Phật Giáo Hòa Hảo (viết tắt PGHH) là một tôn giáo như các tôn giáo khác đang hiện diện tại Việt Nam, bởi vì Phật Giáo Hòa Hảo có đầy đủ các yếu tố nội tại và khách quan lẫn pháp lý của một đoàn thể thể tôn giáo mà từ giáo thuyết, đến những phương thức hành đạo và tổ chức mang nhiều sắc thái đặc thù.
Hơn thế nữa trong quá khứ Phật Giáo Hòa Hảo còn có một lực lượng chánh trị, một tổ chức quân sự với những cuộc dấn thân tích cực vào những cơn sốt thời cuộc và đã tạo nên những âm hưởng lớn lao trong tâm tư quần chúng khắp nước, cả trong dư luận ngoài nước.
Ngày nay, Phật Giáo Hòa Hảo là một đoàn thể đã trưởng thành về mọi phương diện, có một thực lực hùng mạnh có mặt trong khắp các sinh họat quốc gia… nhưng cũng đã và đang ở thời kỳ khủng hoảng trầm trọng mà nếu không kịp giải quyết sẽ ảnh hưởng lớn lao đến sự tồn vong của đoàn thể.
Trong chiều hướng tìm hiểu tất cả sự thật về Phật Giáo Hòa Hảo, trước khi đề cập đến những hoạt động của đoàn thể cùng những ảnh hưởng của lực lượng, tác giả tập khảo luận, trong phạm vi hạn hẹp của vấn đề sẽ lần lượt trình bày khái quát trong Chương này, các đoạn sau đây:
Đoạn I : Nguồn gốc.
Đọan II : Tóm lược Giáo thuyết Phật Giáo Hòa Hảo.
Đoạn III : Nghi thức hành đạo.
Đoạn IV : Sinh hoạt Phật Giáo Hòa Hảo.
Đoạn V : Các tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo.
Đoạn VI : Nhận định về Phật Giáo Hòa Hảo.
***
Đoạn I
NGUỒN GỐC
Phật Giáo Hòa Hào là danh xưng của một tôn giáo hay đúng hơn là một tông phái của đạo Phật được chính vị Giáo Chủ - Đức Thầy HUỲNH PHÚ SỔ - định danh vài ngày sau cuộc đảo chánh 9-3-1945 (1) và được xem như bắt nguồn từ các lý do:
Vị Giáo Chủ đã chọn nơi sinh trưởng của Thầy (làng Hòa Hảo, Quận Tân Châu, Tìỉnh Châu Đốc) để đặt tên cho nền đạo. Đó cũng là trường hợp của Thiên-Thai-Tôn (Núi Thiên Thai), Qui Sơn Đại Sư (Núi Đại Sư), Hoàng Bá Thiền Sư (Núi Hoàng Bá). (2)
Danh xưng “Hòa Hảo” còn hàm xúc ý nghĩa từ bi, nhơn loại đại đồng, xây dựng trên nền tảng hòa đồng hảo hợp như chính vị sáng lập đã đề xướng:
Mảng chờ trông bá tánh thảnh thơi
Khắp bốn biển liên dây Hòa Hảo.
Và “Hòa Hảo” cũng được coi là một trạng thái vĩnh cửu của tư tưởng do sự kết hợp các tư tưởng tuyệt hảo và hòa đồng với nhân tính.
Ngoài ra, vị Giáo Chủ tông phái nầy cũng thường hay ký biệt danh “Hòa Hảo”. (3)
Chính vì vậy, Phật Giáo Hòa Hảo không phải là một tôn giáo hoàn toàn mới mà đây chỉ là một tông phái trong tám mươi bốn ngàn pháp môn của Phật Giáo (4). Điều nầy được chính vị Giáo Chủ xác nhận : “Đối với toàn thể tín đồ Phật giáo tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca”. Và qua thi văn, Đức HÙYNH-PHÚ-SỔ cũng thường khẳng định “noi theo chí Thích Ca” hoặc “ẩn xác phàm gìn đạo Thích Ca”.
Thế nên, không thể có danh xưng “Đạo Hòa Hảo” mà chỉ có “đạo Phật Giáo Hòa Hảo” và cũng không thể xem đây là một tôn giáo mới lập tại Việt Nam.
Nhưng tôn giáo nầy bắt nguồn từ đâu? Lúc nào? Với sứ mạng gì? Và đến nay, dòng chuyển biến của Phật Giáo Hòa Hảo ra sao? Các vần đề đó sẽ được trình bày trong các mục kế tiếp:
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(1) Lược sử Phật Giáo Hòa Hảo, Nội San Từ Bi, số 1 ngày 15-11-1973, trang 9.
(2) Vương Kim, Hành sự Đạo Nhân, Saigon 1970, trang 5,6.
(3) Nguyễn Văn Hầu, Nhận Thức Phật Giáo Hòa Hảo, Saigon 1968, trang 21.
(4) Phan Bá Cầm, Phật Giáo Hòa Hảo, Bài thuyết trình tại Đại Hội Hoằng Pháp kỳ III ở Chùa Ấn Quang.
Gửi ý kiến của bạn