1. Lựợc sử Phật Giáo Hòa Hảo

16 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 24103)
1. Lựợc sử Phật Giáo Hòa Hảo

 Kể từ sau ngày khai đạo 4-7-1939 (18-5 Kỷ Mão), Phật Giáo Hòa Hảo bắt đầu con đường phổ truyền giáo pháp và qui tụ tín đồ. Trong hoàn cảnh khó khăn của buổi đầu hóa đạo, phương tiện hoàn toàn thiếu thốn, trong khi chánh quyền Pháp đàn áp và cố tình tiêu diệt, Cộng sản loại trừ… vị Giáo chủ lại cùng một lúc hành sử quá nhiều tư thế trong các hoạt động chánh trị, quân sự, tôn giáo, kinh tế. Vì vậy, Phật Giáo Hòa Hảo đã phải trải qua nhiều thăng trầm trong việc tổ chức và hệ thống hóa cơ cấu.


 Thoạt tiên, trong giai đoạn vị Giáo chủ hoạt động thuần tôn giáo, Phật Giáo Hòa Hảo chưa được tổ chức qui cũ, mãi đến năm 1945 vì tình thề đòi hỏi, Đức Huỳnh Phú Sổ mới thành lập Ban Trị Sự mà Đức Thầy là Chánh Hội Trưởng. Từ đó tổ chức gặp nhiều khó khăn cho đến khi vị Giáo chủ nầy bị Cộng sản sát hại


 Biến cố ngày 16-4-1947 là một khúc quanh trong lịch sử Phật Giáo Hòa Hảo. Kể từ ngày vị Giáo chủ vắng mặt, đoàn thể đã bị phân hóa và dấn thân tích cực vào các hoạt động quân sự. Lực lượng đã chia làm nhiều khối ảnh hưởng trên các vùng khác biệt, đại để có các nhóm hoạt động sau:


- Ông Trần Văn Soái liên hiệp với Pháp chống Việt Minh tại Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Sa Đéc.


- Ông Lê Quang Vinh đóng quân tại Thốt Nốt, Long Xuyên, Cái Bè, chủ trương chống cả Việt Minh lẫn Pháp. 

- Ông Nguyễn Giác Ngộ chiếm đóng vùng Chợ Mới và các địa phương phụ cận.


- Ông Lâm Thành Nguyên chỉ huy bộ đội đóng tại Châu Đốc (1).


 Dù vậy, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vẫn luôn hướng về Tổ Đình, một cơ cấu do thân sinh Đức Huỳnh Phú Sổ với tư cách Cố Vấn Tối Cao Quân Chánh thành lập và lãnh đạo. Nhờ đó, các nhóm võ trang không xãy ra những cuộc tranh chấp qui mô.


 Tình trạng trên kéo dài cho đến năm 1954, 1955 sau khi tình hình chánh trị miền Nam thay đổi. Ngô Đình Diệm bắt đầu công cuộc thống nhứt các lực lượng võ trang. Lần lượt, các Tướng Trần Văn Soái, Lâm Thành Nguyên, Nguyễn Giác Ngộ trở lại hợp tác với chánh quyền, duy lực lượng của Tướng Lê Quang Vinh tự Ba Cụt vẫn tiếp tục chiến đấu với lập trường : chống sự chia cắt lãnh thổ và chống chế độ Ngô Đình Diệm.


 Mãi đến năm 1956, sau khi Tướng Lê Quang Vinh bị bắt, bị xử tử, tiếp theo các lược lượng còn lại trở về với chánh quyền Đệ I Cộng Hòa, Phật Giáo Hòa Hảo đã hoạt động thuần túy tôn giáo.


 Kế tiếp, từ năm 1956 đến năm 1963, vì thiếu căn bản pháp lý, thiếu điều kiện khách quan, Phật Giáo Hòa Hảo chưa được hệ thống hóa. Toàn thể tín đồ chỉ hướng về Tổ Đình dưới sự lãnh đạo của Đức Ông Huỳnh Công Bộ, thân phụ của Đức Thầy đến năm 1961, Bà sương phụ Huỳnh Công Bộ nhủ danh Lê Thị Nhậm thay thế điều hành cho đến khi tạ thế (1967).


 Sau cuộc chính biến 1-11-1963, lực lượng có dịp khôi phục và phát huy tổ chức. Với bảng điều lệ ngày 19-12-1963 Phật Giáo Hòa Hảo được thành lập giáo hội theo qui chế Hiệp Hội bằng nghị định số 112/BNV/KS ngày 5-2-1964 của Bộ Nội Vụ. Theo đó, một Ban Trị Sự Trung Ương lâm thời được thành lập để thay thế Ban Đại Diện, tạm thời điều hành giáo hội và phát triển cơ sở.


 Tiếp theo, một Hiến Chương ngày 6-12-1964 hội đủ điều kiện cần thiết của một tôn giáo về phương diện pháp lý và đã được chánh phủ thừa nhận tư cách pháp nhân qua Sắc luật 002/65 ngày 12-7-1965 của Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia. Một Ban Trị Sự chánh thức được thành hình và Hội Trưởng va74n là Ông Lương Trọng Tường. Nhưng hơn một năm sau Phật Giáo Hòa Hảo lại bị khủng hoảng lãnh đạo, một hiến chương tu chính ngày 18-10-1966 được áp dụng để bầu cơ cấu điều hành mới là Hội Đồng Trị Sự Trung Ương.


 Kể từ đó, Phật Giáo Hòa Hảo có hai tổ chức giáo hội Trung Ương hoạt động song hành chia xẻ ảnh hưởng trên : 16 Ban Trị Sự Tỉnh và Đô Thành, 46 Ban Trị Sự Quận, 326 Ban Trị Sự Xã, 2.315 Ban Trị Sự Ấp, 325 Trụ sở, 33 Hội quán, 139 Tự viện, 253 Độc Giảng Đường (2). 

 

 - Tổ chức theo Hiến chương 1964 mệnh danh là Giáo hội 11 Tỉnh (lúc đầu do đại diện 11 tỉnh biểu quyết) do Ông Nguyễn Duy Hinh là Đệ I Phó Hội Trưởng (Hội Trưởng dành cho Đức Huỳnh Phú Sổ) Ban Trị Sự Trung Ương và lần lượt thay thế bởi Lê Trường Sanh, Huỳnh Văn Nhiệm khi Ông Hinh từ trần năm 1971.


 - Tổ chức theo Hiến Chương 1966 do Ông Lê Trọng Tường làm Hội Trưởng Hội Đồng Trị Sự Trung Ương và tái đắc cử đến ngày nay.


 Gần đây, một tổ chức giáo hội Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo mới xuất hiện là hậu quả của sự rạn nứt nội bộ Hội Đồng Trị Sự Trung Ương mà vị Cố Vấn kiên Đại diện của tổ chức nầy là Ông Lê Quang Liêm (Dân Biểu đơn vị An Giang nhiệm kỳ 1971-1975) đã trở thành Hội Trưởng Giáo Hội Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo (danh xưng của cơ cấu Trung Ương theo Hiến Chương tu chính 15-8-1972).


 Như vậy, tính đến cuối tháng 3 năm 1974, Phật Giáo Hòa Hảo có ba khối : Huỳnh Văn Nhiệm (Ban Tri Sự Trung Ương), Lương Trọng Tường (Hội Đồng Trị Sự Trung Ương) và Lê Quang Liêm (Giáo Hội Trung Ương) dựa trên cơ sở pháp lý khác nhau. Tuy vậy, tín đồ vẫn là một khối thuần nhứt và đặt niềm tin mãnh liệt vào vị Giáo Chủ của họ.


---------------------------------------------------------


(1) Mai Hưng Long, Phật Giáo Hòa Hảo, Luận Văn (HVQGHC 1971) trang 11.


(2) Robert L.Mole – A Brief Survey of the PGHH 1969, p.90. Nhưng theo Ông Nguyễn Văn hầu thì các con số trên như sau: 16 BTS Tỉnh, 56 BTS Quận, 363 BTS Xã, 2842 BTS Ấp, 401 Hội quán và 2876 Trụ sở, 152 Tự Viện và 388 độc Giàng Đường.

 -----------------------------------

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn