III. Ngăn Ngừa Điều Ác

01 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 25389)
III. Ngăn Ngừa Điều Ác

 

Muốn trở nên người Hiền, trước phải ngăn ngừa đừng phạm các điều ác cũng như muốn trở nên giàu trước phải giữ không mắc nợ, gây tạo nên nợ hay trả dứt nợ.

 

Để ngăn ngừa điều ác, trong bất cứ tôn giáo nào cũng đều có giới luật bắt môn nhơn đệ tử phải tuân thủ, vì rằng khi đã nhận làm môn nhơn đệ tử của một tôn giáo nào mà không nghiêm thủ giới luật thì mới lấy đâu bảo đảm rằng kẻ kia là một tín đồ.

 

Phàm vào một hội gì, một hội ái hữu chẳng hạn, hội cũng có điều lệ nội qui bắt hội viên phải tuân thủ, huống chi là một nền đạo, nếu không giữ giới thì sao được gọi là tín đồ. Một người tín đồ có khác chăng với kẻ ngoại đạo là chỗ nghiêm thủ giới luật, vì giới luật có công năng rèn luyện cho người tín đồ những đức tính cao cả, tránh mọi sai lầm có thể làm giảm hạ giá trị con người, hạnh đức của người tu.

 

Thế nên trong đạo Phật, giới luật đứng đầu các hạnh. Đàm Nhứt Luật sư có nói rằng: Tam thế Phật pháp, giới vi căn bản, bản chi bất tu, đạo viễn hồ tai! Chư Phật ba đời thuyết pháp, đều lấy giới hạnh làm căn bản; căn bản không tu, xa đạo lắm vậy!

 

Kinh Phạm Võng là bộ kinh nói về giới luật có viết: “Giới minh như nhựt nguyệt, diệc như anh lạc châu; vi trần Bồ tát chúng, do thị thành chánh giác”. Có nghĩa: Giới sáng như mặt trời mặt trăng, cũng như hột châu anh lạc: các vị Bồ tát đông như vi trần, đều nhờ trì giới mà được thành chánh giác.

 

Trong đạo Phật, giới luật là hạnh đứng đầu mà hành giả phải nghiêm thủ, vì rằng có giữ GIỚI nghiêm minh thì tâm tánh mới an ĐỊNH và tâm được định thì TUỆ mới phát. Cứu cánh của đạo Phật là đạt đến trí tuệ. Nhưng muốn đạt trí tuệ, trước hết tâm phải định và muốn cho tâm định, trước hết phải giữ giới luật. Mọi pháp môn hành đạo của Đức Phật chỉ dạy đều khởi từ giới để đi đến Tuệ. Trong Lục độ của pháp tu Bồ tát hạnh, sau Bố thí hạnh Trì giới rồi đến Nhẫn nhực, Tinh tấn, Thiền định và rốt hết là Trí tuệ.

 

Công năng của Giới luật là để ngăn ngừa những việc làm ác và đồng thời làm phát triển các việc làm lành. Trong Phật Giáo có ba lối để ngăn ngừa việc ác và phát triển điều lành mà Luật tạng gọi là Tam trụ giới:

 

1. Nhiếp luật nghi giới là gìn giữ mọi điều cấm giới để ngăn ngừa mọi điều ác không khởi lên. Như đã khởi rồi thì ăn năn cải hóa mà danh từ Phật học gọi là sám hối. Sám là ăn năn những tội lỗi đã làm, hối là nguyện không tái phạm. Phàm đã sám hối thì chẳng những tội không tái phát mà còn tự tiên dần. Trong kinh Nghiệp bao sai biệt có nói: “Nếu người phạm tội nặng mà có thể dứt được những tội căn bản”.

 

2. Nhiếp thiện nghiệp giới là khi gìn giữ các điều ác không cho khởi thì đồng thời nên làm các điều thiện. Phàm việc thiện chưa khởi thì nên làm cho nó khởi lên. Ví bằng đã khởi thì tiếp tục làm cho nó nảy nở. Như mười điều ác của thân, khẩu, ý một khi đã ngăn ngừa tức là thực hành được mười điều thiện: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói hai lưỡi, không nói ung ác, không nói ỷ thị, không nói dối, không tham lam, không nóng giận, không mê si”.

 

 

3. Nhiêu ích hữu tình giới là khi làm mọi việc lành có ích chi sự tu thân lập mạng của mình rồi thì nên phát triển những công cuộc từ thiện hữu ích ấy đến các giới hữu tình. Đó là công nghiệp của những người tu Bồ tát hạnh, hoàn thành cả hai mặt tự lợi lợi tha. Nhờ có những công đức ấy làm nền tảng nên cái nhân tu hành thêm sâu dày, tích lũy cho đến ngày viên mãn, chứng quả vô lậu”. (I)

 

Tam tụ giới này làm căn bản cho tất cả các luật nghi của Đạo Phật. Còn sự phân định ra Ngũ giới, Thập giới hay Nhị bách ngũ thập giới là tùy theo trình độ của người tu, mỗi hạng có mỗi giới luật khác nhau, có thứ khoan, có thứ mật.

 

Về giới tín đồ Đạo Phật có phân ra làm hai hạng: hạng cư sĩ tại gia và hạng xuất gia. Về hạng tại gia thì có Ngũ giới, Thập giới; còn về hạng xuất gia thì Tỳ khưu có 250 giới và Tỳ-khưu ni có 500 giới.

 

Tín đồ Phật-Giáo Hòa-Hảo thuộc hạng tại gia cư sĩ, đáng lý thọ Ngũ giới hay Thập giới nhưng Đức Thầy đặt ra Bát giới tức là tám điều răn cấm. Sở dĩ có chỗ không đồng nhứt, chẳng qua vì căn cơ của chúng sanh ở thời kỳ mạt phá, hơn nữa là để phù hợp với pháp môn Học Phật Tu Nhân mà cứu cánh là đưa dắt chúng sanh đến cõi Thượng ngươn hay vãng sanh về cõi Cực Lạc.

 

Thắng diệu của Phật pháp là luôn luôn đối cơ và hạp duyên. Có nghiên cứu Tám điều răn cấm của Đức Thầy, chúng ta sẽ thấy chỗ diệu dụng và siêu thắng ấy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn