- I. Phật Giáo Hòa-Hảo Trong Tiến Trình Đạo Phật
- II. Nhân Sinh Quan Phật-Giáo Hòa-Hảo
- III. Ngăn Ngừa Điều Ác
- IV. Phân Biện Chánh Tà
- V. Phát Triển Hạnh Lành
- VI. Luận Giải Về Tứ Ân Hiếu Nghĩa
- VII. Hành Sử Tứ Ân
- VIII. Phương Tiện Quân Sự
- IX. Phương Tiện Chánh Trị
- X. Lập Công Bồi Đức
- Phụ Lục - Trường Hợp Vắng Mặt Của Đức Thầy
Về trường hợp vắng mặt của Đức Thầy trong quyển “Để Hiểu Phật-Giáo Hòa-Hảo”, chúng tôi nêu ra 6 lý do:
- – Lý do thứ nhứt là Ngài đã cho biết trước một thời gian Ngài sẽ vắng mặt, như Ngài đã bộc lộ trong câu:
Ráng nghe lời dạy của Thầy
Để chừng đến việc kiếm Thầy không ra.
- – Lý do thứ hai là Ngài đã biết trước âm mưu của V.M. cộng sản, nên chỉ khi nghe đến làng Tân Phú, Ngài kêu hỏi một người phòng vệ có biết đường về Phú Thành không. Như thế đủ chứng minh rằng Ngài đã biết trước Ngài phải thọ nạn, vì chỉ có tên phòng vệ được hỏi còn sống sót.
- – Lý thứ ba là Ngài đã hiểu thời cơ chưa đến cho Ngài thừa hành sứ mạng thiêng liêng. Thế nên Ngài phải vắng mặt, nhẫn đợi thời cơ, như Ngài đã viết:
Thôi cũng an lòng nơi số phận,
Đợi chờ vận tới sẽ tuôn mây.
- – Lý do thứ tư là Ngài đã biết giai đoạn hiện nay không thuận tiện cho sự hiện diện của Ngài buộc lòng vắng mặt để giữ tròn tiết tháo.
- – Lý do thứ năm là Ngài dụng ý thử thách để xem tín đồ, sau khi một thời gian chịu sự giáo hóa, trong lúc Ngài vắng mặt có thật tâm hành y qui cũ đã vạch ra chăng như Ngài đã răn trước:
Nấu lọc rành mới biết vàng thao
Ai thật tánh, ai người giả đạo.
Mà đó cũng là một phương tiện cho tín đồ không có tánh ỷ lại vào Thầy mà chẳgn tự độ lấy thân.
- – Lý do thứ sáu là Ngài muốn tăng trưởng đức tin và lòng mong cầu của tín đồ, vì Ngài đã đoán trước:
- Thời kỳ chiến tranh còn kéo dài,
- Tình trạng nước nhà chưa ngã ngũ,
- Máy huyền cơ chưa đến mức.
Nếu Ngài có mặt, chẳng những chưa có thể tạo được sự hoạch định của thiên cơ mà còn làm cho tín đồ sanh lòng ngờ vực.
Căn cứ vào những lý do đã nêu ra, chúng tôi quả quyết, sau một thời gian vắng mặt, Ngài sẽ trở về, vì mấy lý do sau đây:
1.- Lý do thứ nhứt: Ngài lâm phàm là vì có sứ mạng của Phật Tổ và Ngọc Đế. Ngài đã được Đức Phật và Đức Ngọc Đế giao phó sứ mạng đưa người đến Hội Long Hoa, thảng như Ngài không trở về mới lấy ai đảm đương vai trò quan trọng và độc nhứt ấy.
2. – Lý do thứ hai: Trường hợp của Ngài vắng mặt không khác trường hợp Tiết Nhơn quí ẩn thân nơi dinh bà Cửu Thiên, như Ngài đã mượn câu chuyện ấy thổ lộ trong mấy câu thơ:
Nhớ quá hồi lúc đời Đường,
Hiền thần Nhơn-Quí người đương ẩn mình
Cửu Thiên còn giấu tại dinh,
Chờ ngày mãn hạn phép linh ban rày.
Đó chẳng qua là để sau này đương đầu với nhiều tai nạn.
3.- Lý do thứ ba: Trường hợp của Ngài vắng mặt không khác trường hợp của Khương Thượng xưa kia, khi làm đốc ông xây cất Lộc Đài cho vua Trụ chẳng những ông không khứng mà còn can gián. Vì thế ông mang tội khi quân bị xử hình. Ông bỏ chạy đến cầu Cửu Long thì nhảy xuống nước, độn thủy về ở ẩn nơi Bàn Khê, như Ngài đã từng thốt:
Ta như Khương Thượng ngồi câu,
Câu thời câu vận công hầu mới nên.
Với những luận cứ và lý do trên đây chúng tôi quả quyết Đức Thầy sẽ trở về với nguyên trạng, vì rằng mỗi lần mượn xác không phải là việc làm nhứt thời mà là một việc cần phải uốn nắn nhiều thời gian và cho hợp cơ duyên. Huống chi trong thời lỳ gấp rút của buổi Hạ ngươn lại càng không có đủ thì giờ để dọn một cái xác khác.
Hơn nữa nếu Ngài trở lại với một cái xác khác thì không khỏi tín đồ hoang mang mất cả đức tin.
Vì thế mà chúng tôi tin chắc Ngài sẽ trở về với nguyên trạng.
Những luận cứ và lý lẽ xác đáng trên đây đủ cho anh em tín đồ tin tưởng, nhưng đối với những người ngoài, bởi thiếu đức tin, hay đặt đức tin vào những biện chứng cụ thể, nên không lấy làm thỏa mãn cho lắm.
Trong nhiều cuộc tiếp xúc với những người đạo khác, nhứt là anh em viết báo, chúng tôi phải trưng ra nhiều bằng chứng về trường hợp Đức Thầy vắng mặt một cách thiết thực hơn để phá tan những điều nghi ngờ mà họ đã đặt ra. Chúng tôi có nêu ra ba trường hợp cụ thể như sau đây để làm sáng tỏ trường hợp của Đức Thầy vắng mặt.
- – Trường hợp thứ nhứt về Thiên-Chúa-Giáo: Trong Tân Ước có kể lại rằng Đức Chúa Giê-Su bị bọn Juda bắt xử tội đóng đinh trên cây Thánh giá cho đến chết vì những vết thương đóng đinh, đâm ở bụng và đánh đập. Sau đó bọn chúng hạ xác Chúa xuống, rồi khiêng đem chôn vào hang đá. Ba hôm sau thì Chúa sống lại như thường, các vết thương đều lành lặn. Và sau 40 ngày đi vân du hóa độ, Chúa thăng thiên.
Đối với vặp mắt khoa học ngày nay, việc Chúa chết đi sống lại là một điều ngoài sức tưởng tượng. Thế mà 500 triệu tín đồ Thiên Chúa Giao trên thế giới, hầu hất là những nước văn minh cực độ có những nhà bác học kỳ tài, đều tin tưởng, hằng đến nhà thờ lễ Chúa, không một ai cho đó là một việc lạ không thể có.
Nếu có thể 500 triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo tin được Chúa chết đi sống lại thì người tín đồ Phật-Giáo Hòa-Hảo tin tưởng Đức Thầy trở về, có chi mới lạ đâu.
- – Trường hợp thứ hai về Phật – Giáo: Trong kinh điển có kể lại trường hợp của Bồ Đề Đạt-Ma, vị tổ thứ 28 bên Ấn Độ, cũng là Sơ tổ phái Thiền tông bên Trung-Hoa, khi Ngài qua Đông Độ vào thời vua Lương Võ Đế. Nhận thấy không thể hóa độ vua này, Ngài bèn vào miền núi đến ngồi xây mặt trong vách chín năm (cửu niên diện bích) nơi chùa Thiếu lâm tự. Ngài có thâu nhận một số môn nhơn đệ tử, trong đó có cô Yên-Chi được Ngài truyền dạy nhiều giáo pháp.
Cô Yên-Chi là một người đàn bà nham hiểm có tánh hay đố kỵ, sợ rằng Đức Bồ Đề Đạt-Ma sẽ truyền dạy cho kẻ khác hơn mình nên cô mới mưu toan đầu độc Thầy để mình giữ lấy sự hiểu biết hơn người. Đức Bồ Đề Đạt-Ma đã rõ thấu việc ấy nên hóa thân uống thuốc độc mà chết. Cô Yên-Chi mới lo tẩn liệm và đem mai táng, tin chắc là Thầy mình đã chết rồi.
Một hôm có người Trung-Hoa đi Ấn-độ trở về, khi đến Hũng nhĩ sơn thì thấy Bồ Đề Đạ-Ma trên vai có mang cây lau, đầu cây có móc một chiếc giày. Ngài dùng cây lau mà vược qua Đại-Hà trở về Ấn Độ. Khi về nước người ấy đến hỏi cô Yên-Chi về Ngài Bồ Đề Đạt-Ma thì cô Yên-Chi cho biết là Thầy đã chết rồi.
Người ấy cãi lại là chính mình tận mắt đã thấy Ngài Bồ Đề Đạt-Ma ở núi Hùng Nhĩ. Hai người tranh biện nhau, kẻ cho Thầy đã chết, người cho Thầy còn sống. Rốt cuộc hai người phải đi đến biện pháp là quật mồ để rõ thật hư.
Khi quật mồ Ngài Bồ Đề Đạt-Ma lên thì chỉ thấy trong quan tài vỏn vẹn một chiếc giày.
Sự tích này 550 triệu tín đồ Phật-Giáo tin theo, nên chỉ trong nhiều ngôi chùa, chúng ta thấy vẽ tượng Đức Bồ Đề Đạt-Ma, người có bộ râu bao hàm, trên vai có quảy một cây lau có máng một chiếc giày.
- – Trường hợp thứ ba về hiện kim thời đại: Hai trường hợp vừa kể trên đã xảy ra từ ngàn năm đến hai ngàn năm, không khỏi có người cho rằng việc xảy ra đã lâu đời, sao khỏi vì thời gian mà có chỗ thêm thắt, hoặc tam sao thất bản. Nhiều nhà sử học nhận rằng việc xảy ra quá 500 năm mà đem kể lại thì giá trị thiết thực của nó khó mà đảm bảo chắc chắn. Thế nên chúng tôi nêu thêm một trường hợp thứ ba kể lại câu chuyện mới xảy ra ở nước Anh hiện nay.
Cứ theo tập Báo cáo của Bác sĩ Bà-Khắc-Sum có kể lại rằng ông Bá-Khắc-Sum (Phiên âm theo chữ Hán) là một vị bác sĩ ở nước Anh, có viết nhiều sách về chủ nghĩa Mác-Xít nổi tiếng trong giới Bác học. Ông có nghiên cứu đến triết học Phật-giáo, thấy nhiều người để cao triết học của nhà Phật thì lấy làm thắc mắc. Thế nên ông muốn tìm biết đạo Phật. Những sách xuất bản ở Anh nói về đạo Phật. Những sách xuất bản ở Anh nói về đạo Phật không làm cho Ông thỏa mãn, nên ông quyết tâm sang qua Ấn Độ chỗ phát tích đạo Phật, may ra tìm thấy chân lý.
Ông qua Ấn độ lục hết thư viện để nghiên cứu, nhưng ông cũng chưa thấy những chỗ cao siêu của Phật-Giáo. Một hôm ông thả bộ vào núi Kỳ xà quật, nơi mà khi Phật còn trụ thế, thường đến thuyết pháp, ước mong tìm thấy lại những gì tinh túy của ánh đạo vàng. Trời đã xế chiều ông thấy ông lão từ trong núi đi ra, đến ngay chỗ ông đáp là muốn tìm hiều đạo Phật.
Ông lão ấy nói: Nếu ông muốn biết đạo Phật thì xin ông hãy theo tôi.
Nói rồi ông lão dẫn Bác sĩ Bá-Khắc-Sum vào núi. Lên khỏi chơn núi, đến một vách đá lớn, ôn glão lấy tay đẩy vồ đá qua một bên thì thấy hiện ra một cái hang. Ông lão bèn dắt Bác sĩ vào hang. Một điều lạ là trong hang có đền đài làm bằng ngọc ngà châu báu mà ở thế gian không sao có được. Châu báu ấy chiếu ra ánh sáng chói rực trong hang. Đến đây Bác sĩ đã mất thần không còn nói năng gì được. Một hồi lâu, ông lão dẫn bác sĩ ra khỏi hang rồi lấy tay đẩy vồ đá khép lại.
Chừng xuống chơn núi, Bác sĩ mới tỉnh lại và vô cùng sửng sốt.
Về sau Bác sĩ mới biết ông lão ấy là Đức Ca Diếp một đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca. Nhơn đó Bác sĩ thế phát qui y, làm một vị tỳ khưu mang bình bát đi khất thực như bao nhiêu khất sĩ khác. Bác sĩ trở về nước Anh, đem những điều nghe thấy hiều biết của mình báo cáo trong phiên hội các nhà bác học. Những lời tường trình của Bác sĩ được kết tập thành tập “Báo cáo của Bác sĩ Bá-Khắc-Sum”. Tập báo cáo này được dịch ra chữ Hán.
Một điều mà mọi người tự hỏi: Đức Ca-Diếp đã tịch cách đây 2500 năm, đã hỏa táng và những viên ngọc xá lợi của Ngài được phân tán đi nhiều nơi ở khu vực Phật giáo vùng Đông Á và Đông Nam Á Châu, vậy Đức Ca-Diếp nào mà Bác sĩ Bá Khắc Sum đã gặp ở núi Kỳ xà quật.
Những hiện tượng đó chỉ có Phật giáo mới giải thích được.
Cứ theo kinh điển thì con người có tam thân (ba thân): Báo thân, Pháp thân và Ứng thân hay Hóa thân. Mọi người sanh ra đời đều có cái thân quả báo, sanh ra để đền trả bao nhiêu nghiệp thân đã gây từ trước. Đến như Đức Phật sanh ra đời cũng thọ lấy cái báo thân để chịu chín lần tai nạn (chớ không phải tám). Đó chẳng qua là những dư ương còn sót lại trong kiếp chót.
Phàm một người tu hành đắc quả A La Hán trở lên thì được có Pháp thân.
“Pháp thân là chơn thân của vạn pháp, thể lượng rất rộng lớn như hư không, chẳng có sắc tướng gì chỉ được, lúc nào cũng thường nhiên thanh tịnh. Hết thảy muôn loài đều có pháp thân nhưng vì mê muội mà thành ra cách biệt.
“Trong kinh Phật có câu: Phật chân pháp thân do như hư không, ứng vật hiện hình thư thủy trung nguyệt”. Nghĩa là chơn pháp thân của Phật ví như hư không, tùy vật mà hiện hình như trăng dưới nước”. (1)
Con người ví như tiểu thể, còn pháp thân là đại thể. Khi riểu thể nhập vào đại thể thì chỗ nào cũng có. Cũng như một giọt nước ấy không còn nữa mà đã biến thành đại dương. Một sự ba động nhỏ ở bờ Thái Bình Dương bên nay là ba động ở bờ Thái Bình Dương bên kia.
Cổ ngữ có câu:
Thanh thanh thủy trúc tận thị Pháp thân
Uấn uất huỳnh hoa vô phi Bát Nhã.
Có nghĩa:
Xanh xanh đám tre kia đều có Pháp thân
Cụm cụm đám hoa cúc kia không đâu là không Bát Nhã.
Hai câu này đủ nói lên thể tánh của Pháp thân. Ngay ở trong bụi tre xanh cũng có Pháp thân là cái đại thể bao la trong vũ trụ không nơi nào là không có. Thế nên dù ở phương Đông hay phương Tây, ở cõi Diêm phù đề hay ở cõi Bắc Cu lô châu, một khi niệm Phật hay cầu Phật thì do pháp thân mà Phật ứng hiện ra.
Cho được có Pháp thân, Đức Thầy khuyên:
Tính xong món nợ lần khân
Thoát vòng cương tỏa pháp thân nhẹ nhàng.
Phàm đã có Pháp thân thì có được Ứng thân hay Hóa thân. Đức Phật vì cảm niệm chúng sanh mà ứng hiện ra hay vì hóa độ mà hóa hiện ra.
Nếu chúng ta có đọc quyển “Sám giảng khuyên người đời tu niệm” tứ là quyển Sám giảng thứ nhứt, chúng ta sẽ thây Đức Thầy đã phương tiện hóa hiện dạo lục châu khi thì giả dạng người già, kẻ trẻ, buôn bán, khi thì kẻ ăn xin, chèo đò rước khách.
Ngài đã nhiều lần hóa hiện thì hẳng Ngài đã đạt Pháp thân từ lâu rồi.
Thế nên, dù Ngài vắng mặt, chúng tôi tin chắc lúc nào Ngài cũng ở bên chúng ta. Và kẻ viết bài này dám quả quyết rằng từ ngày Đức Thầy vắng mặt, tín đồ của Ngài, ít nhứt đã gặp Ngài một lần, nhưng vì phàm trí nên không thấu đáo, có khi cư xử không xứng đáng.
Nếu chúng ta biết rằng lúc nào Ngài cũng ở bên ta thì ta chớ nên nhọc công tìm kiếm, vì chúng ta lắm khi nhận lầm kẻ tà sư ngoại đạo làm thầy.
Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn có dạy A Nan rằng: Y pháp bất ly nhân. Cứ theo giáo pháp mà hành chớ đừng chạy theo hình tướng. Vì hình tướng thuộc về giả tướng, chỉ có giao pháp mới là thật tướng. Mà đã là giả tướng thì ma vương ngoại đạo rất dễ bắt chước và mạo trang.
Đã biết Đức Thầy lúc nào cũng ở bên chúng ta, vậy chúng ta mỗi khi làm việc gì cứ tưởng có Ngài đứng trước mặt thì chúng ta không dám làm những việc sái quấy, nghịch với giáo pháp của Ngài.
Ngài đã có Pháp thân thì lúc nào Ngài cũng có thể trở về với nguyên trạng. Sở dĩ Ngài chưa về là vì thời cơ chưa đến.
(1) Để hiểu Phật-Giáo Hòa-Hảo.