Đối với quốc tế, Phật Giáo Hòa Hảo chỉ mới gây được sự chú ý hơn là tạo được ảnh hưởng lớn lao. Nói một cách khác, ảnh hưởng Phật Giáo Hòa Hảo tại hải ngoại còn yếu kém dù tại những quốc gia thân hữu của Việt Nam Cộng Hòa.
Sự trạng đó có thể giải thích như là do giáo thuyết, thời gian, phương tiện, kế hoạch… trong đó, yếu tố nhân sự cũng đóng góp không ít.
Dù vậy, khi cuộc chiến tại Việt Nam càng ngày càng khốc liệt thì dư luận ngoại quốc càng theo dõi nhiều hơn đến lực lượng Phật Giáo Hòa Hảo và số phái đoàn ngoại quốc đến thăm viếng càng nhiều nhứt là Hoa Kỳ, Nhựt Bổn… Sự kiện ấy có lẽ vì các quốc gia đó đã nhận chân lập trường và thực lực Phật Giáo Hòa Hảo trong cuộc chiến, nhứt là qua các hoạt động quân sự và chánh trị, cùng tình hình an ninh tại vùng Phật Giáo Hòa Hảo hơn là qua các quyển kinh, sách hoặc một vài cơ sở đại diện tại Nhựt, Ấn Độ, Thái Lan hay một vài quốc gia Âu Châu và Hoa Kỳ…
Dư luận quốc tế đã nhìn Phật Giáo Hòa Hảo như là một “hiện tượng tôn giáo mới” tại Việt nam qua hình ảnh vị Giáo chủ, qua các lực lượng quân sự, qua đảng chánh trị và qua lập trường quốc gia, kháng Cộng của đoàn thể, hay địa điểm “chiến lược” của “giang sơn “ Phật Giáo Hòa Hảo.
Ngoại quốc càng chú tâm đến lực lượng hơn khi họ nhìn về sự phì nhiêu đầy triển vọng kinh tế của vùng châu thổ Cửu Long mà việc đầu tư tại đây mang lại cho họ nhiều quyền lợi. Hẳn nhiên vấn đề thiết lập quan hệ và ảnh hưởng với Phật Giáo Hòa Hảo là điều cần đối với họ. Việc trợ giúp của Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Tây Đức, Trung Hoa, Nhựt Bổn cho Viện Đại Học Hòa Hảo, ngoài việc nâng đỡ trong tình trạng hữu nghị cho một đoàn thể quốc gia thiếu điều kiện phát triển, còn phải hiểu có dụng ý như trên.
Ảnh hưởng càng bành trướng bao nhiêu, càng có lợi cho sự phát triển Phật Giáo Hòa Hảo bấy nhiêu và điều đó cũng không có gì thiệt hại cho quốc gia. Nhưng thiết lập ảnh hưởng với các nước giàu có qua đường hướng viện trợ, Phật Giáo Hòa hảo cần thận trọng để nếu không, chính sự viện trợ đó sẽ phá vở đoàn thể từ trong lập trường dân tộc trong lý thuyết quốc gia đến sự qui tụ lỏng lẻo vì quyền lợi (mà không còn là lý tưởng).
Tóm lại,nhờ vào các hoạt động, Phật Giáo Hòa Hảo đã gây tạo được ảnh hưởng lớn lao trên nhiều phương diện trong cộng đồng miền Tây Nam Việt Nam, và một vị thế áp lực khá hữu hiệu trong sinh hoạt quốc gia. Ảnh hưởng cũng giảm dần khi vượt khỏi biên thùy Việt Nam Cộng Hòa. Hẳn nhiên đó không phải là giới tuyến cuối cùng của Phật Giáo Hòa Hảo mà lực lượng nầy còn có thể làm hơn hiện tại nếu cố gắng khắc phục những khuyết điểm từ nội tạị đến khách quan.