Mục I : Các lễ nghi.

16 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 28288)
Mục I : Các lễ nghi.

Lễ nghi tôn giáo là một trong những đặc trưng của tôn giáo đó. Phật Giáo Hòa Hảo cũng có những lễ nghi riêng phản ảnh chủ trương và giáo thuyết.


 Cách thờ phượng :


 Phật Giáo Hòa Hảo chú trọng vào ba nơi thờ phượng : Bàn thờ Ông Bà (tượng trưng Thánh Đạo), Trang thờ Tam Bảo với Trần Dà (1) (tượng trưng Phật Đạo) và bàn Thông Thiên (2) giữa trời (tượng trưng Tiên Đạo).


 Phật Giáo Hòa Hảo còn thờ các vị anh hùng dân tộc nhưng không thờ tà thần, hình cốt dù rằng rất tôn kính Đức Từ Bi (khác với Phật Giáo).


 Việc thờ phượng rất giản dị vì theo quan niệm của Đức Huỳnh Giáo Chủ : “Sự tu hành chỉ cốt ở sự trau tâm sửa tánh hơn là do sự lễ bái bên ngoài”. Vì vậy, Phật Giáo Hòa Hảo vẫn chấp nhận hình thức thờ phượng đơn giản hơn nếu hoàn cảnh không cho phép.


 Việc cúng Phật cũng chẳng rườm rà phiền toái mà chỉ dùng nước lạnh (tiêu biểu cho sự trong sạch) bông hoa (tiêu biểu cho sự tinh khiết) và nhang (dùng để xua đuổi mùi uế trược). Ngoài ra, không còn cúng món chi cả.


 Cách hành lễ :


 Chỉ lạy Đức Phật, Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ và các vị anh hùng, đó là cách cúng lạy của người tín đồ pháp môn Học Phật Tu Nhân. Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cũng lấy luật Nhân Quả làm phương châm hành động và dùng trí thông minh mà xét đoán đạo lý chớ không ỷ lại vào kẻ mạnh, vào thần thánh hay vị Giáo Chủ của họ.


----------------------------------------

(1) Màu Dà : Biểu hiện cho sự thoát tục, màu kết hợp của các màu sắc khác có thể tượng trưng cho sự hòa hợp của nhân loại không phân biệt chủng tộc và xã hội. 

(2) Bàn Thông Thiên có ý nghĩa :

- Ngôi chùa của cư sĩ tại gia (chùa 1 cột)

- nơi chiêm vọng 4 phương, trực tiếp với hư không, hướng về Phật Tổ, Phật Thầy…. 

 

------------------------------------------

 

 Về cách hành lễ tùy theo nơi thờ phương, cách cúng lạy khác nhau và bài nguyện cũng không giống nhau. Ngoài ra tín đồ “Đạo Phật thờ Trần Dà” có thể niệm Phật lúc nào cũng được và chỉ niệm trong tâm, ít hay nhiều tùy theo tình trạng sức khoẻ. Khi ăn cơm, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cũng không quên khấn nguyện cửu huyền thất tổ để tỏ lòng hiếu thảo.


 Cách ăn chay và phục sức :


 Phật Giáo Hòa Hảo quan niệm ăn chay là để giảm bớt sự sát sanh nhưng chỉ ở mức độ tượng trưng để tránh làm mất sức khoẻ. Theo đó, tín đồ ăn chay mỗi tháng 4 ngày (tính theo âm lịch) : 14 (hiến cho Tổ Qquốc và cầu cho Tổ Quốc bình an), 15 (tưởng nhớ đến Phậ), 29 (cầu cho đồng bào), 30 (hay mùng 1) (tu sửa bản thân), ngoài những ngày lễ lớn của tôn giáo.


 Cách ăn mặc của tín đồ cũng không có gì phiền toái, lúc cúng lạy, họ mặc áo dài màu dà hay có thể thay thế bằng mộ bộ “bà ba”. Các ngày lễ hay lúc hội họp, các Trị sự viên hay tín đồ mặc quốc phục (ngày thường phục sức tùy sở thích).


 Tôn giáo nầy không có một bộ áo nào đặc biệt dành cho nhà tu cả, Tuy nhiên, màu trắng trong các ngày hội họp được tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ưa thích và dường như – theo họ - màu trắng biểu hiện cho sự thanh bạch….


 Các nghi lễ khác :


 Về tang lễ và hôn lễ cũng đều chuộng sự đơn giản để tránh tốn kém và phiền toái cho kẻ khác. Theo chủ trương đó, trong tang lễ, người sống sẽ chỉ khấn vái để nhờ ơn Phật Từ Bi, Phật Tổ, Phật Thầy tiếp dẫn vong linh người chết. Tang gia không nên khóc lóc làm trở ngại sự siêu thoát anh linh. Riêng về hôn lễ, thông gia nên dành sự dễ dãi cho nhau và cha mẹ nên hướng dẫn con cái nhưng cũng không nên ép buộc con cái.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn