* Kinh kệ Phật Giáo Hòa Hảo

23 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 29371)
* Kinh kệ Phật Giáo Hòa Hảo

 Như đã trình bày, Đức Huỳnh Phú Sổ trong việc truyền giáo ngoài trị bịnh, thuyết pháp, Thầy còn biên kinh kệ để truyền bá giáo điều, phổ biến giáo pháp.


 Hầu hết những quyển Sấm Giảng của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đều được viết bằng văn vần và đã được giáo hội phổ biến thành quyển “Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ” dày hơn 500 trang, gồm các quyển được vị Tiên Tri Trẻ Tuổi (1) viết theo thứ tự thời gian:

 

 Cuốn thứ nhứt với nhan đề “Sấm Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm”, gồm 912 câu theo thể thượng lục hạ bát, với nội dung ngoài việc khuyên người trong và ngoài Phật Giáo Hòa Hảo, còn tiên đoán những việc khốn đốn sẽ xảy ra cho nhân loại (2).


 Quyển thứ hai nhan đề “Kệ Dân Của Người Khùng” gồm 476 câu theo điệu Thất ngôn với nội dung tương tự như quyển I nhưng thêm vào đó, Đức Thầy còn bài bác những sự mê tín dị đoan của những nhà sư mê hoặc bá tánh thập phương.


 “Sấm Giảng” là tựa quyển Kinh thứ ba gồm 612 câu của Đức Huỳnh Phú Sổ viết theo thể loại thơ Lục Bát cũng khuyên dạy mọi người tu nhân đạo và giữ gìn bản sắc dân tộc.

 Cũng cùng năm 1939, vị Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo hoàn thành quyển giảng thứ tư “Giác Mê Tâm Kệ” với diệu Thất Ngôn, giảng giải về mọi điều cao siêu trong Phật pháp.


 Nhắc lại sự tích Đức Thích Ca, luận giải về tám cái khổ, pháp môn Tịnh Độ, trừ Thập Ác và hành Thập Thiện là nội dung của quyền “Khuyến Thiện”, một thi phẩm Sấm Giảng được viết năm 1942.


 Một tác phẩm viết bằng văn xuôi “Những điều sơ lược cần biết của kẻ tu hiền” với nội dung bao gồm trong nhan đề tác phẩm thứ sáu của Đức Huỳnh Phú Sổ. 


 Ngoài ra còn rất nhiều bài thi rải rác và đã được Ban Phổ Thông Giáo Lý gom góp được trong một tác phẩm “Sưu Tập Thi Văn Giáo Lý” của Đức Huỳnh Giáo Chủ dày hơn 300 trang gồm đủ thể thơ. 

 -----

(1) Barnett, Chiến Lược Cộng Sản Ở Á Châu, Bản dịch Đặng Tâm. 

(2) Mèo kêu bá tánh lao xao

Đến chừng Rồng, Rắn Máu đào chỉnh ghê

Con Ngựa lại đá con Dê

Khắp trong thiên hạ nhiều bề gian lao

Khỉ kia cũng bị xáo xào

Canh khuya Gà gáy máu đào mới yên.

 

(Ứng nghiệm cho cuộc đệ II thế chiến bắt đầu từ năm Mèo 1939 qua năm Thìn 1940, Tỵ 1941, Thân 1944, Dậu 1945) theo Robert L.Mole: A Brief survey of the Phat Giao Hoa Hao 1969, P19. 

---


 Nhưng tất cả sấm kinh đó có gì hấp dẫn đặc biệt mà có sức thu hút hai triệu tín đồ trong thời gian ngắn và bành trướng đến ngày nay? Thật ra, không hẳn chỉ sấm kinh Phật Giáo Hòa Hảo qui tụ được tín đồ nhưng loại trừ sự hiện diện của sấm kinh trong việc bành trướng ảnh hưởng là một điều thiếu sót. 


 Trước hết, phải nói là thể thơ “lục bát” hay “thất ngôn” mà Đức Huỳnh Phú Sổ đã dùng là những thể thơ dân tộc rất gần gũi với người Việt nam nhất là hạng bình dân, kế đến với lối vần vè trong Sấm Giảng người miền Nam cảm thấy gợi cảm, rung động vì vốn không còn xa lạ gì với tiết điệu ca dao, thơ Vân Tiên, Vè Sáu Trọng … trong khi mà những từ ngữ “bình dân” dễ gây cảm tình với người nông dân.


 Lại nữa, khi trình bày tư tưởng, vị Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo diễn tả có lúc lưu loát văn hoa, có khi bất chấp luật lệ, âm điệu, có khi rõ ràng, có lúc mập mờ của những câu sấm ngữ, Sấm Giảng Phật Giáo Hòa Hảo biểu lộ đặc tính thực hư của lối viết sấm ký mà ta có thể tìm gặp nơi Sư Vạn Hạnh đời Lý, hay Nguyễn Bỉnh Khiêm thời Lê Mạc, hoặc La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp thời Lê Mạc Nguyễn Sơ…


 Ngoài ra, Sấm Giảng Phật Giáo Hòa Hảo có nhiều loại đối tượng, từ những việc đơn giản, rõ ràng, thực tế áp dụng cho người bình dân, đến những luận giải về những điều cao siêu trong Phật Pháp cùng những tư tưởng quốc gia…. đã gây sự chú tâm đặc biệt cho người đọc, người nghe.


 Những kinh kệ đó lại được truyền đạt bằng giọng xướng ngâm đặc biệt xuất phát từ căn cốt của một điệu vãn (một lối hát đặc biệt của người Việt Nam) (1). Nhờ đó người tiếp thu kệ giảng Phật Giáo Hòa Hảo, nhất là người nông dân không thấy trở ngại.


-----

(1) Nguyễn Văn Hầu, Nhận thức Phật Giáo Hòa Hảo, trang 147



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn