1 - Giai Đoạn Chuyển Tiếp Từ Pháp Qua Việt Nam

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 76580)
1 - Giai Đoạn Chuyển Tiếp Từ Pháp Qua Việt Nam
GIAI ĐOẠN CHUYỂN TIẾP TỪ PHÁP QUA VIỆT NAM

Theo các tài liệu văn khố, việc sáp nhập các tổ chức quân sự giáo phái miền Nam vào quân đội quốc gia Việt Nam đã khởi đầu từ năm 1950, ngay sau khi Thủ tướng Trần Văn Hữu tuyên bố thành lập quân đội quốc gia Việt Nam, tháng 8-1950.

Thống tướng De Lattre de Tassigny chấp chưởng quyền hành quân sự và dân sự tại Đông Dương với chức vụ Cao Ủy kiêm Tổng tư lịnh quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương, đã đề ra lần đầu tiên chánh sách “Việt Nam hóa” chiến tranh tại Việt Nam, mà bước thứ nhứt là tăng gia quân số Việt Nam. Trong khuôn khổ kế hoạch đó, ông chỉ thị Bộ Tư lịnh Pháp ở miền Nam, lúc đó do Thiếu tướng Chanson chỉ huy phải xúc tiến việc sáp nhập các lực lượng quân sự giáo phái vào Lực lượng Bổ túc của quân đội quốc gia Việt Nam.

Ngày 19-7-1951, trong một văn thơ gởi phái bộ quân sự Pháp bên cạnh chánh phủ Việt Nam, Tướng Chanson cho biết từ 1-1-1952 đợt đầu tiên binh sĩ Hòa Hảo sẽ sáp nhập chương trình đó. Ông cũng xác nhận rằng tất cả các vị lãnh tụ quân sự Hòa Hảo, Tướng Trần Văn Soái, Đại tá Lâm Thành Nguyên, Thiếu tá Lê Quang Vinh đều đồng ý việc sáp nhập này.

Tình hình nghiêm trọng tại các chiến trường lúc đó, sự bất ổn chánh trị, tiếp theo là cái chết của Tướng De Lattre đã làm ngưng trệ sự thi hành chủ trương sáp nhập này. Cho nên đầu năm 1953, chánh phủ Việt Nam và Bộ Tổng Tư lịnh Pháp, khi thương thuyết chuyển giao quyền hành lãnh thổ từ Pháp qua Việt, đã đặt vấn đề này trở lại.

Trong một bản phân tích do văn phòng phái bộ liên lạc của quân đội Pháp bên cạnh quân lực Hòa Hảo, đã trình bày một số dữ kiện cần bàn của vấn đề, để đóng góp các yếu tố có tính chất lịch sử cho các cuộc thương thuyết Pháp-Việt thảo luận vấn đề này.

BẢN PHÂN TÍCH

Đề tài: Trích dẫn các văn thư Mật và Tối mật của Thủ tướng chánh phủ lâm thời (ông Lê Văn Hoạch) và Tổng trưởng Quốc phòng (ông Nguyễn Văn Tâm) gởi cho Đại tá Cluzet Tư lịnh miền Tây trước khi ký hiệp định liên quân Pháp Hòa Hảo 18-5-1947. Một hội nghị gồm đại diện hữu quyền của Bộ Tổng Tư lịnh Pháp và chánh phủ Việt Nam, rất gần đây sẽ lấy các quyết định liên hệ đến việc chuyển giao quyền hành sang chánh phủ Việt Nam tại các tỉnh miền Tây, và về chính sách đối với các lực lượng võ trang Phật Giáo Hòa Hảo.

Giáo phái Phật Giáo Hòa Hảo đã chánh thức chiến đấu liên quân với quân đội Pháp từ tháng 5-1947, và đã giúp đỡ công tác bình định bảo vệ an ninh lãnh thổ. Họ lo ngại rằng trong sự chuyển giao quyền hành này, những hy sinh của họ không được công nhận, và đặc biệt các quyền lợi vật chất phát sinh từ bộ máy hành chánh song hành của họ sẽ bỗng nhiên và hoàn toàn bị phế bỏ.

Những lãnh tụ các nhóm quân sự Phật Giáo Hòa Hảo rất lấy làm thất vọng vì họ không có một đại diện nào trong các hội nghị chuẩn bị chuyển quyền đó. Các hội nghị này đã quyết định số phận của các tỉnh mà đa số dân chúng là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, và đang do Phật Giáo Hòa Hảo đảm nhận phần lớn nhiệm vụ bảo vệ an ninh quân sự.

Giới Phật Giáo Hòa Hảo cho rằng “Vấn đề Phật Giáo Hòa Hảo” đã không được đánh giá đúng mức bởi chánh phủ Việt Nam, cho nên họ tin vào các sĩ quan quân đội Pháp mà họ đã cùng chiến đấu từ 1947, họ cho rằng bản hiệp định liên quân họ ký ngày 18-5-1947 vẫn còn giá trị, phía chánh phủ Việt Nam cũng không hề sửa đổi hoặc chối bỏ bao giờ.

Một số giới chức chánh quyền Việt Nam có thể, trong lúc hội nghị về chuyển quyền, đã viện lý lẽ để không tôn trọng bản hiệp định đó, hoặc tỏ thái độ ngạc nhiên về sự ký kết bởi nhà cầm quyền Pháp. Cho nên cần phải xuất trình các tài liệu chính thức phát sanh từ chánh quyền Việt Nam lúc đó đã khẩn thiết yêu cầu giới chức quân sự Pháp hãy võ trang và yểm trợ tối đa cho phong trào Phật giáo Hòa Hảo.

Đây là những tài liệu Mật, phổ biến rất hạn chế, mang chữ ký đương kim Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm và Phó Thủ tướng Lê Văn Hoạch, lúc đó (1947) là Tổng trưởng Quốc phòng và Thủ tướng của chánh phủ lâm thời Nam kỳ.

PHẦN TRÍCH DẪN CÁC TÀI LIỆU MẬT VÀ TỐI MẬT

Tài liệu 1:

Văn thơ của Tổng trưởng Quốc phòng gởi Đại tá Tư lịnh miền Tây MDN/CEP/No 68 ngày 2-5-1947, cho biết rằng có nhận được thông điệp của Thủ tướng chánh phủ lâm thời, yêu cầu ông can thiệp với Đại tá tư lịnh miền Tây để “quân đội yểm trợ mạnh mẽ cho phong trào Hòa Hảo”.

Tài liệu 2:

Văn thơ của Tổng trưởng Quốc phòng gởi Thủ tướng chánh phủ MDN/CEP/No/78 ngày 6-5-1947, nhắc lại những điện tín và phúc trình trước đó về vấn đề Hòa Hảo, nay tái trình vấn đề này, một vấn đề nóng bỏng thời sự, sẽ có những ảnh hưởng trầm trọng về chính trị, tùy theo thái độ của chánh phủ trước cuộc chiến đấu của giáo phái Hòa Hảo chống lại Việt Minh... Có hai thái độ lưỡng nan: Một là võ trang cho Hòa Hảo, hai là bỏ mặc họ.

Tổng trưởng quốc phòng đề nghị với Thủ tướng: “tốt hơn là giúp cho Hòa Hảo các phương tiện để tự bảo vệ, và phải gấp rút có thái độ rõ ràng, dù là thái độ nào, cũng phải hành động khéo léo để tránh phản ứng nghi ngại. Yêu cầu Thủ tướng can thiệp hữu hiệu với giới chức quân sự Pháp về vấn đề này...

Tài liệu 3:

Văn thơ Tối mật và Tối khẩn của Thủ tướng chánh phủ gởi Ủy viên Cộng Hòa Pháp số 344/s. Cab ngày 9-5-1947 xác định rằng trong lúc đến Cần Thơ để nghiên cứu khả năng ứng dụng của Hòa Hảo và nhu cầu yểm trợ tổ chức đó. Thủ tướng nhận thấy cần thiết phải ủng hộ một cách gấp rút phong trào chống Việt Minh này, bằng cách võ trang các nhóm Hòa Hảo, cứu viện các cộng đồng Hòa Hảo khi bị tấn công hay hăm dọa, và tổ chức những cuộc hành quân hỗn hợp với Hòa Hảo... Văn thơ này ký tên bởi Thủ tướng Lê Văn Hoạch yêu cầu Thiếu tướng Tư lịnh Quân đội Pháp tại Nam Việt mở những cuộc hành quân tấn công quy mô...

Trên bình diện pháp lý, có thể tóm lược các tài liệu trên như sau:

1. Sự yểm trợ võ trang các đơn vị Phật Giáo Hòa Hảo đã được thực hiện theo chánh sách chung giữa chánh phủ Cộng Hòa Nam kỳ và nhà cầm quyền Pháp lúc đó.

2. Bản hiệp định 18-5-1947 ký kết giữa quân lực Phật Giáo Hòa Hảo và Pháp thể hiện chánh sách chung giữa Việt Nam và Pháp, dù rằng không có chữ ký của đại diện chánh phủ Lê Văn Hoạch trên bản hiệp định.

3. Trong tiến trình sáp nhập quân lực Phật Giáo Hòa Hảo vào quân đội quốc gia Việt Nam, phía chánh quyền Việt Nam đã có khuynh hướng không đếm xỉa đến bản hiệp định 18-5-47, đồng thời cũng không mời đại diện Phật Giáo Hòa Hảo tham gia những cuộc hội nghị thảo luận các vấn đề liên quan tới Phật Giáo Hòa Hảo. Thái độ này thiếu tánh chất thực tiễn và thiếu khôn khéo, nên đã tạo nhiều trở ngại cho việc thống nhứt quân đội.

Không khí nghi kÿ giữa chánh phủ Việt Nam và quân lực Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó, đáng lẽ phải được đánh tan bởi thái độ cởi mở hiểu biết và thích nghi, biểu lộ trước hết bởi phía chánh phủ, lại bị làm cho thêm trầm trọng bởi thái độ miệt thị và chống đối Phật Giáo Hòa Hảo. Tâm lý và phản ứng của phía Phật Giáo Hòa Hảo là: quân lực Phật Giáo Hòa Hảo đã ra đời và chiến đấu nhiều năm trước khi quân đội quốc gia ra đời, tự cho mình có công đánh đuổi các bộ đội Cộng Sản, và bảo vệ được một phần lãnh thổ quốc gia thoát khỏi ảnh hưởng Việt Minh. Họ có quyền được hưởng sự đãi ngộ hợp tình hợp lý của chánh phủ, và họ không chấp nhận những người trước kia hoặc đã chạy theo Việt Minh hay hợp tác với Pháp, nay là sĩ quan trong quân đội quốc gia, lại có thái độ miệt thị trịch thượng đối với họ.

Phía các cấp chỉ huy trong quân đội quốc gia có tâm lý chung khinh rẻ binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo thất học quê mùa, nhìn họ qua nhiều lớp thành kiến tích tụ từ nhiều năm qua, cho nên nói chung là thiếu thiện cảm. Nhứt là những sĩ quan từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, nhiều người đã mang sẵn những ngộ nhận tạo ra bởi tuyên truyền Cộng Sản, đến nỗi hầu hết tin rằng: ‘’Hòa Hảo ăn thịt ăn gan người’’ và ‘’nói láo như Hòa Hảo’’. Hãy bình tâm mà tưởng tượng phản ứng của một chiến sĩ hay tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khi nghe một người nào đó nói những câu trên đây. Người trầm lặng nhẫn nại cũng cảm thấy đau xót vì bị vu oan và bị chạm tự ái. Người trực tánh, ít suy nghĩ tất nhiên có phản ứng đối nghịch hay mạnh mẽ. Vô tình hay cố ý, nhắc lại những luận điệu tuyên truyền bôi lọ này, là đã rơi vào cái bẫy của Cộng Sản, dùng lợi khí Cộng Sản mà phỉ báng lại những người cùng chiến tuyến với mình. Bộ máy tuyên truyền Cộng Sản đã thành công trong mục tiêu chia rẽ hàng ngũ quốc gia, khiến người Việt Nam ở miền Bắc không hề có đụng chạm quyền lợi hay hoạt động chung với Phật Giáo Hòa Hảo, cũng có các thành kiến sai lầm bi đát đem từ miền Bắc vào Nam, để rồi bị chi phối bởi chính các thành kiến đó, mà nhìn các tôn giáo miền Nam, nhứt là Phật Giáo Hòa Hảo, với nhãn quan lầm lạc. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến mối tương quan giữa quân lực Phật Giáo Hòa Hảo và chánh quyền quốc gia, bởi vì số sĩ quan và viên chức cao cấp của guồng máy quân đội và chánh phủ lúc đó có một tỷ lệ khá cao những thành phần di cư từ Bắc vào Nam.

Tình trạng tâm lý tế nhị và phức tạp đó chỉ có thể được giải tỏa bằng một thái độ và chánh sách cởi mở và trực tiếp của chánh phủ, lập lại lòng tin tưởng của binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo để họ không còn cảm thấy bị khinh miệt kỳ thị, hay lo ngại bị lừa phỉnh. Nhưng chánh phủ Việt Nam lúc đó lại áp dụng phương thức giải quyết vấn đề sáp nhập quân lực Phật Giáo Hòa Hảo bằng thương nghị song phương với Pháp, không chấp nhận sự tham gia của phía Phật Giáo Hòa Hảo khi quyết định về tương lai của họ. Mặt khác, chánh quyền Việt Nam cũng không muốn trực diện thảo luận với Phật Giáo Hòa Hảo, mà lại nhờ trung gian của quân đội Pháp mỗi khi cần tìm hiểu quan điểm của Phật Giáo Hòa Hảo, hay cần thông đạt điều gì cho phía Phật Giáo Hòa Hảo. Thiệt là một điều bất hợp lý, và điều nghịch lý này chỉ làm trầm trọng thêm không khí nghi kÿ, ngộ nhận giữa Phật Giáo Hòa Hảo và chánh phủ.

Trên một bình diện cao hơn, đáng lẽ chánh phủ Việt Nam phải nhìn toàn bộ vấn đề Phật Giáo Hòa Hảo như một vấn đề chánh trị, phải được giải quyết bằng một thái độ chánh trị hợp lý, thì từ căn bản hợp lý đó, các Thủ tục thi hành sẽ được dễ dàng trôi chảy hơn. Cái nhìn giới hạn xem vấn đề Phật Giáo Hòa Hảo chỉ có tính chất hành chánh hay quân sự, làm phát sanh thêm các trở ngại tâm lý từ cả hai phía.

Hãy đọc một bản văn trong văn khố quân đội Pháp, vào thời điểm 27-5-1954 liên quan đến những điều nói trên đây:

BẢN VĂN MANG TAY

Bộ tư lịnh quân đội Pháp miền Nam chỉ thị cho phái bộ liên lạc MLHH thông báo với Trung tướng Trần Văn Soái rằng dự án Hòa Hảo ngày 3-4-1954 đã được nghiên cứu bởi Bộ Tư lịnh Pháp và Việt Nam. Những điều tu chỉnh sẽ được thông báo cho Bộ Tư lịnh Hòa Hảo qua phái bộ liên lạc, để yêu cầu Bộ Tham mưu Quân lực Phật Giáo Hòa Hảo nghiên cứu, trả lời gấp... (*)

Thủ tục thể hiện qua bản văn trên đây cho thấy rằng vấn đề Phật Giáo Hòa Hảo được nhìn như một vấn đề hành chánh. Quyết định về giải pháp là do Bộ Tư lịnh Pháp và Chánh phủ Việt Nam, phía đương sự chính yếu chỉ tham gia ý kiến qua Thủ tục đáp ứng gián tiếp, với tư cách người ngoại cuộc. Bộ phận tiếp xúc với Phật Giáo Hòa Hảo lại là Bộ Tư lịnh Pháp chớ không phải Chánh phủ Việt Nam.

Nếu lúc đó Chánh phủ Việt Nam quan niệm vấn đề Phật Giáo Hòa Hảo là một vấn đề chánh trị, và nói chuyện trực tiếp với Phật Giáo Hòa Hảo, vấn đề này sẽ dễ dàng đạt các thỏa thuận nguyên tắc để giải quyết. Hoặc là nếu cần có sự hiện diện của quân đội Pháp trong giai đoạn chuyển tiếp đặc biệt đó, thì nên có cả sự hiện diện của đại diện Phật Giáo Hòa Hảo tại các phiên họp, để vấn đề được thảo luận tích cực và giải quyết minh bạch, trực tiếp và mau chóng.

Trong các tài liệu nói về các lực lượng võ trang giáo phái Việt Nam thật khó tìm được loại tài liệu khách quan vô tư. Sau này, khi biên soạn tập Quân Sử Việt Nam, tác giả Phạm Văn Sơn, với tư cách người viết sử, có nêu lên được một nhận xét khách quan khi phân tích về các Lực lượng Phụ lực quân trong thời kỳ đó, như sau:

Lực lượng phụ lực quân được phát triển một cách tự do tùy theo nhu cầu binh lực cung ứng cho các khu vực hành quân, và tùy theo khả năng ngân sách mà Pháp có thể đài thọ được.

Tới đầu năm 1952, tổng số phụ lực quân trên toàn lãnh thổ Đông Dương gồm có 112,370 người. Vì lực lượng này đông đảo, nên Pháp đã cải tổ lại các đơn vị phụ lực, đang trong tình trạng phức tạp, thành những đơn vị có cấp số và có một tổ chức đồng nhất trên toàn cõi Đông Dương (type unique d’unité standard). Kể từ 1-2-1952, tất cả các đơn vị phụ lực quân tại miền Bắc, miền Trung, miền Cao nguyên, và miền Nam đều được tổ chức thành các đại đội, được gọi là “Đại Đội Nhẹ Phụ lực quân” (Compagnie Légère de Supplétifs, gọi tắt là C.L.S.)

Phụ lực quân có hai loại với những khác biệt như sau:

— Loại không giáo phái được tổ chức thành đại đội phụ lực quân và đặt dưới hệ thống chỉ huy của các giới chức quân sự địa phương.

— Loại giáo phái đặt dưới sự chỉ huy của giáo phái và làm việc trong hệ thống chỉ huy của Pháp.

Phụ lực quân giáo phái đặt dưới sự chi phối của các lãnh tụ giáo phái, hoạt động trong các khu vực của giáo dân, nên thể hiện được tính chất của một lực lượng võ trang nhân dân.

Nói đến các lực lượng giáo phái, ta cũng phải ghi nhận một điều là những lực lượng này đã tự động vũ trang nổi lên vào thời kỳ người Pháp trở lại Việt Nam mùa thu năm 1945. Những lực lượng này tuy chống Pháp nhưng lại không thể kết hợp được với Việt Minh. Có thể nói rằng các lực lượng giáo phái là những lực lượng quốc gia vũ trang đầu tiên, khi chưa có sự hình thành của giải pháp quốc gia.

ở đây, ta thấy rằng các binh đội giáo phái về hợp tác với Pháp, các lãnh tụ của họ vẫn giữ cho các binh đội này thoát ra khỏi sự chỉ huy của người Pháp, dù Pháp có ý muốn nắm quyền chỉ huy trực tiếp, Pháp chỉ làm dần dần, vì e ngại sẽ xảy ra những rắc rối với giáo phái. Sự kiện này cho ta thấy rằng Pháp muốn dồn mọi nỗ lực để chống Việt Minh, và trong những nỗ lực ấy, có cả nỗ lực của các giáo phái, nên Pháp phải dung hòa, nhờ thế mà các binh đội giáo phái dù được Pháp đặt dưới bất cứ một hình thức tổ chức nào (phụ lực quân), vẫn ở ngoài sự chỉ huy của người Pháp. (*)

Tiếc rằng trong hoàn cảnh rối ren lúc đó, chánh phủ Việt Nam không nhìn thấy tính chất “nhân dân”, giá trị quần chúng với các ưu điểm lý tưởng tín ngưỡng như tiềm lực khả tín lâu dài của dân tộc, theo như lối nhìn của sử gia Phạm Văn Sơn.

Tiến trình sáp nhập quân lực Phật Giáo Hòa Hảo vào quân đội quốc gia khởi đầu từ 1951, nhưng vì đã được nhìn sai lệch, cho nên phải bị trì trệ không kết quả, mà lại còn tạo thêm nghi kÿ, mặc cảm làm cho vấn đề ngày thêm phức tạp, khó giải quyết. Từ 1951 đến 1954, vẫn chưa đạt được bước tiến nào đáng kể, mà còn làm cho quân sĩ đôi bên nhìn nhau như thù địch, thiệt là một điều nghịch lý và đáng tiếc vô cùng.

Trong khoảng thời gian đó, không khí nghi kÿ đã làm phát sanh một số sự việc đáng tiếc giữa quân lực Phật Giáo Hòa Hảo và quân đội quốc gia. Điển hình là việc bắt cóc một số sĩ quan Phật Giáo Hòa Hảo trong lúc họ đi công tác tại Sàigòn. Những người bị bắt cóc còn bị đánh đập tàn nhẫn trong khu giam cầm của phòng 6, tức phòng tình báo chính trị của Bộ Tổng tham mưu (lúc đó do Trung tá Trần Đình Lan chỉ huy). Sự việc khác là biến cố xảy ra tại cầu Bắc Cần Thơ, một tiểu đoàn quân đội quốc gia do Thiếu tá Nguyễn Văn Ngưu chỉ huy, bị chận lại, và chỉ được quân lực Phật Giáo Hòa Hảo đồng ý cho di chuyển sau mấy giờ thương nghị gay go.

Việc sáp nhập quân lực Phật Giáo Hòa Hảo, cũng như Cao Đài vào quân đội quốc gia phải chờ đến khi có được giải pháp chánh trị vào tháng 9-1954, mới được tạm thời khai thông khỏi tình trạng tắc nghẽn tâm lý và bế tắc về hành chánh. Khi hai tôn giáo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo tham gia chánh phủ liên hiệp đầu tiên của Thủ tướng Ngô Đình Diệm (9-54), không khí miệt thị và nghi kÿ được thay thế bằng không khí hợp tác, cho nên chỉ trong khoảng thời gian ngắn, khoảng hai tháng sau, những điểm nguyên tắc căn bản đã được thỏa thuận qua thảo luận trực tiếp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lịnh Phật Giáo Hòa Hảo, đặt nền tảng cho việc sáp nhập từng đợt. Và ngày 3-11-54, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ban hành nghị định 1025/QP xác định nguyên tắc và thể thức sáp nhập, nghị định 1026/QP ấn định số quân sĩ đợt đầu sáp nhập là 3.000 người.

Theo các văn kiện này, việc sáp nhập quân lực Phật Giáo Hòa Hảo được thực hiện từng đợt. Bộ phận Hòa Hảo trong quân đội quốc gia Việt Nam được đặt trong hệ thống điều động, kiểm soát của quân đội Việt Nam. Cờ Phật Giáo Hòa Hảo được thay thế bằng quốc kỳ Việt Nam màu vàng ba sọc đỏ, chỉ còn huy hiệu truyền thống của Phật Giáo Hòa Hảo. Quân sĩ mang đồng phục quân đội quốc gia nhưng còn đeo huy hiệu Phật Giáo Hòa Hảo và đội ca lô màu dà. Võ khí Phật Giáo Hòa Hảo giao nạp hết cho quân đội quốc gia, và được trang bị theo biên chế quân đội quốc gia. Đặc điểm còn bảo tồn một thời gian là Văn phòng đặc biệt đặt tại Bộ Quốc phòng và Cơ quan cố vấn kiểm soát của Bộ tổng tham mưu đặt bên cạnh Bộ chỉ huy của bộ phận Phật Giáo Hòa Hảo.

Theo tinh thần hai bản nghị định này, đây là bước khởi đầu của một tiến trình sáp nhập mang tính chất của giai đoạn chuyển tiếp, để tiến tới sáp nhập toàn vẹn và toàn bộ.

Tuy nhiên, hai bản nghị định này trở thành ‘’thư chết’’ ngay sau khi ban hành, bởi lý do khuynh hướng “sáp nhập lập tức và toàn bộ” lúc đó ưu thắng hơn quan điểm của Bộ quốc phòng. Hai bản nghị định bị ngâm tôm, đình hoãn, bộ trưởng quốc phòng Hồ Thông Minh bị ra khỏi nội các, việc sáp nhập quân lực Phật Giáo Hòa Hảo vào quân đội quốc gia cũng bị ngưng đọng tại đây.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn