2. Quá Trình Hình Thành

28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 21446)
2. Quá Trình Hình Thành

 

Theo lời kể lại của các kỳ lão trong làng, chùa khởi thủy có ông Phạm Miên, sinh năm Đinh sửu (1817) từ Cao Bằng miền Bắc vào Nam, định cư thôn Mỹ Lương, phủ Tuy Biên huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang. Năm 1850 Ông vẹt lau, rẽ sậy dựng nơi đây một thảo am cột tre lợp tranh, với mục đích là vừa tu hành, vừa trị bịnh cho bá tánh. Ông có tạo một số vật dụng, phù phép để trị bịnh (1). Những bịnh tà, bịnh điên, bịnh nan y ông đều chữa khỏi nên dân chúng rất kính phục. Tháng mười năm Canh Tý (1900) Ông mất, thọ 84 tuổi.

 

Sau khi ông Miên mất, thảo am bỏ trống, năm 1901 ông Thủ tọa Thình từ Mặc Cần Dưng đến ở. Thời gian ở đây ông Thình cất sửa am lại bằng cột gỗ, lợp lá rộng rãi hơn và thỉnh Phật bằng giấy về thờ, tạo chuông mõ để Ông tụng niệm, từ ấy dân làng gọi là chùa.

 

Tháng 8 năm Đinh Mão (1927) ông Thình mất, ông Yết Ma Thường (Lê Minh Thường) ở Mặc Cần Dưng lên thay thế. Đến năm 1935, trải qua phong sương tuế nguyệt chùa hư dột, cây gỗ hư mục, ông Thường không có khả năng cất lại, nên Ông yêu cầu Hương chức trong làng đứng ra xây dựng và giao cho làng làm chủ.

 

(1) Những di vật của ông Phạm Miên:

 

Ông Phạm Miên có tạo một số vật dụng phù phép như: Một cây roi sắt vuông cạnh, cụt ngọn có cán, dài 7 tấc để trừ tà; 2 cục đồng đen; 2 viên đá, một vuôn, một có góc cạnh; một viên ngọc thạch hình tròn trong sáng, đường kính 2 phân và 2 cái răng tượng dùng để (mài ra) trị bịnh. Sau khi Ông Miên mất, các vật ấy vẫn lưu giữ trong chùa. Đến năm 1945, Đức Thầy nhận chùa, Đức Ông thỉnh về Tổ Đình. Sau đó, Đức Ông giao lại cho con cháu ông Miên ở xã Hòa Hảo, quận Tân Châu (Châu Đốc) nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân (An Giang), gìn giữ đến nay.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn