* Học Phật Tu Nhân

23 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 25356)
* Học Phật Tu Nhân

 Pháp môn của Phật Giáo Hòa Hảo không ngoài Giáo pháp của Phật (tức khế lý) mà còn phù hợp với căn cơ (tức khế cơ) của chúng sanh trong thời kỳ Hạ ngươn mạc pháp. Và chỉ có giáo pháp đó trong hoàn cảnh Việt Nam lúc bấy giờ mới sớm đưa con người kịp tham dự kỳ Đại Hội Long Hoa để chọn người hiền đức (2).

 Trên tiến trình đưa đến cứu cánh, Phật Giáo Hòa Hảo khuyên nhủ tín đồ ở bước khởi hành phải Tu Nhân, biết hành sử đạo nhân, lấy Tứ Ân làm phương châm hành động để cải tạo con người trở thành chí thiện. Sau đó bước cuối cùng dùng con đường học Phật, dùng Tịnh Độ để đưa con người đến chỗ giải thoát thân tâm.

------
(1) Trần Nhựt Thăng, luận văn Cao Học Hành Chánh (HVQGHC. 1968).
 (2) Vương Kim, Hành Sử Đạo Nhân, trang 10, 11.

------ 
* TU NHÂN

 Trước khi đi vào ngưởng cửa Phật Tiên, người Phật tử phải lập công bồi đức, trả nợ đời, ơn ngọn rau tấc đất, ơn nghĩa sanh thành dưỡng dục, ơn nghĩa đồng bào, ơn Phật, Pháp, Tăng. Đó là việc đền đáp Tứ Đại Trọng Ân, một phần triết thuyết Hành sử Đạo Nhân của Đức Huỳnh Phú Sổ.

Tu đền nợ thế cho rồi
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen

* HỌC PHẬT


 Sau việc sửa mình, phát triển trí tuệ, phẩm hạnh dọn mình để đi gần với Đạo, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo theo gương đức Phật phải tu Phước và tu Huệ mà kinh điển thường gọi là Phước Huệ song tu:

 + Tu Phước : Tu Phước làm việc phải, việc lành, đen hết khả năng giúp đở tha nhân.
 + Tu Huệ : Tu Huệ là trau dồi trí tuệ (hay huệ) cho sáng suốt bởi vì Trí là cơ năng bén nhạy của tâm có thể phá tan màn vô minh che mờ căn trí. Do đó, trí tuệ phải được trau dồi để tìm lẽ sắc không mà lần về nẻo siêu thăng. Muốn đạt được điều đó, Phật Giáo Hòa Hảo chủ trương phải tu thiền và tu tịnh.
 Tu thiền phải tự độ, phải đem sức mình mà độ rỗi lấy mình không ỷ lại vào tha lực, sau đó chư Phật mới gia hộ chúng ta (1). Thầy Huỳnh Phú Sổ đã khuyên nhủ:

“Coi rồi phải thân mình tự trị
Chẳng độ xong Phật khó dắt dìu”. 


Chúng sanh tự định để lần đến phát huệ và tự dùng trí huệ sáng suốt của mình mà đắc thành Phật quả.
Tu Tịnh là theo pháp môn Tịnh Độ, thành khẩn và kiên trì niệm hồng danh của Đức Phật A Di Đà đến lúc “vô niệm”, đến chừng “nhất tâm bất loạn” để nhờ oai lực của Đấng Từ Bi mà “độ chúng sanh”.
 
Môn Tịnh Độ là phương cứu cánh
Rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa”.


 “Rán trì tâm tưởng niệm canh thâu
Nằm đi đứng hay ngồi chẳng chấp”.

-----
(1) Nguyễn Văn Hầu – Nhận Thức Phật Giáo Hòa Hảo trang 100. Saigon 1968.
 -----

 Muốn cho sự trì niệm có kết quả phải trừ thập ác, hành thập thiện và nhất là phải hội đủ 3 điều kiện : tín (tin mình sẽ được về cõi cực lạc) nguyện (phát nguyện) và hạnh (trì trí niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà).
 Như vậy, Phật Giáo Hòa Hảo chọn cả hai phép Thiền, Tịnh để dễ bề hóa dộ và một người vừa tự tu tự luyện thân tâm vừa chuyên trì niệm Phật thì việc tu hành kết quả sẽ nhanh chóng.

* TỨ ÂN

Trong Đạo Phật có hai hạng người : Hạng xuất gia và hạng tại gia. Cả hai hạng nẩy có cùng mục đích (đi đến con đường giải thoát) nhưng phương tiện khác nhau … Và Đức Huỳnh Phú Sổ đã chọn cho môn đồ của Ông hạng tại gia cư sĩ.
Theo Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ :”Thiên kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên” (muôn vạn quyển kinh của Phật Thánh Tiên đều dạy sự hiếu nghĩa làm đầu). Vậy đối với người đã qui y đầu Phật, tu niệm tại gia phải lo làm tròn câu hiếu nghĩa.

Trước kia Thầy Đoàn Minh Huyên đã khuyến khích môn đệ làm tròn 4 điều ân : Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Ân Đất Nước, Ân Tam Bảo, Ân Đồng Bào và Nhân Loại.

 Bây giờ, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ cũng đã chọn 4 ân trên làm căn bản cho giáo thuyết “Học Phật Tu Nhân”.

  + Ân Tổ Tiên Cha Mẹ :
 Để đền đáp lại công ơn sanh thành, dưỡng dục vất vả của cha mẹ, tổ tiên, người con không những chỉ làm chữ Hiếu như Tử Lộ mà còn phải có được cái hiếu của Tăng Sâm … chữ Hiếu là trọng đại, và chỉ có những người có hiếu trong gia đình mới có nhân ngoài xã hội.

 + Ân Đất Nước :

 Con người lớn lên đều thọ ân đất nước nên tất cả (kể cả các nhà tu) có bổn phận : bảo vệ đất nước thanh bình, bảo tồn quốc gia giàu mạnh, vì “Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia giàu mạnh mình ta mới ấm” (1).
 Tùy tài, tùy sức hy sinh cho xứ xở, và nếu không đủ tài đủ sức để đảm đang việc lớn thì cũng đừng làm điều gì tiếp tay cho ngoại nhân và tổn hại thanh danh đất nước….
-----
(1) Sấm Giàng Thi Văn toàn bộ, trang 147 – Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương.
------

 + Ân Tam Bảo (tức Phật, Pháp, Tăng) :

Có Phật mới có Pháp, có Tăng. Nhờ Phật mà chúng sanh mới được chuyển mê thành ngộ, Pháp do Phật truyền dạy. Tăng là đại đệ tử của Phật, là những người giữ Pháp và truyền bá Pháp của Phật.
 Con người cần có Phật, Pháp, Tăng để khai mở trí óc. Vì vậy, Phật tử phải biết ơn Phật, Pháp, Tăng bằng cách hành động đúng theo điều Phật dạy và phát triển nền Đạo; đồng thời luôn trao luyện để tiếp tay gieo rải tinh thần từ bi bác ái khắp mọi nơi trong bá tánh.

 + Ân Đồng bào và Nhân Loại :

 Ngoài ra, con người còn thọ ơn xã hội, đồng bào … nên phải có bổn phận giúp đở họ để đền đáp một phần công ơn mà con người đã thọ nhận :

“Khắp Bắc Nam Lạc Hồng một giống
 Tha thứ nhau để sống cùng nhau
 Quí nhau từng giọt máu đào
 Để đem máu ấy tưới vào địch quân”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn