a) Học Phật

02 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 27872)
a) Học Phật

 

 

Khi ngăn ngừa các điều ác cũng như nhà nông chỉ mới dọn đất phá sạch cỏ dại, ngăn ngừa không cho mọc lại nữa. Mục đích của nhà nông là khi dọn đất xong, phải nghĩ đến sự gieo trồng các loại hữu ích như lúa bắp rau trái.

 

Theo Đức Phật khi ngăn ngừa điều ác ở một Nhiếp luật nghi giới là đồng thời lo phát triển hạnh lành ở mục Nhiếp thiện nghiệp giới và Nhiêu ích hữu tình giới.

 

Với Phật-Giáo Hòa-Hảo, phương pháp hành đạo cũng thế. Đồng thời với Tám điều răn cấm để ngăn ngừa điều ác, Đức Thầy khai thị pháp môn Học Phật Tu Nhân để phát triển các hạnh lành

 

Điều nên đặc biệt quan tâm là Đức Thầy đặt nặng về Tu Nhân, cho nên trong Tám điều răn cấm, Tu Nhân được đặt ở hàng đầu nơi điều răn thứ nhứt. Còn vấn đề Học Phật, Đức Thầy cũng có đề cập đến nhưng đặc biệt khuyên tu Tịnh độ (I) còn các môn khác như: Tam nghiệp, Bát chánh, Tứ diệu đề, Thập nhị Nhân duyên, Lục căn Lục trần... thì Ngài chỉ luận giải với tính cách Học Phật hơn là Tu Phật.

 

Tại đâu không Tu Phật mà chỉ Học Phật?

 

Có nhiều lý do:

 

Thứ nhứt.- Sứ mạng của Đức Thầy là cứu độ đa chúng sanh thuộc hạng tại gia cư sĩ như Ngài đã giải:

 

“ Đạo Phật từ xưa đến nay luôn luôn phân làm hai hạng người”.

 

1) Hạng xuất gia.

 

2) Hạng tại gia.

 

Hạng xuất gia: Gồm có cácnhà sư hay những ni cô đã hoàn toàn ly khai với gia đình, quê hương, bè bạn, dựa thân vào cửa thiền, hoặc núi non am cốc, hằng ngày chỉ chuyên lo kinh kệ săn sóc cảnh già lam, trau luyện đức lành dồi mài trí tuệ hầu giảng giải cho bá tánh, thập phương nghe để quay đầu hướng thiện qui y Phật Pháp không còn thiết đến việc đời. Gia đình nhà cửa nhà sư là cả thế gian, thân quyến nhà sư là cả khắp nhân loại đại đồng.

 

Đó là hạng người dốc tu cho mau thành Phật quả, thoát kiếp luân hồi.

 

Hạng tại gia: Gồm tất cả đại chúng, tất cả thiện nam tính nữ chưa đủ những điều kiện xuất gia, vì còn thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc với gia đình đồng bào xã hội nên chưa thể làm như các nhà sư hay ni cô đặng. Tuy vậy họ cũng sẵn sàng hoan nghinh ca tụng lý tưởng từ bi bác ái đại đồng của nhà Phật và luật Nhân quả do Phật thuyết ra. Thế nên, ở tại nhà họ phượng thờ Đức Phật, phát nguyện qui y, giữ gìn ít điều giới luật hằng coi kinh sách, sửa tánh răn lòng ủng hộ các nhà sư. Như thế họ cũng lần lần lên con đường giải thoát.

 

Đây là hạng người Học Phật Tu Nhân. Bàng xát như trên, thế rằng toàn thể trong đạo chúng ta thuộc hạng tại gia cư sĩ, Học Phật Tu Nhân.

 

Thứ hai. - Ở vào thời kỳ Hạ ngươn Mạt pháp này, chúng sanh phần lớn căn cơ thiển bạc, phước mỏng nghiệp dày, chẳng những không đủ khí lượng trường trai khổ hạnh, cắt ái ly gia, hành trình các pháp tự tu tự độ, cứu cánh giải thoát; hơn nữa thì giờ quá gấp rút dẫu có tu cũng không kịp.

 

Thứ ba. – Trong lúc chưa có minh chúa ra đời chuẩn hứa thì dầu có tu cũng không chứng đắc quả, vị như câu chuyện sau đây:

 

Theo Ông Huỳnh-Hữu-Phỉ, một môn đệ kỳ cựu và thân cận nhật của Đức Thầy kể lại rằng:

 

Vào năm 1941, khoảng tháng năm âm lịch, lúc Đức Thầy ngụ tại nhà Ông Ký Giỏi ở Bạc liêu, tôi (lời ông Phỉ) được phép đến thăm và trong 3 đêm liền, Đức Thầy giảng giải cho nghe cách thức cúng lạy hàng ngày, phương pháp ngồi niệm Phật cùng nhiều vấn đề khác. Lúc bấy giờ, tôi cảm thấy chán đời giả tạm, nên đến xin thầy chỉ dạy phương pháp tu giải thoát.

 

Đức Thầy liền giải thích: Chưa được đâu. Hiện nay đất nước ta chưa thoát ách đô hộ của Pháp, nhân dân còn khổ sở đâu có an ổn mà tu giải thoát. Hãy làm nhân đạo cho xong đã để khi có minh chúa ra đời, nếu muốn hưởng giàu sang thì ở lại phò vua giúp nước bằng muốn tu giải thoát chừng đó thầy sẽ dẫn dắt nhưng phải có sự ẩn chứng của minh đế, mới giải thoát được. Bây giờ dầu có tu cũng uổng công mà thôi.

 

Rồi Đức Thầy kể lại sự tích một vị vua kia (có thể vua Càng Long) đi du ngoạn. Một hôm quân gia cheo thuyền rồng làm đứt quai chèo bèn ghé thuyền nơi ven rừng để bứt mây làm quai. Khi ấy nghe có tiếng rên trong rừng, vua mới hỏi vị quân sư theo hầu về tiếng rên ấy. Vị quân sư cho biết: đó là tiếng rên của ông Từ Thứ đã lâu năm tu ở khu rừng này, đến nỗi cây cỏ bám rễ vào thân thễ của ông, cho nên khi bứt dây làm đến thân thể ông đau nhức, do đó mới có tiếng rên. Nhà vua hỏi: Ông Từ Thứ tu đã lâu sao chưa thành đạo?

 

Quân sư đáp: Vì chưa có sự ẩn chứng của một vị minh đế, nên Từ Thức chưa siêu thoát.

 

Liền đó nhà vua bèn phán: Ta chứng quả cho Ông Từ thứ đó, ngày giờ này chưa thành đạo còn chờ chừng nào nữa. Vua vừa dứt lời thì Từ Thứ siêu hóa.

 

Đức Thầy kết luận: Đó có thấy không. Hãy tu Nhân đạo lo đền đáp Tứ đại trọng ân cho xong, rồi sau bước qua thời kỳ Thượng ngươn, có minh chúa ra đời ẩn chứng cho, mới tu giải thoát được.

 

Vì những lý do kể trên nên Đức Thầy khuyên Học Phật chớ chưa chủ trương Tu Phật các hạng xuất gia.

 

Huống chi Học Phật là một pháp môn vừa đem lại lợi ích cho chúng sanh mà đa số căn cơ còn thiển bạc chưa đủ khí lượng hành trì những pháp môn tự lực của Thiền tông hay những pháp môn khó tu khó đắt khác.

 

Vả lại môn Học Phật có những ích lợi thực tiễn như sau:

 

1.) Học Phật để biết những giáo lý cao siêu của Phật Pháp như luật Nhân Quả, lý Nhân Duyên, nguồn gốc sự khổ... hầu có xa lánh mọi lỗi lầm tà khúc có hại cho huệ mạng.

 

2.) Trong lúc ngăn ngừa điều ác tự nó làm phát triển các hạnh lành, như trừ bỏ Thập ác thì đương nhiên được Thập thiện, hiểu lý nhân duyên thì phiền não ít phát sanh, thân tâm được an lạc.

 

3.) Học Phật, là để trang nghiêm các hạnh lành, chuẩn bị công đức cho sự Tu Phật, tiến lên con đường giải thoát.

 

Không Học Phật thì khó nhận được chơn lý, không phá tan được màng vô minh đen tối che mờ căn trí, cứ mãi lạc lầm trong tội lỗi, luân chuyển trong kiếp luân hồi. Cho nên muốn được giải thoát, bước đầu tiên là phải Học Phật.

 

Tóm lại, Học Phật là phương pháp ngăn ngừa điều ác, phát triển hạnh lành một cách tích cực. Nó mới đạt được điểm Nhiếp thiện nghiệp giới, hoàn thành hạnh tự giác.

 

Nhưng pháp môn của Đức Thầy là đào luyện nên hạng người Hiền Đức, chẳng những bằng hạnh Tự giác tiêu cực còn bằng hạnh giác tích cực nữa. Đó là môn Tu Nhân hay mục Nhiêu ích hữu tình giới.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn