Mẩu chuyện số 79 - ĐỨC THẦY ĐỘ THẦY KIỆN DẬU (* 6)

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 44868)
Mẩu chuyện số 79 - ĐỨC THẦY ĐỘ THẦY KIỆN DẬU (* 6)

Năm Canh Thìn 1940, lúc người Pháp dời Thầy về làng Nhơn Nghĩa Cần Thơ lưu trú tại nhà ông Hương bộ Võ Mậu Thạnh ở rạch So Đũa. Nơi đây, xưa kia là một vùng dân cư còn thưa thớt thì nay lại đông đúc. Ghe xuồng đổ xô lại nhà ông Hương bộ. Lúc nào người ta cũng lại tấp nập, kẻ nhờ Ngài cho thuốc cho bùa để trị bịnh, người đến nghe thuyết pháp và phát nguyện qui y.

* 6-Thầy Kiện Dậu: Tức ông Luật Sư Mai văn Dậu, người quê Long Xuyên, du học Pháp đỗ bằng Cử nhân luật, 1940 qui y theo PGHH, theo hoạt động với Đức Thầy và được cử làm Chánh văn phòng. Năm 1947 đại diện PGHH trong Ban Hòa giải “xô xát” giữa PGHH với Việt minh ở Miền Tây. Ông có mặt tại Đốc vàng ngày 16-4-1947 khi Đức Thầy bị Bửu Vinh (VM) ám hại tại đây. Về già, ông về Ô Môn cất am chuyên lo tu hành cho đến chết.

Lúc ấy cô giáo Sang, vợ ông thầy kiện Dậu, đang mắc bịnh phổi khá nặng, đã chạy chữa khắp nơi mà không thuyên giảm chút nào. Về thấy bịnh vợ quá nặng, nên ông luật sư Mai văn Dậu mới chở bà qua Pháp để chữa bịnh. Nhưng ông lại thất vọng, vì 6 ông bác sĩ ở Pháp cũng không trị được hết bịnh của vợ ông. Lúc bấy giờ bà mới bàn với chồng: “Thôi ông đem tôi về nước đi. Bịnh tôi chắc phải chết, chớ không thể sống được. Thà về chết tại nhà để cho có đủ thân bằng quyến thuộc. Chớ tôi không thể nào mạnh nổi đâu ông à!”

Thế là ông thầy kiện Dậu đưa vợ về nhà. Bấy giờ bà con lối xóm đến thăm, thấy bịnh bà quá nặng. Có người chỉ ở nhà ông Bộ Thạnh ở Xà No có ông Đạo linh lắm. Từ khi xuống đây tới giờ, Ông Tư đã cứu biết bao nhiêu người được khỏi chết. Có nhiều bịnh bác sĩ Đông Tây đều bó tay, nhưng đem đến Ông Tư thì khỏi bịnh một cách dễ dàng. Ban đầu cô giáo Sang chưa tin, nhưng rồi cô được nhiều người điềm chỉ quá, nên cô quyết đến để nhờ Thầy trị bịnh. Nhưng biết ý chồng mình không bao giờ tin tưởng và đồng ý cho mình đi đến mấy ông Đạo mà trị bịnh bao giờ. Vì theo ông thì chỉ tin theo khoa học là tuyệt đối, còn về thần quyền thì ông không thể tin có được.

Thế nên thừa lúc ông đi vắng, bà mới kêu gia nhơn đưa bà đi Xà No để gặp Đức Thầy.

Đi đến nơi. Họ bồng bà lên đặt tại bộ ván, bà chỉ còn một hơi thở yếu ớt. Người ta nhờ Thầy trị bịnh. Thầy bảo:

-Ở Pháp 6 ông bác sĩ đã chạy rồi, bây giờ tôi đâu có thuốc gì mà nhờ tôi trị.

Nói thế nhưng Ngài cũng từ bi vào trong múc một ly nước lạnh đem trao cho cô giáo Sang và bảo:

-Cô hãy uống 1/4 ly nước nầy đi, còn bao nhiêu đem về uống thêm thì hết, chớ không sao đâu.

Cô giáo Sang tiếp ly nước, uống xong cô thấy trong người khỏe mạnh rất nhiều. Cô mừng rỡ tạ ơn Thầy, rồi tự đi xuống thuyền, chớ không phải bồng ẫm như khi nãy.

Khi được mạnh hẳn, bà mới kể lại chuyện nầy cho ông thầy kiện nghe. Chẳng những ông không tin mà còn bài bác nữa. Mẹ ông nói; “Ông Tư hòa Hảo là vị Phật lâm phàm để cứu dân độ thế, con không nên bài bác mà có lỗi với bề trên, hãy nghe lời mẹ đến đó để tạ ơn Ngài, vì Ngài đã cứu tử cho vợ của con.

Để tỏ ra người biết phải trái nghĩa nhân, ông thầy kiện không dám cãi mẹ. Hôm sau cho người chèo thuyền đưa ông đi đến gặp Đức Thầy. Đúng ý của ông thầy kiện là ngoài chuyện vừa lòng mẹ mình ông muốn biết rõ coi ông Đạo nầy đức độ ra sao mà người người đến tấp nập để qui y và không tiếc lời ca tụng.

Trước khi đi, ông đã viết sẵn một bài thơ để bài bác Đức Thầy, khi xuống ghe ông đọc đi đọc lại cho thuộc lòng, rồi bật hột quẹt đốt bài thơ ấy, vói ra cửa bỏ tàn xuống sông.

Khi đến nơi, Thầy nhìn ông thầy kiện cười và nói rằng:

-Trước khi đi đến đây ông có viết bài thi cho tôi,

Vừa nói Ngài vừa đưa bài thi cho ông thầy kiện xem và hỏi:

-Ông nhìn coi có phải là bài thi của ông không?

Ông Dậu tái mặt, vì bài thi đó ông đã đốt và bỏ xuống sông khi nãy, mà nay bài thi nầy trong tay của Thầy. Quả thật không sai, chính dòng chữ và lời văn của mình. Vì quá kính phục Đức Thầy, nên sau khi nghe pháp ông thầy kiện Dậu liền phát nguyện qui y.

Viết theo lời ông Trần Minh Quang.

PHẦN NHẬN XÉT:

Chẳng những một cô giáo Sang được Đức Thầy cứu khỏi bịnh ngặt mà cả hàng ngàn hàng vạn người được Ngài cứu khỏi mà phát nguyện qui y. Bởi căn cơ của chúng sanh, sanh ở vào thời Hạ nguơn nầy phần nhiều là kẻ nghiệp nặng tình sâu, thế nên phương tiện của Ngài phải tùy cơ mà hóa độ.Tuy có phải dùng “Tam độ Nhứt như”, nhưng mục đích chánh của Ngài là:

Dìu nhơn sanh khỏi chốn mê lầm,

Bờ giác ngạn kiên tâm lần bước tới.

Ông thầy kiện Dậu cũng như những học giả khác, bởi ỷ vào sự học rộng hiểu nhiều của mình nên cái tự ngã quá nặng. Dưới mắt của ông là không ai có thể hơn mình. Nên dù vợ ông đã được Ngài cứu khỏi bịnh nan y, thế mà, thay vì sự biết ơn ông lại còn làm thi để tỏ ra kiêu ngạo. Trường hợp này, nếu Đức Thầy không cho ông thấy được lẽ diệu huyền của Phật pháp thì khó diệt được tánh kiêu ngạo của ông Dậu. Thật Ngài quả là một bậc đại giác nên rất tự tại trên phương diện hóa chúng độ tha.

Câu chuyện trên cho ta thấy tài phương tiện khéo léo của Đấng cha lành đã từ bi tế độ hết các bậc, dù sang hèn, ngu trí, nếu chịu hồi tâm thì được Ngài dìu đến bờ an lạc.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn