Phổ truyền giáo lý là một công tác cấp thiết và hệ trọng nhứt đối với trường hợp và hoàn cảnh Phật Giáo Hòa Hảo mà đến nay đã trải qua các thời kỳ truyền pháp, định pháp, bảo pháp và phổ pháp (1).
- Thời kỳ truyền pháp là giai đoạn mở đầu và kéo dài 7 năm (1939-1947). Người duy nhứt đảm trách việc phổ truyền giáo pháp là Đức Huỳnh Phú Sổ với công thức nếu theo luật tắc dịch lý là phép : “Tam Độ nhứt như” (2) (viết Sấm giảng để truyền đạo, trị bịnh để truyền đạo và thuyết pháp để truyền đạo). Nhờ đó ảnh hưởng triển khai nhanh chóng mà đến đầu năm 1947 Phật Giáo Hòa Hảo đã có 2.010.000 tín đồ (nếu tính theo toán học thuần tuý khi căn cứ vào quyển thâu tiền niên liễm năm 1947) (3).
- Nối tiếp là thời kỳ định pháp (1947-1954) sau khi Đức Huỳnh Phú Sổ bị ám hại. Hầu như trong thời nầy Phật Giáo Hòa Hảo chỉ cố gắng giữ Đạo vì với một Đoàn Đọc giảng, một khóa Phổ Thông Lý Tưởng Hòa Hảo (1952) do Ông Huỳnh Công Bộ thành lập vẫn không thay thế được “thần tượng” đã xa vắng, nhất là khi tình hình chánh trị quốc gia bất ổn, nội bộ bắt đầu phân hóa và phần lớn tiềm lực dành cho việc tổ chức quân đội.
- Thời kỳ thứ ba : Bảo pháp (1954-1963). Suốt thời Đệ I Cộng Hòa, Phật Giáo Hòa Hảo là một Hiệp Hộ bị chi phối bởi Dụ số 10 nên những hình thức truyền giáo giản dị như chép tay Sấm giảng để phổ biến, tổ chức đọc giảng bằng loa thiếc tại tư gia, dần dần đến những máy phóng thanh “ngoại hóa” (máy vi âm) đều chỉ nhằm mục đích “bảo trì” giáo pháp.
- Hiện nay Phật Giáo Hòa Hảo đang ở vào thời kỳ phổ pháp (từ sau 1963) được thực hiện bởi những kế hoạch ưu tiên, những chương trình qui mô đào tạo cán bộ, những hình thức truyền giáo mới với phương tiện khá sung túc ở thời gian trưởng thành.
Nhưng, Phật Giáo Hòa Hảo đã quan niệm thế nào về truyền giáo ? đã tạo được những cơ sở gì ? thành quả ra sao ? và những ưu, khuyết điểm của hoạt động. Tất cả những thắc mắc đó sẽ được giải quyết trong các mục kế tiếp của đoạn nầy.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(1) Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương, Đọc Giảng
Đường và Đọc Giảng Viên, năm 1966 trang 10.
(2)
Nguyễn Văn Hầu, Bài thuyết trình tại Đại Hội Về Nguồn IV 1973, An Giang.
(3) Trần Nhựt Thăng, Tìm Hiểu Phật Giáo Hòa Hảo, Luận Văn tốt nghiệp, Cao Học Hành Chánh (HVQGHC)
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------