sẵn sàng từ bỏ những chức vụ béo bở tạo ra đặc quyền. Thế hệ chính giữa này, hay middle generation, được huấn luyện tại Moscou và các thủ đô của khối Sô viết. Họ vẫn trung thành với Đảng. Thế hệ son trẻ (junior generation), trưởng thành trong một môi trường cởi mở hơn của thập niên đã qua, nôn nóng chờ đợi để nối nghiệp. Sẽ có sự tranh giành xâu xé giữa các con cháu đảng viên CS.

Giới trẻ là động cơ phát triển chính yếu.
Báo Nhân Dân cho biết năm 1993, chính phủ Hà Nội phổ biến kết quả của một cuộc dò ý giới tre,Ư trong và ngoài các Đại học, về những ưu tư thường nhựt. Theo thứ tự, giới trẻ quan tâm đến nhu cầu canh tân, chấn chỉnh kinh tế, mở rộng với bên ngoài....Giáo điều nhật tụng đồng hóa Tổ quốc với Xã hội chủ nghĩa nay không còn linh thiêng. Lòng ái quốc được xếp hạng 5 và chỉ có 7,6% để ý đến chính trị. Hệ số yếu kém này cho thấy lớp trẻ chưa dám nói hết vì sợ công an theo dõi. Từ 1995 cho đến nay, Liên hội Thanh niên Cứu quốc và Tổ chức Sinh viên Quốc doanh gặp khó khăn trong việc thu nhập đoàn viên. Thành phần trẻ không hăng hái vào Đảng. Nếu vào thì cũng vì mong đớp được jobs tốt hay đặc ân, không vì ngưỡng mộ Các Mác. Đảng rát cổ kêu gọi hy sinh cho Tổ quốc, giới trẻ dửng dưng vì đã nhận ra bộ mặt thật của CS. Chỉ cần phớt đọc Bảo Ninh, Phùng Quán, Bùi Minh Quốc hay các bài phỏng vấn Dương Thu Hương thì nhận thấy ngay nỗi chán chường ngao ngán đó. Đảng hoảng hốt. Phạm Văn Đồng (lúc sinh tiền), Phan Văn Khải, Võ Nguyên Giáp, Lê Khả Phiêu và các đồng chí thay nhau lớn tiếng đổ tội cho tệ nạn xã hội và văn hóa độc hại của tư bản.
Như tại Trung quốc - và có thể hơn ở Việt Nam - khoảng cách thế hệ, gap generation, tạo ra một mối nguy không nhỏ. Lớp người cao niên vẫn sống với ký ức thời chiến tranh gian khổ và thắng trận vinh quang. Họ bỡ ngỡ trước một kỷ nguyên hậu chiến tiến bộ quá nhanh. Giới trẻ - thực tế và cởi mở hơn vì không biết hận thù - tha thiết với việc truy tầm lý lịch (identity) hơn là đeo đuổi những lý tưởng trừu tượng (ideologies), Bởi thế, già và trẻ không cùng chung một băng tần tâm lý. Trong một số gia đình, đã xảy ra những vụ chạm trán vì thái độ thách đố của phần tử trẻ nổi loạn. Nhưng, tổng quát, lễ giáo và tập tục đã giúp một phần lớn gia cảnh vượt qua sóng gió.
Vì các sự kiện vừa trình bày, vấn đề chuyển tiếp thế hệ, generational transition, ở trong và ngoài VN, không dễ. Câu hỏi đặt ra là lớp người lớn tuổi đã và đang làm gì để tạo bó đuốc hầu trao lại cho con cháu? Bó đuốc ấy gồm có những kinh nghiệm và thông điệp gì? thích hợp với thời thế mới hay không? và giới trẻ có sẵn sàng tiếp nhận hay chăng? giới trẻ nào? họ liên hệ ra sao với đất nước đau khổ? nếu không có bó đuốc nào của tiền bối lưu lại - trường hợp này thật đáng tiếc! - thì giới trẻ VN hành động ra sao?
Bao nhiêu câu hỏi đến nay chưa giải đáp! Dù sao, không thể ngồi chờ bó đuốc. Và cũng không cần đợi ngoại bang bựt đèn xanh. Vọng ngoại là một căn bịnh hiểm nghèo vì không ai yêu nước chúng ta hơn chính chúng ta. Học giả S.T Man nói rất đúng: Không thể ngẩng đầu cao nếu đi bằng đầu gối.û Cũng đừng bận tâm đốt đuốc đi tìm lãnh tụ. Thử thách trong đấu tranh sẽ trui rèn những lãnh tụ xứng đáng. Thảm cảnh của xứ sở hối thúc giới trẻ kết hợp và dấn thân trong ï tin tưởng. Tin nơi sức mạnh của dân tộc và thế tất thắng của chính nghĩa. Có dân thì không thể thua. Thế hệ cao niên có trách vụ tận tình hỗ trợ, khuyến khích lòng quả cảm và tôn trọng trí xét đoán của giới trẻ. Như thế, việc chuyển tiếp thế hệ không còn là vấn đề chính yếu. Giới trẻ mới là trọng tâm của vấn đề. Chìa khóa để hồi sinh và dân chủ hóa Việt Nam nằm trong tay của thế hệ này gồm có, một mặt, thành phần đấu tranh trong xứ và mặt khác, khối chuyên viên lưu vong. Không có sự phân biệt về tâm tư và ý chí giữa hai nhóm. Có khác chăng là hoàn cảnh và cơ hội học hỏi và tiến thân. Mục phiêu của họ giống nhau: đưa đất nước ra khỏi nhục cảnh chậm tiến. Biết nhục là bắt đầu lớn mạnh. Bởi vậy, cần bắt gắp nhịp cầu giữa hậu phương và tiền tuyến để thống nhứt chiến lược đấu tranh, đồng thời tránh phí phạm nhân lực và phương tiện. Dẹp bỏ đố kỵ, óc bè phái và thành kiến chật hẹp sẽ giúp xây dựng nhất trí. Hy sinh chuyện nhỏ vì đại sự. Liên tục trao dồi kiến thức và kỹ thuật bởi chất xám bao nhiêu cũng không đủ để tái dựng xứ sở bị trì trệ quá lâu. Đất nước cần chuyên viên, trí thức nhưng cần sĩ phu nhiều hơn. Đúng vậy, theo lời của Nguyễn Công Trứ kẻ sĩ có trách vụ dẹp tan các tà thuyết, các làn sóng dữ để giữ vững chính đạo (cầm chính đạo để tịch tà cự bí, Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên)..
Nói tóm tắc, muốn phục vụ hữu hiệu, người trai nước Nam nên cố gắng trở nên một chân giá trị thay vì hành động đoản kỳ biểu diễn. Einstein từng nhắn nhủ tâm huyết với thanh niên: Try not become a man of success but rather a man of value, Thành công không dễ, thành nhân càng khó hơn. Thiểu số con ông, cháu cha gốc CS không đáng kể vì sớm muộn, chúng sẽ bị đào thải. Cũng như những thành phần mất gốc, vong bản và hưởng thụ.
Phương thức cổ truyền việt nam để chuyển quyền thường là thay đổi tuần tự (evolutionary). Chỉnh đốn lần hồi bên trong những cấu trúc là giải pháp ôn hòa được thông dụng, đúng theo đường lối Khổng Mạnh xưa nay. Các phân tích gia thời cuộc, bởi thế, nghĩ rằng trường hợp sụp đổ của Đảng CS theo kiểu Nga Sô khó thể xảy ra tại Việt Nam trong thập niên sắp đến. Tuy nhiên, thời cuộc sẽ tạo bất ngờ trong một thế giới năng động và mở rộng. Hiện nay, các vùng thôn quê VN bất mãn cao độ về tình trạng nghèo đói và quốc nạn cường hào. Quần chúng tại nhiều nơi ào ạt xuống đường phản đối Ủy ban Nhân dân sở tại. Trong khi đó, tầng tầng lớp lớp nông dân không ngớt đổ về các đô thị săn tìm việc làm vì thất nghiệp gia tăng. Giới người có học đả kích càng ngày thêm đông và thêm mạnh chính phủ cải cách quá chậm. Các tôn giáo và cựu đảng viên đối kháng cũng chọn thế tấn công. Trong khi đó, xã hội tiếp tục băng hoại không thuốc chữa. Các tư tưởng dân chủ phóng khoáng từ bên ngoài thổi triền miên bất tận vào nước như xuyên một căn nhà trống. Nhiều tổ chức tài trợ quốc tế và bảo vệ nhân quyền theo dõi tình hình với những con mắt cú vọ. Đảng CS Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào hào quang quân sự đã qua để dề cao sự chính thống của chế độ. Từ nay, vận mạng của Đảng tùy thuộc vào khả năng quản trị kinh tế và mở rộng sự phồn thịnh quốc gia trong thế kỷ 21. Sự khiếp sợ đã đổi phía, từ Dân qua Đảng. Đảng không còn nắm thế thượng phong.
Bao lâu một chính thể độc đảng có thể chịu đựng áp lực tứ phía, từ quốc nội đến quốc ngoại, trước khi bị bắt buộc phải tiến đến một nền dân chủ đa nguyên? Khi phát biểu: Muốn lật đổ một chế độ thì phải đẩy cái thối nát đến tột cùng, Lê-nin nghĩ tất nhiên đến các thể chế tư bổn hay phi cộng sản. Ngày nay kế sách này có giá trị áp dụng luôn với những xứ xã hội đồi trụy còn sống sót. Không có gì ngăn nổi một cuộc khởi nghĩa bùng dậy nếu Hà Nội vẫn ù lì ngoan cố. Đại hồng thủy cách mạng sẽ cuốn trôi chế độ như đã thấy tại Nga sô, Roumanie và Yougoslavie. Đây là một thảm cảnh làm tan nát thêm xứ sở mà CS phải gánh trách nhiệm.

**********
Trong dĩ vãng, Hồ và các đồng chí tuyên truyền Đảng và Dân là một. Ngày nay, đảng xa dân, dân bỏ đảng. Hơn một sự chia tay ý thức hệ, đây là một vụ ly dị vĩnh viễn. Chủ nghĩa Mác Lê có tác dụng của một tấm phên rách nát. Phía sau, một nhóm mafia xôi thịt ẩn núp, kết bè vì quyền lợi và thâm độc hơn cả thực dân. Dân chúng thì không có tiếng nói và bị coi thường,
Chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Việt Nam không còn là một hội chứng và nay được Thế giới xem như một nước cần giúp đỡ. Trắc trở hiện tại là chính phủ Hà Nội từ chối đáp ứng những đòi hỏi cải cách kinh tế và chính trị tối yếu vì mãi lo sợ diễn biến hòa bình. Họ tránh né bằng cách viện dẫn lý do cần bảo vệ sự ổn định. Từ ba năm nay, kinh tế trong xứ tuột dốc không ngừng. Theo cái đà này, Việt Nam sẽ thua sút nặng hơn các nước ASEAN đang hồi phục sau cơn sốt tiền tệ vừa qua.
Đại hội IX Đảng CSVN nhóm tháng ba năm nay sẽ đề ra kế hoạch cho 5 hay 10 năm tới. Với sự công bố Đảng xác quyết sống chết với xã hội chủ nghĩa và tư tưởng của Bác, dân chúng không mong có gì mới lạ nay mai.
Với tài nguyên và nhân lực dồi dào, Việt Nam có triển vọng trở nên một quốc gia dân chủ, đa nguyên và phồn thịnh. Nhưng chừng nào sự thật mới hình thành? Đảng CS là chướng ngại vật cuối cùng trên con đường canh tân quốc gia. Còn CS, đất nước không hy vọng ra khỏi bãi lầy tụt hậu. CS huênh hoang đã giải phóng xứ sở, chấm dứt chiến tranh. Đúng ra, theo câu nói của sử gia Tacite, họ đã tạo ra một vùng đất hoang và gọi đó là hòa bình! Loại hòa bình ly tán nhân tâm, hòa bình thiếu tự do, hòa bình nghẹt thở trong sợ hãi từng giây. Dưới sự chỉ đạo Cộng sản, Việt Nam đang tiến vào tân thiên niên kỷ bằng những bước thụt lùi.

LÂM LỄ TRINH
Ngày 6.11. 2000
Thủy Hoa Trang
California



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn