Đoạn I: Thế đứng hiện tại của PGHH

24 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 20417)
Đoạn I: Thế đứng hiện tại của PGHH

Mục I : MÔ TẢ SƠ LƯỢC

Trong sinh hoạt hiện hữu của quốc gia, Công Giáo, Phật Giáo đã thay phiên hay cùng một lúc chi phối chánh quyền, nếu Công Giáo có ưu thế thời Đệ I Cộng Hòa thì Phật Giáo lại đóng vai trò quan trọng trong biến chuyển lịch sử sau đó, để rồi tiếp theo Phật Giáo củng cố ưu thế của mình sau Cách Mạng 01-11-1963. Tôn giáo được coi như là nguyên nhân của những sự thay đổi ngôi chủ trong giai đoạn chuyển tiếpsau cách mạng cùng những định chế của thời Đệ II Cộng Hòa (1). Đồng thời trong sinh hoạt dân chủ, sự chiến thắng của Công Giáo, Phật Giáo lại hiện ra rõ ràng tạo nghị trường với những liên danh Bông Huệ, Mặt Trời, Hoa Sen… Trong khi những lời phát biểu về chiến tranh và hòa bình của các vị lãnh đạo tinh thần hai tôn giáo trên được coi như có ảnh hưởng rộng lớn … Nói như vậy, không có nghĩa tác giả khẳng định sức mạnh và thế đứng của một tôn giáo biều lộ qua sinh hoạt chánh trị hay định so sánh Phật Giáo Hòa Hảo với các tôn giáo trên bởi vì mỗi tôn giáo có một vị thế khác nhau. Nhưng ở đây, tác giả muốn nói đến sở dĩ Công Giáo hay Phật Giáo có ưu thế mạnh đó vì cả hai tổ chức đã tạo và có một thế đứng vững chắc trong các lãnh vực khác …

Phật Giáo Hòa Hảo vừa mới trưởng thành và đang trên tiến trình củng cố vị thế nhưng khách quan mà xét thế đứng của Phật Giáo Hòa Hảo còn kém.

Trong ký thuyết, Phật Giáo Hòa Hảo có gần 3 triệu tín đồ, có một lực lượng chánh trị, cô đọng trên vùng phì nhiêu, an ninh … có số phiếu áp lực đủ để tạo ít nhứt một liên danh tại Thượng Nghị Viện, 20 Dân Biểu Hạ Nghị Viện … và vị thế áp lực hữu hiệu trong mọi lãnh vực … Nhưng thực tế tại nghị trường, Phật Giáo Hòa Hảo đã thất bại vì góp mặt không đáng kể và rời rạc … tại các cơ quan công quyền khác kể cả tại những địa phương thuộc vùng Phật Giáo Hòa Hảo, đoàn thể thiếu vắng người, sự can thiệp của các nhà lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo không kết quả tốt đẹp, lời phát biểu của Phật Giáo Hòa Hảo chưa tạo được sức hấp dẫn, đứng đắn, các hoạt động toàn ngắn hạn, và chưa có một ảnh hưởng lớn lao…

Chính những lý do nội tại, những yếu tố khách quan đã tạo nên sự suy yếu đó trong cộng đồng quốc gia.

Cho đến ngày nay, thực tế Phật Giáo Hòa Hảo vẫn còn là nạn nhân của những “ngộ nhận”, của những thiên kiến. Đối với dân chúng, Phật Giáo Hòa Hảo không là một tôn giáo mà chỉ là một tập thể kết hợp lỏng lẻo chung quanh lãnh tụ và những người làm chánh trị … Sự thiên vị và bất bình đẳng cũng là trở ngại lớn lao cho sự phát triển lực lượng.

Nguyên nhân của sự trạng đó như đã trình bày là do kẻ thù đoàn thể liên tiếp tạo nên.

Thế đứng trong quốc gia còn yếu kém, thế đứng trong cộng đồng quốc tế lại càng khiêm nhường hơn nữa.

Mặt khác sự thất bại của Phật Giáo Hòa Hảo là do đoàn thể không khai thác, củng cố, bảo vệ những ưu thế của lực lượng để những khuyềt điểm càng bành trướng.

Nhưng những ưu thế đó của Phật Giáo Hòa Hảo là gì ? Và lực lượng đã vấp phải những trở ngại nào ?

 

 

Mục II : NHỮNG ƯU ĐIỂM

Những điều thuận lợi của Phật Giáo Hòa Hảo thể hiện qua các phương diện :

* Vị Giáo Chủ :

Nhìn về Phật Giáo Hòa Hảo, trước hết xét về vị Giáo Chủ vì Phật Giáo Hòa Hảo thuộc về cá nhân lãnh đạo (không là cộng đồng lãnh đạo như Công Giáo). Mặc dù từ thân thể cho đến mọi lúc mọi nơi, vị Giáo Chủ tỏ ra rất bình dân, tự đặt mình gần gũi với tín đồ, đồng chí nhưng chung quanh và bàng bạc suốt cuộc đời của Ngài vẫn được bao bọc bởi một lớp thần quyền khiến tín đồ, đảng hữu vừa cảm mến, vừa kính phục.

* Nội Dung Phật Giáo Hòa Hảo :

Giáo pháp dù được canh tân nhưng trong bản thể không vượt thoát ra ngoài chân lý đạo Phật, và đạt những điều kiện : vô thường, nhân quả, biến dịch. Dù được khai sinh vào những năm cuối cùng của tiến bán thế kỷ XX trong khung cảnh Việt Nam nhưng luôn luôn giữ được chất liệu của Phật pháp, dần dần sẽ biến thành tôn giáo dân tộc. Phật Giáo Hòa Hảo đã có đủ ba tính chất : Dân tộc tính, đối cơ và hoàn cảnh (tức khế lý và khế cơ). Nhờ đó, Phật Giáo Hòa Hảo được toàn dân trong vùng đón nhận, trị được căn bịnh muôn mặt nhờ giáo điều tuy có giản dị, hợp với đa số nông dân, thiếu thốn, đa đoan sinh kế nhưng không cằn cỗi mà sinh động, dung hòa… Và đến hôm nay, giáo điều chỉ là một dù Phật Giáo Hòa Hảo có bị phân hóa.

Lại nữa trong giáo thuyết có sự tổng hợp của cả ba sắc thái : Siêu thoát của Phật Giáo, Nhập thế và Hành đạo của Khổng Giáo, Thanh tịnh Vô vi của Lão Giáo. Vì Vậy, Phật Giáo Hòa Hảo được người Việt Nam đón nhận mà không thấy bở ngở và xa lạ.

Nội dung đó, và đặc tính hư thực của Sấm ký trong hệ thống kệ giảng Phật Giáo Hòa Hảo lại được phổ biến bằng các thể thơ dân tộc, lời lẽ bình dân và dễ dàng cảm hóa thôn dân Việt Nam.

* Tín Đồ :

Ưu thế khác là do nơi tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đặt đối tượng chánh là nông dân, một giới thường bị bỏ rơi nhưng lại chiếm đa số (1), Phật Giáo Hòa Hảo đã thành công trong việc qui tụ tín đồ thành một khối dày đặc, đoàn kết dù cấp lãnh đạo bị “tam phân ngũ liệt”. Khối người cô động đó lại được huấn luyện bằng giáo thuyết, được đương đầu với thực tế và kinh nghiệm để dứt khoát lập trường : dân tộc, chống Cộng và không chấp nhận tư bản. Trang bị bằng niềm tin tôn giáo, hận thù, họ trung kiên, nhẫn nại hơn các cán bộ Cộng sản được huấn luyện kỹ lưỡng và lâu năm.

Chú thích : (1) Đức Huỳnh Phú Sổ trả lời các đảng phái khác khi được hỏi vì sao tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đa số là nông dân :”Họ là chúng sinh, tôi cần dìu dắt họ vào đường tu hiền, họ cũng là công dân Việt Nam, tôi cần dẫn dắt họ vào con đường phục vụ quốc gia … bỏ rơi họ sao được”.

* Đoàn thể :

Dù dư luận thường tỏ ra bất lợi cho Phật Giáo Hòa Hảo nhưng không thể quên đi những cuộc đấu tranh và công lao của đoàn thể nầy trong việc đóng góp cho sự hình thành một giải pháp quốc gia. Phật Giáo Hòa Hảo cảm thấy hãnh diện về công lao kháng chiến mà chính họ và tín hữu họ đã đổ máu xây dựng. Cộng đồng thật sự dứt khoát lập trường quốc gia chân chính mà bất kỳ chánh quyền nào tại miền Nam Việt Nam nếu xác nhận ý chí chống Cộng đều không thể nghi ngờ. Khi ấy, đoàn thể đã có những tổ chức hậu thuẩn khác sẽ giúp giữ vững và phát huy tư thế của mình trong quốc gia và tạo sắc thái đặc biệt, gây sự chú ý cho thế giới nếu lãnh đạo đúng và chuẩn bị chu đáo. Hơn nữa lực lượng nầy đang chiếm giữ vùng chiến lược và chiến thuật trên phần lãnh thổ chiếm 60% diện tích khả canh toàn quốc trong nền kinh tế nông nghiệp.


Mục III : NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Song song với các lợi thế, Phật Giáo Hòa Hảo đã gặp nhiều trở ngại, ngăn chận con đường tiến hóa của đoàn thể.

* Vấn đề lãnh đạo :

Lực lượng có khuyết điểm trầm trọng trong vấn đề lãnh đạo. Sự tập trung quyền uy duy nhứt nơi Đức Huỳnh Phú Sổ đã khiến cho đoàn thể thiếu sự lãnh đạo sau khi vị Giáo Chủ vắng mặt. Đức Ông Huỳnh Công Bộ, Đức Bà Lê Thị Nhậm chỉ tạm thời thay thế quyền lãnh đạo và tính cách thiêng liêng đã giảm dần khi Cô Năm Huỳnh Thị Kim Biên (bào muội Đức Huỳnh Phú Sổ), Ông Út Huỳnh Văn Quốc (bào đệ cố Đức Ông) bên cạnh có Lâm Đồng Thanh (chồng của Cô Năm Huỳnh Thị Kim Biên) trong tư cách đại diện Tổ Đình. Về phía Giáo Hội, những người lãnh đạo chưa thể hiện được uy quyền tuyệt đối vì thiếu màu sắc tôn giáo nhứt là hậu quả của sự tranh chấp gần đây làm uy tín người lãnh đạo ngày càng suy giảm. Một nguy cơ khác là mầm móng tranh chấp giữa trẻ và già, bào thủ và cấp tiến ngấm ngầm xảy ra trong hàng ngũ lãnh đạo. Thêm vào đó, một thiểu số vẫn chưa tiêu diệt hẳn tư tưởng giai cấp quan liêu để phù hợp với giáo thuyết và thực trạng đoàn thể, trong khi hiện tượng “công thần địa vị” làm nghẻn lối người có thiện chí, tư tưởng “vọng ngoại” càng làm lực lượng xa rời cứu cánh. Đó là chưa kể đến sự lãnh đạo mà thiếu chánh sách, thiếu kế hoạch …

* Tín Đồ :

Về phía tín đồ, mặc dù người theo đạo đông đảo nhưng một phần không ít vì vào đạo vội vàng, thiếu người hướng dẫn nên số tín đồ thấu triệt triết lý còn ít (1) và dễ bị sa ngã tin lầm khi có người mê hoặc (Thí dụ : tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo lại theo Nguyễn Long Châu, hay đạo Ba Bốn…). Sự thiếu thốn (lợi tức của nông dân) của tín đồ cũng là một thiệt thòi lớn lao cho đoàn thể. Lại nữa, tư tưởng yếm thế của tín đồ được coi như một trạng thái sa đọa tinh thần bất lợi cho

Chú thích : (1) Ý kiến riêng của Ông Phan Bá Cầm, bút hiệu Vương Kim, trong cuộc đàm thoại với tác giả.

con đường “giác mê và giác tha” của Phật Giáo Hòa Hảo.

* Đoàn thể :

Phật Giáo Hòa Hảo, tuy có gần 3 triệu tín đồ nhưng lại thiếu cán bộ, thiếu nhân sự. Lực lượng dù có đào tạo nhiều cán bộ nhưng thực tế cán bộ không thực sự hoạt động (lý do : không còn đáp ứng kịp nhu cầu, vì sự chia rẽ, nhất là không hợp lệ quân dịch). Trong khi ấy, ở các địa phương các nhân sĩ lại tỏ ra lạnh nhạt và khối tín đồ trẻ vễn còn bị “đem con bỏ chợ”. Phật Giáo Hòa Hảo lại thiếu tổ chức và đường lối lãnh đạo chung (như Vatican) lúc phương tiện thiếu thốn trầm trọng. Vậy mà, đoàn thể không được sự nâng đỡ chân thành của chánh quyền ít nhất cũng đến cuối thời Đệ I Cộng Hòa, lúc lực lượng cần được giúp đỡ để ổn cố nội bộ và phát triển. Đến nay vẫn còn những dư luận -phản ảnh một vài hành động quá khích và nông nổi của những cá nhân- tỏ ra bất lợi, mất thiện cảm với lực lượng.

Nguyên nhân chánh yếu khiến Phật Giáo Hòa Hảo suy yếu chính là tình trạng phân hóa mà hiện đoàn thể đang ở thời kỳ trầm trọng nhứt. Ngoài việc chia khối lãnh đạo còn ngay trong nội bộ mỗi khối, mỗi hệ phái lại không xem bất đồng ý kiến là một dấu hiệu tiến bộ ! Sự phân hóa đã không huy động được nhân lực, vật lực, tài lực … và đã tạo nên sự thất bại trong mọi sinh hoạt phát triển tôn giáo.

Trong tình trạng đó, Phật Giáo Hòa Hảo cần phải duy trì thế đứng nhưng muốn duy trì phải làm sao ?

Hiện tại, Phật Giáo Hòa Hảo cần cải tổ toàn diện và nhất là nên khai thác ưu thế chánh trị của đoàn thể để dùng lãnh vực nầy mà củng cố thế đứng nhưng cũng không quên các hoạt động khác cũng cần thiết để duy trì ưu thế đó. Mục tiêu cấp thiết đã đặt ra cho Phật Giáo Hòa Hảo ! (những cải tổ cần thực hiện, tác giả sẽ đề nghị tiếp ở đoạn sau cùng Chương nầy).


Chú thích : (1) Đoàn Dũng, Ảnh hưởng tôn giáo trong sinh hoạt chánh trị miền Nam LVTNĐS XVIII (HVQGHC 1973) trang 5.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn