Điều thứ bảy:

01 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 27009)
Điều thứ bảy:

 
Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay đạo đức, ta phải suy xét cho minh lý rồi sẽ phán đoán việc ấy.

 

Sau khi đưa tín đồ từ chỗ tu nhân đến chỗ khai tâm, Đức Thầy tiến đến chỗ khai trí bằng cách khai mở đức tánh: Suy xét.

 

Đây là một mục tối quan trọng trong tám điều răn cấm. Nó là chiếc chìa khóa mở cửa vào con đường đạo. Nếu không mở được cửa trí thì khó mong công quả đạt thành, vì rằng nếu người tu hành thiếu óc suy xét thì không sao thoát ra khỏi chốn mê lầm, dễ nhận ngụy làm chơn, nhận tà làm chánh. Khi đã có cái nhận định sai lầm thì công phu tu hành, cũng như trứng khi không biết ấp thành ra ung rữa, uổng phí cuộc đời.

 

“Suy xét là biết nghĩ ngợi để tìm hiều rõ nguồn cội của các việc làm”, cho minh bạch lý chơn, nhiên hậu có sự phán đoán chánh xác đúng với thật tướng, với lý chơn thật.

 

Ở đây, Đức thầy bảo ta suy xét hai điều: Sự đời và đạo đức.

 

Về sự đời, ta phải suy xét đâu là chánh nghĩa, đâu là tà ngụy. Chánh nghĩa sẽ đi đúng với lẽ phải với lòng dân, với đại nghĩa của quốc gia dân tộc, không vụ danh lợi. Trái lại những việc gì không đúng với lẽ phải, không hợp lòng dân, không phụng sự cho đại nghĩa quốc gia dân tộc, vụ danh lợi là ta ngụy.

 

Đơn cử trường hợp của Quan Thượng đẳng đại thần Nguyễn-Trung-Trực để cho ta nhận rõ chánh nghĩa. Trong bài nguyện qui y, Đức Thầy bảo ta qui y theo Ngài và các Ngài tu hiền theo Phật đạo. Xét ra, Quan Thượng đẳng đã bị thực dân Pháp hành quyết, nghĩa là việc làm của Ngài chống Pháp, chống xâm lăng, không được thành công. Thế sao Đức Thầy bảo ta qui y theo Ngài, nếu không vì Ngài phụng hành chánh nghĩa. Thế nên, khi nhận xét ra chánh nghĩa thì dầu phải gian nguy, hy sanh tánh mạng, ta cũng không chối từ hay tìm đàng thối thoát.

 

Đó là về phương diện đời. Đến như về phương diện đạo đức ta phải suy xét cho ra chánh pháp rồi mới phụng hành theo giáo pháp chơn thật của Đức Thế Tôn. Trái với chánh pháp là tà pháp. Mà tà Pháp thì đưa chúng sanh theo ma vương, quỉ quái. Nếu nhận ngụy làm chơn, nhận tà làm chánh thì rất uổng công phu tu học.

 

Đức Thầy có khuyên:

 

Đừng bạ đâu tin bướng nghe càn

Làm ngu muội đọa thân uổng kiếp.

 

Vì đâu đọa thân uổng kiếp? Vì rằng nếu theo tà giáo, tà pháp thì chẳng những uổng kiếp tu hành mà còn đọa thân ở hậu lai, bởi ta đã kết duyên với phe tà thì muôn đời ngàn kiếp phải làm tôi tớ cho ma quỉ.

 

Nếu ta suy xét cho minh lý, nhận được chánh nghĩa, chánh pháp, tức là ta phá được ác kiến hay ngũ lợi sử:

 

1) Thân kiến – Chấp thân ngũ uẩn giả hợp là thật có.

 

 

2) Biên kiến – Chấp một bên, như chấp thần này còn hoài, hay chấp thân này chết đi là hết.

 

3) Tà kiến – Chấp theo các lối tà vọng, mê tín dị đoan, chẳng tin lý nhân quả.

 

 

4) Kiến thủ - Bảo thủ điều hiểu biết sai lầm của mình.

 

5) Giới cấm thủ - Giữ giới cấm một cách vô lý.

 

Một khi phá được ác kiến hay ngũ lợi sử thi theo nhà Phật chứng quả tu đà hoàn tức là quả Nhập lưu, là một một quả thập nhứt trong bốn quả Thánh, như con thuyền mới vào dòng nước. (Nhập lưu)

 

Có thể ví việc phá ác kiến như việc người mở được cửa ngỏ, chỉ mới qua được lớp hàng rào, còn phải trải qua sân, lên thềm, vào nhà rồi mới có ngôi vị. Ví bằng không mở được cửa ngỏ, mà cứ mãi lanh quanh đi bên ngoài vòng rào thì sớm muộn gì cũng đạp chong gai hay lọt xuống hầm hố.

 

Vì vậy điều răn thứ bảy rất quan trọng. Nếu không suy xét cho minh lý thì không sao tránh khỏi hầm hố của mê lầm mà đọa thân uổng kiếp.

 

Nói tóm lại, với mục suy xét, Đức Thầy phá tan ác kiến hay Ngũ lơi sử.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn