X. Lập Công Bồi Đức

05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 30063)
X. Lập Công Bồi Đức

 

 

Cứu cánh của pháp môn Học Phật Tu Nhân có thể qui kết vào hai câu thơ sau đây của Đức Thầy:

 

Tu thân thiện tín phảo chuyên cần,

Lục tự Di Đà giữ Tứ Ân.

 

Tu Thân là sửa mình cho trọn lành trọn sáng về cả hai mặt: Thể xác hay thân thể và tinh thần hay linh hồn.

 

Ở đây tu thân gồm cả hai việc: Lục tự Di Đà và giữ Tứ Ân.

 

Lục tự Di Đà là sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” tức niệm danh hiệu của Đức Phật A-Di-Đà cầu vãng sanh vể cõi Cực lạc, tức là pháp môn Tịnh-độ mà Đức Thầy hằng khuyên tấn tu tri. Ở vào thời kỳ Mạt pháp này chỉ có pháp môn Tịnh độ là cứu cánh, khế cơ đối với chúng sanh căn tánh quá thiển bạc.

 

Nhưng được siêu sanh về cõi Tịnh độ chẳng phải là việc dễ, mặc dầu đối với các pháp môn tu lực, pháp môn niệm Phật cầu lấy tha lực cứu độ có phần dễ hơn, nhưng cho được vãng sanh phải lực niệm nhất tâm bất loạn, hành trì một cách chí thành chí thiết mới mong có hiệu quả. Để trợ lực cho môn niệm Phật, hành giả còn phải thi thiết thêm nhiều hạnh khác nữa để sửa tâm sửa tánh cho được trọn sáng. Một khi tâm được trong sáng, thanh tịnh thì mới nhứt tâm bất loạn, gây được lực cảm đến chư Phật và Bồ tát ở cõi cực lạc, khi lâm chung, sẽ giáng lâm tiếp tiếp đón về cõi Tịnh độ, nghĩa là “Ngoài việc chuyên tâm tu niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà còn phải thi thiết một vài công hạnh để gây lấy trợ duyên và làm nền tảng vững chắc bước đường tu Tịnh nghiệp, nghĩa là ngoài tha lực còn phải vận dụng tự lực. Có như thế mới mau kết quả, cũng như muốn cho người trên mạn thuyền cứu độ, kẻ trầm nịch phải cố sức mạnh vọt lên mặt nước.

 

Trong kinh QUÁN VÔ THƯỢNG THỌ PHẬT có nói rằng: “Dục sanh Tịnh độ, đương tu tam phước. Nhứt giả: Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp; nhị giả: thọ trì tam qui, cụ túc chúng giới, bất phạm uy nghi; tam giả: phát Bồ đề tâm, thâm tín nhân quả, độc tụng Đại thừa”. Nghĩa là: Muốn sanh về cõi Tịnh độ, phải tu ba phước.

 

1.) Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ các bực sư trưởng, giữ lòng hiền lành, không giết hại sanh mạng và tu mười nghiệp thiện.

 

2.) Thọ trì tam qui, cụ túc các giới hạnh và đừng phạm uy nghi.

 

 

3.) Phát tâm Bồ đề, tin lý nhân quả và đọc tụng các kinh Đại thừa.

 

“Cứ xét ba điều phước đã kể, chúng ta nhận thấy điều thứ nhứt gồm cả những việc TU NHÂN, còn hai điều sau thuộc về việc HỌC PHẬT”. (1)

 

Luận giải mà không hành sử thì không khác người nói ăn miệng không ăn thì cũng bằng chẳng ăn. Cho được hành sử thì phải có phương tiện. Đức Thầy đã thành lập nghĩa quân và đảng chánh trị là để cho tín đồ có phương tiện đền đáp ân đất nước và thi thiết hạnh vô úy, đó là hai công hạnh rất khó thi thiết. Đã khó thi thiết mà thi thiết được, đó mới lập được nhiều công đức đối với Đời với Đạo.

 

Pháp môn Học Phật Tu Nhân, cốt yếu là đào luyện nên hạgn người hiền đức hầu có dự vào Hội Long Hoa và sống còn trong đời Thượng ngươn như Đức Thầy đã nói:

 

Lập rồi cái Hội Long Hoa,

Đặng coi hiền đức được là bao nhiêu.

 

Muốn trở thành người hiền phải lập công bồi đức. Và cho được có công đức phải thực hành pháp môn Học Phật Tu Nhân.

 

Học Phật tạo được đức tức những đức tánh tốt đẹp, như răn thập ác thì được 10 đức tánh thiện: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói hung ác, không nói đòn sóc, không nói ỷ thị, không tham lam, không nóng giận, không mê si; như giữ tám điều răn cấm thì được những đức tánh: cần kiệm, tinh tấn, khoan dung, thanh đạm, đơn chánh, bố thí, cương trực, hiếu sanh, chánh kiến, chánh trí, tương thân tương ái...

 

Tu Nhân tức là hành sử Tứ Ân thì được công trạng, công nghiệp đối với đất nước, công giúp đời đối với đồng bào và nhân loại.

 

Thực hành pháp môn Tu Nhân Học Phật tức là lập công bồi đức vậy.

 

Ngoài ra Học Phật Tu Nhân còn có tác dụng khai tâm và khai trí. Học Phật thuộc về khai tâm còn Tu Nhân thuộc về khai trí.

 

Học Phật như đã thấy tạo những đức tánh tốt đẹp, khai mở tâm lành như hiểu được lý nhân quả, lẽ nhân duyên, phá trừ các hoặc kiến tư, trừ lục căn, giải lục trần... Nhờ vậy mà tâm trong tánh sáng.

 

Tu Nhân tức là hành sử Tứ Ân bằng những phương tiện quân sự và chính trị là hai môn đòi hỏi rất nhiều lý trí, óc xét đoán suy luận. Nhờ đó mà trí tuệ phát khai, nhận thức không lầm lẫn hay tà kiến. Mọi pháp môn của Đạo Phật đều dẫn dắt đến cứu cánh là phát khai trí tuệ hay có thể nói Đạo Phật là đạo khai mở trí tuệ. Có khai mở trí tuệ. Có khai mở trí tuệ mới phá tan vô minh, hoàn toàn giải thoát khỏi các sự ràng buộc của thân tâm.

 

Trong kinh Phật, Tâm và Trí phải phát triển song hành mới mau tiến đến cực quả, ví như hai bánh xe của cỗ xe bò không được chinh lệch, bên lớn bên nhỏ thì xe mới tiến tới được. Ví bằng hai bánh xe không cân đối thì trước sau gì cỗ xe cũng đổ.

 

Tâm và trí cũng như thế. Có tâm mà không có trí hay có trí mà không có tâm thì cũng như cỗ xe bò có hai bánh xe không đồng đều.

 

Cổ ngữ có câu: Hữu tâm vô trí tắc mê; hữu trí vô tâm tắc loạn. Nghĩa là: có khai tâm mà không mở trí thì thế nào cũng mê tín dị đoan người mở trí (trí thức) mà không có tâm lành thì thế nào cũng hành động rối loạn, xảo trá, điêu ngoa.

 

Về điều này Đức Thầy có giải rõ:

 

“Người có tâm nếu không tập suy gẫm thì hay xảo trá. Nên trí và tâm người học đạo cần phải tìm cách làm cho được phát triển cả hai để lấy tâm làm chủ trì mọi việc, lấy trí mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đưa cho tâm chủ trì. Được như thế chắc chắn ta học Đạo mau thành công kết quả”.

 

Xem đó đủ thấy pháp môn Học Phật Tu Nhân khai mở cả tâm lẫn trí, giúp cho hành giả mau đạt thành quả vị.

 

Thế nên Học Phật mà không Tu Nhân thì Phật-Giáo Hòa-Hảo không khác gì Đạo Phật tu ở các chùa chiền. Nếu Đức Thầy ra đời khuyến giáo tu hành thuần túy tiêu cực như lối tu của nhà chùa thì hẳn Đức Thầy ra đời không có sứ mạng gì khác hơn các nhà sư. Như vậy thì người đời cứ theo lối tu tiêu cực mà tu hành cần gì Đức Thầy ra mở đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo làm chi cho thêm nhiều tông nhiều phái.

 

Đến như Tu Nhân mà không Học Phật thì Phật-Giáo Hòa-Hảo không khác gì đạo Khổng, chỉ biết có đạo làm người chớ không còn thiết gì đến sự siêu thoát, thiếu cả tin thần hướng thượng thành Tiền tác Phật. Con người chỉ biết có hiện kiếp mà không biết hậu kiếp, con đường siêu phàm thoát tục.

 

Vì thế chữ Tu liền với chữ Hành và hành theo pháp môn Học Phật Tu Nhân, điều tối quan trọng là hành nhân đạo, lập thân giúp đời để tạo lấy công nghiệp bồi đắp cho quả vị Hiền Thánh trong bước đường sắp tới.

 

Không hành sử Tứ Ân thì chẳng khác có tu mà không hành, nhứt là không thi thiết những điều ân nghĩa đối với đất nước, đối với đồng bào cùng thi thiết hạnh vô úy thì không còn là hành giả của pháp môn Học Phật Tu Nhân do Đức Thầy khai sáng và hoằng hóa.

 

Tu tiêu cực: từ bi chi tọa, độc thiện kỳ thân là trái với tôn chỉ của Phật-Giáo Hòa-Hảo, vì giáo pháp của Đức Thầy là tu Bồ tát hạnh, vừa tự giác vừa giác tha, vừa làm lợi cho mình vừa giúp ích cho đời.

 

Đức Thầy qua bài thơ “Vịnh ông Địa bằng sành” chê trách hạng người chỉ lo cho riêng mình an vui trong lúc bao nhiêu người chung quanh lầm than đau khổ:

 

Bảnh chẹ ngồi chơi sướng hỡi ông!

Tâm lành sao chẳng tiếp non sông.

Nhân dân bốn phía đang đồ thán,

Vui sướng chi mà lại tỉnh không!

 

Đức Thầy cũng trách thiện hạng người bỏ phế công ăn việc làm, ngồi đợi thời cuộc.

 

Lúc Đức thầy ở Bạc Liêu, có hai người tín đồ, một ở làng Phú-An, một ở Làng Hòa-Hảo, ngồi bàn thiên cơ đồng cho rằng đời đã tới, nên tính bán tài sản lấy tiền nuôi sống qua thời cuộc. Lúc ấy có một nữ tín đồ ở làng Phú-An đến thăm Đức Thầy có ý đem việc ấy trình Đức-Thầy, nhưng chưa kịp thưa thì Đức Thầy kêu lại mà rằng:

 

Tại sao hai ông ấy đã tu mà không lo làm ăn, lại tính bán đất bán nhà? Có về nói lại với hai ông ấy phải sốt sắng lo làm ăn cho thật nhiều hầu có tiền để xây xài trong gia đình nếu có dư ra đem giúp đỡ những người hoạn nạn, đói khó tật nguyền.

 

Hơn nữa, mình biết đời tới không làm ăn được lại kêu bán cho người khác, chẳng hóa ra mình gạt gẫm người ta sao! (2)

 

Đức Thầy cũng trách thiện anh em tín đồ định bỏ quê quán về Hòa-Hảo tá túc vì cho đó là nơi cội gốc được ở yên.

 

Năm 1944, sau khi Đồng minh oanh tạc Saigon lần đầu, ông Hai Quí tục danh ông Hai nước mắm, ở Vĩnh Hội ngang cầu ông Lãnh đến xin phép Đức Thầy đi tản cư.

 

Đức Thầy hỏi: Ông định đi đâu?

 

Ông Hai Quí: Bạch Thầy, con định về Hòa-Hảo vì nơi đó là chỗ cội gốc.

 

Đức Thầy: Tân Huế, Kiến An, chỗ nào ở không được. Tại sao ai cũng đòi về Hòa-Hảo? Về đó đặng tùng tam tụ ngũ, phá làng phá xóm hả? (3)

 

Đức Thầy cũng chê trách hạng người muốn hủy mình, bỏ phần xác thịt nặng nề để được nhẹ nhàng trong phần linh hồn tu mau đắc quả.

 

Năm 1944, Ông Năm Hiệu ở làng Phú An đau nặng. Đức Thầy đến thăm, đưa thuốc cho ông nhưng ông không chịu uống, lại nói: Mình người tu hành lo niệm Phật, uống nước lạnh cũng hết bịnh cần gì uống thuốc.

 

Đức Thầy quở: Ông đừng hiểu lầm, khi mình còn mang xác thể do tứ đại hợp thành phải biến chuyển theo thời tiết của trời đất. Đau thì phải uống thuốc. Tôi hỏi Ông: Khi muốn sang sông, ta phải nhờ xuồng hoặc ghe; khi đến bờ bên kia, ông còn mang nó theo hay bỏ?

 

Ông Hiệu đáp: Bạch Thầy, bỏ lại chớ mang theo sao nỗi.

 

Đức Thầy: À! Như vậy xuồng hay ghe vô nước, ông phải trét lại, nếu lũng lỗ cũng phải vá lại cho kín đặng qua tới bờ bên kia. Nếu không giữ gìn để xuồng chìm, ông làm sao lội tới bờ! Tôi nói cho ông biết: Còn mang xác thịt, ta tu mới mau, nếu bỏ xác, linh hồn tu chậm lắm nghe! (4)

 

Như thế rất rõ rệt. Hành giả Học Phật Tu Nhân, theo Đức Thầy, phàm đã tu thì phải hành, và hành cho chánh lý, cho chơn chánh mới có công đức. Đức Thầy đã viết:

 

Bởi chữ tu liền với chữ hành,

Hành bất chánh người đời mới nói.

 

Phàm thuộc về Đạo thì phải theo cho đúng chánh đạo, mối đạo chơn chánh, đúng với lý chơn thật của Đức Phật Thích Ca; phàm thuộc về đời là phải theo đúng chánh nghĩa, những nghĩa cử chơn chánh phục vụ quốc gia dân tộc, đặt quyền lợi của toàn dân lên trên quyền lợi của cá nhân, không vụ lợi, không mong cầu thụ hưởng. Không ai bắt mình ra gánh vác việc dân việc nước, mà mình tự nguyện ra phục vụ là vì nghĩa vụ vì bổn phận của công dân đối với quê hương xứ sở, miễn là làm tròn trách nhiệm, sứ mạng. Nếu phải đảm đương một quyền tước gì để thi hành nghĩa vụ thì cứ xem đó là phương tiện để hành sử đạo nghĩa chớ không cho đó là cứu cánh hay mục đích.

 

Với hành giả Học Phật Tu Nhân thì cứu cánh hay mục đích để đạt đến là được dự vào Hội Long Hoa và sống còn trong đời Thượng ngươn hay siêu sanh về cõi Cực-lạc khi được trọn lành trọn sáng. Nhưng cho được dự vào Hội Long Hoa thì tiêu chuẩn là phải trở nên người hiền đức. Và muốn được thành người hiền thì phải lập công bồi đức, qua pháp môn Học Phật Tu Nhân vì pháp môn này của Phật Giáo Hòa Hảo chỉ có một diễu dụng là đào luyện nên hạng người hiền.

 

Cho nên địa vị hay quyền tước, đối với hành giả Học Phật Tu Nhân chỉ được xem như một phương tiện để lập công bồi đức hầu đi đến cứu cánh là Hội Long Hoa và sống còn trong đời Thượng ngươn an lạc. Vì vậy mà hành giả Học Phật Tu Nhân xem địa vị quyền tước như những chiếc áo mưa để mặc trong khi mưa, chừng hết mưa là cỡi ra không hề luyến tiếc, hay xem như chiếc thuyền để chở ta qua bờ bên kia, khi tới bờ thì chiếc thuyền ấy bỏ lại chớ không ai mang theo nữa.

 

Thế nên, hành giả Học Phật Tu Nhân phải luôn luôn nắm giự lấy cứu cánh và mục đích, cứ hướng mắt và mong mõi tiến bước cho đến nơi đến chốn thì trong lúc đi đường, dùng phương tiện chi, phải xe dùng xe, phải thuyền dùng thuyền, cũng chẳng có ngại, vì họ xem mọi địa vị quyền tước như những phương tiện xe hay thuyền cần phải dùng đến để đạt mục đích tối hậu là Hội Long Hoa hay đời Thượng ngươn an lạc.

 

Áp dụng vào địa hạt quân sự hay chánh trị cũng thế. Trong địa hạt quân sự, nếu may cho ta được lên bực tướng tá, nắm lấy quyền uy thưởng phạt, tác oai tác phúc thì ta cũng chỉ thi hành phận sự ấy xem như những phương tiện cho ta hành sử Đạo Nhân. Nếu ta trước nhiễm cho đó là địa vị cần phải bảo trì bằng bắt cứ giã nào thì thành ra ta đặt phương tiện làm mục đích, thế là ta đã trở thành kẻ mê danh lợi, đi sai lạc đường hướng của pháp môn Tu Nhân Học Phật.

 

Về địa hạt chánh trị cũng thế, những chức vị cao sang của đời, đối với hành giả Học Phật Tu Nhân cũng được xem là những phương tiện để hành sử đạo nghĩa hầu gây tạo công đức để trang nghiêm con đường tu tiến đến Hội Long Hoa và đời Thượng ngươn. Nếu ta tin tưởng theo Đức Thầy cũng như các vị tiên giác trong giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương rằng: Đời Hạ ngươn sắp mãn, cõi Thượng ngươn sắp lập, Hội Long Hoa sắp khai thì chúng ta mới không trước nhiễm những địa vị cao sang mà cuộc tranh đấu chánh trị mang lại cho chúng ta.

 

Nếu ta đặt sai vấn đề, lấy phương tiện làm mục đích thì thế nào ta cũng bị lầm lạc mà rơi rớt lại. Thay vì lập công bồi đức, ta tạo lấy thêm tội ác.

 

Lấy thí dụ như trường hợp một người quân nhân hay chính trị gia ham muốn địa vị quyền tước, tức nhiên phải tìm mọi cách mua quan bán tước và muốn cho có tiền để mua quan bán tước, tất phải làm việc bất chánh, tham nhũng, thúi tha. Như thế là ta tự hủy hoại lấy danh giá, cuộc đời của ta và rất uổng phí công trình tu học của ta theo Thầy Tổ từ bấy lâu nay.

 

Đức Thầy há chẳng nói:

 

Tu mà ham cho được giàu sang,

Với quyền tước là tu dối thế.

 

Trong hai câu này, danh từ ác nghiệt là chữ “ham”. Chỉ vì ham mà hư hại tất cả. Bởi quá ham giàu sang và quyền tước nên người ta dám làm những chuyện bất chánh. Nhưng đừng hiểu lầm Đức Thầy cấm chúng ta giàu sang hay quyền tước.

 

Đức Thầy thường khuyên tín đồ lo làm ăn cho chơn chất, sản xuất cho thật nhiều cho được du giả để phần nào cấp dưỡng gia đình khỏi thiếu hụt hầu sống yên ổn lo tu hành, phần nào dư ra để giúp đỡ những người nghèo khó, thiếu hụt hầu gây lấy thiện duyên tạo nhiều công đức, như Đức Thầy khuyên người nên bố thí:

 

Muốn cho rắn đặng hóa cù,

Xả thân làm phước Diêm phù vượt qua.

Giữ bo đến lúc phong qua,

Gặp cớn bát loạn khó mà yên thân.

 

Hoặc là:

 

Của dư cho mượn mới là,

Hảo tâm bố thí ngọc lòa được lên.

 

Về quyền tước cũng thế ta không mong câu, nhưng một khi nó đến thì cũng nên xem đó là phương tiện để thi thiết đạo nghĩa, không đam mê, không trước nhiễm; nếu thi thiết được đạo nghĩa thì làm, bằng thấy không có lợi mà trái lại có hại cho công đức thì ta thôi. Điều tai hại là khi ta thấy không nên lưu lại mà ta cố bám ở lại thì đó là hạng người tham quyền cố vị, trái với đạo nghĩa, làm tổn thương đến hạnh đức của người tu.

 

Luận về hạnh làm quan của Khổng-Tử, Thầy Mạnh Tử có viết: “Khả dĩ sĩ tắc sĩ; khả dĩ chỉ tắc chỉ; khả dĩ cửu tắc cửu; khả dĩ tốc khắc tốc”. Có nghĩa: Lúc nên làm quan thì ra làm quan; lúc nên thôi thì nên thôi; cần làm quan lâu thì ở lâu; cần ra đi gấp thì đi gấp”. Đó là hạnh của Đức Khổng Tử vậy.

 

Đã nhận chân yếu chỉ và phương pháp hành sử pháp môn Học Phật Tu Nhân, hành giả phải kiên trì ý chí tiến hành trên con đường đã định hướng, hầu phải gặp gian lao nguy hiểm đến sanh mạng cũng không thay chiều đổi hướng hay nản chí ngã lòng, bán đồ nhi phế.

 

Điều quan thiết là nhẫn nại và trì chí. Ở đời không có việc gì dễ làm mà thành công rực rỡ. Nếu dễ thành công thì ai làm cũng được và sự thành công ấy không có công khó đáng cho người tán tụng. Việc khó làm mà kiên tâm trì chí làm cho được thì việc ấy mới đáng quí trọng. Muốn làm nên người hiền cũng thế. Điều khó nhứt là chữ nhẫn. Cứ nhẫn nại mà làm cho kỳ được thành công, dầu đã nhiều lần thất bại. Một giọt nước tuy nhỏ bé thế mà nếu cứ một mực nhểu xuống mãi có thể soi phủng được đá cứng.

 

Đức nhẫn được Đức thầy khen ngợi:

 

Nhẫn năng xử thế thị nhơn hiền,

 

Hay là:

 

Rán nhẫn trăm phần dầu khó nhẫn,

 

Nhứt là gương nhẫn của Hàn Tín:

 

Làm dân bá nhẫn thị lương hiền,

Chữ nhẫn lời truyền Phật Thánh Tiên;

Gương trước Hớn Tần Hàn Tín nhẫn,

Đã không khổ nhục khỏi ưu phiền.

 

Vì mục đích lập công bồi đức thì càng không nên nóng nảy:

 

Chớ nóng nảy sân si hư việc,

Phải đợi thời vua Kiệt hồi qui.

 

Đã nhận định cứu cánh và mục đích của môn Học Phật Tu Nhân thì trong sự hành sử Đạo Nhân để lập công bồi đức, dầu phải hại thân bỏ mạng thì cũgn phải tận tâm, tinh tấn và nhẫn nại hành trì, không rời hai chữ chơn chánh trong bất cứ hoàn cảnh hay trường hợp éo le khe khắt nào.

 

Phải luôn luôn chơn chánh: chơn chánh trong sự nhận định (chánh kiến); chơn chánh trong sự suy tư (chánh tư duy); chơn chánh trong lời nói (chánh ngữ); chơn chánh trong mạng sống (chánh mạng); chơn chánh trong sự cương quyết lấn lướt (chánh tinh tấn); chơn chánh trong ý nguyện (chánh niệm) và chơn chánh trong sự định tâm (chánh định). Lìa bỏ chơn chánh là bước sang con đường tà ngụy.

 

Thế nên hành giả Học Phật Tu Nhân, về mặt đạo phải giữ lấy chánh đạo, và về mặt đời phải nắm lấy chánh nghĩa.

 

Sở dĩ Đức Thầy dạy ta thờ kính Quan Thượng-Đảng Đại thần Nguyễn Trung-Trực và dùng tên Ngài làm danh hiệu cho Bộ Đội Nghĩa quân chẳng qua Ngài Nguyễn-Trung-Trực tranh đấu và tiêu biểu cho chánh nghĩa dân tộc mặc dù Ngài không thành công, bị giặc Pháp hành quyết tại Kiên-giang.

 

Gương của Ngài Nguyễn-Trung-Trực đủ cho ta hiều thế nào là hy sinh vì chánh nghĩa.

 

Trong một bức thơ đề ngày 11 tháng 12 năm 1961 gởi cho đồng đạo, ông Thanh Sĩ có viết:

 

“Chúng ta không nên để sự khổ vỡ được lòng sắt đá, hãy vững đức tin tranh đấu cho chánh nghĩa. Chánh nghĩa là chứng minh lòng yêu nước yêu đồng bào và sùng đạo... Chớ ngần ngại một điều gì hy sinh cho chánh nghĩa. Có chánh nghĩa mới có hòa bình hạnh phúc. Cần phải có chánh nghĩa. Mục đích của Đạo là gì? Là cứu Đời. Đời tại sao phải cứu? Vì đời thiếu hòa bình và hạnh phúc. Bây giờ cứu đời bằng cách nào? Bằng chánh nghĩa. Còn chánh nghĩa là còn đạo; đừng sợ đạo mất và cũng chớ bi quan đạo yếu mà là hãy lo rằng lòng mình yếu”.

 

Nói tóm lại hành giả Học Phật Tu Nhân về mặt đời phải phụng thờ chánh nghĩa, về mặt đạo phải giữ chặt chánh đạo.

 

Ngoài ra về xử thể tiếp vật nếu là người chơn chánh thì không bao giờ làm điều gì có lợi cho mình mà có hại cho kẻ khác. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhơn”. Điều gì mình không muốn thì đừng đem thi thiết cho người. Đó là lẽ Trung-thứ mà Khổng Tử đem dạy môn nhân đệ tử để trở thành người quân tử.

 

Đừng sợ mình không đi đến Hội Long Hoa, sống còn trong đời Thượng ngươn, chỉ sợ là mình không đủ ý chí và nhẫn nại hành trì pháp môn Học Phật Tu Nhân để trở nên người hiền đức.

 

Nên xem mọi quyền tước như phương tiện để hành sử Đạo Nhân, lập công bồi đức cho bước đường tu tiến của mình.

 

Con đường mà Đức Thầy đã vạch chỉ chắc chắn sẽ đưa ta đến kết quả mong muốn.

 

Yếu lý của pháp môn Học Phật Tu Nhân mà Đức Thầy hoằng tuyên là như thế.

 

SAIGON, ngày 27 tháng 11 năm 1970

 

(1) Vương Kim: Bửu Sơn Kỳ Hương

(2) Theo lời tường thuật của Ôgn Huỳnh Hữu Phỉ

(3) Theo lời tường thuật của Ôgn Huỳnh Hữu Phỉ

(4) Theo lời tường thuật của Ôgn Huỳnh Hữu Phỉ

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn